Du học ở Úc (143) Trầm cảm, nên nói chuyện với ai?

There are a range of ways to deal with depression

There are a range of ways to deal with depression Source: Pixabay

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chia sẻ của một nữ du học sinh đã trải qua cơn trầm cảm kéo dài khi du học, đồng thời tìm hiểu những dịch vụ hỗ trợ nếu rơi vào tình trạng này khi ở Úc.


Một nghiên cứu mới đây do và National Union of Students (Hội sinh viên quốc gia) thực hiện trên 2,600 sinh viên các trường TAFE và đại học ở Úc cho thấy có đến 35% sinh viên từng có ý định tự tử hoặc hủy hoại bản thân trong 12 tháng gần nhất.

Các sinh viên được khảo sát nằm trong độ tuổi từ 17-25. Nguyên nhân chính của tình trạng này có thể kể đến là việc quá tải trong học hành, công việc, đối mặt với nhiều deadline, gặp trục trặc trong chuyện tình cảm, khó khăn về tài chính…

Nếu sinh viên bản xứ khó khăn một thì du học sinh còn khó khăn hơn gấp bội phần. Việc học tập và sinh sống ở một đất nước xa lạ, sử dụng một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, và phải đối mặt với nhiều khó khăn khác mà không có người thân bên cạnh, như vậy thì du học sinh rất dễ mắc chứng trầm cảm, ở những cấp độ nặng nhẹ khác nhau.
Mời nghe câu chuyện của một nữ du học sinh (xin giấu tên), đã trải qua 4 tháng căng thẳng và trầm cảm đến mức từng có ý định tự tử. Nếu bạn cũng từng gặp khó khăn trong việc học, và cuộc sống ở Úc, xin hãy nghe câu chuyện này để luôn tỉnh táo và biết cách vực mình dậy trước khi quá muộn.

“Trước đó ở Việt Nam cũng có một thời gian dài em rơi vào khủng hoảng và trầm cảm và đã vượt qua được. Thế nên lần này, khi mới bắt đầu bị trầm cảm, em đã chủ quan, cho rằng mình đã trải qua, nên sẽ không bị vướng phải một lần nữa.

“Từ ban đầu, có những dấu hiệu là mình bị mất tự tin vào bản thân, mất phương hướng, hay suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy mình không còn giá trị gì nữa, không muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với ai cả.

“Những ngày trước khi thi, em chỉ ngủ được 1-2 tiếng. Lúc đó em hoàn toàn mất hết năng lượng, chỉ có thể đi từ nơi này đến nơi khác chứ không còn làm gì được nữa.

“Em cũng có nhiều bạn bè, có đi chơi với bạn nhưng không thấy vui, không cảm thấy liên kết gì cả.

“Em không muốn cho gia đình ở Việt Nam biết, nên khi nói chuyện với gia đình em tỏ ra rất bình thường. Nhưng sau khi cúp máy là em khóc rất nhiều.

“Đỉnh điểm là sau khi thi xong, ra khỏi phòng thi, em khóc rất nhiều. Lúc đó, loáng thoáng qua trong đầu em suy nghĩ muốn đi chết đi, không muốn tồn tại nữa…”

SBS Vietnamese: Bạn có biết rõ nguyên nhân gì đã khiến mình bị trầm cảm hay không?

“Nguyên nhân chính là việc học hành và nhiều chuyện nhỏ nhỏ khác nữa.

“Em từ Việt Nam sang quá sát ngày nhập học, bị lỡ tuần lễ orientation nên không có sự chuẩn bị tốt.

“Ngoài ra, em lại đặt ra cho mình những mục tiêu quá cao, em vừa muốn học tốt, vừa muốn tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, xây dựng các mối quan hệ… nên đã không quản lý được thời gian.”

SBS Vietnamese: Khi đó thì bạn đã làm gì để vượt qua nó? Bạn có tìm đến một chuyên gia tâm lý nào không?

“Khi không thể chịu nổi nữa thì em tìm đến dịch vụ tư vấn Mental Health của nhà trường. Em đến đơn giản là nói về vấn đề của mình, mình cảm thấy như thế nào. Họ không nói gì nhiều, họ chỉ làm cho mình cảm thấy yên tâm hơn. Họ trấn an mình rằng “it’s not the end of the world”.

“Sau đó, em dành ra một ngày không làm gì cả, suy nghĩ xem vấn đề ở đâu. Tiếp theo, em tìm đến những hoạt động giúp mình thấy thoải mái hơn, như là đăng ký vào lớp yoga miễn phí của trường. Trên website của trường có rất nhiều hoạt động dành cho sinh viên.

“Em tập yoga xong cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Em bắt đầu sắp xếp lại thời gian của bản thân, dành nhiều thời gian để ngủ. Sau đó, em cảm thấy dễ chịu hơn.”
Khi thấy mình có các dấu hiệu trầm cảm, các bạn có thể tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường. Ở đó, có các chuyên gia tâm lý sẵn sàng lắng nghe bạn và phần nào giúp bạn tháo gỡ những khó khăn của mình. Còn nếu bạn bị áp lực quá mức với các kỳ thi, hãy mạnh dạn đi gặp bác sĩ, trình bày vấn đề của mình, được bác sĩ chẩn đoán bệnh và xin hoãn kỳ thi nếu cần thiết.

Tìm kiếm sự giúp đỡ:

Lifeline 13 11 14 www.lifeline.org.au
Beyondblue 1300 22 4636 www.beyondblue.org.au
Mindspot 1800 61 44 34 www.mindspot.org.au
SANE Australia 1800 18 7263 www.sane.org/
Headspace (aimed at younger people) (02) 6201 5343 www.headspace.org.au
eHeadspace có thể giúp: https://www.eheadspace.org.au/
Tìm kiềm nơi gần nhất: https://www.headspace.org.au/headspace-centres/
 

Thêm thông tin và cập nhật Like SBS Vietnamese Facebook

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại sbs.com.au/vietnamese


Share