Du học ở Úc (88) Giữ mình an toàn

Tìm cảnh sát để nhờ giúp đỡ

Tìm cảnh sát để nhờ giúp đỡ Source: University of South Australia

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tham khảo những cách để giữ an toàn cho chính mình trong và ngoài khuôn viên trường học.


Câu chuyện về các du học sinh Trung Quốc tại Melbourne đang bị nhắm làm mục tiêu trong các vụ giật điện thoại, giật máy tính bảng đã một lần nữa dấy lên mối nghi ngại về tình trạng cướp giật nói chung, và những vụ trấn lột nhằm vào sinh viên nói riêng.

Đừng nghĩ là chỉ có nữ sinh chân yếu tay mềm, đi về một mình mới bị trấn lột, ngay cả những bạn nam cũng có thể trở thành nạn nhân của những vụ tấn công này.

Phản hồi lại những thông tin về tình trạng trấn lột nhắm vào đối tượng là các sinh viên, một bạn nam tại Sydney đã kể lại câu chuyện của mình trên diễn đàn du học sinh:

“Hôm đó mình đi làm về khuya, tới khu Parramatta thì bị một đám 4 thanh niên đuổi đánh và trấn lột. Cả 4 đứa cùng nhau đánh liên tục nên mình không chống đỡ nổi, bị gãy răng luôn.

“Hôm đó may chỉ mất điện thoại. Bóp tiền và đồng hồ thì chúng chưa kịp giật đã có người đi tới nên chúng bỏ đi”.

Học cách giữ mình an toàn

Dưới đây là những lưu ý để bảo đảm an toàn cho bản thân do đưa ra, kết hợp với những thông tin về an toàn trên website do chính phủ cung cấp cho du học sinh.

1. Cách nhận ra cảnh sát để nhờ giúp đỡ

Bạn có thể nhận ra cảnh sát thông qua đồng phục mà họ mặc, huy hiệu, thẻ cảnh sát có mã số, tên và ảnh, logo. Xe cảnh sát có màu trắng, xanh hai bên, đèn đỏ và đen xanh phía trên. Nhiều khi họ cũng đi bằng xe môto, xe đạp và ngựa.

Cảnh sát sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn, đừng ngần ngại hỏi và yêu cầu giúp đỡ. Hãy cung cấp tên và địa chỉ của bạn khi được cảnh sát hỏi. Nếu bạn không chắc người nói chuyện với mình có thật là cảnh sát hay không, bạn có thể yêu cầu họ trình ra thẻ cảnh sát của mình.

Khi cần sự giúp đỡ và trường hợp khẩn cấp, gọi 000 – nếu bạn bối rối đến quên tiếng Anh, nói “Vietnamese please”, tổng đài sẽ kết nối bạn với thông dịch.
stay safe
Source: Creative Commons

2. Bản thân sinh viên có thể bảo vệ an toàn cho chính mình bằng cách tập thói quen an toàn

Trong khuôn viên trường
  • Biết số điện thoại bảo vệ/ số điện thoại khẩn cấp của trường
  • Tìm hiểu trước và nhớ vị trí của các buồng điện thoại để gọi đến bảo vệ, chốt bảo vệ
  • Tránh đi bộ một mình trong khuôn viên trường vào ban đêm
  • Yêu cầu có người hộ tống nếu đi một mình vào ban đêm. Bạn sẽ được hộ tống đến bãi đậu xe trong trường, đến trạm xe bus, xe lửa công cộng để về nhà. Trong một số trường hợp đặc biệt cần thiết, bạn sẽ được đưa về tận nhà.
Ngoài nhà trường
  • Tránh xa các đoạn đường vắng, các tòa nhà vắng vẻ
  • Cần xác định rõ nơi mình đang đứng, đang đi đến và những người nào đang ở xung quanh mình
  • Nếu được thì đi trong các nhóm đông người
  • Không tùy tiện đi nhờ xe người lạ
  • Khi bạn đang đi bộ trên đường, có người lái xe bên cạnh để hỏi đường, hãy nhớ giữ một khoảng cách an toàn khi trò chuyện, chỉ đường cho họ. Nếu thấy khả nghi, tốt nhất hãy cứ đi tiếp.
Trước khi ra khỏi nhà
  • Luôn sạc điện thoại đầy pin trước khi ra khỏi nhà, để chắc rằng điện thoại bạn vẫn còn dùng được trong những trường hợp khẩn cấp.
  • Để những đồ giá trị ở nhà khi không cần dùng đến, chẳng hạn như trang sức, các đồ dùng điện tử như máy tính bảng, và hộ chiếu của bạn.
headphone
Lưu ý về vấn đề an toàn khi dùng tai nghe trên đường Source: Pixabay
Trên đường
  • Không nên đeo tai nghe và vặn âm thanh quá to khi đi bộ trên đường vì như thế bạn sẽ không thể nghe và biết được những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nếu cần đeo tai nghe, hãy vặn nhỏ âm lượng hoặc chỉ đeo một bên tai mà thôi.
  • Không nên cúi mặt chăm chú vào điện thoại khi đi trên đường vắng. Thay vào đó, phải chú ý quan sát xung quanh để nhanh chóng phát hiện ra những kẻ khả nghi, đề phòng chúng sẽ tấn công bạn. Việc này không chỉ giúp bạn tránh được những kẻ cướp giật, mà còn nhằm bảo đảm an toàn giao thông khi đi trên đường. Rất nhiều trường hợp vừa đi bộ vừa chăm chú vào điện thoại mà qua đường khi đèn đỏ, dừng trước đầu xe…
  • Nếu bạn không có hoặc không mang theo điện thoại di động, hãy chắc rằng bạn có một thẻ điện thoại hoặc có sẵn tiền để gọi điện thoại khi cần thiết.
  • Giữ túi xách và các vật dụng khác sát vào người, và lúc nào cũng có thể nhìn thấy chúng. Khi đi trên đường, mang túi xách ở phía bên trong lề đường.
  • Khi đi bộ trên đường, hãy đi trên phần đường dành cho người đi bộ, khi bang qua đường cũng vậy.
  • Không bao giờ tùy tiện quá giang xe người lạ
  • Nếu được, hãy đi cùng với một nhóm hoặc một người bạn của mình
Đừng gợi lòng tham cho kẻ khác
  • Nếu bạn là tân sinh viên mới đến Úc và chưa có chỗ ở, hãy đến phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường bạn và yêu cầu một chỗ để đồ an toàn trong khuôn viên trường.
  • Không nên bày bừa ví tiền, điện thoại trên bàn. Tốt nhất hãy để chúng cẩn thận trong túi xách, luôn kéo khóe lại.
  • Không mang quá nhiều tiền mặt trong người. Bạn nên nhớ rằng mình có thể rút tiền ở các máy ATM ở các khu mua sắm, siêu thị, trạm xăng, quán bar, cửa hàng… và nhiều khu vực công cộng khác.
  • Khi cần rút tiền, không nên rút ở những cây ATM vắng vẻ. Khi nhập mật mã cá nhân, nên dùng tay hoặc một vật dụng nào đó để che bàn phím lại. Khi thấy khả nghi, nhấn nút Cancel để hủy giao dịch và thu lại thẻ.
  • Nếu bạn đi làm thêm, ngày nhận lương, nên deposit tiền vào tài khoản trước khi về.
ATM in Australia
Khi cần rút tiền, không nên rút ở những cây ATM vắng vẻ. Source: Wikipedia

3. Lưu ý khi đi xe bus, xe lửa, xe điện:

Nhiều biện pháp nhằm bảo vệ an toàn cho hành khách sử dụng các phương tiện công cộng đã được áp dụng, bao gồm các nhân viên bảo vệ, điểm hỗ trợ khẩn cấp, chiếu sáng, camera an ninh, tuy vậy, bạn cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách:

Luôn lên kế hoạch trước lộ trình về nhà của mình. Đặc biệt là vào ban đêm. Có thể bạn sẽ cần đặt trước taxi hoặc các phương tiện di chuyển khác cùng với một người bạn của mình. Và hãy luôn chắc rằng mình có đủ tiền để về đến nhà.

Khi đợi tàu, xe ở trạm vắng người, cần tìm hiểu trước để biết rõ vị trí của các điểm hỗ trợ khẩn cấp (Emergency Helppoint) - nơi bạn có thể gọi và thông báo tình trạng của mình cần được ứng cứu.

Tránh những trạm tàu, xe quá vắng vẻ

Kiểm tra timetables để tránh phải ngồi chờ quá lâu ở trạm tàu xe một mình vào ban đêm.

Nếu bạn thấy mình ngồi một mình trong toa tàu, hoặc với một người mà bạn cảm thấy sợ, hãy chuyển sang toa khác.

4. Lưu ý khi đi taxi

Đi taxi về nhà vào ban đêm, cần thông báo cho bạn bè hoặc người thân của mình biết tên tài xế và số xe

Chọn chỗ ngồi nào mà bạn cảm thấy thoải mái và an toàn nhất. Thông thường, bạn có thể ngồi ở phía trước hoặc ngoài rìa taxi

Luôn chắc rằng bạn biết rõ địa chỉ mà mình sẽ đến trước khi bước lên taxi

Nói cho tài xế biết lộ trình mà bạn muốn đi, đừng ngần ngại phản đối nếu tài xế đưa bạn đi một con đường khác, nhất là khi đường đó xa lạ đối với bạn.

Nếu không muốn tài xế taxi biết chính xác nhà bạn, hãy yêu cầu họ cho bạn xuống ở một đoạn ngắn trước nhà bạn.
how to wear bag safely
Đừng đem theo quá nhiều tiền trong người khi ra đường. Source: Pixabay

Hỏi - Đáp

Hỏi: Mình đăng ký chương trình Đại học và khóa Anh văn dự bị 6 tháng. Đã đóng tiền học Anh văn và học phí đại học kỳ đầu tiên. Sau 6 tháng học Anh văn có thể xin chuyển trường khác hay không? Khi nào mới được chuyển trường? Khi chuyển trường cần có những thủ tục gì? Việc lấy lại tiền đã deposit cho trường có khó khăn gì không?

Đáp:

Câu trả lời là không. Học sinh - sinh viên cần học đủ 6 tháng khóa chính (Principal Course, tức là khóa cuối cùng trong thư xác nhận nhập học, gọi tắt là COE của học sinh - sinh viên nếu học nhiều khóa) ở trường trước khi chuyển sang một trường mới; nếu không, sinh viên cần có Release Letter từ trường thì mới được chuyển.

Có ngoại lệ không? Câu trả lời là có nhưng hiếm khi. Quy định 6 tháng này không phải của Sở Di trú mà là của Sở giáo dục liên bang Úc. Vì thế, một số trường vượt rào nhận sinh viên vào, cấp COE mới mà không cần Release Letter từ trường cũ. Sở Di trú sẽ KHÔNG quan tâm việc này, miễn sinh viên đó vẫn có COE và đi học đúng bậc học của mình là được. Nhưng các trường tốt hiếm khi dám làm điều này vì sợ rắc rối với Sở giáo dục sau này.

Sinh sẽ cần có thư mời nhập học (Letter of Offer) và thư xác nhận nhập học (COE) mới của trường định chuyển để chuyển sang. Lưu ý nếu chưa ở trên visa ban đầu được 1 năm, sinh viên không được phép chuyển bậc học thấp hơn (ví dụ từ visa bậc đại học 573, chuyển thành visa bậc cao đẳng nghề 572).

Việc lấy lại tiền đã đặt cọc cho trường cũ nói chung rất khó khăn do mỗi trường có một chính sách riêng và phần lớn không hoàn tiền nếu không có trường hợp “đặc biệt”. “Đặc biệt” ở đây ví dụ ốm đau, bệnh tật (bản thân hoặc thân nhân) phải về Việt Nam…

(Tùng Nguyễn - Chuyên viên tư vấn du học và di trú tại Sydney giải đáp)

Các bạn du học sinh có những thắc mắc gì về các thủ tục trong lĩnh vực du học, di trú và làm việc ở Úc, hãy gửi câu hỏi về cho chương trình Du học ở Úc, bằng cách để lại bình luận dưới mỗi bài Du học ở Úc được post trên của Ban Việt ngữ hoặc gửi vào hộp tin nhắn của Ban Việt ngữ SBS.

Chúng tôi sẽ tìm kiếm thông tin hoặc nhờ các đơn vị chuyên môn trong các lĩnh vực này để giải đáp thắc mắc của các bạn.


Share