Căng thẳng leo thang trước đe dọa của Iran rút khỏi thỏa thuận nguyên tử

 IIRAN USA SANCTIONS NUCLEAR POLICIES DIPLOMACY

Iranian President Hassan Rouhani (L) and US President Donald J. Trump (R). Source: EPA

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Teheran tuyên bố không tuân thủ phần chính của thỏa thuận 2015 qua đó Iran phải bán uranium thặng dư và nước nặng có thể dùng để chế tạo vũ khí nguyên tử chớ không được tồn trữ. Trước hành động đó, Tổng thống Trump của Mỹ đã áp đặt thêm cấm vận lên các mặt hàng kim loại của Iran.


Hoa Kỳ thông báo áp đặt chế tài mới đối với các mặt hàng thép, nhôm, đồng và sắt của Iran.

Washington làm như vậy sau khi Iran cho biết họ rút lui một phần khỏi thỏa thuận nguyên tử ký với các cường quốc phương tây năm 2015.

Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vì cho rằng nó không đạt được mục tiêu của nó.

Iran quyết định không tuân thủ một phần của thỏa thuận để đáp trả chế tài của Mỹ bởi vì chúng tác động động lên kinh tế của Iran.

Tổng thống Hassan Rouhani nay muốn các cường quốc Âu Châu – cụ thể là 3 nước Anh, Pháp và Đức, hãy tuân thủ thỏa thuận như đã cam kết đó là nới lỏng cấm vận đối với dầu hỏa và các giao dịch ngân hàng của Iran.

"Người dân nên biết chúng ta không rút ra khỏi thỏa thuận nguyên tử. Mọi người đừng nghĩ rằng thỏa thuận nguyên tử không còn nữa. Thỏa thuận nguyên tử vẫn còn đó nhưng hôm nay chúng ta sẽ lật đồng tiền để thế giới thấy mặt bên kia của nó.”

Iran quyết định không tuân thủ 2 phần trong thỏa thuận, gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Hỗn hợp, qua đó kiểm soát việc Iran xuất cảng uranium đã tinh luyện và nước nặng có thể dùng để chế vũ khí nguyên tử, vốn là mặt hàng xuất cảng quan trọng thứ nhì của Iran, sau dầu hỏa.

Theo thỏa thuận thì Iran phải bán uranium thặng dư, chứ không được tồn trữ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Iran phải rút khỏi kế hoạch hành động hỗn hợp là vì theo ông, để đáp trả hành vi thiếu trách nhiệm của Hoa Kỳ.

"Lỗi là ở Hoa Kỳ. Họ gây khó khăn cho Iran tuân thủ những cam kết của các bên trong thỏa thuận, cũng như gây khó khăn cho việc ngăn cấm phổ biến vũ khí nguyên tử."

Tổng thống Rouhani nói nay các cường quốc có 60 ngày để đàm phán lại thỏa thuận nguyên tử 2015.

Ngoại trưởng Đức, Heiko Maas bày tỏ sự quan ngại trước quyết định của Iran: "Lập trường của chúng tôi vẫn là chúng tôi muốn duy trì thoả thuận, đặc biệt là ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí nguyên tử."

"Chúng ta không cần một sự leo thang căng thẳng trong khu vực. Vấn đề bây giờ là phải làm mọi cách để ngăn ngừa nguy cơ gây bất ổn cho an ninh khu vực."

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảnh cáo Iran chớ có hành động gì thêm nữa bởi vì thỏa thuận nguyên tử là yếu tố quan trọng cho ngoại giao phương Tây.

"Chúng tôi thúc giục Iran hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi họ rút ra khỏi thỏa thuận. Làm như vậy không vì quyền lợi của bất kỳ ai, chắc chắn là không vì quyền lợi của chính họ. Iran mà thủ đắc vũ khí nguyên tử thì ngay lập tức các nước láng giềng cũng sẽ làm theo."

Kế hoạch Hành động Hỗn hợp đã được 5 nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng ý , là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ, cộng với Đức, và được Hội đồng thông qua năm 2015.

Phát ngôn nhân cho chủ tịch HĐBA, Farhan Haq nói Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc rất hy vọng thỏa hiệp được duy trì.

"Ông Tổng thư ký đã nhiều lần nói rằng Kế hoạch Hành động Tòan diện là một thành quả lớn lao cho nỗ lực cấm phổ biến vũ khí nguyên tử, và nỗ lực ngoại giao, vốn đóng góp cho hòa bình an ninh khu vực và thế giới."

Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận nguyên tử đã một năm nay và Tổng thống Donald Trump dùng dịp này để dọa áp đặt thêm cấm vận trừ phi Iran thay đổi.. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nói họ chỉ quan tâm Iran thực sự làm gì chứ không phải những tuyên bố suông.

"Chúng ta sẽ phải chờ xem hành động của Iran thực sự là gì. Họ đã đưa ra một số tuyên bố với những đe dọa để cho thế giới phải phản ứng. Nhưng chúng tôi sẽ chờ xem họ làm gì. Hoa Kỳ sẽ chờ xem. Và khi chúng tôi đã thấy thì chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn."

Share