Nuôi con ở Úc: 'Khi già tôi sẽ không nuôi cháu của mình'

Mỗi đứa con hiểu biết và thật sự yêu cha mẹ mình đều sẽ rất hạnh phúc khi bố mẹ được vui tuổi già của họ.

Mỗi đứa con hiểu biết và thật sự yêu cha mẹ mình đều sẽ rất hạnh phúc khi bố mẹ được vui tuổi già của họ. Source: Ha Trang

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

"Theo tôi, làm ông bà không bao giờ là việc trông các cháu hàng tuần, thậm chí nửa ngày một cách thường xuyên. Công việc nuôi dạy con của tôi đã hoàn thành khi các con tôi có con riêng. Các con tôi đã trưởng thành và biết rằng tôi sẽ không phải là người chăm sóc thường xuyên cho con của chúng".


Bà Noleen có một mối quan hệ tuyệt vời với sáu đứa cháu của mình, nhưng ngay từ khi chúng còn rất nhỏ, bà đã nói rõ với các con của mình rằng bà sẽ không nhận trách nhiệm trông nom các cháu.

Trong chương trình Insight do SBS thực hiện với tập phát sóng gần đây có tên gọi Growing Older, Loving Life, tạm dịch “Khi ta già đi, vui sống cuộc đời”, bà tâm sự rằng bà có con, do vậy tất nhiên bà sẽ trở thành bà ngoại và bà nội. Nhưng điều đó không bao giờ là mục đích sống của bà khi về già. Bà cho rằng trách nhiệm duy nhất của bà là nuôi dưỡng con của mình trưởng thành. 

“Khi tôi có con, tôi tự hứa sẽ làm hết sức mình để nuôi dạy chúng nên người. Tôi đã dạy các con mình cách đương đầu với cuộc sống và có đủ nghị lực để đối diện với mọi thứ mà cuộc đời có thể ném vào chúng. Tôi hy vọng rằng, bằng cách này, chúng sẽ tự học cách trở thành những cha mẹ tốt.

May mắn thay, cách nuôi dạy của tôi đã thành công. Các con của tuôi là những người trưởng thành tuyệt vời, những bậc cha mẹ phi thường. Chúng thậm chí còn thừa hưởng khiếu hài hước của tôi. Vậy thì, vai trò của tôi với tư cách là ông bà là gì?

Theo tôi, làm ông bà không phải, và không bao giờ là việc trông các cháu hàng tuần - thậm chí là nửa ngày một cách thường xuyên. Tôi không đón cháu mình tan trường hay đưa cháu đi học bơi. Đó không phải là cách tôi nhìn nhận vai trò ‘làm bà’ của mình.

Các con tôi đã trưởng thành và biết rằng tôi sẽ không phải là người chăm sóc thường xuyên cho con của chúng.
Đừng yêu cầu tôi phải có lịch trống để chăm cháu vào Thứ Ba hay Thứ Năm. Việc này sẽ không xảy ra! Và các con tôi hoàn toàn vui vẻ với chuyện này.
Các con tôi không bao giờ gọi tôi chỉ để nhờ tôi chăm cháu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không tham gia các hoạt động vui chơi với các cháu của mình. Ngược lại, tôi có mối quan hệ tuyệt vời và khắng khít nhất với sáu cô cậu nhỏ bé vô cùng đáng yêu - từ ba đến 11 tuổi.

Các cháu của tôi luôn chào đón tôi với nụ cười tươi tắn nhất và vòng tay rộng mở mỗi khi tôi đến thăm. Lý do một phần của điều đó là vì chúng không gặp tôi hàng tuần. Nếu không, việc tôi ghé thăm có thể chỉ là kiểu "ồ, bà lại đến chơi và ở đây". Với các cháu, tôi là một kho báu quý hiếm như ông bà xưa vẫn hay nói “xa thơm gần hôi”.

Nhiều người nói rằng nếu tôi trông trẻ thì sẽ tiết kiệm cho con tôi 200 đô la một tuần, nhưng rõ ràng tôi không hề bực bội khi dẫn chúng ra ngoài ăn trưa hết 200 đô la mà.

Các con tôi được nuôi dạy để sống tự lập và có trách nhiệm với cuộc đời của chính mình. Công việc nuôi dạy con của tôi đã hoàn thành khi các con tôi có con riêng. Vai trò của tôi với tư cách là một ông bà rất khác.

Tôi luôn sẵn sàng khi các con gọi điện trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, bất kỳ khủng hoảng nào mà cuộc sống ập đến với các con hoặc các cháu của tôi. Tôi sẽ bỏ tất cả mọi thứ để ở bên cạnh chúng. Các con luôn biết tôi luôn là phương án dự phòng. Ngoài điều đó ra, tôi luôn sẵn sàng bất cứ khi nào con mình cần nghỉ ngơi - nghỉ cuối tuần hoặc sạc pin vì quá áp lực. Chỉ cần chúng bảo đảm báo trước cho tôi.

Còn nữa, tôi rất vui vẻ đến gia đình của các con và chơi đùa cùng các cháu. Tôi nướng bánh cupcake cho chúng, làm những quả bóng tròn bằng slime. Tôi cùng cháu tìm các nàng tiên ở góc vườn khi trời sụp tối. Tôi thậm chí có thể giải thích Thỏ Phục sinh sống ở đâu. Thời gian tôi và các cháu của mình bên nhau thật diệu kỳ!
'Tôi không muốn làm babysitter, tôi muốn thời gian bên cháu phải thật ý nghĩa và diệu kỳ'
'Tôi không muốn làm babysitter, tôi muốn thời gian bên cháu phải thật ý nghĩa và diệu kỳ' Source: Pixabay
Tôi sẵn sàng ngồi nghe cuộc gọi facetime của cháu gái lớn để thảo luận về Justin Bieber hoặc cơn sốt khiêu vũ mới nhất. Tôi đã học jiu-jitsu và võ thuật. 

Bây giờ tôi đã nghỉ hưu, sau một đời người làm việc 60 giờ mỗi tuần, tất bật trở về nhà để chăm lo cho gia đình, mua sắm hàng tạp hóa, giặt ủi, săn sóc con cái.

Tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi khi về hưu nên tôi có rất nhiều câu chuyện để chia sẻ với các cục cưng của mình. Câu chuyện của tôi mở ra cho chúng cả thế giới và vũ trụ.
Tôi thích trở thành người cố vấn của chúng, một cuốn bách khoa toàn thư biết đi của các cháu mình. Nhưng tôi chắc chắn không phải là người trông trẻ cho con mình.
Ở tuổi 67, tôi đã hứa với mình sẽ sống cuộc đời tốt nhất có thể. Tôi bơi 2km mỗi tuần một lần và đi bộ ít nhất 5km một vài ngày mỗi tuần. Tôi đi nghe nhạc sống ở quán rượu vào các buổi chiều Chủ nhật và xem các ban nhạc khiêu vũ ở câu lạc bộ vào tối thứ Sáu và thứ Bảy. Tôi khám phá những địa điểm khác nhau và một loạt các hoạt động kỳ lạ và tuyệt vời - trò chơi điện tử, chợ quê, bảo tàng và phòng trưng bày. Tôi lấp đầy thời gian của mình với vô số thứ để thỏa mãn trí tò mò bẩm sinh của mình. Tôi có một cuộc sống sung túc khi nghỉ hưu và tràn ngập niềm vui.

Các cháu của tôi không định nghĩa tôi và tôi cũng không định nghĩa chúng. Các con tôi không cần tôi trông trẻ. Họ cần tôi có một cuộc đời riêng. Điều đó có nghĩa là chúng không phải lo lắng về tôi vì tôi đang ở đâu đó rất vui. Vui nhiều đến nỗi chúng phải vật lộn để chạy theo kịp bà già gân! Tôi đang có thời gian cho chính mình. Đó có phải là điều bạn cũng mong đợi khi về hưu…như tôi.

---

Mời quý vị cùng Bích Ngọc SBS và khách mời Hà Trang từ Sydney thảo luận về hình tượng người bà Tây Phương và vai trò của ông bà trong gia đình qua câu chuyện trên.

SBS: Hai con trai của chị Hà Trang vẫn còn nhỏ, và còn phải đến hơn chục năm nữa chị mới bước vào giai đoạn làm bà nội. Nhưng mà có bao giờ chị Hà Trang nghĩ rằng mình sẽ làm một bà nội thế nào không? Có phần nào giống với nhân vật bà Noleen không?

Hà Trang: Cảm ơn Ngọc và Đài SBS đã cho Trang có cơ hội vẽ ra chân dung mình trong vai bà nội ở tuổi 34. Đương nhiên, bức tranh vẽ ra là dựa trên suy nghĩ hiện tại của một “người bà” 34 tưởng tượng về mình ở tuổi 70, nó có thể sẽ như vậy hoặc khác đôi chút, nhưng mình tin thực tế của một bà nội 70 sẽ không khác nhiều so với bức tranh của bà nội 34 tuổi lắm đâu.

Mình nghĩ điều khó khăn nhất đối với một người bố người mẹ khi chuyển qua vai trò mới là người ông người bà, đích đến lớn nhất cần tiến tới là “trao quyền”. Đây là đích đến, cũng là một thử thách khó khăn mà mỗi bố mẹ khi ở vai trò ông bà đều cần đối mặt và vượt qua. Không vượt qua không được, bởi nếu không vượt qua thì có thể sự ôm đồm sẽ làm cản trở sự trưởng thành của con cháu mình, mà một thực tế nói ra hơi khó nghe sự ôm đồm của ông bà còn có thể mang đến nỗi bất hạnh của một đại gia đình.

Đợi đến 70 tuổi, khi đã là ông bà mới học trao quyền, e là khó. Cần có những bước đệm, sự chuyển giao ấy cần được học ngay từ lúc ông bà mới chỉ ở vai cha mẹ. Tức là học trao quyền cho con cái mình. Và có lẽ đó là điều mà mình tâm niệm và luôn hướng mọi hành động của mình về phía đó để đồng hành cùng con. Một công đôi việc, thật may đó cũng là sự chuẩn bị cho một “bà nội Trang” của mấy chục năm nữa.
Có thể thi thoảng nhờ ông bà chơi với cháu một chút, có thể cho con đến chơi với ông bà nhưng chắc chắn sẽ không phải là trao quyền làm cha mẹ của con mình cho ông bà, hay “quẳng con cho ông bà nuôi”.
Hãy để con được tự làm những việc con có thể làm, bên con, cùng con chăm chút, để “sức đề kháng” của con khỏe mạnh, để con có thể tự sống cuộc đời của chính mình, dù cuộc đời đó sẽ có lúc vui, lúc buồn, lúc thuận lợi, khi sóng gió. Khi ấy, việc nuôi con của con cũng sẽ như bao việc khác trong cuộc đời, con có thể tự hưởng thụ, tự bước đi trên hành trình hạnh phúc mà con tự chọn lựa và làm chủ nó.

Mình cho con biết mình ở đây, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi con cần, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình làm hộ con, làm thay con. Mình đã làm mẹ của con và giờ con mới là người cha người mẹ của con con, còn mình đã là bà, mình làm việc của một người bà. Con con cần bố mẹ nó, chứ không cần bà nó, ông nó làm bố mẹ của chúng.
Việc nuôi con nên và phải là việc của cha mẹ chúng.
Việc nuôi con nên và phải là việc của cha mẹ chúng. Source: Ha Trang
SBS: Nhiều người chê trách rằng người bà này “quá yêu bản thân” hay “tôn thờ chủ nghĩa cá nhân”, không phù hợp với các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt. Trong văn hóa người Việt, ông bà nội ngoại thường đóng vai trò nuôi dạy các cháu, thậm chí nhận nhiệm vụ nuôi luôn cháu của mình, tắm rửa, cơm nước, đưa đón đi học, nhiều cha mẹ chỉ lo đi làm kinh tế, phó thác cho ông bà. Chị Hà Trang nghĩ sao về điều này?

Hà Trang: Trước tiên, phải khẳng định rằng châu Á hay phương Tây thì ông bà nào cũng đều thương con, yêu cháu mình cả. Cách thể hiện tình yêu khác nhau là bởi văn hóa khác biệt dẫn đến tư duy khác biệt và cách thể hiện khác biệt. Vì vậy nhiều ông bà châu Á truyền thống khó có thể hiểu được tại sao lại có những kiểu ông bà “cá nhân” như ông bà phương Tây. Ngược lại, ông bà phương Tây cũng vô cùng khó hiểu khi tại sao ở cái tuổi ấy, người tóc đã chuyển màu bạc, chân tay chậm dần lại phải đi chăm đứa chưa có tóc thay cho đứa tóc còn xanh, chân tay khỏe mạnh.

Tình yêu của cha mẹ châu Á truyền thống gói gọn trong bao bọc. Vì bao bọc nên bao vất vả, nhọc nhằn của con cái cha mẹ muốn gánh hết. Kể cả đó là sự nhọc nhằn của hạnh phúc. Nhưng thực tế là hạnh phúc nào có được mà chẳng nhọc nhằn. Và khi bạn không tự trải qua nhọc nhằn của mình thì sao có thể thấm được cái tột cùng ngọt ngào của hạnh phúc. Nên vô tình sự gánh vác ấy lại lấy đi của con cái mình rất nhiều thứ.

Tình yêu của cha mẹ phương Tây là tôn trọng và bình đẳng. Cha mẹ bên con cùng con xây đắp tuổi ấu thơ để đó là hành trang sau này con tự vẽ, tự đi hành trình cuộc đời của chính con. Con cái được tôn trọng trong cuộc đời của chúng. Con cái được đối đãi bình đẳng ở mỗi vai trò chúng đang đảm nhiệm, chứ không phải cứ là ông bà – người đi trước là hiểu biết hết, là luôn đúng. Vì có những cái, phải thừa nhận rằng sự đổi thay của thời đại là điều nhận thấy rất rõ rệt. Chính sự tôn trọng và bình đẳng ấy tạo nên một giới hạn để họ không bước qua ranh giới giữa sẻ chia và can thiệp.

Một điều nữa mà suốt thời gian sinh sống ở Việt Nam, học tập ở Trung Quốc và sinh sống ở Úc, khi quan sát, mình nhận ra cha mẹ châu Á truyền thống thường không có sở thích, thú vui nào cho riêng mình. Khi đã làm cha mẹ, họ dành toàn bộ thời gian và cuộc sống cho con cái, cho gia đình.
Vì cả tuổi trẻ họ không có thời gian dành cho mình, nên họ chẳng có thời gian để nghĩ đến thú vui, sở thích cá nhân.
Khi về già, thú vui của họ vẫn là đó, là ở con, rồi chuyển sang cháu. Không được làm hộ con, không được nuôi cháu với nhiều ông bà còn là “cướp” đi thú vui của họ. Thậm chí là có những người mẹ vì con, bỏ chồng sang một bên. Đến khi ở tuổi làm bà, người bà ấy lại sẵn sàng bỏ chồng để tới nuôi cháu giúp con. Nghĩa là họ thậm chí sẵn sàng bỏ cả hạnh phúc nguyên thủy của cuộc đời họ để vì con, vì cháu.

Điều đó rất khác với những gì mình quan sát được ở những cha mẹ Úc. Cha mẹ phương Tây có thể bỏ tiền ra mời một cô chăm trẻ đến trông con mình vài tiếng để đi hẹn hò riêng. Mẹ phương Tây có thể vứt con lại cho bố, cuối tuần đi hẹn hò với bạn hay có một chuyến đi du lịch với những cô bạn gái. Ta rất dễ dàng nhìn thấy nhiều cặp ông bà phương Tây tay trong tay đi dạo, dắt nhau ra quán nhâm nhi ly cà phê, cùng ngồi trên ghế băng trò chuyện và ngắm người qua lại. Hay là những bà cụ ăn mặc chỉn chu, thơm phức, sang trọng đi mua sắm, xem phim.

Đương nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại.

Điều mình nhìn thấy là nhiều năm gần đây rất nhiều những người bà Việt Nam có tư duy rất hiện đại, họ như những người bà phương Tây, họ chăm chút cho tuổi già của họ bằng việc làm vui chính mình với những sở thích riêng như: đi du lịch, gặp gỡ bạn bè,…

Với mình, một đời người có từng ấy giai đoạn, mỗi giai đoạn chúng ta đóng một vai khác nhau trong bộ phim cuộc đời. Chúng ta cần tận lực để hưởng thụ mỗi giai đoạn đó của cuộc đời mình. Suy cho cùng, không ai sống hộ chúng ta và chúng ta cũng chẳng nên sống hộ ai cả.

SBS: Chắc hẳn người con nào cũng mong muốn và ước ao chính cha mẹ mình và bản thân cũng có một cuộc sống về hưu phong phú như vậy?

Hà Trang: Mình nghĩ, mỗi đứa con hiểu biết và thật sự yêu cha mẹ mình đều sẽ rất hạnh phúc khi bố mẹ chúng ta được vui tuổi già của họ. Ở cái tuổi ấy, sau một đời vất vả, họ cần được trải qua trang tuổi già chứ không phải lại phải lặp lại trang tuổi trẻ của 30 năm về trước để đi thay tã, ngoáy cháo hay là ngồi học bài cùng cháu, hoặc thậm chí là những cần nhằn về sự khác biệt tuổi tác của một người 70, 80 phải chăm đứa trẻ vài tháng tuổi hay cái tuổi ẩm ương 15, 16. Điều đó thực sự rất bất công.

Thế nên, tại sao chúng ta không tận hưởng con cháu chúng ta như bà Noleen?

SBS: Làm cha mẹ, có nên phó thác con cái cho ông bà nuôi và chăm sóc không. Ông bà nên giữ vai trò thế nào trong gia đình của mình?

Hà Trang: Chọn bước vào hôn nhân, rồi tiếp đó là mặc chiếc áo “cha mẹ” là quyết định của mỗi cá nhân đã trưởng thành. Đã là chọn lựa của tự mình, mà là chọn lựa hạnh phúc của tự mình, thì mình cần làm việc của một người trưởng thành là chịu trách nhiệm về sự lựa chọn tự thân.

Có thể thi thoảng nhờ ông bà chơi với cháu một chút, có thể cho con đến chơi với ông bà nhưng chắc chắn sẽ không phải là trao quyền làm cha mẹ của con mình cho ông bà, hay nói như chúng ta vẫn hay nói là “quẳng con cho ông bà nuôi”. Việc nuôi con nên và phải là việc của cha mẹ chúng.

Trang nhớ khi Trang mới sinh bạn đầu, khi đó bà nội qua Úc để chơi với cháu. Khi bà thấy mình luyện ngủ cho con, bà đứng ngoài cửa thấy cháu khóc, bà xót ruột, mở cửa định lao vào bế cháu. Mình đã phải “liều” chặn lại, khóa cửa bên trong và có nói với bà: “Bà yêu cháu thế nào, chắc chắn con cũng yêu con con như vậy, thậm chí còn hơn thế vì cháu bà từ máu thịt con mà ra. Bà xót cháu thế nào, con cũng xót con con như vậy. Nên nếu con có làm gì với con mình, hoàn toàn đó là dựa trên tình yêu và sự hiểu biết để mong con con được khỏe mạnh nhất, con mong bà cho con được nuôi con con theo cách của mình”.

Lúc ấy chắc bà cũng giận lắm. Nhưng bao năm qua câu mà mình nghe nhiều nhất từ bố mẹ chồng mình là: “Cái Trang nó nuôi con tôi không chê được điểm nào”. Mình rất cảm ơn nội ngoại hai bên đều đã rất thời đại mà “trao quyền” cho mình, để ông bà là những người vui với cháu và hưởng hạnh phúc từ xa ngắm nhìn các con cháu trưởng thành. Mỗi người đều xác định được giai đoạn cuộc đời mình để hưởng thụ nó, đó thật sự là hạnh phúc.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.
      


Share