Sức khỏe là vàng: Bệnh cứng khớp vai

frozen shoulder

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đau khớp vai, không thể đưa tay lên miệng, chải đầu hoặc với tay ra sau lưng… là những triệu chứng thường gặp của bệnh cứng khớp vai. Nguyên nhân của bệnh là gì? Bệnh có nguy hiểm không và liệu có cách nào để phòng ngừa?


Theo một nghiên cứu của đại học Adelaide, đau vai, nhức mỏi hoặc cứng khớp là vấn đề hàng ngày của gần một phần tư dân số Úc, ảnh hưởng đến hơn 250.000 người. Tỷ lệ mắc bệnh cứng khớp vai (frozen shoulder) từ 3-5% trong dân số nói chung và lên đến 20% ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tình trạng này thường ảnh hưởng nhiều nhất đến những người trong độ tuổi từ 40 đến 60 và xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Bệnh thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vai, nhưng có thể tiếp tục phát triển ở vai còn lại.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số người mắc bệnh cứng khớp vai cảm thấy tình trạng có thể tự cải thiện sau một thời gian, nhưng bệnh kéo dài gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt thường ngày và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Có đến 40% bệnh nhân có thể có các triệu chứng dai dẳng, với 7–15% mất khả năng vận động vĩnh viễn ở một mức độ nào đó.

Cứng khớp vai là gì?

Bệnh cứng khớp vai là khi phần bao của khớp vai dày lên và co cứng, dẫn đến đau và làm hạn chế sự vận động.

Bệnh diễn tiến âm ỷ từ nhẹ đến nặng, âm ỷ và đau nhức, khiến vai cử động ngày càng khó khăn hơn.

Cứng khớp vai diễn ra theo ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn đau và dần dần bị giới hạn cử động. Sau đó là giai đoạn đông cứng khớp, mất biên độ vận động. Và cuối cùng là giai đoạn tan đông, khớp vai dần dần phục hồi vận động, nhưng khó phục hồi hoàn toàn như ban đầu.

Một số nguy cơ dẫn đến cứng khớp vai

Hiện các nguyên nhân gây cứng khớp vai chưa được làm rõ, nhưng các yếu tố nguy cơ của bệnh thường bao gồm:

- Người bất động vai lâu ngày sau khi bị chấn thương, đột quỵ hoặc phẫu thuật vùng vai.

- Người bệnh tiểu đường, cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng.

- Người bệnh tim mạch, bệnh lao, bệnh Parkinson.

Cứng khớp vai thường xảy ra ở người từ 40-60 tuổi, ở nữ nhiều hơn nam.

Chẩn đoán và điều trị

Cứng khớp vai có thể được chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng, kiểm tra mức độ vận động của vai.

Bệnh cũng được chẩn đoán bằng các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp MRI.

Về điều trị, cứng khớp vai đòi hỏi thời gian lâu dài. Trong thời gian đầu, bệnh nhân nếu đau nhiều và muốn dùng thuốc thì có thể uống thuốc giảm đau.

Nhưng để giải phóng các bao khớp bị cứng và nâng tầm vận động của khớp vai thì cần thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu. Tập vật lý trị liệu sớm, thực hiện đúng kỹ thuật và kiên trì thì khớp mới có khả năng phục hồi vận động như ban đầu.

Bệnh nhân cũng có thể được chích thuốc giảm đau, hoặc phẫu thuật can thiệp kéo giãn khớp vai, nhưng các biện pháp này khó khăn và tỷ lệ thành công không cao.

Giảm nguy cơ cứng khớp vai

Để giảm nguy cơ cứng khớp vai, cần tránh cố định vai lâu ngày sau khi trải qua phẫu thuật vai hoặc bị chấn thương vai.

Bệnh nhân nên điều trị sớm khi có triệu chứng.

Bệnh cứng khớp vai sẽ hồi phục nếu bệnh nhân kiên trì luyện tập vật lý trị liệu.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe tiến sĩ Hoàng Đình Phú, chuyên gia về Vật lý trị liệu từ Sydney, trình bày chi tiết về bệnh cứng khớp vai trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.

Share