Hạt giống yêu thương (Bài 81) Người tiễn biệt

Chaplain James Phung Ngoc Thanh (left)

Chaplain James Phung Ngoc Thanh (left) Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chaplain James Phùng Ngọc Thanh đã giúp đỡ hàng chục ngàn người cận tử về mặt tâm linh, an táng và hậu sự khi họ gần đất xa trời. Vì sao ông lại chọn công việc ngày ngày chứng kiến sinh ly, tử biệt, đau đớn và bệnh tật như vậy?


Người tiễn biệt

Tuyên úy là người học hỏi về mặt tâm linh để giúp đỡ, nâng đỡ cho tinh thần của người bệnh, ở mọi tôn giáo, kể cả người vô thần. Công việc của họ là lắng nghe, an ủi, vỗ về, thăm viếng, nâng đỡ người bệnh trong những ngày tháng cuối đời.

Nếu những người hộ sinh là người đón đứa bé từ trong bụng mẹ cất tiếng khóc chào đời, thì tuyên úy là những người đưa tiễn linh hồn khi ai đó lìa trần. Đây là một công việc thiêng liêng, liên quan đến phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn mỗi người.

Đi qua cái dốc của cuộc đời, đến nay đã gần 70 tuổi đời, nhưng tuyên úy James Phùng Ngọc Thanh vẫn miệt mài giúp đỡ và làm thiện nguyện về cận tử, an táng cũng như giúp đỡ về mặt tâm linh cho những ai gần đất xa trời.

Phùng Ngọc Thanh từng là cựu quân nhân của QLVNCH. Ông vượt biên đến trại tỵ nạn, sau đó đến Úc vào tháng Một năm 1981. Năm 2000, ông về hưu vì thương tật trong chiến tranh và bắt đầu trau dồi kiến thức để giúp đỡ về cận tử và an táng từ năm 2003. Năm 2007 tuyên úy Phùng Ngọc Thanh tham gia vào Chaplaincy Team tại bệnh viện Royal Adelaide Hospital và thành lập nhóm thiện nguyện Raphael Pastoral Care để hỗ trợ những người bệnh nặng, cận tử và lo an táng cho họ.
"Thời gian sống của chúng ta sau khi lọt lòng mẹ ngày một ngắn đi. Tôi gặp ngày càng nhiều người trẻ ra đi ở tuổi thanh xuân, nói vậy để thấy cái chết không chừa một ai. Chúng ta tránh nói đến cái chết và sợ hãi khi nghĩ về nó. Càng sợ thì nó càng âm thầm kéo đến." James Phùng Ngọc Thanh
Ông tâm sự điện thoại của ông luôn để chuông 24/24 bởi luôn có những người cần ông vào lúc 2-3 giờ sáng.

“Bệnh nhân người Việt và người Hoa thường khép kín, ít chia sẻ nên không nhận được nhiều giúp đỡ, trong khi những sắc dân khác thường cởi mở hơn”, ông tâm sự.

Nguyện giúp xã hội suốt cuộc đời còn lại

Công việc của một người tuyên úy không thể dành cho những ai nhát gan, sợ hãi hay thiếu sự kiên nhẫn. Ông Phùng Ngọc Thanh chia sẻ điều quan trọng là phải biết rũ bỏ nỗi buồn trong cuộc sống để giúp đỡ bệnh nhân.

Ông cho biết việc học tiếng Anh rất vất vả, đặc biệt là phần phát âm khi đã lớn tuổi. Đó là chưa kể trong cuộc sống, mấy ai thích biệt ly. Người ta chỉ thích hội ngộ, tương phùng, vậy mà công việc hàng ngày của James Phùng Ngọc Thanh buộc ông phải tiễn biệt nhiều người thân thích mãi mãi.

"Có những người gặp vài năm thì đã ra đi, có những người bạn chỉ vài tháng đã vội lìa trần. Mọi thứ từ niềm vui, bệnh tật, kể cả bí mật sâu kín không kể chia sẻ với người thân họ cũng tâm sự với mình. Vì vậy lại càng thân thiết".

Sinh lão bệnh tử là thân phận của mỗi con người, không ai có thể gánh vác cho ai, người tuyên úy không giúp họ tránh được điều này, nhưng có thể giúp họ thay đổi cách nhìn, từ đó tìm thấy sự bình an.
"Nếu nghĩ về một ngày nào đó chúng ta rồi sẽ ra đi, con người sẽ sống nhân bản hơn, bớt ganh đua, thù oán và thêm yêu thương, trân quý cuộc sống. Hãy sống bình thường nhưng nhớ chuẩn bị cho cái chết, đừng chờ bệnh tật gõ cửa rồi mới làm. Hãy trân trọng người bạn đời, bởi một mai họ mất đi, ta sẽ nhớ những điều nhỏ nhặt họ làm cho ta". James Phùng Ngọc Thanh
Khi được hỏi đâu là những đức tính cần thiết của một người chaplain, chú Thanh chia sẻ phải hội đủ sự lắng nghe, kiên nhẫn, trầm tĩnh, hy sinh, tấm lòng yêu thương, can đảm và kinh nghiệm sống. Bởi không phải ai cũng chịu được "mùi" bệnh viện, có thể ngồi hàng giờ lắng nghe người khác chia sẻ hay hứng chịu cơn giận dữ của người xa lạ khi họ đau đớn, cáu kỉnh, mất tinh thần, và phải đủ can đảm để đối diện với chết chóc mỗi ngày.

Ai mà chẳng buồn trước cảnh chia ly, khi mới bước vào công việc này tuyên úy Phùng Ngọc Thanh không biết bao lần rơi nước mắt. Nhưng rồi ông học cách mạnh mẽ vì hiểu rằng nếu mình bi lụy, ai sẽ giúp bệnh nhân?

Viếng thăm hàng chục ngàn người, tiễn biệt hơn một ngàn người

Những con số này không dùng để nói lên khối lượng công việc mà tuyên úy Phùng Ngọc Thanh đã làm trong hơn 10 năm qua, mà để nhấn mạnh ông đã học được cách quên đi...

Tuyên úy Phùng Ngọc Thanh nhận bằng Certificate of Chaplain về các tôn giáo lúc 58 tuổi và hoàn thành Advance Diploma in Chaplaincy lúc 64 tuổi.

“Có một bàn tay vô hình nào đó dẫn tôi đến với công việc này. Có điều gì đó thúc đẩy tôi làm việc này, thôi thúc tâm hồn tôi. Khi tôi nhận được bằng Advance Diploma năm 64 tuổi, người Úc nào cũng ngạc nhiên vì có một người Việt cao tuổi như vậy lại học nghề này”.

Năm 2015, Phùng Ngọc Thanh vinh dự được giải thưởng “Cá nhân xuất sắc phục vụ cộng đồng của Tổng Giáo Phận Adelaide” (Outstanding Service by individuals service to the community of the Archdiocese) và Huân Chương của Đức Tổng Giám Mục TGP Adelaide về “Phục vụ đời sống cộng đồng”.

Cũng trong năm 2015, tuyên úy Phùng Ngọc Thanh được đề cử và đã được chọn vào vòng chung kết của giải thưởng “The Governor’s Multicultural Awards”.

Share