Sức khỏe là Vàng: Kiểm soát huyết áp

blood pressure

Source: CDC on unsplash

Bệnh huyết áp, kể cả huyết áp cao hay huyết áp thấp đều đang trở nên phổ biến và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu biết căn bản về kiểm soát huyết áp rất cần thiết để phòng tránh các nguy cơ tai biến do huyết áp gây ra.


Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch, áp lực đó đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các bộ phận trong cơ thể.

Chỉ số huyết áp được đưa ra theo dạng 2 con số. Ví dụ như 120/80mmHg. Số trên (huyết áp tâm thu) cho biết huyết áp trong động mạch khi tim co bóp. Số dưới (huyết áp tâm trương) cho biết huyết áp trong động mạch khi cơ tim thả lỏng.

Cách duy nhất xác định chỉ số huyết áp là đo huyết áp. Cần sự chỉ dẫn của bác sĩ để xác định mức chỉ số huyết áp. 

Huyết áp của mỗi người có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí tùy từng thời điểm. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân theo dõi huyết áp tại nhà hoặc đeo máy theo dõi trong khoảng thời gian 24 giờ để xem huyết áp thay đổi như thế nào và để có được kết quả chính xác.

Người bình thường huyết áp khoảng 120/80mmHg. Nếu chỉ số huyết áp dưới 90/60mmHg được cho là huyết áp thấp. Huyết áp thấp có thể đe dọa tính mạng nếu không được chăm sóc phù hợp.

Nếu chỉ số huyết áp từ 140/90mmHg trở lên được cho là huyết áp cao. Trên thế giới có gần 30% số người trưởng thành bị cao huyết áp, trong đó nhiều người không có triệu chứng và không biết tình trạng bệnh của mình. Vì thế cao huyết áp thường được ví như "sát thủ thầm lặng". 

Huyết áp cao có thể gây ra cơn đau tim, đột quỵ, suy thận, di chứng thần kinh nặng nề và thậm chí dẫn đến tử vong.

Các hướng dẫn hiện hành của Úc khuyến cáo những ai bị tăng huyết áp liên tục trên 160/100 mmHg nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia về việc dùng thuốc để giảm huyết áp.

Việc theo dõi tại nhà và đi khám thường xuyên với bác sĩ là giải pháp giúp kiểm soát huyết áp. Kiểm soát tốt huyết áp sẽ giảm được nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch.

Lời khuyên tốt cho tim và huyết áp ổn định

- Giữ lối sống lành mạnh, ít căng thẳng.

- Giữ cân nặng phù hợp.

- Thường xuyên vận động 30 phút mỗi ngày như đi bộ, đạp xe, bơi lội...

- Ăn hạn chế các loại thực phẩm có nhiều đường, muối, mỡ động vật.

- Ăn nhiều rau xanh và trái cây.

- Ăn gạo, bánh mì, ngũ cốc nguyên cám.

- Sữa và các sản phẩm làm từ sữa nhưng ít chất béo.

- Dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

- Bỏ thuốc lá, hạn chế thức uống có cồn.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe phần phỏng vấn Bác sĩ Nguyệt Thái về chủ đề kiểm soát huyết áp. 

Share