Sức khỏe là vàng: Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch

stress

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhiều người đang bị rối loạn tâm lý thì bệnh trở nặng hơn, còn một số người chưa bệnh cũng bắt đầu có triệu chứng, trong bối cảnh đại dịch chưa biết khi nào mới kết thúc. Ai cũng có lúc trải qua căng thẳng tâm lý, nhưng làm sao nhận biết khi nào nên tìm sự giúp đỡ? Mỗi người có thể làm gì để tự xác định vấn đề sức khỏe tinh thần của mình? Những cách nào hiệu quả để cải thiện sức khỏe tinh thần?


Trong cuộc sống hiện đại hầu như ai cũng có thể trải qua căng thẳng tâm lý. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, các vấn đề sức khỏe tinh thần càng nổi lên rõ rệt.

Chứng kiến cuộc chiến chống dịch vô cùng khó khăn, buộc phải điều chỉnh hầu hết các thói quen sinh hoạt, giao tiếp, học tập và làm việc, cùng với nỗi lo bị nhiễm bệnh, bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập... tất cả những điều đó khiến không ít người bị căng thẳng quá mức, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và thậm chí muốn tự tử.

Khi căng thẳng tâm lý ảnh hưởng đến việc học, việc làm, ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày thì vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần ở Úc trong đại dịch

Theo Viện nghiên cứu Sức khỏe và Phúc lợi Úc - AIHW  (Australian Institute of Health & Welfare), trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021 Medicare ghi nhận 15 triệu dịch vụ được sử dụng liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Dịch vụ khám bệnh từ xa -Telehealth ghi nhận số lượng dịch vụ sức khỏe tâm thần đạt đỉnh điểm vào tháng 4 năm ngoái, chiếm 50% dịch vụ khám bệnh từ xa.

Số lượng toa thuốc chống trầm cảm được ghi nhận ở mức độ cao nhất vào tháng 3 năm ngoái, khi có đợt phong toả đầu tiên.

Lifeline, tổ chức chuyên hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe tâm thần và ngăn chặn nạn tự tử, ghi nhận chỉ trong bốn tuần tính đến ngày 25/4 năm nay đã nhận 82,000 cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ. Trong cùng thời điểm, tổ chức Beyond Blue ghi nhận 22,000 đợt tiếp xúc, và đường dây nóng hỗ trợ sức khỏe tâm thần trẻ em Kids Helpline cũng ghi nhận 26,000 cuộc tiếp xúc nhờ hỗ trợ.

Các nhóm bị tác động nhiều nhất trong đại dịch

Cũng theo AIHW, phụ nữ dễ bị căng thẳng tâm lý hơn nam giới. Những người trong độ tuổi lao động từ 18-64 dễ bị căng thẳng hơn các độ tuổi khác.

Các bậc cha mẹ có con tuổi từ 5-11 cũng thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy nhiều người bị khó khăn về tài chánh, không đủ tiền mua thực phẩm và dịch vụ thiết yếu, điều đó dẫn đến căng thẳng tâm lý.

Ngoài ra các vấn đề về thể chất cũng trở nên phổ biến hơn trong thời gian phong tỏa COVID như béo phì, tiểu đường, cao mỡ máu, tăng huyết áp, và một số bệnh mãn tính khác. Số người đăng ký tầm soát như thăm dò ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại tràng cũng giảm nhiều trong đại dịch, khiến các bệnh lý không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Làm thế nào để tự đánh giá sức khỏe tinh thần?

Mỗi người có thể trang bị kiến thức để tự đánh giá sức khỏe tâm thần của mình. Có thể dựa theo thang điểm K10 đánh giá mức độ rối loạn tâm lý, gồm 10 câu hỏi đơn giản về cảm nhận của bản thân trong 30 ngày vừa qua:

1) Mệt mỏi không rõ lý do

2) Hồi hộp, lo âu

3) Hồi hộp, lo âu đến mức không thể thư giãn được

4) Tuyệt vọng

5) Bồn chồn 

6) Bồn chồn đến mức không thể ngồi yên

7) Chán nản thất vọng

8) Mọi việc dù nhỏ nhất đều phải nỗ lực mới làm được

9) Buồn chán đến mức không gì khiến bạn vui lên

10) Cảm thấy bản thân vô dụng

Mỗi câu hỏi trên được trả lời bằng cách chọn một trong năm mức độ với điểm số tương ứng:

  • 1 điểm - Không khi nào 
  • 2 điểm - Ít khi
  • 3 điểm - Đôi khi
  • 4 điểm - Hầu hết thời gian
  • 5 điểm - Mọi lúc
Kết quả nếu dưới 20 điểm thì tương đối ổn, từ 20-24 điểm là bị rối loạn tâm lý nhẹ, từ 25-29 là rối loạn tâm lý ở mức trung bình và hơn 30 điểm là rối loạn tâm lý nặng.

Những ai có kết quả từ 20 điểm trở lên đều nên đến gặp bác sĩ để nhờ giúp đỡ về tâm lý.
Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe tinh thần
Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe tinh thần. Source: Pixabay
Phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tinh thần

Mỗi người có thể tự chăm sóc tốt sức khỏe tâm thần và phòng bệnh bằng những cách như:  

  • Giữ lối sống năng động và lành mạnh, thường xuyên tập thể dục
  • Có chế độ dinh dưỡng khoa học, không ăn nhiều đường, muối, mỡ, uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ
  • Ngủ đủ giấc
  • Giữ cân nặng ổn định với chỉ số BMI dưới 25, giữ vòng eo dưới 94cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
  • Tập thư giãn bằng cách thiền, thở sâu, yoga và các hình thức giải trí lành mạnh.
  • Tránh thuốc lá, giảm bia rượu, cà phê và tránh các chất gây nghiện.
  • Có các mối quan hệ tích cực và tốt đẹp, sống hài hòa với mọi người xung quanh và thiên nhiên.
  • Tránh tiếp xúc các thông tin tiêu cực, thông tin không rõ nguồn gốc hoặc không kiểm chứng được, chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các nguồn tin cậy như từ chính phủ, Bộ Y tế...
  • Theo đuổi sở thích lành mạnh, học kiến thức mới, tập chơi một nhạc cụ mới
  • Dành vài phút dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày.
  • Cập nhật kiến thức thường xuyên để tìm hiểu thêm và trang bị cho mình kiến thức cơ bản để phòng bệnh
  • Gặp bác sĩ gia đình để thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Một số dịch vụ miễn phí hỗ trợ sức khỏe tâm thần:

  •   131 114 ,   hoạt động 24/7
  • 1800 512 348 , hoạt động 24/7
  • 1800 551 800 , hoạt động 24/7, dành cho người từ 5-25 tuổi
  • , 1300 659 467, hoạt động 24/7
  • , hoạt động 24/7 dành cho người từ 12-25 tuổi
  • , 1800 737 732, hỗ trợ nạn nhân bạo hành tình dục hoặc bạo lực gia đình
Ngoài ra mọi người cũng có thể đăng ký kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần (Mental Health Care Plan) bằng cách liên hệ bác sĩ gia đình để được giới thiệu gặp chuyên gia tư vấn tâm lý. Mỗi năm một người có thể đăng ký 20 cuộc tư vấn tâm lý miễn phí hoặc với mức phí rất thấp.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe bác sĩ Eric Hưng Trần trình bày chi tiết về chăm sóc sức khỏe tinh thần trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.

Share