Văn nghệ cuối tuần: Mộng ban đầu

Em níu lấy cành dâu che kín mộng ban đầu...

Em níu lấy cành dâu che kín mộng ban đầu... Source: diendandoanhnghiep.vn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Bản nhạc Mộng ban đầu là sự hòa điệu của hai tâm hồn thi ca và âm nhạc, thi sĩ Hồ Đình Phương và nhạc sĩ Hoàng Trọng vào năm 1956. Cặp đôi “Bá Nha-Tử Kỳ” trong âm nhạc Việt này còn có đến hơn bốn mươi bản nhạc khác được viết chung và để lại cho người yêu nhạc những cảm xúc sâu lắng khó quên.


Nhạc sĩ Hồ Đình Phương sinh ngày 1 tháng 3 năm 1927 tại làng Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên,Huế. Thân sinh ông là cụ Hồ Văn Huân, làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Mẹ ông họ Võ, mất sớm lúc ông còn nhỏ.

Sau khi đất Việt Nam chia cắt bởi hiệp định Genève, gia đình phân tán, ông ở lại một mình tại Huế với một phần gia đình hai bên nội ngoại.

Ông đỗ Tú Tài Pháp rồi làm Giám Đốc Hành Chánh Bệnh Viện Huế. Trong thời gian này ông làm thơ, viết sách và có nhiều bài đăng báo. 

Năm 1955, ông đem gia đình vào Nam để đi học tiếp và đã đậu Thủ khoa tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Sài Gòn năm 1958.

Sau biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông chuyển sang dạy  Đại Học Thương Mại Đà Lạt rồi làm Giám Đốc Công Ty Kỹ Nghệ Giấy Đồng Nai ở tỉnh Biên Hòa (Cogido). Sau tháng 4 năm 1975, ông phải đi học tập cải tạo khoảng hơn hai năm, rồi gia đình ông vượt biển bằng ghe và mất tích. 

Là một nhà thơ nên những lời viết cho các bản nhạc của ông rất nhẹ nhàng, chan chứa tình yêu và đầy ý nghĩa nên rất được mọi người ái mộ.

Và có lẽ vì xúc động trước cảnh đất nước tang thương cùng nỗi đau của gia đình ông đã viết rất nhiều thơ, nhạc bộc lộ tình yêu, sự đau khổ của quê hương và mơ ngày thanh bình…

Thi sĩ Hồ Đình Phương đã viết lời cho nhiều bài hát nổi tiếng trước 1975 cũng như có nhiều nhạc sĩ phổ theo các tác phẩm thơ của ông. Ông sáng tác với tất cả tâm hồn đa sầu đa cảm của một người nghệ sĩ đất thần kinh để ca tụng quê hương, cái đẹp thuần tuý của tình người sâu sắc, đầy xúc cảm còn lưu lại đến hôm nay.

Năm 1954, NS Hoàng Trọng di cư vào miền Nam, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi 3 con: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La. Tại Sài Gòn, ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền hình Việt Nam.

Những ban nhạc của ông hoạt động đến tận 1975, từng mang nhiều tên khác nhau như “Hoàng Trọng”, “Tây Hồ”, “Đất Nước Mến Yêu”… đặc biệt từ năm 1967 với tên “Tiếng Tơ Đồng”. Ban hợp xướng “Tiếng Tơ Đồng”, với các ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng của Sài Gòn thời đó, đã trình bày nhiều ca khúc tiền chiến giá trị.

Khoảng thời gian ở Sài Gòn, NS Hoàng Trọng sáng tác rất mạnh mẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng như “Ngàn Thu Ấo Tím”, “Lạnh Lùng”, “Bạn Lòng”, “Mộng Lành”, “Tiễn Bước Sang Ngang”, “Ngỡ Ngàng”… Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài. Số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc…

Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, Hoàng Trọng viết tango nhiều và được xem như người thành công nhất với danh hiệu “Vua Tango”.

Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương”, “Giã Từ Bóng Tối”, “Người Tình Không Chân Dung”, “Sau Giờ Giới Nghiêm”, “Bão Tình”. Với nhạc trong bộ phim “Triệu Phú Bất Đắc Dĩ”, NS Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1972 – 1973.

Sau 1975 NS Hoàng Trọng chỉ sáng tác một vài ca khúc và không phổ biến. Bản cuối cùng của ông là “Chiều Rơi Đó Em”.
Mộng ban đầu là sự đồng điệu,tri âm của cặp đôi thi nhạc sĩ Bá Nha và Tử Kỳ với những bản nhạc Tango một thời xao động lòng người nghe nhạc miền Nam trước năm 75 qua gần 50 bài thơ của thi sĩ Hồ Đình Phương đã làm nền cho âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Trọng cất cánh.

Sự hòa nhịp trọn vẹn của mối giao hòa nằm ở chỗ giữ nguyên từng câu từng chữ của bài thơ rồi nhẹ nhàng đặt vào nền giai điệu không một chút khiên cưỡng và gượng ép. Có chăng chỉ là một sự thay đổi nhỏ nhoi về dấu (Thay dấu sắc trong chữ cánh hoa bằng dấu huyền trong chữ cành hoa ở câu hát: Hái một cành hoa thắm) để giai điệu trở nên mượt mà và nhẹ nhàng hơn mà thôi..

Mộng ban đầu mãi mãi là tiếng lòng của những rung động đầu đời trong mỗi chúng ta và dường như ai cũng có lúc trải qua cái hương vị cảm xúc đầu đời này mà thi sĩ và nhạc sĩ chỉ là người bắt kịp và đón nhận cảm xúc đó để giữ nó lại cho người nghe đời sau trong chiếc lồng sơn son thiếp vàng của những thanh âm trong trẻo và mơ màng ở giây phút bâng khuâng sâu lắng đó của thế hệ đi trước.


Share