Sức khỏe là Vàng: Rối loạn tăng động giảm chú ý

pexels-cottonbro-studio-6685527.jpg

ADHD ảnh hưởng đến chức năng điều hành của não - khả năng tự điều chỉnh và kiểm soát suy nghĩ, lời nói, hành động và cảm xúc. Source: Pexels

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là tình trạng rối loạn phát triển bắt đầu từ thời thơ ấu và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bệnh gây nhiều khó khăn trong việc học tập, sinh hoạt và tạo dựng các mối quan hệ xã hội.


Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactivity Disorder – viết tắt là ADHD) là một chứng bệnh rối loạn phát triển thần kinh, cụ thể là rối loạn phát triển não bộ, có thể ảnh hưởng đến một số lĩnh vực chức năng của bộ não thông qua các biểu hiện như trẻ khó tập trung, dễ bị phân tán, tính cách bốc đồng và hoạt động quá mức.

Cứ 20 người ở Úc thì có khoảng 1 người mắc chứng ADHD. Bệnh thường phổ biến hơn ở các bé trai.

Nguyên nhân gây ra ADHD

Hiện nguyên nhân chính xác của ADHD vẫn chưa được biết rõ. Nhưng có các lý thuyết chỉ ra khả năng cao nhất là do di truyền, có thể liên quan đến gen.

Ngoài ra còn các yếu tố khác như:

- Sinh lý thần kinh, bao gồm sự phát triển về não bộ, hoạt động điện và chuyển hóa. Ví dụ như một số trẻ em sinh non thì bộ não không phát triển bằng trẻ thường, nên dễ mắc bệnh hơn.

- Người mẹ sử dụng ma túy hoặc hút thuốc trong thời kỳ mang thai thì con cũng dễ mắc ADHD hơn.

- Ngộ độc chì nhẹ và kéo dài cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ mẫu giáo tiếp xúc với chì, trong một số loại sơn hoặc hệ thống ống nước, có nguy cơ mắc chứng ADHD cao hơn.

- Một số trẻ thiếu tình thân, chẳng hạn như thiếu gắn bó với cha mẹ, có thể phát triển chứng thiếu tập trung và hiếu động thái quá.

- Một số trẻ em trải qua biến cố đau thương thời thơ ấu có nhiều khả năng bị AADH.

- Chấn thương não: Một số trẻ bị chấn thương não có hành vi giống với ADHD; tuy nhiên, hầu hết trẻ bị ADHD không có tiền sử chấn thương não.

- Một số trẻ sinh ra trong điều kiện nghèo khó và dinh dưỡng không tốt cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Dấu hiệu của ADHD

Nhiều trẻ em không tập trung, thiếu chú ý, hơi tăng động hơn bình thường. Vì vậy nếu như trẻ chỉ có một vài triệu chứng thôi thì đừng vội kết luận là trẻ bị ADHD.

Có 2 nhóm triệu chứng của ADHD.

Một là nhóm triệu chứng thiếu tập trung, bao gồm:
  • Không tập trung chú ý các chi tiết, mắc lỗi bất cẩn trong học tập
  • Có vẻ không lắng nghe người khác khi nói chuyện
  • Không làm theo hướng dẫn hoặc không hoàn thành bài tập ở trường, công việc nhà.
  • Khó thực hiện các hoạt động cần tính tổ chức
  • Né tránh hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần trong thời gian dài
  • Hay mất đồ, dễ bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài
  • Quên làm các công việc hàng ngày như việc nhà và các cuộc hẹn.
Nhóm thứ hai là các triệu chứng tăng động hoặc bốc đồng, bao gồm:
  • Hoạt động quá mức, chân tay không yên, chạy hoặc leo trèo trong những tình huống không phù hợp
  • Rời khỏi chỗ ngồi trong lớp học
  • Nói không ngừng
  • Gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động giải trí cần sự yên lặng
  • Làm gián đoạn cuộc trò chuyện hoặc hoạt động của người khác
  • Trả lời trước khi được hỏi xong, gặp khó khăn khi chờ đến lượt mình, khiến trẻ khó chơi chung với các bạn.
  • Thường khó kiềm chế cảm xúc, dễ hành xử một cách nguy hiểm mà không quan tâm đến hậu quả.
Thường phải có từ 6 dấu hiệu trở lên và kéo dài trong khoảng 6 tháng, đồng thời sự phát triển bình thường của trẻ bị ảnh hưởng, thì mới có nguy cơ bị ADHD.
Bác sĩ Phan Đình Hiệp
Các triệu chứng ADHD thường xảy ra ở trẻ dưới 7 tuổi, xảy ra ở ít nhất là hai môi trường khác nhau chẳng hạn như ở nhà và ở trường.
Chẩn đoán ADHD

Nếu cha mẹ lo ngại rằng con bị ADHD, việc đầu tiên là đi gặp bác sĩ gia đình. Chẩn đoán chỉ có thể được thực hiện sau khi đánh giá chi tiết về hành vi của đứa trẻ, bao gồm các cuộc phỏng vấn với cha mẹ hoặc người chăm sóc và nhà trường.

Chẩn đoán thường do bác sĩ chuyên khoa nhi, chuyên viên tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần trẻ em thực hiện sau khi được bác sĩ gia đình giới thiệu.

ADHD có thể điều trị khỏi hẳn không?

ADHD thuộc nhóm bệnh không thể trị khỏi hoàn toàn. Thường thì khi trẻ lớn lên thì triệu chứng giảm đi. Điều quan trọng là phát hiện và can thiệp sớm thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn.

Độ dao động của bệnh ADHD khá lớn, có những trường hợp bị rất nhẹ và cũng có trường hợp bệnh nặng.

Đặc biệt đã từng có nhiều trường hợp bị ADHD nhưng vẫn rất thành công trong cuộc sống.

Ngược lại, có trường hợp bị ADHD khiến thành tích học tập bị giảm sút, trở nên tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa, không đủ sức tham gia các hoạt động mang tính tập trung cao, bỏ lỡ nhiều cơ hội học vấn.

Điều trị ADHD

Có một số lựa chọn khác nhau để điều trị ADHD, tùy tình trạng của người bệnh, bao gồm dùng thuốc và liệu pháp hành vi.

Việc điều trị có thể liên quan đến các chuyên gia y tế khác nhau, bao gồm bác sĩ gia đình, bác sĩ tâm thần, bác sĩ nhi khoa, chuyên viên tâm lý; đồng thời phụ huynh và giáo viên cũng có thể cần tham gia vào kế hoạch điều trị.

Mời quý vị tìm hiểu thêm về ADHD qua phần trình bày của Bác sĩ trong chương trình Sức khỏe là Vàng.




Share