Sức khỏe là vàng: Viêm phế quản

phoi

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Viêm phế quản là bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, với những triệu chứng không khác biệt nhiều so với các bệnh về đường hô hấp nói chung, bao gồm COVID-19. Làm thế nào để nhận biết bệnh viêm phế quản cũng như điều trị và phòng ngừa đúng cách?


Viêm phế quản là bệnh về đường hô hấp, xảy ra khi có vi khuẩn, virus hoặc các chất độc hại gây ra phản ứng ở phế quản.

Viêm phế quản được chia làm hai 2 loại, cấp tính và mãn tính.

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài từ 5-10 ngày. Bệnh nhân có thể ho có đàm hoặc không đàm. Bệnh có thể biến chứng dẫn đến sưng phổi, sốt cao, ho, khó thở, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Viêm phế quản mạn tính là khi bệnh nhân ho có đàm kéo dài trong nhiều tháng, và bệnh xảy ra liên tiếp trong hai đến ba năm trở lên.

Bệnh diễn ra lâu ngày có thể gây giãn phế quản, khí thũng phổi, gây ra triệu chứng khó thở, ngộp thở.

Nguyên nhân gây viêm phế quản thường là do nhiễm virus, hoặc tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích phổi như khói thuốc, bụi, chất thải ô nhiễm không khí. 

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Khi ho kéo dài hơn ba tuần, sốt liên tiếp trong khoảng ba ngày, trong đờm có máu, khó thở, đau ngực, hoặc khi các triệu chứng tái diễn nhiều lần thì cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.

Về điều trị, viêm phế quản cấp tính có thể dùng thuốc ho hoặc một số phương pháp dân gian thì có thể dần khỏi bệnh. Trong trường hợp nhiễm khuẩn có thể dùng trụ sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Những trường hợp bệnh nặng có thể đòi hỏi phải uống thuốc dài lâu, hoặc phải tập vật lý trị liệu về phổi, tập thở để các cơ trong phổi mạnh hơn để có thể đẩy đàm ra ngoài.

Làm thế nào để phòng bệnh?

Để phòng ngừa viêm phế quản cũng như phòng ngừa COVID-19, mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang.

Một điều quan trọng nữa là không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với người hút thuốc lá cũng như các môi trường độc hại, nhiều bụi bẩn.

Đặc biệt đối với người lớn tuổi có thể chích ngừa viêm phổi 5 năm/1 lần. Người từ 65 tuổi trở lên ở Úc được chích ngừa viêm phổi miễn phí tại các phòng khám của bác sĩ gia đình.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe Bác sĩ Phước Võ từ Sydney trình bày chi tiết về bệnh Viêm phế quản trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.

Share