Cùng giữ tiếng Việt: Yếu tố gì là quan trọng để học đọc, viết tiếng Việt tốt?

Eric Ly tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục tiểu học trường Western Sydney và có chứng chỉ năng lực tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ Cộng đồng, ĐH Sydney cấp

Eric Ly tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục tiểu học trường Western Sydney và có chứng chỉ năng lực tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ Cộng đồng, ĐH Sydney cấp Source: Supplied

Tại sao cùng một độ tuổi đi học tiếng Việt mà có những trẻ em Việt Nam ở nước ngoài học đọc, viết chậm hơn những trẻ khác? Những yếu tố gì có tác động đến việc học đọc, viết tiếng Việt?


Theo các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ trên thế giới và đặc biệt là nghiên cứu của dự án VietSpeech với trẻ em gốc Việt ở Úc thì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc học tiếng mẹ đẻ của trẻ khi ở nước ngoài.

Một số yếu tố chính là: độ tuổi khi ra nước ngoài (những trẻ có 1 số năm đầu đời sinh sống ở Việt nam rồi mới sang Úc sẽ có vốn từ vựng sẵn có, làm nền tảng tốt cho việc học đọc và học viết), việc bố mẹ nói tiếng Việt ở nhà với con, gia đình sinh sống gần cộng đồng người Việt, có ông bà, anh chị em nói tiếng Việt,….

Nếu để ý chúng ta có thể nhận thấy là đây đều là các yếu tố giúp trẻ có môi trường thực hành nghe, nói tiếng Việt tốt, giúp xây dựng cho các em vốn từ vựng để khi học đọc, học viết, trẻ thấy quen thuộc với các từ và đỡ thấy khó khăn.

Về mặt tâm lý thì điều này cũng rất quan trọng vì khi học tiếng Việt, như đã nhắc đến ở các chương trình trước, yếu tố vui vẻ, thoải mái cũng rất đóng vai trò không nhỏ, nếu trẻ thấy học không quá khó khăn, nó sẽ thích học hơn, ngược lại, nếu trẻ thấy so với các bạn, mình phải đánh vật khi đánh vần, ghép chữ vì không hiểu nghĩa các từ thì nó cũng dễ thấy nản, kém hứng thú với việc học tiếng Việt.

Vì vậy, điều vô cùng quan trọng giúp trẻ thấy dễ dàng và có hứng thú khi bắt đầu học đọc, viết tiếng Việt là trẻ đã có vốn từ vựng nghe, nói từ trước đó. 

Trong chương trình Cùng giữ tiếng Việt tuần này, chúng ta sẽ nghe những chia sẻ của Eric Ly, một chàng trai gốc Việt thuộc thế hệ thứ 2 ở Úc, để tìm hiểu những trải nghiệm của Eric khi học đọc và viết tiếng Việt.  Eric hiện đang dạy học ở 1 trường tiểu học ở Sydney và 1 trong những yêu cầu để được tuyển vào làm việc ở đó là giáo viên phải có năng lực tiếng Việt tốt, được kiểm chứng bởi Viện Giáo dục Ngôn ngữ Cộng đồng Úc, Đại học Sydney. 

Làm thế nào Eric nói tốt tiếng Việt? 

Eric hồi bé không đi học tiếng Việt, chỉ có ở trường học 1 ít giờ mà theo em là không đủ để phát triển năng lực tiếng Việt. Tuy nhiên, Eric có may mắn là có ba mẹ nói tiếng Việt hoàn toàn với con ở nhà và Eric cũng có nhiều cơ hội nói tiếng Việt với bà con, cô bác ở cộng đồng người Việt ở Bankstown, nơi Eric lớn lên. Ví dụ như khi đi ra chợ Việt, Eric có thể gặp rất nhiều bạn bè của ba mẹ, có thể nói chuyện với họ. Điều quan trọng nhất, theo Eric là thời của Eric, phụ huynh không nhiều người biết tiếng Anh nên trẻ con tuyệt đối là phải nói tiếng Việt với ba mẹ nên hình thành thói quen nói tiếng Việt từ bé. 

Thế còn đọc và viết tiếng Việt thì Eric học từ khi nào?

Cách đây 3 năm, em đi làm, thì thấy mình nói tốt tiếng Việt nhưng đọc và viết chưa biết, trong khi công việc cần mình dịch, đọc, viết các tài liệu tiếng Việt nên em đã tự học đọc và viết tiếng Việt, chỗ nào khó thì em dùng Google. 

Gần đây Eric đã thi lấy chứng chỉ chứng nhận năng lực tiếng Việt do Viện Giáo dục Ngôn ngữ Cộng đồng của trường ĐH Sydney cấp. Đây là một kỳ thi dành cho các giáo viên đi dạy tiếng Việt với cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Eric cần có chứng chỉ này mới xin được vào dạy học ở trường tiểu học ở Bankstown. Tuy nhiên, Eric chưa có nhiều cơ hội để dạy tiếng Việt cho các em vì nhà trường chưa có chương trình dạy tiếng Việt chính thức, nhưng với năng lực tiếng Việt của mình, Eric có thể giúp các em mới ở Việt nam học và hòa nhập vào môi trường mới. 

Tại sao các em nhỏ bây giờ cũng sinh ra và lớn lên ở những khu vực đông cộng đồng người Việt mà các em không giỏi tiếng Việt như thế hệ Eric trước đây?

Theo Eric, do bố mẹ các em nói tiếng Anh với các em, các em không có cơ hội nói tiếng Việt ở nhà, không luyện tập thường xuyên nên không nói giỏi tiếng Việt. Từ kinh nghiệm của bản thân, Eric tin rằng trẻ em học tiếng Anh ở trường và ngoài xã hội là đủ rồi, bố mẹ không phải là dân bản xứ tiếng Anh thì không nên nói tiếng Anh với các con. Bố mẹ nói tiếng Việt với con để con quen và học tiếng Việt dễ dàng hơn. 

Tại sao các em thế hệ thứ 2, thứ 3 ở Úc nên giữ tiếng Việt và văn hóa Việt?

Eric cho rằng nói được tiếng Việt là giúp mình có khả năng song ngữ, có những thêm các kỹ năng mà người khác không có, là lợi thế cho mình khi đi xin việc. Ngoài ra, nói được tiếng Việt cũng giúp nói chuyện, gần gũi với ba mẹ hơn. Eric sẽ không thể nói nhiều với ba mẹ nếu Eric không nói tiếng Việt, vì ba mẹ không rành tiếng Anh. 

Cám ơn Eric đã chia sẻ những suy nghĩ chân thành, cởi mở về việc học đọc và viết tiếng Việt cũng như lợi ích của việc biết tiếng Việt khi đi làm việc.

Đối với nhiều gia đình, khi con đến tuổi đi học, việc dạy đọc viết tiếng Việt cho con dường như rất khó khăn. Phần lớn những khó khăn này là do con đã không có thói quen nói tiếng Việt trước đó nên  không có vốn từ vựng làm nền tảng cho việc học đọc và học viết. 

Làm thế nào để tránh được những khó khăn này. Hi vọng câu chuyện của Eric trong chương trình hôm nay đã mang đến cho quý vị một thông điệp quan trọng, đó là nói tiếng Việt với con từ bé, đây là chìa khóa cho việc học đọc và viết tiếng Việt dễ dàng ở trẻ, cũng nhờ đó trẻ thấy việc học tiếng Việt không quá khó khăn so với các bạn đồng trang lứa và không nản chí khi học tiếng Việt.

Share