Cùng giữ tiếng Việt: “Chơi” tiếng Việt với cháu

Picture1.jpg

Bà đọc sách với Bủm từ bé

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Việc giữ tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài đòi hỏi nỗ lực tổng hợp từ gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong gia đình, ngoài vai trò chủ chốt của bố mẹ, ông bà hay những người thân khác cũng là một nhân tố quan trọng góp phần giúp con trẻ giữ tiếng Việt tốt hơn.


Nếu quý vị đã theo dõi Cùng giữ tiếng Việt vào dịp đầu năm 2022, hẳn quý vị còn nhớ cậu bé Bủm, 1 em bé 6 tuổi sinh ra và lớn lên ở Hà lan, có bố là người Hà lan, mẹ là người Việt, có thể nói và viết 4 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt.

Gần đây, Bủm đã tự tay làm 1 video tổng kết chuyến về thăm Việt nam cùng bố mẹ trong dịp hè vừa qua. Video của em đã đạt giải nhất trong cuộc thi Du lịch cùng con do Kênh Việt Happiness Station ở Bỉ tổ chức cho các bạn thế hệ thứ 2 ở nước ngoài trên toàn thế giới.

Những hình ảnh thân thương mà Bủm ghi dấu với ông bà và họ hàng quê ngoại cùng với những lời kể bằng tiếng Việt của cậu bé mang trong mình nửa dòng máu Việt khiến người nghe không khỏi xúc động xen lẫn ngạc nhiên về trình độ tiếng Việt cũng như tình cảm dành cho quê hương Việt nam của 1 em bé sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Mời quý vị nhấn vào để xem video của Bủm.

Câu chuyện của Bủm đã khiến cho 1 người làm nghiên cứu về giữ tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ở nước ngoài như Vân rất quan tâm bởi vì em sinh ra và lớn lên ở 1 đất nước không có đông cộng đồng người Việt, em có bố là người Hà lan và không nói tiếng Việt, em không được thường xuyên về Việt nam.

Theo các nghiên cứu trên thế giới thì việc bố hay mẹ không nói tiếng mẹ đẻ là 1 rào cản lớn trong việc giữ tiếng mẹ đẻ trong gia đình vì các gia đình sẽ thường có khuynh hướng dùng tiếng của nước sở tại cho tiện. Các em bé sinh ra và lớn lên trong các gia đình này thường khó duy trì được tiếng mẹ đẻ. Vậy thì yếu tố gì đã giúp cậu bé Bủm duy trì tiếng Việt và tình yêu với văn hóa và quê hương Việt nam?

Bên cạnh công sức của người mẹ, chúng ta còn thấy hình bóng của ông bà, đặc biệt là bà, người đã cùng mẹ chăm sóc Bủm trong suốt 3 năm đầu đời, người đã góp phần không nhỏ trong việc gieo mầm cho tình yêu với tiếng Việt và văn hóa Việt cho cậu bé Bủm.

Trong chương trình Cùng giữ tiếng Việt tuần nay, mời quý vị cùng Hồng Vân trò chuyện với cô Trần Thu Thủy, bà của cậu bé Bủm để tìm hiểu thêm về hành trình giữ tiếng Việt cho cháu của người bà tuyệt vời này.

Chào cô Thủy, cám ơn cô đã nhận lời mời của Cùng giữ tiếng Việt. Cô có thể cho thính giả SBS biết một chút về bản thân và gia đình được không ạ?

Cô Thu Thủy: Chào Tiến sĩ ngôn ngữ Trần Hồng Vân. Chào các vị thính giả của đài SBS. Hôm nay mình rất vui mừng được trao đổi với các bạn về một số kinh nghiệm cá nhân trong công cuộc giữ gìn tiếng Việt choc các cháu sinh ra và lớn lên ở nước ngoài với tư cách là bà ngoài. Mình vốn là dân kỹ thuật được đào tạo từ Đại học Bách khoa Hà Nội… nay đã nghỉ hưu. Mình từng kinh qua công tác quản lý xây dựng và công tác đoàn thể trong nhiều năm. Ông xã mình cũng là cán bộ đã về hưu. Vợ chồng mình có 2 con và tới nay đã có một cháu nội và một cháu ngoại. Cả 2 cháu đều sinh ra và sống ở Hà Lan. Tên ở nhà của cháu ngoại là Bủm 7 tuổi (bé trai) và cháu nội là Nhím gần tuổi rưỡi (bé gái).

Theo cô thì việc giúp con cháu chúng ta, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, giữ tiếng Việt quan trọng như thế nào?

Cô Thu Thủy: Việc quan tâm nhiều tới vấn đề giáo dục con cái và đặc biệt đến thế hệ thứ ba gồm các cháu nội ngoại của mình là một trong những mối quan tâm hàng đầu của vợ chồng mình. Điều này một phần từ nhận thức và một phần thừa hưởng từ tư tưởng giáo dục của bố mình (có nghĩa là cụ ngoại của Bủm, Nhím). Khi cậu và mẹ của Bủm còn nhỏ thì cụ ngoại Bủm đã thường dặn mình: "Con làm gì thì làm, nếu không quan tâm giáo dục con cháu nên người thì mọi thứ khác vứt hết".

Bởi vậy, sau khi các con trưởng thành thì việc quan tâm tiếp theo là các cháu. (Tất nhiên với tư cách là hỗ trợ cha mẹ các cháu chứ không phải thay thế.)

Đặc biệt đối với đứa cháu mang nửa dòng máu Việt như Bủm thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải dạy cho cháu nghe hiểu và nói được tiếng Việt. Nhưng muốn để duy trì tiếng Việt lâu dài giữa một môi trường hầu như không tiếng Việt thì điều quan trọng thứ hai là cháu phải đọc và viết được tiếng Việt …

Bố Bủm không biết tiếng Việt. Mẹ thì đi làm cả tuần và mỗi ngày từ 6g sáng đến 7g tối mới về tới nhà… Vì thế mà vợ chồng mình đã tự coi việc dạy cháu Bủm tiếng Việt là việc của ông bà. Trong gia đình nào cũng vậy, sẽ chỉ có ông bà mới có điều kiện về thời gian và tình thương yêu để dồn hết tâm sức cho việc hỗ trợ các cháu học Tiếng Việt từ khi còn bé. Vất vả nhưng sẽ là niềm vui và hạnh phúc vô bờ khi các cháu trao yêu thương cho ông bà và quê hương bằng chính phương tiện tuyệt vời nhất là tiếng Việt.

Ngược lại chính các cháu cũng sẽ được thụ hưởng sức mạnh tinh thần từ việc học tiếng Việt. Khi đó các cháu sẽ cảm thấy các cháu là một phần máu thịt của quê hương và thấy quê Việt là một trong những điểm tựa tinh thần vững chắc cho mình trong cuộc sống… Nhà báo Hữu Việt đã nói: tiếng Việt chính là tấm hộ chiếu dân tộc.  

Luôn coi mình là bạn của cháu là bí quyết giúp ông bà Bủm gần gũi với cháu và đưa cháu đến với tiếng Việt và văn hóa Việt một cách dễ dàng

Cô có thể cho Vân và thính giả SBS biết những việc cô đã làm để giúp Bủm nói tiếng Việt, yêu văn hóa Việt để có được kết quả như ngày hôm nay không?

Cô Thu Thủy: Những việc mà vợ chồng mình thường xuyên làm cho cháu Bủm là những việc hết sức đơn giản mà ai cũng có thể làm được nhưng đòi hỏi sự kiên trì và liên tục.

Thứ nhất là thường xuyên trao đổi với cháu bằng tiếng Việt. 100% thời lượng nói chuyện và giao tiếp với cháu trong 3 năm đầu là tiếng Việt. Đọc thơ cho cháu nghe bằng các cao độ trầm bổng khác nhau từ khi cháu mới 6 tháng tuổi … Tôi đã thật vui mừng khi thấy cháu tỏ ra thích thú với những bài thơ lục bát mà có những từ cuối là những từ có thanh bằng đọc giọng trầm khi cháu mới 8 tháng tuổi…

Thứ hai là cho cháu nghe những bản nhạc hay như nhạc Trịnh, dân ca ba miền, hát ru… Khi sinh nhật cháu một tuổi, bàn với mẹ cháu mua cho cháu một cây đàn phím và một cái trống bé xíu để hướng dẫn cháu tự bật nhạc nghe và nhún nhảy theo điệu nhạc của những bài đơn giản như múa sạp Tây Bắc, dạy cháu gõ trống theo bài trống cơm … Có lẽ cũng vì thế mà sau này khi hơn 4 tuổi cháu đã có thể tự hát say sưa bài "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" hay bài "Thương ca tiếng Việt"…

Thứ 3 là cho cháu làm quen với chữ cái và chữ số ngay từ lúc 1 tuổi. Cách làm rất đơn giản. Tôi đã mua rất nhiều chữ cái bằng nhựa và dùng những chữ đó để cháu xếp thành những chữ hàng ngày thường dùng. Khi cháu lớn hơn một chút thì mua cho cháu loại bảng có nam châm để cháu chỉ việc dính chữ lên bảng hoặc thay đổi chữ theo những từ thích hợp như một trò chơi. Ngoài ra tôi thường cùng cháu chơi và nhân cách hoá … gọi những con chữ đồ chơi đó là các bạn nên cháu rất thân với các con chữ.

Tôi đã khuyên mẹ cháu nên dán tất cả bảng chữ cái tiếng Việt lên xung quanh những vị trí gần chỗ cháu thường ngồi ăn hoặc chơi để cháu có thể tự nhớ những con chữ đó một cách tự nhiên….

Thế là từ đó đi đâu cháu cũng phát hiện ra các con chữ và con số trên tất cả các cửa hàng, tất cả các ngôi nhà trên các đường phố … Cuối cùng thì cháu đã có thể đọc ngay các từ tiếng Việt mà không cần phải đánh vần từ lúc hai tuổi rưỡi. Kể ra thì nhiều nhưng tóm tắt lại một nguyên tắc đơn giản là đừng bắt trẻ con học mà hãy biến tất cả những việc học đó thành trò chơi.

Khi Bủm biết đọc rồi thì cô giúp Bủm phát triển tiếng Việt qua những cách nào nữa?

Cô Thu Thủy: Khi cháu đã biết đọc rồi thì điều quan trọng là cùng với mẹ cháu tìm ra những loại sách truyện thích hợp để mua và gửi sang cho cháu. Rồi kiên trì cùng cháu đọc sách kiên trì nghe cháu đọc và kiên trì nghe cháu kể lại tất cả những câu chuyện không đầu không đuôi bằng tiếng Việt. Từ đó bổ sung cho cháu những chỗ thiếu khuyết về mặt từ vựng cũng như về mặt kiến thức văn hóa Việt một cách đơn giản nhất.

Có thể nói từ sau khi biết đọc thì sách chính là người thầy thứ hai sau ông bà bố mẹ dạy cho cháu nhiều kiến thức về văn hóa và lịch sử của đất nước cùng nhiều kiến thức khoa học thường thức khác. Từ nền móng của 3 năm đầu đó mà khi xa cháu về nước thì mẹ cháu mới có điều kiện tiếp tục cùng cháu giữ gìn tiếng Việt.
Picture2.jpg
Luôn coi mình là bạn của cháu là bí quyết giúp ông bà Bủm gần gũi với cháu và đưa cháu đến với tiếng Việt và văn hóa Việt
Dù là cô tóm lược những việc cô chú đã làm trong 3 năm đầu đời của Bủm trong vài phút nói chuyện nhưng Vân cũng cảm nhận thấy đó là 1 khối lượng khổng lồ những việc ông bà đã làm với cháu, từ việc hát ru, đọc thơ, đến việc dạy chữ, số qua các sinh hoạt hàng ngày, rồi đọc sách truyện cùng cháu, nói chuyện rủ rỉ khi ở nhà, khi đi chơi, giải thích cho cháu về thế giới xung quanh, tất cả những việc làm đó có thể được ví như công việc của một người thợ xây đặt những viên gạch làm nền móng vững chắc cho 1 tòa nhà cao tầng vô cùng đẹp đẽ, đó là  sự phát triển ngôn ngữ đáng ngưỡng mộ và tình yêu với quê hương, với văn hóa cội nguồn của Bủm. 

Ngoài việc nói chuyện hay dạy cháu tiếng Việt, theo Vân biết thì có một yếu tố rất quan trọng là sự gần gũi, cảm giác gắn bó để cháu thích nói chuyện với ông bà, thích tìm hiểu về tiếng Việt và văn hóa Việt. Cô đã làm thế nào để có được điều này? 

Cô Thu Thủy: Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai thì việc tạo ra sự gắn kết bằng TÌNH BẠN thân thiết là điều quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ đặc biệt là đối với một đứa trẻ. Khi đã có sự gần gũi, thương yêu và tin cậy rồi thì bà cháu, ông cháu có thể chia sẻ bất cứ điều gì… và cháu sẽ bắt chước mình không chỉ là tiếng Việt mà còn cả về phong cách sống nữa.

Khi đã xây dựng được tình thương, tình thân và tình bạn rồi thì mọi sự trao đổi về văn hóa rất đơn giản. Lúc đó tôi có thể lồng ghép ý tưởng giáo dục về tình bạn, tình yêu thương ông bà, cha mẹ đất nước thông qua những câu chuyện lịch sử, chuyện cổ tích hay truyện tranh hoặc những tình huống thường ngày xảy ra trong gia đình. Có những điều mà trẻ con biết hơn chúng ta nhờ sách hoặc nhờ quan sát thì ta hãy vui vẻ nhận rằng ta chưa biết và nhờ chúng giải thích. Nếu nghe giải thích rồi vẫn chưa thật rõ hãy bảo chúng chờ ta tìm hiểu cho chắc với một thái độ cầu thị vui vẻ và thực tế tôi đã phải rất nhiều lần tự tìm hiểu trong sách vở hoặc trong Google để có một câu trả lời chính xác hay một kiến thức vững vàng…

Trẻ con tiếp thu nhanh và tinh tế hơn nhiều so với người lớn tưởng. Hãy thương yêu và xây dựng với chúng một tình bạn thẳng thắn, công bằng và bao dung thì bạn có thể sẽ dạy chúng được mọi điều.

Khi các bé còn nhỏ thì các ông bà thường qua lại giúp chăm nom các bé, cũng là là dịp để ông bà và các cháu gần gũi nhau. Khi các cháu lớn hơn thì tần suất gặp ông bà cũng ít đi, các cháu có thể vài ba năm mới gặp ông bà, làm thế nào để duy trì được sự gắn kết với các cháu khi mình không gặp nhau hàng ngày? 

Cô Thu Thủy: Với câu hỏi này trước đây rất khó nhưng với thời đại công nghệ 4.0 thì điều này quá đơn giản ngoài việc ông bà phải quyết tâm hi sinh một phần thời gian của mình để kiên nhẫn chuyện trò với con cháu hàng ngày vào bất cứ lúc nào chúng có thể trên cửa sổ chát. Nếu bận đi đâu thì chúng tôi đều thông tin cho mẹ con cháu để chúng không phải chờ đợi. Cũng vì thế mà tạo cho chúng một ý thức vừa được coi trọng và cần phải nghiêm túc.

Ba năm Covít, các cháu không về được và ông bà cũng không sang thăm được thì có thể nói hầu như ngày nào không nhiều thì ít bà cháu tôi cũng đều có các cuộc gọi online.

Ngày thường cháu đi học thì có thể chỉ là 5-7 phút trong giờ ăn sáng hoặc trong lúc ăn bữa phụ khi đi học về. Nói chuyện với ông bà, cháu được biết thêm những câu ca dao tục ngữ hoặc những câu đố vui, đố chữ hoặc được ông bà giới thiệu cho nội đứng và chương trình vua tiếng Việt đang và sẽ phát vào thời gian nào để cháu theo dõi. Có những cuộc gặp cuối tuần trở thành những cuộc thi nho nhỏ mà cháu là giám khảo còn ông bà thì là thí sinh để giải đáp những câu hỏi về chữ nghĩa trong tiếng Việt … từ đó tạo cho cháu một niềm vui trong tâm thái chơi mà học, học mà chơi. Thế nên có thể nói trong thời gian xa nhau, cháu vẫn tiếp tục được học tiếng Việt thông qua những cuộc nói chuyện liên tục, vui vẻ và nhiều nội dung khác nhau mỗi ngày. Nhờ đó cháu không ngại tiếp xúc với ông bà và vốn tiếng Việt của cháu ngày càng chính xác và phong phú.

Cô có điều gì nhắn nhủ đến các gia đình gốc Việt ở nước ngoài cũng như các bậc ông bà của các em nhỏ gốc Việt ở nước ngoài không?

Cô Thu Thủy: Điều nhắn nhủ tâm huyết nhất mà tôi muốn gửi tới các gia đình gốc Việt ở nước ngoài rằng: Tiếng Việt chính là cầu nối chắc chắn và thân thương nhất để các cháu gắn liền tâm hồn mình với người thân và với quê hương đất nước. Nhờ sự gắn bó với quê hương đất nước mà các cháu hiểu được lịch sử đau thương và hào hùng của dân tộc Việt Nam, hiểu được cả những điểm mạnh và điểm yếu của dân tộc mình từ đó có được một cái nhìn khách quan để xây dựng được một điểm tựa tinh thần vững chắc cho cuộc sống.

Tôi tin chắc rằng không ai có thể dạy và quyết tâm dạy các cháu tiếng Việt tốt hơn là bố mẹ và ông bà chưa kể gần đây còn có sự trợ giúp đắc lực của các chương trình dạy tiếng Việt online ….

Một khi các cháu đã thực sự giỏi tiếng Việt thì việc chuyển ngữ hay học song song với các ngôn ngữ khác cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Trường hợp của cháu Bủm là như vậy. Trong gần ba năm đầu có thể nói là cháu hoàn toàn chỉ học tiếng Việt trên đất Hà Lan và chỉ học qua ông bà ngoại và mẹ. Sau đó khi gia đình cho cháu chuyển ngữ từ từ sang tiếng Anh và tiếng Hà Lan thì cháu tiếp thu rất nhanh bởi ý nghĩa của câu từ cháu đã hiểu rất sâu sắc bằng tiếng Việt. Từ đó có hầu như Bủm có thể tự học lấy tiếng Anh và tiếng Hà Lan thông qua các video trước khi tới trường. Khi cần thiết chỉ cần mẹ giải thích nhanh bằng nghĩa tiếng Việt là cháu hiểu ngay từ tương tự trong các ngôn ngữ khác.

Hiện nay cháu thường xuyên tự học tiếng Pháp online mà không cần có sự trợ giúp bởi ở gần cháu cũng không có ai biết tiếng Pháp. Như vậy có thể nói các cháu học được tiếng Việt là một vốn bốn lờl.

Các bạn có nhớ một câu thành ngữ của người Việt : "Dạy con từ thủa còn thơ/ Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về". Tôi xin không bàn về nghĩa đen mà chỉ xin nhắn gửi một điều từ nghĩa bóng. Đó là làm việc gì cũng cần đúng thời điểm mới có kết quả tốt. Do vậy hãy dạy tiếng Việt cho trẻ từ khi chúng ở tuần thứ 30 của thai kỳ và tới trước 3 tuổi. Đó là thời điểm vàng cho việc học tiếng mẹ đẻ. Từ 3 -7 tuổi là giai đoạn rất tốt để học thêm ngôn ngữ khác sau khi đã hoàn thiện việc hiểu tiếng mẹ đẻ. Tới sau 7 tuổi thì việc học thêm các ngôn ngữ khác đã khó khăn hơn nhiều….

Khá nhiều bạn bè tôi có con cháu ở nước ngoài đã than thở rằng họ cảm thấy như mất con, mất cháu vì các con cháu không biết tiếng Việt nên không có sự giao lưu tình cảm tối thiểu.

Có người bạn tôi sống ở Đức lâu năm đã từng khóc suốt một ngày khi con gái 20 tuổi nói với mẹ bằng tiếng Việt rằng "Con yêu mẹ". Như vậy để thấy rằng tiếng Việt luôn sống trong trái tim những người Việt ở xa quê hương… chỉ có điều chúng ta có quyết tâm giữ gìn và phát triển nó hay không.

Xin cảm ơn cô Thu Thủy về một buổi nói chuyện có rất nhiều thông tin hữu ích từ kinh nghiệm nuôi dạy cháu lớn lên với tiếng Việt và văn hóa Việt. Vân tin chắc là nhiều thính giả nghe đài hôm nay cũng như Vân đã học hỏi được rất nhiều từ những chia sẻ quý báu của cô.

Chúng ta vừa được trò chuyện với của cô Trần Thu Thủy, bà ngoại của cậu bé Bủm, 1 cậu bé sinh ra và lớn lên ở Hà lan, trong gia đình có bố không nói tiếng Việt nhưng có thể đọc và viết tiếng Việt như một em bé lớn lên ở Việt nam. Nghe Bủm nói chuyện, đọc thơ hay hát, người ta có thể cảm nhận được tình cảm của em với văn hóa Việt, quê hương Việt, điều mà ta thường thấy bị mai một ở thế hệ thứ 2, thứ 3 khi sinh sống ở nước ngoài. Là các bậc ông bà, cha me, chúng ta ai cũng yêu thương con cháu mình và muốn dành cho chúng những gì tốt đẹp nhất. Đối với một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, một trong những điều tốt đẹp nhất chúng có thể nhận được từ ông bà, cha mẹ, đó là tiếng mẹ đẻ và ý thức về một phần bản sắc Việt, dòng máu Việt trong mình. Làm thế nào để giúp con cháu có được điều đó, chúng ta đã có những bí quyết cô Thu Thủy vừa chia sẻ, đó là bắt đầu từ sớm, dành thời gian nói chuyện với con cháu, dạy chữ qua các hoạt động chơi vui, làm bạn với con cháu. Tất cả những việc này đòi hỏi một sự kiên nhẫn, kiên trì, liên tục và quyết tâm. Mong là các bậc ông bà và cha mẹ chúng ta luôn tìm thấy sợi dây gắn kết với con cháu qua tiếng Việt và văn hóa Việt.


Share