Sức khỏe là Vàng: Chăm sóc người bệnh Alzheimer

al

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Bệnh nhân Alzheimer ở giai đoạn nặng thường quên vị trí để đồ đạc, mới ăn xong lại bảo là chưa ăn, không nhận ra con cháu, không tin tưởng những người xung quanh, nhiều lúc giận dữ la mắng vì cho rằng người khác đang muốn hại mình... Khi đó vai trò của người thân chăm sóc vô cùng quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn. Vậy làm thế nào để người nhà chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân Alzheimer mà đồng thời không phải chịu quá nhiều áp lực?


Alzheimer là một trong những căn bệnh phổ biến gây giảm trí nhớ ở người già. Người càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao. Theo thời gian, người bệnh mất dần nhận thức hoặc không tự chủ về hành vi, không thể tự chăm sóc bản thân, gây trở ngại lớn cho cuộc sống của người bệnh và người thân trong gia đình.

Bệnh Alzheimer không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh, mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của người thân thường xuyên chăm sóc bệnh nhân. Nếu không tìm hiểu kỹ về bệnh Alzheimer và cách chăm sóc người bệnh thì người chăm sóc sẽ gặp rất nhiều khó khăn về sức khỏe lẫn tâm lý.

Người bệnh Alzheimer thường có vẻ rất thoải mái khi chẳng nhớ chuyện gì, trong khi người chăm sóc lại khổ sở vì những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi, cáu gắt của người bệnh.

Mất khả năng nhớ thông tin, thay đổi tính tình, thờ ơ với mọi việc xung quanh, không nhận ra người thân, mất khả năng giao tiếp linh hoạt, khó khăn khi diễn đạt ý muốn, không duy trì được các hoạt động thường ngày, ở mức độ nghiêm trọng là mất kỹ năng vệ sinh cá nhân... Tất cả những triệu chứng này khiến bệnh nhân Alzheimer cần được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt.

Vai trò quan trọng của người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer

Bệnh Alzheimer song hành với quá trình lão hóa nên không có cách nào điều trị khỏi. Nhưng mắc bệnh Alzheimer không có nghĩa là hết hy vọng. Khi người thân chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân đúng cách thì có thể làm chậm diễn tiến của bệnh.

Ngược lại nếu không biết cách chăm sóc thì người thân chẳng những không giúp được người bệnh mà còn bị tình trạng của người bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của mình.

Hiện trên toàn nước Úc có hơn 2.65 triệu người đang phụ trách chăm sóc người khác, chiếm tỷ lệ khoảng 1/11 dân số. Phần lớn họ chăm sóc người thân và tin rằng họ có thể chăm sóc trực tiếp thường xuyên và kịp thời hơn các dịch vụ có sẵn của chính phủ.

Để hỗ trợ người chăm sóc bệnh nhân, chính phủ có các khoản trợ cấp như Carer Payment, Carer Allowance, Carer Supplement... cũng như các chương trình trợ giúp về tinh thần cho người chăm sóc.

Chăm sóc bệnh nhân Alzheimer và giúp làm chậm tiến trình bệnh

Thường những người có thân nhân bị bệnh Alzheimer nên tham gia các khóa hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, cách xử lý các tình huống, nhận biết và quan tâm tới cảm xúc và tâm lý của người bệnh qua các giai đoạn nhằm giữ cho người bệnh được an toàn.

Ngoài việc luôn để ý đến người bệnh, đưa đi gặp bác sĩ, chăm lo ăn uống đủ dinh dưỡng, giúp duy trì vận động phù hợp..., người chăm sóc nên lưu ý một số vấn đề quan trọng như:

- Tạo môi trường sống thoải mái hơn cho bệnh nhân, giảm bớt đồ đạc trong phòng, sắp xếp vật dụng gọn gàng để hạn chế rủi ro người bệnh bị vấp té, lắp đèn cảm biến để giúp người bệnh thấy rõ đường đi, lắp đặt tay vịn để hỗ trợ người bệnh khi đi đứng...

- Cố gắng duy trì thói quen tốt của bệnh nhân càng nhiều càng tốt, khuyến khích người bệnh tự chăm sóc bản thân như rửa mặt, đánh răng, để người bệnh không bị quên những kỹ năng đó.

- Không nên đặt gương trong phạm vi sinh hoạt của người bệnh, nhất là khi người bệnh không còn nhận ra mình là ai và có thể sợ hãi khi nhìn thấy hình ảnh trong gương.

- Bảo đảm cho người bệnh dùng thuốc theo chỉ định.  Bệnh nhân Alzheimer là người cao tuổi nên người chăm sóc cũng phải giúp kiểm soát các bệnh mãn tính của người bệnh. Có thể dùng hộp phân liều thuốc uống, giúp bệnh nhân uống thuốc đúng giờ và đúng liều.

- Kiên nhẫn giao tiếp với người bệnh, thông cảm và động viên người bệnh vượt qua các triệu chứng lo lắng, hoảng loạn..

- Người chăm sóc cũng cần dành thời gian để bản thân được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, hàng năm có thể yêu cầu dịch vụ “Respite” của chính phủ để bệnh nhân được người khác chăm sóc thay thế trong một khoảng thời gian, nhằm giảm áp lực cho người chăm sóc.

Nói chung, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer gia tăng theo tuổi tác. Bất cứ ai về già đều không tránh khỏi quá trình lão hóa cơ thể, thoái hóa thần kinh dẫn đến bệnh suy giảm trí nhớ nghiêm trọng. Khi đó vai trò của người chăm sóc rất quan trọng để giúp làm chậm diễn tiến của bệnh.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày chi tiết về chăm sóc bệnh nhân Alzheimer trong tạp chí Sức khỏe là Vàng. 

Share