Chuyện Queensland: Phạm Minh Tâm, tác giả của "Còn ai giữa mênh mông đời mình"

01 - Bà Phạm Minh Tâm.jpg

Bà Phạm Minh Tâm

Đã có nhiều quyển sách nhận định về cuộc chiến Việt Nam, thắng hay thua, tùy theo góc nhìn của người viết. Nhưng hiếm thấy một quyển sách vừa ghi lại những biến động lịch sử lại vừa ký thác những băn khoăn, trăn trở của tác giả trước những sự kiện vừa nói.


Cộng đồng NVTD Úc châu, tiểu bang Qld đã có tổ chức buổi ra mắt sách “Còn Ai Giữa Mênh Mông Đời Mình” vào hôm 21/4/2024 vừa qua tại Hội trường của Cộng Đồng ở Darra.

Và sau đây là cuộc mạn đàm giữa phóng viên Hưng Việt với tác giả Phạm Minh Tâm trong dịp bà đến Brisbane để cho ra mắt tác phẩm 700 trang nói trên.

Hưng Việt: Dạ, trước hết xin kính chào bà Phạm Minh Tâm ạ.

Phạm Minh Tâm: Dạ, xin kính chào anh Trần Hưng Việt và thính giả Đài SBS.

Hưng Việt: Dạ, xin thành thật cảm ơn bà đã dành thời gian quý báu của bà lên Brisbane này để ra mắt quyển sách mà cho chúng tôi cuộc mạn đàm ngày hôm nay.

Trước hết thì xin bà giải thích cho biết l‎y do tại sao bà chọn tựa đề của quyển sách là như thế và theo chỗ chúng tôi được biết là trích từ một câu trong nhạc phẩm “Xin còn gọi tên nhau” của tác giả Trường Sa.

Phạm Minh Tâm: Thưa anh, như tôi cũng đã trình bày ở trang đầu gọi là “vào sách” đó là một cơ duyên mà tôi nghĩ có lẽ là cơ duyên lịch sử bởi vì lần cuối cùng tôi rời Sài Gòn năm 2010 thì tôi dành một ngày cuối cùng đi cùng hết thành phố ngày xưa tôi đã lớn lên để tìm lại một chút cái dấu vết xưa thì không còn gì nữa, mà nơi tôi đến đầu tiên là thư viện quốc gia của Việt Nam Cộng Hòa xây lên, nhưng mà khi tôi định vào xem với cái toà nhà đồ sộ Việt Nam Cộng Hòa đã xây đó bây giờ họ chứa cái gì trong đó, nhưng tôi bước vô cái cổng thì một tấm bia nó đập vào mắt tôi trên đó họ cũng nói đây là cái nền cũ của tòa Khám Lớn thời thực dân và bây giờ được xây lên với dụng ý là một nơi để phát triển văn hóa dân tộc, nhưng họ không tôn trọng cái ‎‎‎ý đó, họ nói vòng vo tam quốc cuối cùng họ quy về rằng đó là công lao của các chiến sĩ cách mạng của họ.

Tôi buồn lắm, tôi quay ra, nhưng không đành bỏ đi, tôi đứng bên ngoài đường, tôi nhìn vào, tôi thấy các bạn trẻ đang đi lại, phấn khởi lắm, hãnh diện lắm, vì mình được đi vào cái chốn gọi là thư viện.

Tôi buồn, tôi thương họ, họ đang bị đánh lừa. Và họ đã bị lừa từ những cái chi tiết nhỏ về lịch sử như vậy.

Rồi tôi đi xuống dưới con đường Nguyễn Trung Trực. Ngày xưa thời sinh viên chúng tôi đã đi cái con dốc đó bao nhiêu lần, đi ngang nhà hàng Thanh Thế v.v… thì không còn gì nữa và tôi đi dọc theo cái đường Lê Lợi ngày trước cũng không còn gì.

Rồi bỗng nhiên trong cái buồn đó thì tôi nghe đâu đó trong một cái máy nghe nhạc của một người bán hàng cái câu “còn ai giữa mênh mông đời mình”. Sao nó giống tâm trạng tôi quá! Thế là tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại.

Đến khi lên xe buýt về nhà tôi chợt nhớ ra, à nó ở trong cái phiên khúc đầu tiên cái bản nhạc “Xin còn gọi tên nhau” của nhạc sĩ Trường Sa. Thế rồi tôi cứ trăn trở hoài với cái câu “còn ai giữa mênh mông đời mình” và ngày hôm sau suốt trên chuyến máy bay về Úc tôi quyết định mình phải gọi tên nhau. Gọi từ quá khứ gọi về, nhớ đến đâu gọi đến đó, dạ thưa anh nó là như vậy.

Hưng Việt: Như vậy lúc đó bà muốn ngụ ý “còn ai giữa mênh mông đời mình”, thì ai ở đây là “ai”? Và mênh mông là mênh mông tới mức độ nào từ quá khứ 1945 hay từ 1975 tới 2010?

Phạm Minh Tâm: Thưa cái mênh mông trước mắt tôi lúc bấy giờ nó là cái thành phố Sài Gòn rộng lớn mà tôi nhìn tứ phía. Tôi không gặp được một chút gì làm kỷ niệm hay một hình ảnh hay một ấn tượng nào của những ngày Sài Gòn trước 1975. Mà toàn là người lạ, ngôn ngữ thì đối với tôi cũng lạ, cách sinh hoạt cũng lạ, cảnh sắc buôn bán cũng lạ cho nên anh nghĩ coi giữa cái xa lạ của một thành phố quá khứ như vậy, tôi có lạc lõng không?

Hưng Việt: Thưa bà, lần đầu tiên bà đặt chân đến xứ Úc là năm nào và ở hoàn cảnh nào ạ?

Phạm Minh Tâm: Thưa sau bao lần vượt biên thất bại thì tôi được gia đình bảo lãnh sang Úc năm 1992, chứ còn tâm tưởng của tôi vẫn là suy tư của một người tị nạn.

Hưng Việt: Dạ sang đến Úc thì ý muốn lưu lại một tác phẩm để mà ghi nhớ những người, những sự kiện, những cảnh sắc ở Việt Nam có từ cái lúc năm 2010 hay là từ trước đó nữa cơ?

Phạm Minh Tâm: Thưa nó quyết định từ sự việc mà tôi vừa nói trên vào năm 2010, còn lịch sử là một cái gì làm cho tôi trăn trở lâu lắm nhưng tôi chưa hề dám nghĩ đến việc phải ghi lại.

Tôi là một nhà báo, tôi ở hải ngoại này tôi cộng tác với một tờ báo ở bên Mỹ, cũng đã gần một phần tư thế kỷ, cho nên tôi cũng phải hay đi tìm tay liệu, thì tôi cứ thấy dần dần những cái sách vở mà trước 1975 đó nó cạn kiệt hết và thay thế bằng những cái sách vở bây giờ họ viết. Tôi thấy cả một nguy cơ nhưng mà thưa anh tôi vẫn thấy sức mình nhỏ nhoi quá, không mơ mộng gì hết chỉ thấy xót xa thôi.

Hưng Việt: Thưa bà có nói đến sách báo hay nói riêng về sách vở thôi ở hải ngoại, riêng ở nước Úc này thì chắc bà cũng đã có vào những cái thư viện ở đây để mà tìm hiểu, để mà xem xét. Thì bà có nhận thấy là số lượng sách mà được xuất bản từ Việt Nam và phát hành ở bên nay trên các kệ sách của những thư viện công cộng đó, càng ngày nó càng nhiều và lấn át những cái tác phẩm mà chúng ta được biết do các văn sĩ thời trước sáng tác mà có thể từ hải ngoại hoặc là từ Việt Nam trước 75.

Phạm Minh Tâm: Dạ thưa anh, đúng như vậy. Bởi vì cái mục đích của tôi khi viết cuốn sách này, tôi cũng nhắm vào đồng bào anh em tôi, tức là vấn đề là tiếng Việt. Mà tôi đi các thư viện địa phương là nơi mà cũng có phần gọi là ngôn ngữ cộng đồng, thì tủ sách Việt Nam cũng phong phú lắm.

Nhưng mà trên những cái kệ sách đó thì những sách của những tác giả miền Nam trước bây giờ tái bản hoặc là viết sau ngày 30 tháng 4, nhưng nói về 20 năm miền Nam nó cũng dần dần nó cũng vắng bóng và thay bằng những cái cuốn sách của chế độ mới. Nó có những cái mà lật ngược hẳn với những sự thật. Cho nên cái điều đó làm tôi cũng trăn trở lắm nhưng mà tôi cũng không biết làm sao được, chưa dám có ý nghĩ gì cả.

Hưng Việt: Thưa bây giờ trở lại quá khứ của bà trước đây. Theo chỗ chúng tôi được biết bà là một sinh viên tốt nghiệp đại học Văn Khoa và cũng là tốt nghiệp đại học Luật Khoa ở Sài Gòn. Thì bà đã được học hỏi từ nhiều giáo sư, nhiều nhân vật, rất nổi tiếng trong các lãnh vực văn hóa, thì những bậc giáo sư nào mà có ảnh hưởng với bà nhiều nhất.

Phạm Minh Tâm: Dạ, thưa anh nhiều lắm, gần như hầu hết các thầy dạy chúng tôi ở đại học Văn khoa và Luật khoa đó, thì gần như là cũng xứng đáng để làm cái gương cho chúng tôi bước theo, nhưng mà đặc biệt nhất là bên Văn khoa.

Tôi chọn cái ngành học là Văn chương Việt Hán, cho nên nó rất gần với cái đạo học Đông Phương và văn hóa Việt Nam, nó ăn sâu vào đầu óc tôi nhiều hơn, còn bên Luật thì tôi phục các bậc thầy học cao hiểu rộng và tôi học về ngành Công Pháp cho nên về những cái luật mà bang giao quốc tế, giao tế với nhau giữa các nước tôi nắm vững. Cho nên sau 75 đó tôi nhìn thấy cái chính sách của Việt Nam tôi thấy nó chẳng có luật lệ gì hết, hình như họ cũng không nhắm đến những chuyện vị thế của họ trên trường quốc tế về vấn đề luật lệ mà chỉ nhắm tuyên truyền. Mà cái tuyên truyền nhiều nhất của họ là nhắm vào Cộng đồng người Việt tị nạn, cho nên vấn đề tủ sách của Cộng đồng người Việt tị nạn làm tôi băn khoăn nhiều hơn.
02 - Buổi ra mắt sách Còn Ai Giữa Mênh Mông Đi Mình.jpg
Buổi ra mắt sách Còn Ai Giữa Mênh Mông Đời Mình
Hưng Việt: Thế thưa bà theo bà quan niệm thì cái quyển sách “Còn ai giữa mênh mông đời mình” là một hồi ký hay là một quyển sách lịch sử hay là như ông Nguyễn Văn Lục đã gọi là hồi ký sử, cuốn sách của bà theo bà thì thuộc về thể loại nào.

Phạm Minh Tâm: Thưa anh là có một số thân hữu quen biết tôi khi nhận được sách thì cũng đã đặt những cái ý nghĩa về quyển sách của tôi nhưng mà trước khi tôi đặt tên cho nó tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nếu gọi là sử, tôi không có khả năng viết sử, nếu gọi là hồi ký tôi chả là nhân vật gì để viết hồi ký, cho nên như tôi đã nói lúc đầu phải gọi tên, gọi từ quá khứ gọi về, nhớ tới đâu gọi tới đó. Cho nên tôi gọi nó là trường thiên tùy bút. Có nghĩa tùy theo cái tâm tư của mình, nó trào ra ngọn bút, có sao thì viết vậy.

Nhưng mà các người mà viết điểm sách không đồng ý với tôi rằng gọi là trường thiên tùy bút thì nó nhẹ quá, bởi vì trong đó nó nặng ký về lịch sử, nó nặng ký về văn hóa, nó về đủ thứ chuyện.

Nhưng tôi thưa với anh thế này. Từ lúc lớp nhất, ngày xưa gọi là lớp nhất bậc tiểu học, tức là lớp năm sau này, tôi được học một bài công dân giáo dục có cái câu rằng mỗi người là con nợ của xã hội.

Và sau đó lên cao một chút thì tôi thường được các thầy cô dạy cho tôi một cái tiếng nữa là Món nợ đồng lần, tức là cùng một lúc liên tục trả. Tôi đang ngồi đây, tôi mặc bộ quần áo, là tôi mắc nợ người thợ dệt, ví dụ vậy.

Và tôi làm nghề dạy học thì những người nông dân mắc nợ tôi về cái kiến thức tôi cho con cái họ, nhưng tôi lại mắc nợ họ về lúa gạo về cơm áo, tức là chúng ta đúng là con nợ của xã hội. Cho nên tôi phải trả món nợ đó được chừng nào hay chừng đó, bởi vì tôi không muốn là kẻ quỵt nợ. Và cuốn sách của tôi viết ra một phần là tôi muốn trả món nợ đó, một phần như tôi có kết luận như một chân tình tạ lỗi với quê hương.

Hưng Việt: Thưa thế thì theo bà cái món nợ đó bà đã trả xong chưa? Trường thiên tùy bút đó có thể có trường thiên số 2 hay không?

Phạm Minh Tâm: Món nợ bao giờ trả cho xong anh? Mình cố gắng bằng tâm ý của mình thôi. Bởi vậy khi tôi kết luận cái trang vào sách của tôi, tôi nói đây không phải là khả năng, mà là tấm lòng. Một người đàn anh của tôi bên Pháp là anh Đỗ Mạnh Tri, viết lời bạt, thưa anh lời bạt là của một người sau khi đọc sách thì viết đàng sau cuốn sách, thì ảnh có nói với độc giả rằng Phạm Minh Tâm đã viết với cả một tấm lòng. Và trong đó là có nhắc đến món nợ đó là món nợ đồng bào với nhau, ở đâu cũng nên tôn trọng cái tình đồng bào. Phạm Minh Tâm có viết chăng là để viết cho nhau, nói với nhau. Đó là anh Tri đã đọc đúng cái tâm ý của tôi.

Hưng Việt: Dạ thưa cảm ơn bà chúng tôi cũng rất là mong đợi được tiếp nhận và để được đọc cái tác phẩm của bà. Nhưng mà sau tác phẩm này đó bà đã có cho ra đời những cái tác phẩm khác nữa chưa?

Phạm Minh Tâm: Thưa tôi chưa dám có ý nghĩ đó. Bởi vì nếu mà anh đọc gần 700 trang giấy với những trích dẫn thì anh thấy hình như tôi hơi tham đó. Tôi nói nhiều quá rồi. Đủ chuyện trong đó hết. Hễ nhớ cái gì là nói cái đó là đi tìm tài liệu cho bằng được để đưa ra ánh sáng mọi chuyện.

Và tại sao tôi chỉ chọn cái mốc điểm thời gian viết tới 30/4/75 thôi? Bởi vì tôi nói về miền Nam kể từ sau ngày ký hiệp định Geneve để thành một cái miền đất tự do còn lại của đất nước, cho đến ngày 30 tháng 4, người ta sống vội, sống mà như là quên sống, bởi vì phải đối mặt với chiến tranh, với đủ thứ hết, thì người ta sẽ không nắm bắt được nhiều lắm đâu. Còn sau 30/4/75, thì tôi nhường lại cho tất cả mọi người anh em tôi trong đó có tôi tự mà suy nghĩ.

Hưng Việt: Thưa bà, bà có nghĩ tới việc là biếu tác phẩm của bà đến các thư viện công cộng ở Melbourne, ở thủ phủ các tiểu bang khác ở nước Úc này hay không ạ?

Phạm Minh Tâm: Dạ thưa có chứ, đó là mục đích chính của tôi. Tại vì sách nằm ở thư viện mới là sách tồn tại. Người đàn anh của tôi ở bên Pháp thì khi sách về đến nơi đó thì anh báo cho tôi biết là anh đã gửi được vào trong thư viện quốc gia Pháp.

Anh đã gửi vào thư viện của Viện Ngôn ngữ Đông phương, tức là Languages Oriental và thư viện mà nhiều người hay đến tham khảo nữa là thư viện của hội Thừa Sai Ba Lê. Rồi một người bạn của tôi ở Toulouse cũng đã bỏ vào hai thư viện của hai nhà dòng là nơi mà các tu sĩ Việt Nam hay lui tới ở đó để cho họ đọc.

Và một người nữa là cựu trung tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa, thì sau khi đọc xong, anh đưa anh tặng thư viện Cộng đồng ở Marseilles.

Trong tương lai, có nhiều người bạn hứa giúp tôi làm chuyện đó, là dù sách còn hay hết, tôi vẫn tái bản một số. Và lần tái bản này thì tôi sẽ xin số copyright đàng hoàng tức là ISBN, tức là International Standard Book Number. Để có cái số đó thì nó bảo chứng cho nhiều chuyện.

Hưng Việt: Thế nào ở Úc cũng sẽ có nhiều người giúp bà về vấn đề đó phải không?

Phạm Minh Tâm: Thưa có, bây giờ hiện tại đã có một số. Một người đã nhận là sẽ lấy mẫu đơn để cho tôi điền và xin cái ISBN.

Hưng Việt: Điều đó rất là quan trọng.

Phạm Minh Tâm: Tôi nghĩ thế. Và đồng thời còn một cái. Tôi rất muốn làm, nhưng mà không biết có làm nổi không, là nên dịch qua tiếng Anh. Thứ nhất là những người trẻ họ đọc được. Thứ hai là những độc giả ngoại quốc, họ đọc được, họ hiểu được về đất nước, về quê hương chúng ta, về miền Nam, về cái hệ quả của ngày 30 tháng 4, nó không phải đơn giản là bên thắng cuộc, bên thua cuộc.

Hưng Việt: Vâng, có hai vấn đề, thứ nhất bà là một thông dịch viên, là khả năng Việt và Anh ngữ của bà rất là vượt mức bình thường rồi. Chúng tôi thiết nghĩ là chắc cũng không khó để mà dịch ra tiếng Anh. Thứ hai nữa là đó một điều rất là cần thiết cho những thế hệ trẻ Việt Nam, cũng như người ngoại quốc hiểu được cái vấn đề.

Thưa cuối cùng bà còn có điều chi muốn chia sẻ với chính giả của chúng ta hay không?

Phạm Minh Tâm: Dạ, xin cảm ơn anh Trần Hưng Việt. Cảm ơn quý vị thính giả từ nãy giờ đã lắng nghe. Lời cuối cùng trước khi cuộc phỏng vấn này chấm dứt thì tôi chỉ muốn thưa với quý vị, rằng chúng ta là người Việt Nam.

Chúng ta bỏ nước ra đi, chúng ta cũng đang trong cái cõi mênh mông của thế giới đấy. Thế giới rộng lớn lắm, mà người Việt tản mác khắp nơi, nó cũng mênh mông. Và chúng ta nên cùng với tôi đặt câu hỏi để đi tìm còn những ai giữa mênh mông đời mình.

Như hồi nãy tôi có nghe bác sĩ Nguyễn Anh Dũng nói rằng dân Do Thái, thưa rằng dân Do Thái tôi phục lắm. Và tôi luôn luôn nhắc đến họ, bởi vì họ mất nước lâu lắm. Nhưng mà khi họ gặp nhau thì cái câu của họ chào nhau là L’ans prochain à Jerusalem, năm tới ta về Jerusalem và họ đã về.

Thì tôi cũng đồng ý với bác sĩ Nguyễn Anh Dũng. Nếu bây giờ người Việt chúng ta khắp nơi, chúng ta hẹn nhau về Sài Gòn, thì chắc chắn chúng ta sẽ về.

Hưng Việt: Thưa câu phát biểu của bà rất là thắm thía. Xin một lần nữa thành thật cảm ơn bà Phạm Minh Tâm đã dành thời giờ quý báu của bà cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Xin kính chúc buổi lễ ra mắt sách ngày mai, được thành công tốt đẹp cũng như là bà sẽ luôn được nhiều sức khỏe, bình an để còn cho ra đời những tác phẩm khác nữa. Xin cảm ơn bà.

Phạm Minh Tâm: Xin cảm ơn anh và cảm ơn đài.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
04 - Bà Phạm Minh Tâm ký tặng sách.jpg
Bà Phạm Minh Tâm ký tặng sách

Share