Đời sống Úc: VietSchool và các lớp tiếng Việt trực tuyến

Vietschool.jpg

Tiến sĩ Trần Hồng Vân dạy tiếng Việt trong một lớp học trực tuyến. Source: Vietschool

Để giúp thêm nhiều học trò ở xa trường ngôn ngữ cộng đồng có thể học tiếng Việt, VietSchool đã mở các lớp trực tuyến từ học kỳ 2 năm 2024. Tiến sĩ Trần Hồng Vân chia sẻ về việc áp dụng phương pháp dạy học hiện đại của trường để giúp trẻ yêu thích học tiếng Việt.


Là một nhà nghiên cứu về giáo dục song ngữ cho trẻ em ở nước ngoài, cũng là người dẫn chương trình Cùng giữ tiếng Việt của SBS Việt Ngữ, tiến sĩ Trần Hồng Vân cho biết chị luôn cố gắng lan tỏa tinh thần giữ tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở Úc.

Đặc biệt, sau khi thực hiện dự án VietSpeech nghiên cứu về năng lực tiếng Việt của trẻ em gốc Việt ở Úc và việc duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở Úc, cũng như tham gia giảng dạy tại một số trường ngôn ngữ cộng đồng, Tiến sĩ Hồng Vân muốn mở các lớp học tiếng Việt với giáo trình hiện đại và theo phương pháp hiện đại nhằm giúp học trò hứng thú với việc học tiếng Việt hơn.
0f77906a-b2b4-47f0-9620-66078d0c51f6.jpg
Một lớp học tiếng Việt trực tuyến của VietSchool. Source: Dr Tran Hong Van
Khởi đầu là những lớp tiếng Việt tại nhà và tại trường ở khu vực địa phương. Sau đó, được sự hỗ trợ của tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney và Câu lạc bộ Golf VN-OZ, chị Hồng Vân đã sáng lập trường Vietschool dưới sự quản lý của bộ giáo dục NSW và liên trường ngôn ngữ cộng đồng.

“Từ những thành quả của dự án VietSpeech để hỗ trợ trẻ học tiếng Việt tốt hơn, mình đã tìm ra những bằng chứng để có thể làm tốt hơn công việc giảng dạy.” Chị Hồng Vân chia sẻ.

Nhận thấy các lớp học gặp mặt trực tiếp ở nhà và ở trường chỉ hỗ trợ được một số học trò nhất định, trong khi vẫn còn rất nhiều học trò ở xa hoặc ít cơ hội di chuyển đến lớp để học tiếng Việt, chị Hồng Vân quyết tâm mở thêm các lớp học trực tuyến.

“Năm nay là năm đầu tiên trường Vietschool mở lớp online, có rất nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều điều thú vị.”
4d058ae2-a3c8-4b2e-bd96-628c202fe8dd.jpg
Một lớp học tiếng Việt tại nhà của Vietschool. Source: Dr Tran Hong Van
Tiến sĩ Hồng Vân cũng chia sẻ một số giải pháp khắc phục những khó khăn của lớp học trực tuyến, bao gồm việc đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn của trường, đa dạng các hoạt động như bài tập thông qua trò chơi, thiết kế các trò chơi học tập trên Kahoot, lồng ghép chương trình học chữ và kiến thức khoa học, đố vui để học, và đặc biệt là sáng kiến cho học trò viết nhật ký mỗi ngày một câu bằng tiếng Việt.

“Từ dự án nghiên cứu VietSpeech thì mình thấy trẻ em học tiếng Việt ở nước ngoài rất khó, chương trình học phải vui thì trẻ mới yêu thích học.”

“Tất cả học sinh tham gia VietSchool cần cảm thấy vui khi học tiếng Việt. Để các em mong chờ đến giờ học thì mình phải làm thế nào để giờ học vui, phù hợp với sở thích của trẻ con và phù hợp với trình độ của các em.”
ca783354-2353-4ec6-ab95-d1c681d26f19.jpg
Một lớp học tiếng Việt ở trường Burwood girl. Source: Dr Tran Hong Van
Tiến sĩ Trần Hồng Vân cho biết, các lớp tiếng Việt online của trường chỉ học trực tuyến 60 phút mỗi cuối tuần, nhưng kèm theo các hoạt động để bảo đảm học sinh dành thêm ít nhất 60 phút học tiếng Việt ở nhà với sự hỗ trợ của cha mẹ.
Yếu tố quan trọng nhất vẫn là cha mẹ nói tiếng Việt với con và cha mẹ phải thực sự quan tâm và hỗ trợ con học tiếng Việt.
Tiến sĩ Trần Hồng Vân
Chị Hồng Vân cho biết, nhà trường cố gắng thiết kế những dạng bài tập để trẻ thích làm bài, nhưng rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

“Khi học sinh tham gia học ở VietSchool thì nhà trường yêu cầu phụ huynh ký cam kết nói tiếng Việt với con ở nhà và phải dành ít nhất một giờ mỗi tuần hoặc 10 phút mỗi ngày để giúp đỡ, động viên con làm bài.”

Khi được hỏi về kết quả bước đầu của các lớp tiếng Việt trực tuyến ứng dụng giáo trình và phương pháp hiện đại, chị Hồng Vân chia sẻ:

“Kết quả mình mong muốn không chỉ được ghi nhận bằng những con số mà còn được ghi nhận bằng những lời nói và cử chỉ của học sinh và các gia đình, khi các con vui vẻ nhiệt tình học tiếng Việt. Đó là kết quả tích cực.”

Mời quý vị vào phần Audio để nghe cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Hồng Vân.

Share