Xuống đường ở Úc để bày tỏ sự cảm thông với các cuộc biểu tình đang diễn ra bên Mỹ

Demonstrators in Perth.

Khoảng 2.000 người tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Hai 1/6/2020 ở Perth. Source: Aaron Fernandes

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi sau cái chết của người Mỹ da đen George Floyd đã sang đến Úc, với hàng trăm người xuống đường ở Perth và Sydney. Một cảnh sát viên ở NSW đang bị điều tra vì dùng vũ lực để bắt một thiếu niên thổ dân đang gây phẫn nộ trên mạng.


Hình ảnh lưu truyền trên mạng cho thấy sau một lúc lời qua tiếng lại giữa cảnh sát với một nhóm thiếu niên thổ dân, một trong số đó dọa đấm vỡ mặt cảnh sát, nghe vậy một cảnh sát viên đã hất bổng hai chân của cậu ta khiến cậu này ngã sấp mặt xuống đất và còng tay.  

Người cảnh sát này đang bị giới hạn công tác để điều tra. Cậu thiếu niên thổ dân không bị truy tố gì cả và đã xuất viện sau khi được đưa vào bệnh viện St Vincent vì bị mẻ răng, trần xướt đầu gối và bầm vai.

Phụ tá Chỉ huy trưởng Cảnh sát NSW Mick Willing kêu gọi công chúng hãy chờ kết quả điều tra chứ đừng có phản ứng nhất thời.

"Tôi lo lắng là công chúng xem video này rồi diễn dịch sai lệch đi. Chúng ta ai cũng biết những gì đang xảy ra ở Mỹ, nhưng đây không phải là Mỹ. Chúng tôi có quan hệ rất tốt với cộng đồng địa phương."

Cái chết của George Floyd, một người da đen không vũ trang dưới tay cảnh sát Minneapolis đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo loạn trong 7 đêm liền.

Nhà chức trách của ít nhất 40 thành phố đã phải ban hành lệnh giới nghiêm để ngăn chặn tình trạng đối phá và hôi của.

Kết quả giảo nghiệm độc lập cho thấy nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân là vì nghẹt thở do bị đè lên cổ và lưng trong một thời gian dài.

Cảnh ông Floyd van nài với cảnh sát là ông không thở được làm người ta nhớ lại các cuộc biểu tình năm 2014 khi một người da đen khác là Eric Garner cũng chết ngạt vì bị cảnh sát khóa cổ quá lâu.

Những người biểu tình lúc đó và bây giờ đã hô to khẩu hiệu “Tôi không thở được”. Hôm thứ Hai người thổ dân ở Perth đã xuống đường, tiếp đến ở Sydney hôm thứ Tư.

Đám đông hô to khẩu hiệu “Mạng người da đen cũng đáng giá” để ủng hộ những người biểu tình ở Mỹ và kêu gọi sự chú ý của công chúng với những cái chết của người thổ dân ở Úc.

Paul Silva nói cảnh ông Floyd bị 3 cảnh sát đè dí xuống mặt đường làm ông nhớ lại những gì xảy ra cho người chú của ông.

"Không cần biết màu da hay sắc tộc là gì, điều quan trọng anh là con người. Đó là điều quan trọng nhất. Anh là con người anh không chết trong sự tuyệt vọng như vậy."

Người chú của ông Silva là David Dungay Jr chết trong nhà tù Long Bay ở Sydney năm 2015 sau khi bị 5 cai ngục đè xuống đất vì không chịu ăn bánh qui. Nạn nhân đã kêu lên 12 lần là ông không thở được, trước khi chết.   

"Gia đình của tôi rất cảm thông cho gia đình của George Floyd vì chúng tôi hiểu nỗi đau của họ thế nào khi nhìn thấy người thân yêu của mình bị ngạt thở."

Ông Paul Silva nói đây là lúc phải làm sao chính phủ liên bang có những hành động cụ thể để ngăn chặn những vụ chết trong tay cảnh sát.  

"Tôi kêu gọi người Úc, chúng ta cũng nên phẫn nộ như bên Mỹ trước những gì đang xảy ra ở đây. Người thổ dân vẫn bị chết trong tay nhân viên công lực. Chính phủ không chịu làm gì cả. Họ chỉ cần thực thi các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia thì những người như chú tôi, và nhiều người thô dân khác bây giờ vẫn còn sống rồi."

David Dungay là một trong 432 người thổ dân chết trong tù kể từ khi Ủy ban Hoàng gia hoàn tất cuộc điều tra năm 1991 và đưa ra 339 khuyến nghị, nhưng chỉ được một số ít được áp dụng.

Phát ngôn nhân về thổ dân sự vụ của Lao Động, Linda Burney, nói điều đáng thất vọng là tỉ lệ người thổ dân trong tù vẫn quá cao.

"Ví dụ ở Lãnh thổ Bắc Úc, 90% tù nhân là người thổ dân. Tại các tiểu bang khác như Queensland, Nam Úc, Tây Úc vàNew South Wales, tù nhân thổ dân chiếm 30%. Những gì đang xảy ra ở Mỹ là dịp để Úc xem lại vấn đề của riêng chúng ta. Chúng ta cần có những cải tổ đáng kể trong hệ thống trừng phạt người thổ dân ở Úc."

Thủ tướng Scott Morrison nói ông hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ giải quyết được vấn đề trong ôn hòa, nhưng ông Morrison cảnh cáo các cuộc biểu tình tại Úc.  

"Không cần phải nhập cảng những gì xảy ra ở nước ngoài vào Úc. Úc là một quốc gia công bằng. Ý tôi là Úc không phải là Mỹ. Ý tôi là Mỹ là một nước vĩ đại, là người bạn tốt của Úc, và họ đang trải qua thời gian khó khăn. Chúng ta cầu chúc họ giải quyết chuyện này tốt đẹp, nhưng rõ ràng đây là thời điểm khó khăn cho họ."

Share