Viva: Xây dựng mối liên kết giữa các thế hệ thông qua các nhóm vui chơi

Kindergarten students and teacher reading clock

Playgroups are traditionally set up and run by the parents or caregivers of preschool children. Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ông bà từng giữ một vai trò tích cực trong cuộc sống của con cháu, thế nhưng giờ đây, khi các thành viên trong gia đình thường sống xa nhau, việc này đã trở nên khó khăn hơn. Một số tổ chức đang tìm cách xây dựng mối liên kết giữa các thế hệ thông qua các nhóm vui chơi.


Một trong những điều mà cô Chandani Ramasundara, một bà mẹ hai con ở Canberra, nhớ nhất khi cô chuyển đến thành phố này vào 10 năm trước, đó là đại gia đình nhiều thế hệ nơi cô lớn lên tại Sri Lanka.

“Trong gia đình chúng tôi, ông bà có vai trò rất lớn trong việc nuôi dạy con cháu, nhưng khi tôi chuyển đến Canberra, tôi nhận ra rằng mọi người ở đây thích sống độc lập hơn,” cô nói.

Bởi vì cha mẹ của cô sống tại Sri Lanka, nên các con của Ramasundara thường gặp ông bà trên mạng nhiều hơn là ngoài đời.

Khi cô hay tin về một nhóm vui chơi đa thế hệ được thành lập cho các cư dân tại Miranjani Hostel, cô cho rằng đây là cơ hội hoàn hảo để con cái giao tiếp với những người đến từ các thế hệ khác nhau.

“Cha mẹ tôi vẫn còn ở quê nhà, vì thế các con tôi không được giao tiếp với ông bà thường xuyên," cô nói.

“Nhóm vui chơi này đã hỗ trợ cho tôi, giúp các cháu tương tác với những người cao niên khác. Điều này thật tuyệt. Tôi nghĩ họ là những cuốn cẩm nang sống tốt nhất về việc nuôi dạy con cái."

Cô Ramasundara quyết định trở thành tình nguyện viên sau chuyến thăm đầu tiên đến nhóm vui chơi đa thế hệ Weston. Sau ba năm, cô đã giúp thành lập năm nhóm chơi cho trẻ em và người cao niên tại Lãnh thổ Thủ đô Úc.

“Khi tôi chuyển đến đây, tôi chẳng quen biết ai ngoài chồng tôi và gia đình của anh ấy," cô nói.

“Điều đó đã giúp tôi rất nhiều - không chỉ giúp tôi ít cô độc hơn, mà tất cả mọi thứ, tôi cảm thấy như tôi đang ở quê nhà của mình."
“Nhóm vui chơi này đã hỗ trợ cho tôi, giúp các cháu tương tác với những người cao niên khác." - Chandani Ramasundara
Các nhóm vui chơi thường được thiết lập và điều hành bởi cha mẹ hoặc giáo viên mầm non. Các nhóm vui chơi đa thế hệ bổ sung thêm một nhân tố thứ ba, đó là người cao niên.

“Các nhóm chơi này được thành lập tại một số viện dưỡng lão, làng hưu trí, hay câu lạc bộ người cao niên. Những gì chúng tôi làm ở đây là: Chúng tôi đưa những người cao niên từ những viện dưỡng lão đến phòng chơi, sau đó chúng tôi mời trẻ em và cha mẹ đến chơi và tương tác cùng nhau.”

Tiến sĩ Ken Huton-He, 94 tuổi, cho biết ông đã tham dự nhóm chơi đa thế hệ Weston vào mỗi thứ Hai từ ngày mới thành lập. Mặc dù ông bắt đầu tỏ ra đãng trí, nhưng ông vẫn luôn mong đợi được đến chơi với các cháu thiếu nhi mỗi tuần.

“Crystal và Archie thường xuyên đến chơi và tôi rất vui,” ông nói.

Cô Ramasundara giải thích sợi dây liên kết đặc biệt giữa Tiến sĩ Huton-He và cậu bé Archie 3 tuổi, mà khi mới đến với nhóm chơi thì em chỉ mới 3 tháng tuổi mà thôi.

“Bởi vì ông Ken từng là một phi công nên ông rất thích chơi máy bay đồ chơi. Archie thường mang máy bay đến chơi với ông. Ngay cả sau giờ chơi, họ cũng ghé thăm ông nữa. Họ có quan hệ rất tốt như là một gia đình vậy."

Bà lão Iris Mallam, 82 tuổi, giúp chuẩn bị trà bánh cho nhóm chơi. Bà cũng rất thích sáng thứ Hai giống như ông Huton-He.

“Nhìn thấy nụ cười trên mặt các cháu, quả là một buổi sáng dễ thương,” bà nói.

“Thành thật mà nói, nó diễn ra quá nhanh! Tôi có ba cháu trai đáng yêu nhưng không may là chúng sống ở Queensland.”
Chuyên gia về sa sút trí tuệ, Giáo sư Susan Kurrle thuộc Đại học Sydney nhận thấy có nhiều nhóm chơi đa thế hệ như vậy tại các viện dưỡng lão trên khắp nước Úc, trong suốt 10 năm làm việc của mình.

“Những đứa trẻ sẽ chạy đến, ngồi xuống và yêu cầu được đọc một quyển sách hoặc nói về một điều gì đó, và niềm vui mà bạn nhìn thấy trên khuôn mặt của những người cao niên với những tương tác đó rất quan trọng đối với tâm trạng hạnh phúc của họ, như một bà lão mô tả là 'không chỉ chờ đợi chết'," Giáo sư Kurrle nói.

“Họ có một nhóm chơi đến thăm họ hai tuần một lần và tôi có thể khẳng định rằng các cư dân của viện dưỡng lão rất trông chờ ngày đó."

Giáo sư Kurrle cũng nhận thấy những thay đổi tích cực trong tâm trạng của những bệnh nhân cao niên mắc chứng sa sút trí tuệ.

“Một phụ nữ cao niên đọc truyện Con sâu bướm rất đói cho hai đứa trẻ khoảng 3-4 tuổi, và khi kết thúc, chúng nói: 'Đọc nữa đi! Đọc nữa đi!', Và thế là bà ấy đọc lại," Giáo sư Kurrle nói.

“Nhân viên kể rằng bà ấy đã đọc quyển sách đó đến 9 lần, và những đứa trẻ rất thích thú. Dĩ nhiên, bà ấy không nhớ là mình đã làm việc đó trước đây vì chứng đãng trí của bà. Việc tương tác này đã đem lại niềm vui cho cả đôi bên một cách đáng kinh ngạc.”

Một trong ba người Úc trên 65 tuổi được sinh ra ở nước ngoài.

Đối với một số người thì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng việc giao tiếp bằng lời nói không phải là vấn đề, bởi vì có rất nhiều tiếng cười và điệu múa.

“Tôi từng ghé thăm một viện dưỡng lão Hy Lạp, các em nhỏ bắt chước theo điệu múa của những người cao niên. Các nhân viên cho biết có nhiều ông bà chưa từng rời khỏi ghế trong nhiều tháng, và khi thấy lũ trẻ vỗ tay, mọi người đều đứng dậy và múa hát. Vì thế nó đem lại niềm vui sống cho những người cao niên.”

Giáo sư Kurrle nói rằng đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi các chương trình đa thế hệ được đưa vào lĩnh vực chăm sóc người cao niên.

“Những chương trình này hoàn toàn có giá trị. Thật tuyệt vời khi thấy kết quả, và tôi hy vọng chúng ta sẽ thấy nhiều chương trình tương tự, một khi mọi người nhận thấy lợi ích của chúng.”


Share