Sức khỏe là Vàng: Rối loạn giấc ngủ hậu COVID

wake up

Source: Pixabay

Rối loạn giấc ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến nhất đối với những người từng mắc Covid-19. Nguyên nhân cụ thể là gì? Việc điều có giống điều trị rối loạn giấc ngủ thông thường? Làm sao để cải thiện giấc ngủ sau COVID?


Thông thường những người bị nhiễm COVID từ nhẹ tới vừa sẽ biến mất trong vòng 2 tuần.

Nhưng gần đây ngày càng có nhiều người mắc hội chứng COVID kéo dài (long COVID) hoặc hậu COVID (post-COVID) với các triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng, bao gồm rối loạn giấc ngủ.

Thường thì phụ nữ, những người có bệnh lý nền, béo phì, hoặc bị nhiễm COVID nặng dễ bị hội chứng COVID kéo dài.

Người bị mất ngủ, thiếu ngủ thường có 4 triệu chứng: khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức giấc giữa đêm, thường thức dậy sớm hơn dự định, và giảm năng suất học tập hoặc làm việc.

Một số thống kê cho thấy có khoảng 30% dân số thế giới bị mất ngủ, thiếu ngủ.

Nguyên nhân

Thông thường rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ như:

- Di truyền.

- Tuổi càng lớn càng dễ bị khó ngủ.

- Về giới tính, phụ nữ mãn kinh thường dễ bị rối loạn giấc ngủ.

- Môi trường nhiều tiếng ồn, nhiều ánh sáng, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp.

- Di chuyển đến nơi có múi giờ khác khiến đồng hồ sinh học của cá nhân bị lệch.

- Công việc phải thay đổi ca ngày ca đêm thường xuyên.

- Áp lực cuộc sống.

- Các bệnh lý gây đau, khó chịu cho cơ thể.

- Rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu...

- Một số thuốc trị bệnh như thuốc trị suyễn, thuốc steroid...

- Dùng quá nhiều chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu...

Khoảng 30% người bị COVID có triệu chứng mất ngủ, do các triệu chứng sốt, khó thở, đau nhức, phản ứng viêm toàn thân. Một nguyên nhân khác là do người bị COVID phải cách ly nên sinh hoạt đôi lúc bị xáo trộn, thức khuya hơn bình thường, ngủ trưa, dùng thiết bị điện tử nhiều hơn. Ngoài ra tâm lý lo lắng khi bị nhiễm COVID cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Hậu quả của mất ngủ kéo dài

Mất ngủ kéo dài khiến người bệnh bị mệt mỏi, năng lượng suy giảm, dễ bị nhức đầu, chóng mặt, giảm trí nhớ, giảm tập trung, giảm năng suất làm việc hoặc học hành thi cử.

Thiếu ngủ cũng khiến miễn dịch suy giảm, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, nhiễm trùng, ung thư, tiểu đường, đột quỵ...

Các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng tăng lên do rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra việc thiếu khả năng tập trung do thiếu ngủ cũng dễ dẫn đến tai nạn khi làm việc hoặc di chuyển.

Khi nào người bị rối loạn giấc ngủ nên đi gặp bác sĩ?

Khi người bệnh lo lắng, cảm thấy việc mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt, đời sống thì nên tìm đến bác sĩ gia đình càng sớm càng tốt.

Điều trị rối loạn giấc ngủ

Điều trị rối loạn giấc ngủ bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng, cũng như điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc.

Việc điều trị mất ngủ hậu COVID cũng tương tự mất ngủ tổng quát.

Việc điều trị không dùng thuốc bao gồm:

- Thường xuyên thể dục 30 phút mỗi ngày nhưng tránh tập gần giờ ngủ.

- Nên phơi nắng buổi sáng và tránh đeo kính râm khi phơi nắng sáng, để kích thích tuyến tùng tiết ra nội tiết tố melatonin giúp điều hòa chu kỳ thức ngủ.

- Điều chỉnh giờ ngủ và thói quen ngủ, vệ sinh giấc ngủ như chỉ dùng giường ngủ để ngủ, rời giường nếu không ngủ được sau 15 phút, thức dậy đúng giờ, không nằm nướng, tránh ngủ trưa hơn 30 phút. Phòng ngủ cần yên tĩnh, ấm và tối.

- Tránh cà phê sau 12 giờ trưa, không hút thuốc, rượu, bia, chất gây nghiện...

- Không dùng nhiều thiết bị điện tử vào buổi tối.

- Về tâm lý cần tránh quá lo lắng về giấc ngủ, tháo gỡ quan niệm sai lầm về giấc ngủ, chẳng hạn như không nhất thiết phải ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, và không nhất thiết phải ngủ xuyên suốt tới sáng, miễn là không cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy.

- Tập thư giãn thân và tâm như tập thiền, tập thở.

- Uống một ít sữa nóng trước khi ngủ cũng giúp có được giấc ngủ ngon bởi vì Một số hợp chất trong sữa như tryptophan và melatonin có thể giúp dễ ngủ.

Trường hợp cần dùng thuốc cần tuân theo lời khuyên của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị và tránh nguy cơ lệ thuộc thuốc ngủ.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe Bác sĩ Eric Hưng Trần nêu chi tiết về rối loạn giấc ngủ hậu COVID trong chương trình Sức khỏe là Vàng.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share