Sức khỏe là Vàng: Rối loạn căng thẳng sau chấn thương

pexels-rdne-6003507.jpg

Điều trị càng sớm càng có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng PTSD trở nên tệ hơn. Source: Pexels

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nếu bạn có những suy nghĩ và cảm giác lo lắng về một sự kiện đau buồn trong hơn hai tuần, hoặc cảm thấy khó kiểm soát được cuộc sống của mình, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.


Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần sau khi trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện kinh hoàng.

Các triệu chứng có thể bao gồm hồi tưởng, ác mộng và lo lắng nghiêm trọng cũng như những suy nghĩ không thể kiểm soát được về sự kiện đã gặp phải.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể bắt đầu có triệu chứng trong vòng một tháng hoặc đôi khi có thể xuất hiện sau nhiều năm sự kiện đã qua.

Triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian hoặc khác nhau tùy theo từng người, có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng trong các tình huống xã hội, công việc, các mối quan hệ và các hoạt động thường ngày.

Người bệnh có thể có nhiều triệu chứng PTSD hơn khi bị căng thẳng hoặc khi nhìn thấy những điều nhắc nhở về những gì họ đã trải qua.

PTSD cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, ý nghĩ và hành động tự tử.

Các yếu tố rủi ro

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị PTSD.

Nhưng một số yếu tố có thể khiến người ta dễ phát bệnh PTSD hơn như: trải qua chấn thương dữ dội hoặc kéo dài; bị lạm dụng trong thời thơ ấu; bị bạo hành gia đình, bị tai nạn hoặc trải qua sự kiện đe dọa tính mạng, làm công việc thường gặp các sự kiện đau buồn như quân nhân, cảnh sát, nhân viên cấp cứu...

Người bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm; người lạm dụng chất gây nghiện như rượu, ma túy; có người thân bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng dễ bị PTSD.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có những suy nghĩ và cảm giác lo lắng về một sự kiện đau buồn trong hơn hai tuần, hoặc nếu bạn cảm thấy khó kiểm soát được cuộc sống của mình, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Điều trị càng sớm càng có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng PTSD trở nên tệ hơn.

Điều quan trọng là trong vài ngày và vài tuần đầu tiên sau một sự kiện đau buồn thì nên tìm bất kỳ sự trợ giúp nào cần thiết, có thể là hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và bác sĩ gia đình.

Tìm sự giúp đỡ ở đâu?
  • Bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý, cố vấn hoặc nhân viên xã hội.
  • Trung tâm y tế cộng đồng địa phương.
  • Một số dịch vụ tư vấn qua điện thoại có thể đưa ra lời khuyên 24/7 như  13 11 14,  1300 845 745,   300 22 4636,  1300 60 60 24.
Mời quý vị vào phần Audio hoặc xem Video để nghe Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Ngọc Kim Chi trình bày về PTSD.

Share