Thực trạng bài Hồi giáo tại Úc

A Muslim woman using a mobile phone

A Muslim woman using a mobile phone Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Phụ nữ thường là mục tiêu chính của các hành động bài Hồi giáo và số người tự cho mình là chống đạo Hồi đông đảo hơn hẳn số tín đồ Hồi giáo tại Úc.


Theo một nghiên cứu từ Đại học Charles Sturt, người ta đã tranh cãi gay gắt về sự tồn tại và quy mô của quan điểm thù ghét Hồi giáo tại Úc.

Trong khi các tín đồ Hồi giáo khẳng định quan điểm này là có thật và xảy ra trên quy mô đáng lo ngại, thì cộng đồng rộng rãi tại Úc lại bác bỏ và không quan tâm nhiều đến mối lo ngại đó.

Lý do chính khiến Islamophobia (Tạm dịch là Quan điểm sợ hãi và thù ghét Hồi giáo) không được người ta quan tâm đúng mức có thể là vì còn thiếu những thông tin đáng tin cậy về vấn đề này.
“Lần đầu tiên tôi đi nộp đơn xin việc người ta đã nói với tôi rằng tôi có thể nhận được công việc đó nếu như tôi không đeo khăn che mặt Hijab nữa,” Inaz Janif - một cô giáo theo đạo Hồi ở Melbourne
Nghiên cứu đầu tiên về Islamophobia tại Úc

Đa số các nghiên cứu cho đến thời điểm này thường được thực hiện bởi những người không theo đạo Hồi.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Đại học Charles Sturt được cho là nhắm thẳng vào các sự việc người thật việc thật liên quan đến quan điểm thù ghét Hồi giáo, để qua đó đi tiên phong trong việc thay đổi cách người Úc nhìn nhận về thực trạng Islamophobia.

Cuộc nghiên cứu của Đại học Charles Sturt do tiến sĩ Derya Iner đứng đầu đã thực hiện căn cứ vào 243 sự việc được xác định là hành động xuất phát từ qua điểm thù ghét Hồi giáo, xảy ra trong vòng 14 tháng trong quãng thời gian 2014-2015.

Đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên trên thế giới hướng vào thực trạng Islamophobia.

Trong số những người đồng ý chia sẻ câu chuyện thật sự xảy ra với mình, trong cuộc nghiên cứu này, có cô Inaz Janif.

Janif đến Úc khi mới lọt lòng mẹ, thế nhưng cô khẳng định các hành động thù ghét chỉ vì tôn giáo đối với cô xảy ra nhiều không kể hết.

“Tôi nhớ rằng từ khi còn là một đứa trẻ không biết bao nhiêu lần những thái độ và hành vi thù ghét Hồi giáo đã nhắm vào tôi, nào là dọa giết rồi là phàn nàn, chê trách.”

“Lần đầu tiên tôi đi nộp đơn xin việc người ta đã nói với tôi rằng tôi có thể nhận được công việc đó nếu như tôi không đeo khăn che mặt Hijab nữa,” cô Janif nói.

Giờ thì cô Janif đã trở thành một giáo viên ở một trường học thuộc vùng ngoại ô đa văn hóa tại Melbourne.

Cô nói đã từng biết nhiều vụ khác mà trong đó nạn nhân là người Hồi giáo bị tấn công.

“Tôi có mấy người bạn, họ bị người ta giật tung khăn che mặt ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ở trung tâm mua sắm và các nơi công cộng khác. Có những người bạn tôi còn bị người ta xua đuổi cơ,” cô Janif nói.

Tiến sĩ Derya Iner đã dành 2 năm qua để nghiêm cứu về Quan điểm Thù ghét Hồi giáo tại Úc.

Phụ nữ là nạn nhân chính

Nghiên cứu của bà Iner đã phát hiện ra rằng những lời phỉ báng kết tội dính líu đến khủng bố nhắm vào người Hồi giáo chiếm 11% số hành động thù ghét Hồi giáo, tuy nhiên, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và thường là họ phải gánh chịu lời lẽ miệt thị.

“Đó là những lời thể thiện thành kiến về giới tính, coi thường phụ nữ hoặc là những bình luận miệt thị tôn giáo của họ,” bà Iner nói.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gần 80% nạn nhân bị thù ghét là những phụ nữ có đeo khăn che mặt vào thời điểm xảy ra sự việc.

30% bị miệt thị ngay khi đang đi cùng con nhỏ và 98% số vụ đều xuất phát từ những người được mô tả là gốc da trắng.

Tiến sĩ Iner cho rằng trong số này có nhiều vụ được nạn nhân tố cáo trên mạng vào thời gian từ năm 2014-2015, và đã xảy ra ngay ở những nơi công cộng đông đúc.

Bà Iner cũng cho hay tại Úc, số người tự nhận mình là chống Hồi giáo đông gấp 4 lần tín đồ Hồi giáo.

“Mỗi tín đồ Hồi giáo phải đối phó với 4 người thù ghét hồi giáo một cách cực đoan và điều này không công bằng với tín đồ đạo Hồi,” bà Iner nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Fethi Mansouri từ Viện nghiên cứu Công dân và Toàn cầu hóa thuộc Đại học Deakin, cho rằng mặc dù con số thống kê có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thế nhưng dữ liệu từ nghiên cứu lần này vẫn chứng minh được giá trị của nó.

“Có những phúc trình về tình trạng chống Hồi giáo ở Âu Châu và Bắc Mỹ nên tôi cho rằng, điều thật sự quan trọng là Úc có thể học hỏi kinh nghiệm từ những phúc trình đó, để giải quyết các vấn đề liên quan đến sắc tộc như thế này,” ông Mansouri nói.

Còn ở góc độ quản lý của giới hữu trách, bà Helen Kapalos, thành viên Ủy ban Văn hóa Đa nguyên tiểu bang Victoria cho rằng điều quan trọng nhất là những dữ liệu nghiên cứu này phải được các nhà hoạch định chính sách sử dụng để tìm ra giải pháp và thay đổi xã hội.

“Tôi khẳng định là đó là những gì chúng ta nhìn tận mắt và nghe từ chính đôi tai của mình ngay trong cộng đồng chúng ta mỗi ngày, thế nhưng thực tế này cũng cho chúng ta một nền tảng để xây dựng một loạt các chiến lược đối phó,” bà Kapalos nói.

Kết quả nghiên cứu về bài Hồi giáo tại Úc

Điểm qua một số phát hiện đáng chú ý từ nghiên cứu về Quan điểm thù ghét Hồi giáo tại Úc, do trường Đại học Charles Sturt thực hiện.

Phụ nữ, đặc biệt là những người dùng khăn trùm đầu, là nạn nhân chính của hành động thù ghét Hồi giáo.

Trong 3 Nữ nạn nhân thì có một người gánh chịu hành động thù ghét ngay trước mắt con cái mình.

98% số kẻ thù ghét Hồi giáo là có nguồn gốc da trắng. Đa số người này là Nam giới.

Trong số các hành động thù ghét nhắm vào người theo đạo Hồi thì phổ biến nhất là những lời lẽ miệt thị, đe dọa, sau đó đến hành động đụng chạm đến thân thể.

Đa số vụ tấn công nhắm vào tín đồ Hồi giáo xảy ra ở NSW, kế đến là Victoria và Queensland.

Trong số các vụ tấn công cá nhân vì thù ghét Hồi giáo, 48% các vụ xảy ra ngay ở nơi đông người như trung tâm mua sắm, nhà ga.

75% số vụ tấn công thù ghét Hồi giáo xảy ra mà không có một ai can thiệp giúp đỡ cho dù xảy ra ngay nơi đông người. 25% số vụ có người can thiệp giúp đỡ thì lại chính là người không theo đạo Hồi.

Có mối liên hệ giữa sự gia tăng các vụ thù ghét Hồi giáo với các cuộc biểu tình, tranh luận về Hồi giáo, các vụ tấn công cho dù nó xảy ra ở Úc hay ngoại quốc.

 

Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/vietnamese


Share