Du học ở Úc (91) Tìm việc qua môi giới

Find job

Find job Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những vấn đề có khả năng xảy ra khi tìm việc làm thông qua các trung tâm môi giới và một địa chỉ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho sinh viên quốc tế ở Sydney.


Cẩn thận khi tìm việc thông qua các trung tâm môi giới

Du học sinh đi làm thêm bị chủ trả lương thấp dưới mức tối thiểu mà chính phủ quy định, bị giam tiền lương, bị nhục mạ… là chuyện không hề hiếm. Thế nhưng ít ai đủ can đảm và kiên nhẫn tìm kiếm các hỗ trợ về mặt pháp lý để đòi lại quyền lợi cho mình.

Dưới đây là câu chuyện của một nam sinh viên, đã từng trải qua nhiều công việc làm thêm khác nhau trên đất Úc, từng suýt bị mất trắng số tiền đã đóng cho trung tâm môi giới với hy vọng có được một việc làm thêm, và hành trình đòi lại công bằng cho chính mình.

Kim Cúc SBS: Chào bạn, hiện tại bạn đang làm công việc gì?

Hiện tại Phong đang là sinh viên theo học chương trình MBA của đại học Wollongong ở Sydney Campus. Ngoài thời gian học thì mình đang làm thêm hai công việc khác là dạy kèm IELTS tại nhà và sửa chữa, cài đặt các loại máy tính, laptop cho các bạn có nhu cầu. Cả hai công việc cho mình một mức thu nhập gọi là tạm ổn để trang trải sinh hoạt phí ở đây.

Kim Cúc SBS:Trước đó, bạn đã từng trải qua những công việc nào?

Trước khi nhận dạy kèm và sửa chữa máy tính thì mình có trải qua khá nhiều công việc khác. Mình đã từng làm dọn phòng ở 2 khách sạn khác nhau, rồi thì chạy bàn và phụ bếp trong thời gian đầu mới qua. Những công việc này đều công việc chân tay khá vất vả.
Kim Cúc SBS: Được biết bạn đã từng phải trả đến $300 đô la cho một trung tâm môi giới để có được việc làm thêm?

Cách đây vài tháng, mình có thấy một quảng cáo của một trung tâm môi giới cho công việc dọn phòng khách sạn với mức lương khá cao. Mặc dù để đăng ký với trung tâm thì mình phải đóng 300$ nhưng vì mức thu nhập như vậy thì mình cũng cảm thấy chấp nhận được.

Sau khi đăng ký với trung tâm thì cơ sở đó cũng không tìm được việc và mình phải ở nhà 1 tháng để chơi không. Lúc mình đóng tiền có ký hợp đồng nhưng hợp đồng khá là chung và mơ hồ, tất cả các điều khoản đều có lợi cho phía trung tâm. Ví dụ hợp đồng chỉ ghi là nếu không tìm được việc cho mình thì sẽ trả lại tiền nhưng không ghi rõ thời gian cam kết tìm được việc.

Sau này nếu phải ký hợp đồng với bên nào khác thì mình sẽ xem xét kỹ hơn các điều khoản về thời gian, ràng buộc và những điều khoản nào có thể giúp mình khi có rắc rối xảy ra.

Kim Cúc SBS: Bạn đã tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt pháp lý ở đâu?

Đó là một trung tâm trợ giúp pháp lý ở Redfern. Trung tâm này hỗ trợ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho các bạn sinh viên quôc tế. Bạn chỉ cần mang đầy đủ bằng chứng, giấy tờ cần thiết lên trung tâm để đăng ký, sau đó trung tâm sẽ đặt lịch hẹn cho bạn với luật sư để tư vấn cho bạn.

Từng có bạn sinh viên khi đi thuê nhà trọ, người chủ nhà trọ mượn thông tin cá nhân của bạn để khai thông tin đóng tiền điện, sau này khi bạn đã chuyển đi nơi ở khác thì bị công ty điện lực đòi tiền với số tiền lên đến vài ngàn đô la, dù bạn không hề sử dụng. Thậm chí, mặc dù vốn tiếng Anh của bạn khá kém nhưng khi liên hệ trung tâm này để nhờ giúp đỡ thì bạn đã được hỗ trợ phiên dịch miễn phí và cuối cùng bạn không phải đóng số tiền đó.
Redfern Legal Centre
Source: Supplied

Về Redfern Legal Center

là một trung tâm trợ giúp pháp lý cộng đồng, nằm ở số 73 Pitt Street Redfern, NSW 2016.

Nếu là sinh viên quốc tế tại tiểu bang NSW, bạn có thể tìm đến đây để được tư vấn khi gặp các vấn đề liên quan đến việc thuê mướn nhà, bị phạt, bị nợ, tai nạn xe cộ, việc làm, phân biệt chủng tộc, luật gia đình, bạo hành gia đình hoặc các vấn đề liên quan đến trường học.

Các nhân viên chuyên trách tại Redfern Legal Centre cũng sẽ tư vấn cho bạn biết những rắc rối pháp lý mà bạn gặp phải có ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến visa sinh viên của bạn.

Liên lạc trung tâm bằng cách gọi đến số điện thoại:

(02) 9698 7645, đặt cuộc hẹn để được tư vấn qua điện thoại hoặc gặp mặt trực tiếp vào tối thứ Tư hằng tuần.

Hỏi - đáp

Câu hỏi:

Là du học sinh, nếu thi rớt 1 môn 3 lần thì sẽ bị vấn đề gì? Những phương án để giải quyết? Có những trường hợp nào du học sinh có quá 3 tháng ở Úc mà không có lớp học gì hay không? Điều này có được phép không? Nếu không, lúc đó du học sinh phải làm gì?

Giải đáp của chuyên viên tư vấn du học và di trú Nguyễn Duy Tùng:

Thường sinh viên sẽ bị cấm học môn học đó trong vòng 12 tháng kế tiếp. Tùy vào policies của mỗi trường vì đây cũng không phải là Luật mà là quy định của các trường (nhất là bậc ĐH trở lên).

Sinh viên có thể về Việt Nam hoặc chuyển trường khác. Có thể cố xin trường cho học tiếp (nếu là môn cuối) nhưng thường sẽ không được chấp nhận.

Tùy chính sách của các trường nhưng đa số các trường chỉ cho chuyển tối đa 50% học phần. Ví dụ khóa đại học ở trường A có 24 môn. Sinh viên chỉ được phép chuyển tối đa 12 môn sang, bất kể sinh viên có học bao nhiêu môn chăng nữa. Ngoại lệ là khi trường cũ đóng cửa, trường mới có thể cho chuyển toàn bộ số môn đã học (Curtin University ở Sydney đóng của Sydney campus cuối năm 2016. Các trường như CSU, La Trobe đồng ý cho học viên chuyển toàn bộ credits sang trường mới).


Share