Du học ở Úc (95) Mẹo làm các dạng bài thi khác nhau

SBS Vietnamese

SBS Vietnamese Source: SBS Vietnamese

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Với từng dạng bài thi khác nhau, trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm chỉ có đúng và sai, viết luận, và thi được mở sách… việc chuẩn bị có ít nhiều khác biệt.


Mẹo giúp giữ da khỏe đẹp trong mùa Đông dành cho các bạn nữ:

Một số lưu ý nho nhỏ và cũng dễ thực hiện để giúp hạn chế tối đa những ảnh hưởng của thời tiết lạnh lên làn da, theo gợi ý của một nữ sinh viên Đại học Macquarie, Sydney:

  • Trong ngày, đi học hay đi làm, nhớ mang theo một chai nước dưỡng ẩm nho nhỏ trong túi xách để xịt lên mặt, cung cấp đủ độ ẩm cho da mặt
  • Buổi tối, trước khi đi ngủ, có thể sử dụng thêm các loại mặt nạ ngủ để cung cấp đủ dưỡng chất cho da.
  • Có thể dùng thêm Vitamin C dạng uống mỗi ngày. Tuy vậy, tốt nhất, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc ít nhất là tìm hiểu về liều dùng hợp lý mỗi ngày trước khi sử dụng các sản phẩm này.
  • Dùng kem dưỡng da thường xuyên, đặc biệt cho tay và chân, thoa ít nhất mỗi ngày hai lần, vì đây là hai bộ phận ít được giữ ấm nhất.
  • Không nên dùng nước quá nóng khi tắm, vì như vậy dễ làm cho da bị kích ứng và ngứa ngáy. Nếu tiện, hãy sắp xếp thời gian tắm vào buổi trưa để có thể dùng nước ấm vừa phải. Đặc biệt, với da mặt, sau khi rửa mặt bằng nước nóng, đừng quên rửa lại bằng nước lạnh để không tác động xấu đến lỗ chân lông.
  • Đừng quên chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây tươi và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày dù thời tiết lạnh khiến bạn ít cảm thấy khát nước hơn.
Winter gloves
Source: Pixabay
Những mẹo nhỏ khi ôn tập và làm các dạng bài thi khác nhau, được tổng hợp từ chuyên mục Chuẩn bị thi cử của Đại học New South Wales.

Mẹo cho bài thi trắc nghiệm

  • Tìm hiểu kỹ về nguyên tắc chấm điểm để biết có bị trừ điểm cho các câu trả lời sai hay không (marks penalty hoặc negative marking). Nếu có, chỉ trả lời những câu mà bạn cảm thấy chắc chắn và tự tin. Nếu không, hãy thử đoán câu trả lời để không phải bỏ trống một câu nào.
  • Đọc kỹ câu hỏi vì câu hỏi trắc nghiệm thường có “cài bẫy”. Cần đọc kỹ để không vội vàng chọn sai đáp án.
  • Trong trường hợp mà tất cả các đáp án đều có vẻ đúng, lưu ý đến các từ, cụm từ: “Doesn’t” (Không), “Best describe” (mô tả đúng nhất), “More than one answer” (Chọn nhiều hơn một đáp án)…
  • Để ý sự tương hợp về ngữ pháp giữa câu hỏi với câu trả lời mà bạn định chọn. Ví dụ: khi ráp câu hỏi với câu trả lời lại với nhau mà câu sai ngữ pháp thì thường đó là câu trả lời sai.

Mẹo khi trả lời câu hỏi dạng True or False

  • Những câu khẳng định có đi kèm các “absolute words”, những từ xác định như “All” (tất cả), “None” (không gì cả), “Always” (luôn luôn), “Never” (không bao giờ)… thường là những câu sai.
  • Những câu khẳng định với các “Qualifying words”, tức là các từ như “Most” (đa số), “Some” (một vài), “Often” (thường)… có nhiều khả năng đúng hơn.

Image

Mẹo khi thi viết luận:

Không cần phải trả lời theo thứ tự xuất hiện của các câu hỏi. Thay vì vậy, hãy bắt đầu với bài nào dễ nhất.

Khi nhận thấy thời gian làm bài sắp hết trong khi còn nhiều ý cần viết và muốn viết, đừng bỏ cuộc. Các bạn hãy tranh thủ những phút cuối cùng này để trình bày các ý theo dạng liệt kê, gạch đầu dòng.

Giữa các bài luận, nên chừa ra một khoảng trống vừa phải để sau khi hoàn thành toàn bài, nếu còn thời gian và nhớ ra ý nào cần bổ sung, vẫn còn chỗ để thêm vào mà không khiến cho bài thi trở nên rối mắt và khó theo dõi.

Tránh 4 quan niệm sai lầm với bài thi dạng mở sách

1 - Thi mở sách quá đơn giản. Thực tế, bài thi mở yêu cầu câu trả lời phải được cấu trúc chặt chẽ chứ không phải chỉ đơn thuần là tìm các câu trả lời từ sách giáo khoa rồi chép vào bài làm của mình. Việc trả lời đúng ý theo sách không giúp bạn đạt được điểm cao. Điều quan trọng là bạn phải biết vận dụng các thông tin từ trong sách để áp dụng vào câu trả lời của mình như thế nào.

2 - Thi mở sách nghĩa là không phải học bài. Sự thật là bạn vẫn phải ôn bài như bất kỳ dạng thi nào khác. Chỉ là không cần phải học thuộc lòng quá nhiều, nhưng vẫn phải ôn tập để nắm rõ bài vở một cách hệ thống, hiểu rõ từng nội dung để vận dụng vào trả lời các câu hỏi một cách thuyết phục nhất.

3 - Bạn chỉ cần chép đúng như sách giáo khoa là được. Sao chép trực tiếp sẽ khiến bạn bị lỗi đạo văn. Thay vào đó, bạn phải tìm ra được thông tin, diễn giải và phân tích chúng trong câu trả lời của mình. Khi dùng thông tin trong sách giáo khoa, bạn vẫn phải ghi rõ trích dẫn như khi làm bất cứ bài thi nào khác.

4 - Càng nhiều tài liệu càng tốt. Thực tế thì đừng bao giờ để mình bị ngập trong một đống tài liệu ôn thi. Chỉ nên mang theo những gì cần thiết bởi bạn sẽ không có thời gian để đọc quá nhiều. Việc đem nhiều sách chỉ khiến bạn bị phân tâm. Tốt nhất hãy lựa chọn cẩn thận và sắp xếp chúng một cách khoa học. Nhớ đánh dấu vị trí các khái niệm, nguyên lý cốt lõi một cách thống nhất để dễ dàng tìm ra chúng trong thời gian nhanh nhất.
open book exam
Thi mở sách không có nghĩa là không cần học bài... Source: Pixabay

Lưu ý về thời gian và phương pháp ôn thi:

  • Tận dụng những khoảng thời gian ngắn để ôn bài: 15 phút cũng đủ để các bạn xem lại lecture notes. Vì vậy, đừng để thời gian trên xe lửa, xe bus của bạn trôi qua vô ích.
  • Đừng nên ôn bài liên tục quá 50 phút mỗi lần. Chỉ nên học trong những khoảng thời gian ngắn mà tập trung còn hơn học lâu mà cảm thấy mệt mỏi, không hiệu quả.
  • Để ý xem mình tỉnh táo nhất vào thời gian nào trong ngày: buổi sáng, trưa hay tối? Trong ngày, lúc nào bạn sẽ được yên tĩnh một mình để học bài?
  • Bắt đầu ôn bài sớm và đi ngủ sớm. Thức khuya đến 2,3 giờ sáng để ôn bài bạn sẽ không thật sự hiệu quả vì bạn sẽ không nhớ được gì nhiều, và đầu óc còn không đủ tỉnh táo trong ngày hôm sau.
  • Chọn phương pháp học phù hợp: Nếu cần trực quan sinh động, hãy hệ thống lại các nội dung bằng các biểu đồ, bản đồ, hình ảnh. Nếu bạn dễ nhớ hơn khi nghe ai đó trình bày, hãy nghe lại các bài giảng của giảng viên, hoặc tự mình đọc, thu âm và các bài giảng để nghe lại sau đó. Bạn cũng có thể thử diễn giải các khái niệm cho chính mình nghe như đang giảng bài. Nếu cảm thấy không tự tin với khả năng tự học của mình, hãy thành lập một nhóm để học cùng nhau. Trao đổi các bài tập, góp ý lẫn nhau sẽ giúp hiểu bài và nhớ bài lâu hơn.

Share