Nuôi con ở Úc: Dạy con ‘Chọn bạn mà chơi’, cần sự khéo léo

kids

Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cha mẹ nào cũng muốn con của mình có bạn tốt, để con có thể học hỏi những điều hay. Nhưng con thường kết bạn theo suy nghĩ và sở thích của riêng con chứ không hẳn theo ý của phụ huynh. Vậy chúng ta có thể làm gì để khéo léo định hướng cho con cách chọn bạn?


Tình cờ gặp nhau trên một chuyến tàu, chị Giang Trần và Lan Anh làm quen và phát hiện nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là du học sinh đưa con theo định cư ở Úc, lại là hàng xóm của nhau. Đặc biệt hai chị có con học cùng trường, cùng trang lứa. Thế là những người mẹ hiểu được hoàn cảnh và những khó khăn của nhau đã trở thành bạn bè và các con cũng kết bạn với nhau. Các chị cũng may mắn kết nối được với những người bạn cùng hoàn cảnh để tạo thành nhóm bạn thân thiết.

Ngoài sự tương đồng về sở thích và đề tài nghiên cứu lúc đi học, một điểm gắn kết nhóm bạn của chị Giang và Lan Anh chính là con cái, và “nhờ con nên mới có nhóm bạn bè như vậy.”

“Khi sống gần nhau và có con học cùng trường thì có rất nhiều cái lợi, quan trọng nhất là có thể chia sẻ với nhau việc đón con.”- chị Giang cho biết.

Những người mẹ đã hỗ trợ nhau, chia sẻ với nhau việc đón con lúc tan trường, trông nom các con, đưa con đi chơi vào dịp cuối tuần và kỳ nghỉ học. Đến lượt mẹ nào phụ trách thì sẽ trông nom tất cả con của bạn bè, đưa các con đi tham quan vườn thú, viện bảo tàng, khám phá Melbourne...

“Con mình may mắn khi là người di cư đến nước Úc đa văn hóa, bởi vì ở đây ngoài cộng đồng người Việt, con còn có cơ hội kết bạn với nhiều người khác và có thể khám phá nhiều nét văn hóa khác nhau, ngôn ngữ, ẩm thực khác nhau... đó là trải nghiệm vô cùng quý giá.” - chị Giang tâm sự.

Về quan điểm chọn bạn mà chơi, chị Lan Anh nghĩ rằng “mỗi người bạn thì dù ít hay nhiều mình cũng học được một tính tốt hay một đặc điểm riêng khiến họ là người bạn đáng quý.”

Đối với Lan Anh, ngay cả khi con có bị bắt nạt hoặc gặp bạn xấu thì đó là cơ hội để con học hỏi để có cách ứng biến phù hợp. Và thay vì lo âu về những nguy cơ xấu, chị trang bị cho con những kỹ năng để con có thể xử lý trong hoàn cảnh khó khăn mà không có phụ huynh bên cạnh.

“Mình không thể nào bên con mình 24/24, và cũng không thể nào ở với con suốt đời. Điều mình cho con là một cơ thể lành mạnh, sức khỏe, khả năng tự bảo vệ và phản vệ.”- Lan Anh chia sẻ.

Còn đối với chị Giang, việc định hướng cho con chọn bạn là rất quan trọng.

“Để định hướng cho con thì điều đầu tiên là phải làm bạn với con.”

Ai cũng hiểu rằng làm bạn với con là điều không hề dễ, nhưng nếu làm được điều đó thì con sẽ sẵn lòng chia sẻ với phụ huynh như một người bạn. Chị Giang luôn cố gắng đồng hành với con ngay từ khi con còn nhỏ, chẳng hạn như nấu ăn, đọc sách, nghe nhạc cùng con... Hàng đêm trước khi ngủ, chị kể với con về những việc đã diễn ra trong ngày của mình, tâm sự với con như một người bạn, từ đó hình thành thói quen giúp con dễ mở lòng chia sẻ với mẹ về những việc của con.

Và nếu nhận thấy có điều không tốt ở bạn bè của con, chị có thể cảnh báo con  một cách khéo léo, giải thích cho con hiểu, chứ không dùng biện pháp cấm đoán vì điều đó thường phản tác dụng.

Có thể nói, cha mẹ nào cũng muốn con được hạnh phúc, thành đạt, có cuộc sống yên vui và có những người bạn tốt, bởi bạn bè ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến con. Nếu chơi với bạn tốt, chắc hẳn con có thể học hỏi được thêm những điều hay. Và mỗi phụ huynh có thể có cách riêng để sớm định hướng cho con trong việc chọn bạn, nhưng cách nào thì cũng cần sự khéo léo.

Kính mời quý vị vào phần Audio để nghe cuộc trò chuyện với chị Giang Trần và Lan Anh trong chương trình Nuôi con ở Úc.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share