Cùng giữ tiếng Việt: Ai sát cánh cùng cha mẹ trên hành trình giữ tiếng Việt cho con?

Screen Shot 2023-04-27 at 10.40.35 am.png

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Duy trì tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài là một công việc đòi hỏi nỗ lực tổng hợp của gia đình, cộng đồng và xã hội. Ngoài vai trò tối quan trọng của cha mẹ, không thể không nhắc đến những đóng góp của các thầy cô và các nhà nghiên cứu, những người vẫn thầm lặng sát cánh bên cha mẹ các em nhỏ, hỗ trợ các gia đình bằng những giờ dạy thiện nguyện, bằng những công trình nghiên cứu đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.


Ngày 15/4/2023, Hội thảo dành cho Giáo viên Ngôn ngữ Cộng đồng do Liên đoàn các Trường Ngôn ngữ Cộng đồng bang NSW tổ chức thường niên đã diễn ra tại trường Đại học UTS. Năm nay hội thảo có sự tham gia của hơn 550 giáo viên và các nhà quản lý đến từ gần 100 trường ngôn ngữ cộng đồng của tiểu bang NSW.

Trên toàn tiểu bang NSW, hiện có khoảng 3000 giáo viên tình nguyện dạy các lớp học ngôn ngữ cộng đồng tại 583 địa điểm khác nhau, với khoảng 35.000 em học sinh học trên 60 ngôn ngữ khác nhau.

Hội thảo bao gồm các phiên toàn thể với những bài trình bày vô cùng giá trị của các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ cho trẻ em và các workshop thảo luận các chủ đề liên quan đến giảng dạy ngôn ngữ cộng đồng.

Phiên toàn thể do Giáo sư danh tiếng Stephen Krashen đến từ ĐH Southern California, Mỹ, trình bày về việc học ngôn ngữ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách truyện với trẻ em để chúng yêu thích ngôn ngữ đang học.

Ba lợi ích chính của việc đọc sách truyện là 1) giúp tăng vốn từ vựng, ngữ pháp và cách diễn đạt phong phú; 2) giúp thêm kiến thức về thế giới xung quanh; và 3) đọc giúp hiểu hơn về những người xung quanh giúp con người trở nên thấu hiểu, cảm thông hơn.

Một điều không kém quan trọng là làm thế nào để trẻ thích đọc. Muốn trẻ thích đọc thì cha mẹ và thầy cô cần phải biết chọn cho trẻ những sách truyện mà chúng quan tâm và có hứng thú khi đọc. Khi đọc về những chủ đề trẻ yêu thích thì chúng sẽ hào hứng hơn là đọc những thông tin khô khan, không phải cái chúng quan tâm. Chính vì thế, việc chọn truyện sách nào cho trẻ đọc là rất quan trọng. Nếu con bạn thích đọc truyện tranh, hãy cho chúng đọc truyện tranh, nếu con bạn thích đọc về phát kiến khoa học, hãy tìm sách truyện về khoa học cho chúng đọc. Khi chúng đọc chính là lúc chúng đang học ngôn ngữ một cách tự nhiên. 

Làm thế nào để trẻ luôn có sách truyện để đọc cũng là một câu hỏi nhiều người quan tâm. Với các ngôn ngữ cộng đồng, số lượng sách truyện sẵn có không nhiều bằng sách tiếng Anh. Tuy nhiên các thư viện ở Úc hầu hết đều có sách truyện bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Các gia đình có thể mượn sách ở thư viện của địa phương mình ở hoặc mượn sách từ các thư viện khác thông qua thư viện địa phương. Trong trường hợp thiếu sách truyện, cha mẹ còn có thể dùng truyện sách tiếng Anh và dịch sang tiếng Việt khi đọc cho con.

Phiên toàn thể thứ 2 là bài trình bày của Tiến sĩ Bill Rogers, chuyên gia giáo dục nổi tiếng thế giới, người chuyên nghiên cứu và tư vấn về hành vi của học sinh. Với việc học tiếng Việt hay các ngôn ngữ cộng đồng khác, có một khó khăn là các em thường không hào hứng khi “phải” học tiếng mẹ đẻ và càng lớn thì việc này càng trở nên khó hơn do các em có nhiều ưu tiên khác hơn.

Làm thế nào để xử lý các tình huống ”thách thức” trong lớp học như các em nói chuyện riêng, xem điện thoại, đến lớp muộn, đùa nghịch trêu trọc nhau trong lớp, … Các thầy cô trên lớp nên nói gì hay không nên nói gì trong những tình huống thách thức đó. Tiến sĩ Rogers đã có một phiên toàn thể vô cùng hấp dẫn sử dụng các hình chiếu là tranh ông tự vẽ và các ví dụ về các tình huống trong lớp với lối nói chuyện, diễn xuất hài hước khiến cả hội trường vô cùng thích thú.

Theo Tiến sĩ Rogers, khi các em học sinh có những hành vi không đúng trong lớp thì các thầy cô nên nhắc nhở các em dùng ngôn ngữ nhắc nhở tích cực (positive corrective language). Tức là thay vào việc nói: ‘’Đừng nói chuyện nữa, hãy nghe cô nói” thì nên nói: “Hãy nhìn vào đây và nghe cô nói”. Khi các em làm cho thầy cô rất khó chịu và bực mình thì hãy cố gắng bình tĩnh để tránh đưa ra các câu hỏi như: “Tại sao em lại nói to trong lớp?” hay “Em làm cái gì thế này”, “Em lấy đâu ra đồ chơi này?”, … Ngoài ra, các thầy cô cũng nên nhắc nhở các em muốn phát biểu thì giơ tay và đợi đến lượt mình được gọi mới nói chứ không tự do nói trong lớp, tránh tình trạng lớp học trở nên ồn ào, khó kiểm soát và cũng để đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội phát biểu.
Screen Shot 2023-04-27 at 10.40.44 am.png

Phiên tòa thể thứ 3 là bài trình bày của Tiến sĩ Criss Jones Diaz, chuyên gia nghiên cứu về giáo dục đa ngữ đến từ trường đại học Western Sydney. Nghiên cứu của Tiến sĩ Jones Diaz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ tiếng mẹ đẻ từ sớm và vai trò của các trường mẫu giáo mầm non trong việc cung cấp môi trường để trẻ có thể tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ ở trường học. Tiến sĩ cũng cho biết theo nghiên cứu của bà thì các gia đình mong muốn con em họ được học tiếng mẹ đẻ từ các trường mầm non nhưng chính sách giáo dục ngôn ngữ của Úc hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Trong phần workshop, TS Trần Hồng Vân thay mặt nhóm nghiên cứu dự án VietSpeech của trường ĐH Charles Sturt đã trình bày nghiên cứu về duy trì tiếng Việt ở các gia đình người Việt ở Úc và các yếu tố ảnh hưởng. Workshop có sự tham gia của hơn 60 giáo viên từ các trường Việt ngữ thuộc Liên trường Việt ngữ NSW và trường Việt ngữ Inner West. Như kết quả của dự án VietSpeech, các thầy cô cũng cho rằng cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ tiếng Việt cho con khi sinh sống ở nước ngoài. Cha mẹ phải nói với con bằng tiếng Việt ở nhà và phải có thái độ tích cực với việc duy trì tiếng Việt thì con mới nói giỏi tiếng Việt.

Các thầy cô tham dự workshop đã thảo luận sôi nổi các chủ đề như có nên dùng tiếng Anh khi dạy tiếng Việt cho các em hay không, vai trò của giáo trình trong việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Theo thầy Liêm Vũ, một giáo viên kỳ cựu và cũng là người sáng lập Liên trường Việt ngữ thì giáo trình tốt thì là điều kiện thuận lợi nhưng người thầy giỏi là người thầy có thể dạy được từ bất kỳ loại giáo trình nào. Giống như nấu ăn, người đầu bếp giỏi sẽ biết biến các nguyên liệu được cho thành các món ăn ngon. Người thầy nếu đầu tư thời gian vào chuẩn bị bài giảng sẽ thiết kế được những bài giảng hay, bất kể giáo trình như thế nào.

Theo thầy Phương, một giáo viên trẻ của Liên trường, giáo trình có nội dung cũ và dùng từ ngữ chưa cập nhật, còn tập trung nhiều vào kỹ năng đọc viết mà chưa đề cao kỹ năng nghe nói là một vấn đề khiến các giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để thiết kế bài giảng có nội dung hấp dẫn hơn cho học sinh. Nếu như có giáo trình tốt thì sẽ đảm bảo được tính thống nhất về nội dung và đồng nhất khi giảng dạy giữa các lớp học.

Chia sẻ của thầy Phương cũng tương tự như chia sẻ của 1 cô giáo khác, dạy tiếng Ba lan. Cô cho biết các bài đọc trong sách học tiếng cho trẻ hầu như rất dài và nội dung thiếu hấp dẫn, khiến cho trẻ không có hứng thú đọc, giáo viên phải bỏ thêm thời gian công sức để soạn lại.

Đến dự hội thảo năm nay, Vân cũng tranh thủ nghe những chia sẻ của các giáo viên dạy các ngôn ngữ cộng đồng khác. Một cô giáo dạy tiếng Bồ đào nha đến từ Wollongong cho biết cô đã dạy tiếng Bồ đào nha tại trường ở Wollongong 30 năm nay và số lượng học sinh giảm dần, đến giờ chỉ còn 12 em nhưng cô vẫn vui vẻ dạy các em vì biết đó là các em và gia đình các em mong muốn giữ tiếng mẹ đẻ của mình.

Một giáo viên tiếng Persian đến từ Iran chia sẻ về khó khăn cô gặp khi dạy:

Cái khó nhất là thái độ của bố mẹ, nhiều bố mẹ không coi trọng việc học tiếng mẹ đẻ, ra ngoài lớp học là nói tiếng Anh với con. Nhiều bố mẹ cho con đi học tiếng Persian vào cuối tuần nhưng ở nhà lại nói tiếng Anh với con vì họ bảo họ muốn giỏi tiếng Anh, họ cần luyện tập tiếng Anh nhiều hơn. Như thế là rất ích kỷ. 

Một cô giáo dạy tiếng Trung khác cho biết sự hỗ trợ của bố mẹ là vô cùng quan trọng, nhiều bố mẹ rất tâm huyết, về nhà giúp con làm bài, luyện tập thêm, và con họ cũng tiến bộ rất nhanh, so với các gia đình bố mẹ không biết con học gì hôm nay ở trường. Tuy nhiên cô cũng hiểu các gia đình nhập cư có những khó khăn của họ.

Nhiều bố mẹ quá bận rộn, họ phải kiếm sống ở Úc, họ có 3-4 đứa con, tôi hiểu họ không có thời gian để giúp con học ở nhà. Có bố mẹ đến bảo tôi: ‘’Xin lỗi, con tôi không có thời gian học thêm tiếng Trung ở nhà, nó bận lắm, nó phải chuẩn bị thi OC hay thi Selective”, tôi hiểu là mình không thể ép các em và gia đình các em được nên tôi giúp những em đó làm được càng nhiều bài càng tốt ở trên lớp.

Tôi vẫn thấy giá trị của công việc của mình vì tôi thấy nhiều em đến lớp với tôi lúc đầu không đọc viết được nhưng sau một thời gian học vói chúng tôi các em biết đọc biết viết, biết nói tiếng Trung cả trên lớp và trong cộng đồng, các em thấy tự hào vì mình nói được 2 ngôn ngữ. 

Thưa quý vị, rời hội thảo hàng năm dành cho các giáo viên các trường ngôn ngữ cộng đồng, Vân thấy trong lòng tràn ngập nhiều cảm xúc. Đó là lòng cảm phục đối với những thầy cô đã dành thời gian của ngày cuối tuần quý giá của mình cho các lớp học ngôn ngữ cộng đồng, nhiều người trong số họ có công việc toàn thời gian trong tuần những vẫn đến lớp cuối tuần để dạy cái chữ cho các em học sinh. Đa số họ làm công việc này với tinh thần thiện nguyện, không được trả lương hay chỉ nhận được 1 khoản thù lao nhỏ.

Đó cũng là sự cảm thông với các thầy cô khi các thầy cô chia sẻ là nhiều bố mẹ chỉ đem con đến trường Việt ngữ như chỗ trông trẻ cuối tuần, để đi chợ, đi làm tóc, hay đi uống cà phê, gặp gỡ bạn bè. Đó cũng là một chút băn khoăn về những vướng mắc của các thầy cô về giáo trình chưa cập nhật, chưa thống nhất.

Giá mà có một bộ giáo trình phù hợp hơn để các thầy cô không phải mất thời gian soạn thêm tài liệu dạy và cũng đảm bảo tính thống nhất trong nội dung dạy thì tốt biết mấy. Và trên tất cả, đó là niềm vui nho nhỏ, niềm tự hào khi được gặp những người cùng tâm huyết trong việc giúp duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người mà nếu ta gặp trên phố là những con người vô cùng giản dị nhưng đang làm một việc làm rất đáng trân trọng là dành thời gian quý báu của họ để giúp cho các thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 ở nước ngoài học tiếng Việt, giữ tiếng Việt và giữ bản sắc Việt dù có ở nơi nào trên thế giới.

Cám ơn các thầy cô và mong là các cha mẹ hãy tiếp sức với thầy cô bằng cách nói tiếng Việt với con ở nhà, để ý xem con học gì trên lớp với thầy cô và củng cố thêm cho con các kiến thức đó qua việc nói chuyện với con, cùng làm bài tập về nhà với con.

Xin cảm ơn cảm ơn các thầy cô của các trường Việt ngữ. Cám ơn quý vị đã theo dõi chương trình và xin hẹn gặp lại quý vị vào số tiếp theo của Cùng giữ tiếng Việt.

Share