Nuôi con ở Úc: Tết Việt, món quà chúng tôi tặng nước Úc mến yêu

Các em học sinh và giáo chức tại Vườn xuân của Hội chợ Tết Bankstown

Các em học sinh và giáo chức tại Vườn xuân của Hội chợ Tết Bankstown Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

"Chúng ta may mắn sống tại Úc, một quốc gia trẻ trung và đa văn hóa. Nước Úc sẵn sàng chào đón những giá trị văn hóa mới nhằm làm phong phú cuộc sống của nguời dân tại đây. Người Việt chúng ta đa số xuất thân từ những người tị nạn, chúng ta không có tiền tài, kỹ thuật, do đó văn hóa là món quà quý giá mà chúng ta mang đến nước Úc". Ông Nguyễn Văn Thuất OAM, một người tham gia vào việc tổ chức Tết Việt tại Úc nhiều năm qua bộc bạch tình yêu với thế hệ trẻ và gửi gắm ngọn lửa tiếp nối văn hóa Việt tại Úc.


Nhu cầu của những người di dân muốn sống với cội nguồn

Mỗi năm đến độ Xuân về, người Việt ở khắp các tiểu bang lại nô nức chuẩn bị cho hội chợ Tết. Ông Nguyễn Văn Thuất OAM dự phần trong các hoạt động này từ nhiều năm qua. Đã ngoài thất thập cổ lai hy, nhưng ông luôn giữ vai trò tham vấn, hướng dẫn cho thế hệ trẻ tổ chức các hội chợ Tết cộng đồng. Trả lời phỏng vấn của SBS, ông chia sẻ ước vọng gìn giữ và phát huy tết Việt ở Úc.

“Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống quan trọng nhất của nguời Việt, là một phần thiết yếu trong văn hóa Việt. Văn hóa thể hiện những nét đặc thù của một dân tộc và xác định sự khác biệt giữa dân tộc nầy với dân tộc khác. Văn hóa ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc. Lịch sử đã cho thấy rằng khi một dân tộc bị mất văn hóa, dân tộc đó sẽ bị diệt vong.

Vào thế kỷ 13, đoàn quân Mông Cổ bách chiến bách thắng tạo dựng một đế quốc trải dài từ Á sang Âu, nhưng đế quốc nầy chỉ tồn tại được khoảng 100 năm thì tan rã và đoàn quân viễn chinh lần lượt bị đồng hóa vào các xã hội bản địa mà họ xâm chiếm. Nền văn hóa của các bộ lạc du mục không đủ sức hấp dẫn để góp phần củng cố đế quốc, mà ngược lại, còn bị thu hút bởi sự phong phú và quyến rũ của những nền văn hóa tại những quốc gia bị cai trị. Trong khi đó, nền văn hóa Hán tộc được trang bị với chữ Hán và những định chế tổ chức xã hội chặt chẽ, đã từ lưu vực sông Hoàng Hà bành trướng liên tục, góp phần củng cố sự cai trị và đồng hóa các dân tộc khác, kể cả dân Mãn Châu và một phần Mông Cổ (là những dân tộc đã xâm chiếm và cai trị Trung Hoa vào thế kỷ 17 và 13), để tạo thành nước Trung Hoa rộng lớn ngày nay.
Lể rước dâu trong đám cưới truyền thống của người Việt được tái hiện trong Hội chợ Tết
Lể rước dâu trong đám cưới truyền thống của người Việt được tái hiện trong Hội chợ Tết Source: Supplied
Đối với con người, ngoài nhu cầu vật chất là ổn định cuộc sống cho cá nhân và gia đình, mỗi người đều có ước vọng duy trì được ít nhiều những gì thân thương của quê hương nguồn cội vốn đã khắc sâu, đã là một phần của máu thịt, của mỗi tế bào trong con người mình. Đó có thể là những món ăn hợp khẩu vị, câu hò điệu hát, cây cảnh chim muông, tập tục truyền thống, y phục thường dùng. Do vậy, những ước vọng này lại trở thành nhu cầu tối thiết thứ nhì kế tiếp nhu cầu ổn định về vật chất, đó là nhu cầu được sống với ít nhiều văn hóa nguồn cội”, ông Thuất tâm sự với SBS.
Việc bảo tồn những truyền thống hay đẹp, nỗ lực phát huy những tinh hoa của văn hóa Việt tại Úc, trong đó có Tết Nguyên Đán, chẳng những là một bổn phận, một nhu cầu mà còn là một niềm hãnh diện và một sự đóng góp về văn hóa đầy ý nghĩa của mọi người Việt đang sống tại Úc.
Ông Nguyễn Văn Thuất chia sẻ chúng ta may mắn sống tại nước Úc, một quốc gia trẻ trung và đa văn hóa. Nước Úc sẵn sàng chào đón những giá trị văn hóa mới nhằm làm phong phú cuộc sống của nguời dân tại Úc.

“Việc bảo tồn những truyền thống hay đẹp, hay tích cực hơn nữa là nỗ lực phát huy những tinh hoa của văn hóa Việt tại Úc, trong đó có Tết Nguyên Đán, chẳng những là một bổn phận, một nhu cầu mà còn là một niềm hãnh diện và một sự đóng góp về văn hóa đầy ý nghĩa của mọi người Việt đang sống tại Úc”.
Hình ảnh Vinh quy bái tổ ở làng quê Việt xưa được chào đón trong Hội chợ tết NSW
Hình ảnh Vinh quy bái tổ ở làng quê Việt xưa được chào đón trong Hội chợ tết NSW Source: VCA NSW Chapter
Hãy để những người trẻ gốc Việt tiếp túc thắp sáng ngọn lửa văn hóa  

Ngoài những hoạt động vui chơi, văn hóa, giới thiệu tập tục truyền thống tốt đẹp của mình với các sắc dân khác, một điều quan trọng nữa là để thế hệ trẻ gốc Việt hiểu về tết Nguyên đán và ý nghĩa của truyền thống này. Đây là điều mà ông Nguyễn Văn Thuất luôn trăn trở khi tổ chức hội chợ Tết hàng năm.

“Phần vui chơi, giải trí là điều không thể thiếu để thu hút giới trẻ và đông người tham dự. Nhưng những người tổ chức cần làm sao nội dung của hội chợ Tết chuyên chở được giá trị tinh thần, văn hóa của Hội Tết.

Giới trẻ có nhiều độ tuổi khác nhau, có cá tính, nhu cầu, sở thích khác nhau. Để thu hút họ tổ chức Hội Tết, phải tôn trọng các anh chị em trẻ, dành cho họ những vai trò tích cực.
Tổ chức múa lân cho con cháu trong sân nhà vào ngày mùng 1 Tết
Tổ chức múa lân cho con cháu trong sân nhà vào ngày mùng 1 Tết Source: Supplied
Trong quá khứ, chúng tôi luôn cố gắng mang lại màu sắc văn hóa Việt cho hội chợ tết NSW như tổ chức các hoạt động văn hóa vinh quy bái tổ, lễ rước dâu, hội nghị Diên Hồng. Tôi dành cho những người trẻ vai trò tổ chức các hoạt động này, tạo cho họ niềm thích thú đam mê, khéo léo, tế nhị để giữ những thành phần trẻ trung tiếp tục vai trò lãnh đạo, đảm trách vai trò quan trọng trong tương lai”, ông Thuất bộc bạch tình yêu và niềm tin vào thế hệ trẻ gốc Việt.

“Người Việt chúng ta đa số xuất thân từ những người tị nạn, chúng ta không có tiền tài, kỹ thuật, do đó văn hóa là món quà quý giá mà chúng ta mang đến nước Úc. Mỗi người từ những địa phương khác nhau, mang theo những nét văn hóa đặc thù góp phần vào sự đa dạng của Úc”.

“Hãy mở rộng, thay vì đóng cửa chơi với nhau, mà hãy mời cộng đồng văn hóa khác đến thưởng lãm, chung vui cái hay cái đẹp của chúng ta. Có như vậy mới phát huy hết được giá trị tốt đẹp của Tết Nguyên đán”.

Gia đình ba thế hệ với 100 người ăn tết chung

Bản thân ông Thuất là một người ông, người cha trong gia đình nhiều thế hệ. Con cháu của ông nay đã kế thừa và phát huy truyền thống đón Tết của cha ông.

Ông Thuất chia sẻ gia đình ông vẫn duy trì tập tục “ chúc mừng lẫn nhau, lì xì, chụp ảnh chung” vào sáng ngày Mồng Một Tết”.

“Chúng tôi còn được may mắn có liên hệ với 8 gia đình khác, tạo thành “Nhóm 9 gia đình” (còn gọi là “Cửu Gia”). Đó là một nhóm tương thân tương trợ, gắn bó với nhau ngót 30 năm qua, nhất là trong lãnh vực Mừng Xuân Đón Tết. Năm nào chúng tôi cũng tổ chức ăn Tết chung tại một gia đình vào chiều Mồng Một Tết sau khi đi một vòng quanh các nhà trong 9 gia đình để mừng tuổi ông bà và chúc Tết lẫn nhau.
Ông Nguyễn Văn Thuất (giữa) cùng con cháu trong gia đình
Ông Nguyễn Văn Thuất (giữa) cùng con cháu trong gia đình Source: Supplied
Gia đình đứng ra tổ chức sẽ được sự tiếp sức của 8 gia đình còn lại. Trong những năm đầu tiên, nhân số tham dự chỉ vào khoảng 40 người nay đã tăng lên khoảng 100 người do sự kết hôn của các con (thêm dâu rễ) cùng với sự chào đời của  thế hệ các cháu nội ngoại.

Trong buổi ăn Tết chung này, có nhiều sinh hoạt truyền thống Tết như chúc Tết và lì xì, múa lân, sớ Táo quân, bầu cua cá cọp, lô tô… trong khung cảnh ‘’rất Tết” với hoa Mai hoa Đào rực rỡ, cây nêu, câu đối, tranh dân gian, tràng pháo, bánh chưng…

Năm nay là lần thứ ba đến lượt gia đình tôi tổ chức ăn Tết chung cho 9 gia đình với khoảng100 nguời thuộc 3 thế hệ. Chúng tôi là thế hệ ông bà, các con cùng dâu rễ rồi các cháu nội ngoại.

Điều may mắn là lần này đến phiên gia đình chúng tôi trách nhiệm tổ chức thì cũng như 9 năm về trước, gia đình người con trai và con dâu đảm trách việc tổ chức tại nhà của hai cháu, khác với lần đầu tiên được tổ chức tại nhà của chúng tôi hơn 20 năm về trước.

Lần này thì gia đình người con đó được thêm nhân lực. Đó là 3 cháu nội, nay đã đủ lớn để phụ giúp và góp phần cải tiến vài sinh hoạt Tết, sao cho thêm hấp dẫn và thích hợp hơn với tuổi trẻ.
Cháu ngoại của ông Thuất (nam bên phải) hiện là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên NSW
Cháu ngoại của ông Thuất (nam bên phải) hiện là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên NSW Source: Supplied
Ngoài ra chúng tôi may mắn có một cháu ngoại vẫn phụ giúp ông ngoại (là tôi) trong việc góp sức tổ chức Hội Tết tại Bankstown. Nay có trách nhiệm nặng nề hơn trong vì cháu ngoại này hiện đứng đầu Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại NSW (Chủ Tịch VSA) vốn là một tổ chức luôn tích cực yểm trợ Ban Chấp Hành Cộng Đồng Nguời Việt Tự Do trong việc tổ chức Hội Tết hằng năm tại Fairfield Show Ground”, ông Thuất chia sẻ với SBS các hoạt động của gia đình trong Mùng 1.
Con cháu của Cửu gia quây quần trước sân nhà tìm hiểu về ý nghĩa của Tết nguyên đán
Con cháu của Cửu gia quây quần trước sân nhà tìm hiểu về ý nghĩa của Tết nguyên đán Source: Supplied
Đây là truyền thống mà ông Thuất mong muốn các con sẽ tiếp nối và phát huy trong chính gia đình của mình.

Mời quý vị vào audio để nghe nguyên văn phần phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Thuất OAM.

Share