Tạp chí Khoa học (42) Miễn dịch cộng đồng là gì?

High rates of vaccination boost herd immunity in a community.

High rates of vaccination boost herd immunity in a community. Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, sự phổ biến của phong trào chống vắc-xin trong những năm gần đây đã góp phần dẫn đến sự trở lại đáng báo động của các trận dịch sởi gây tử vong trên toàn thế giới.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng cách chủng ngừa giữa các địa phương đã tạo cơ hội cho virus sởi lây lan.

Các cơ quan y tế đang vật lộn với sự hồi sinh của bệnh sởi trên toàn cầu, với số lượng kỷ lục được ghi nhận ở Châu Âu và các trận dịch gây tử vong ở Philippines và Madagascar, một phần là do ngày càng có nhiều cha mẹ từ chối cho con đi chủng ngừa.

“Tiến bộ không đồng đều giữa các quốc gia và trong nội bộ mỗi quốc gia, khiến cho các nhóm người bị mắc bệnh không được bảo vệ, và dẫn đến con số kỷ lục những người bị ảnh hưởng bởi virus này trong năm 2018,” WHO cho biết.

Châu Âu không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các trường hợp bệnh sởi.

Madagascar, một đảo quốc ngoài khơi Đông Phi, vừa trải qua đợt dịch sởi tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Tổng thư ký của Bộ Y tế Madagascar nói với CNN rằng hơn 50,000 người đã mắc bệnh kể từ tháng 10/2018 và đã có hơn 300 người chết – chủ yếu là trẻ em.

Tại Philippines, có hơn 1,800 trường hợp mắc bệnh sởi và 26 trường hợp tử vong trong năm nay, tăng 74% so với năm 2018, theo Cơ quan Dịch tễ học thuộc Bộ Y tế Philippines.

Dịch sởi cũng bùng phát ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ kể từ đầu năm 2019. Theo tờ , ít nhất 55 người ở Washington và tiểu bang láng giềng Oregon đã bị nhiễm virus sởi, với các ca mắc bệnh mới gần như hàng ngày.
Tại tiểu bang NSW, Úc đã có 11 trường hợp mắc bệnh sởi kể từ Giáng sinh năm ngoái.

Một người đàn ông và một em bé ở Sydney đã bị bệnh sau chuyến đi Philippines vào tháng 1/2019. Trường hợp này đã khiến Bộ Y tế NSW kêu gọi người dân nên chủng ngừa đầy đủ trước khi đi du lịch Đông Nam Á.

“Dịch sởi ở các địa điểm du lịch nổi tiếng đồng nghĩa với việc dịch sởi lan đến Úc vào lúc này là rất cao,” Tiến sĩ Vicky Sheppeard, Giám đốc Khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế NSW cho biết.

Phong trào chống chủng ngừa

A baby gets an injection
A TV campaign is being launched to reinforce the health benefits of immunisation. (AAP) Source: AAP
Những lỗ hổng trong phạm vi chủng ngừa, sự chủ quan về căn bệnh, và sự chống đối của một số bậc phụ huynh không cho con đi chủng ngừa, đã khiến cho bệnh sởi lây lan.

Ở nhiều nước, các nhà vận động chống vắc-xin đã tìm cách ngăn cản cha mẹ chủng ngừa cho con, mặc dù có bằng chứng khoa học cho thấy vắc-xin là an toàn và hiệu quả. Tại Ý, Phong trào Five Star luôn chất vấn về sự an toàn của một số loại vắc-xin và lên tiếng chống lại những nỗ lực bắt buộc chủng ngừa.

“Khoảng cách chủng ngừa ở cấp độ địa phương đã tạo cơ hội cho virus lây lan,” Zsuzsanna Jakab, Giám đốc Châu Âu của WHO cho biết.

Một bản phúc trình được công bố bởi Ủy ban Châu Âu hồi năm ngoái phát hiện rằng, phạm vi tiêm chủng bệnh sởi đã giảm ở 12 quốc gia EU kể từ năm 2010, và 7 trong số 10 quốc gia có độ tin cậy vắc-xin thấp nhất trên thế giới nằm ở Châu Âu.

Theo WHO, những người chống vắc-xin thường bẻ cong khoa học, bịt tai trước những lời phê bình, và công kích các nhà khoa học.

“Người chống vắc-xin phớt lờ bất kỳ số lượng bằng chứng nào được cung cấp, và chỉ trích toàn bộ cách tiếp cận khoa học,” WHO cho biết. “Trên thực tế, những người chống vắc-xin thậm chí có thể phản ứng ngược lại với những lập luận thuyết phục.”

Sức mạnh của miễn dịch cộng đồng

Tiến sĩ Romina Libster, một nhà khoa học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia, tại Buenos Aires, Argentina, nói trên diễn đàn TED:

“Trước khi có vắc-xin, nhiều căn bệnh truyền nhiễm đã giết chết hàng triệu người mỗi năm. Trong đại dịch cúm năm 1918, có 50 triệu người chết, nhiều hơn cả dân số Argentina ngày nay.

“Vắc-xin là một trong những thành công vĩ đại nhất của y tế công cộng trong thế kỷ 20, giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong thậm chí còn nhiều hơn cả kháng sinh. Vắc-xin giúp xóa sổ những dịch bệnh khủng khiếp như đậu mùa, và giảm tỷ lệ tử vong của một số căn bệnh khác như sởi, ho gà, cúm và nhiều hơn nữa.

“Hãy tưởng tượng nếu bạn ở trong một thành phố chưa từng bị nhiễm bệnh sởi. Điều đó có nghĩa là không ai trong thành phố đó từng tiếp xúc với bệnh sởi, không ai có cơ chế miễn dịch tự nhiên nhằm chống lại bệnh sởi. Nếu một ngày nào đó, có một người bệnh sởi xuất hiện trong thành phố đó, căn bệnh này sẽ không bị kháng cự, sẽ lây lan từ người này sang người khác, và không lâu sau thì sẽ phát tán khắp cộng đồng. Điều này xảy ra khi không có vắc-xin.

"Ngược lại, nếu bạn ở trong một thành phố nơi mà hơn 90% dân số có khả năng kháng cự với bệnh sởi. Điều đó có nghĩa là họ đã từng mắc bệnh, sống sót và phát triển miễn dịch tự nhiên, hoặc đã được chủng ngừa bệnh sởi. Nếu một ngày nọ, có người mắc bệnh sởi xuất hiện trong thành phố, thì căn bệnh này sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Sự lây nhiễm sẽ bị giới hạn và không bùng phát thành dịch bệnh sởi.”

Theo tiến sĩ Libster, những người chủng ngừa không chỉ bảo vệ chính mình, mà còn ngăn không cho căn bệnh lây lan đến cộng đồng xung quanh. Điều đó có nghĩa là họ đang gián tiếp bảo vệ cho những người trong cộng đồng chưa được chủng ngừa.

Hiện tượng này gọi là miễn dịch cộng đồng. Để miễn dịch cộng đồng có hiệu quả thì cần một tỷ lệ lớn dân số đã được chủng ngừa.
"Khi chủng ngừa, tôi không chỉ bảo vệ chính bản thân mình mà còn bảo vệ những người khác.” - TS Romina Libster
Thế nhưng vào năm 1998, một nhà nghiên cứu người Anh tên là Andrew Wakefield đã công bố một bài viết cho rằng vắc-xin MMR, giúp ngừa bệnh sởi, ho gà và cúm, có liên quan đến bệnh tự kỷ. Ngay lập tức, người ta ngừng tiêm vắc-xin cho con của họ, và dịch sởi đã bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, tại Mỹ và Châu Âu.

Bài viết đã gây chấn động cộng đồng y khoa. Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu xem liệu nó có đúng hay không, nhưng họ không thể tìm thấy mối tương quan giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ.

Trên thực tế, bài viết đã đưa ra những công bố không đúng sự thật, và tạp chí đã rút lại bài viết này vào năm 2010. Thế nhưng nhiều người chống vắc-xin vẫn dựa vào nó để phản đối việc chủng ngừa.

Tiến sĩ Libster giải thích thêm:

“Vắc-xin, giống như những loại thuốc khác, có thể có tác dụng phụ. Phần lớn là nhẹ và tạm thời. Nhưng lợi ích của nó thì luôn lớn hơn tác dụng phụ.

"Khi bệnh, chúng ta muốn mau khỏi. Nhiều người đã từng dùng thuốc kháng sinh khi bị nhiễm trùng, dùng thuốc trị cao huyết áp, hay thuốc trợ tim. Tại sao? Bởi vì chúng ta bệnh và muốn mau hỏi. Và chúng ta không hỏi gì nhiều. Vậy thì tại sao lại khó khăn đến thế khi nghĩ về việc phòng bệnh?

“Chủng ngừa là một hành động cá nhân nhưng có tác động tập thể. Khi chủng ngừa, tôi không chỉ bảo vệ chính bản thân mình mà còn bảo vệ những người khác.”

Gần đây, Giáo sư Kristine Macartney, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Chủng ngừa Úc đã nói với SBS rằng, bà hy vọng cha mẹ sẽ có những quyết định đúng đắn cho con của mình.

"Sởi là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tổn thương hệ thần kinh não, và là một căn bệnh mà chúng ta chắc chắn mong muốn ngăn ngừa sự tiêm nhiễm và lây lan của nó," bà Kristine Macartney nói.

"Và chúng ta có thể hạn chế căn bệnh này trên thế giới nếu như chúng ta vận động được nhiều người tham gia chủng ngừa.”

Share