Hạt giống yêu thương (204) Đỗ Cao Cường - Đứa con Đất Cảng

Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường

Nhà báo tự do Đỗ Cao Cường Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chọn sống làm người tử tế trong một xã hội mà người tử tế trở nên là một vật cản, một cái gai trong mắt trong mắt người khác là điều không dễ. Đỗ Cao Cường, đứa con ngoan cường khẳng khái của Đất Cảng trước những đe doạ tính mạng vì dám lên tiếng cho các nạn nhân làng ung thư ở Hải Dương Hải Phòng, đã chọn đứng về phía các nạn nhân.


“Giết tôi, rồi hãy bắt tôi im lặng”, là tuyên bố của nhà báo Đỗ Cao Cường trước những cáo buộc đe dọa về tính mạng của anh từ những kẻ gây ra sai phạm bị anh nêu lên trong những phóng sự do anh thực hiện. 

Các phóng sự của Đỗ Cao Cường đã làm và chọn công bố trên trang Facebook cá nhân của mình, ngoài phóng sự Chết trong lúc còn sống nói về làng ung thư ở Kinh Môn Hải Dương, Làng chết ở Hải Phòng là về ngôi làng ung thư khác ở Tam Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng mà chính những thân nhân nạn nhân không dám lên tiếng vì sợ mất chổ làm ngay trong nhà máy nhiệt điện tại đây dù nó là tác nhân đang gieo chêt chóc cho chính họ; các phóng sự khác của Đỗ Cao Cường còn có Xác sống ở Hà Nội nói về làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì bị mất nhà, mất đất, và lâm vào cảnh “sống không bằng chết” mà chả biết kêu ai vì dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1; Lời kêu cứu muộn màng là một tiếng kêu thống thiết về những cái chết oan khuất của người đàn ông tự thiêu Bùi Hữu Tuân, con trai phóng viên Tuyết Vân, và của phóng viên Hải Đường.

Chọn làm nhà báo tự do, chọn công bố những bài viết và phóng sự về những sai phạm trong guồng máy công quyền, chọn lên tiếng vì những nạn dân và dân oan và trên hết chọn là người lên tiếng và dấn thân, nhà báo trẻ Đỗ Cao Cường nói mỗi người đều có quyền chọn cho mình cách sống và anh chọn là người tử tế.
“Dù bài báo tôi bị gỡ, lãnh đạo các tờ báo như Pháp Luật Việt Nam, lãnh đạo chính quyền tỉnh Hải Dương, các đồng nhiệp mong muốn tôi dừng lại, nhưng tôi chấp nhận việc trở thành nhà báo tự do, thậm chí bị bắt, giết để bảo vệ dân oan đến cùng.”
Đó là lời mở đầu phóng sự “Chết khi đang còn sống”của nhà báo độc lập Đỗ Cao Cường làm về làngung thư ở huyện Kinh Môn Hải Dương.

Trong phóng sự của Đỗ Cao Cường hình ảnh làn khói màu đỏ cam nặng chịch dày đặc từ ống xả nhà máy Thép Hòa Phát lừ lừ liếm lấy mặt ruộng lúa xác xơ dưới chân tường nhà máy, trùm qua bóng người nhỏ nhoi lui cui trên cánh đồng và tiến vào làng. 

Từng vốc mạt sắt được dân làng Kinh Môn quét ra từ khắp ngỏ ngách trong nhà, và họ nói “ngày nào cũng vậy”.

Những túm hành tím xám xịt vì mạt sắt bám; những người đàn bà ẳm những đứa trẻ còi cọc đưa ra trước ống kinh của anh và hỏi về không khí trong lành; những người phụ nữ đã thôi không còn khóc nữa nói về cái chết của chồng vào tháng Sáu và của con tháng Chín vì ung thư; những người đàn ông còn trẻ mặt mày xanh xao nói về mong muốn giá nhà nước cho xây nhà máy cách làng 500m chứ không áp sát vào nhà dân chỉ 100m như Thép Hòa Phát với dân Kinh Môn như thế này.

Toàn bộ không gian của ngôi làng từ không khí đến cây cối, nhà cửa con người phủ một màu xam xám nhờ nhờ đặc quánh.

Và tiếng người đếm số người chết vì ung thư trong năm đều đều

Trong phóng sự này của anh không chỉ có mỗi nhà máy Thép Hoà Phát hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mà tại Kinh Môn còn có Cty Xây Dựng ĐNA, Cty Chế Biến XNK Đà Nẵng như ba con quái vật đang nhả chất độc ngày đêm giết dần giết mòn người dân trong vùng. 

Các phóng sự loại này của Đỗ Cao Cường đã không được sự ủng hộ của các tờ báo và cơ quan truyền thông nơi anh làm việc, và thay vì chịu nhượng bộ và hủy bài, anh quyết định cho công bố trên trang Facebook cá nhân và chấp nhân làm một nhà báo tự do. 

Điều này cũng có nghĩa là anh đối mặt với nguy hiểm từ nghề nghiệp, pháp luật, an ninh và kinh tế.

Mới đây hôm 2/8 anh nhận được tin nhắn với câu hỏi đầy hốt hoảng đến thắt lòng của mẹ 

“Con đâu rồi?”

“Mẹ xin con đấy, con đừng viết báo ở Kinh Môn. Bọn nó đang thuê người giết con và làm hại gia đình mình đấy. Mẹ nghe thấy và sợ lắm…".

Những lời đe dọa như thế này Cường không lạ lẫm.

Tổng Thư ký tạp chí Thương Trường khi biết anh thực hiện các phóng sự về ba nhà máy gây ô nhiễm ở Kinh Môn Hải Dương, đã cảnh báo anh rằng mạng của anh chỉ đáng giá vài chục triệu.

Một người khác, đồng nghiệp của anh, nhà báo Nguyễn Đức thuộc báo Pháp luật Hồ Chí Minh cũng đã đưa ví dụ về cái chết của nữ nhà báo Hải Đường – một nhà báo có lòng có tâm trong điều tra sai phạm, đã bị chết một cách mờ ám trong lúc đang thực hiện một phóng sự điều tra lớn tại Hải Phòng để nhắc nhở anh. 

Và Đỗ Cao Cường đã chọn cách đi của mình như anh nói ở đầu phóng sự “Chấp nhận làm một nhà báo tự do, thậm chí bị bắt, giết để bảo vệ dân oan đến cùng.”

“Tôi cũng không nhận mình là nhà báo nhà văn gì cả, tôi chỉ là một kẻ lang thang, nay đây mai đó, đôi khi vì bức xúc, tôi muốn cất lên vài tiếng nói nhỏ bé bênh vực những người yếu thế, chứ tôi không là ai cả, tôi không là gì cả.”
Nhà báo Đỗ Cao Cường
Nhà báo Đỗ Cao Cường Source: Supplied
Ngoài các phóng sự Chết khi đang còn sống về làng ung thư ở Kinh Môn, Làng chết ở Hải Phòng là một làng ung thư khác ở Thủy Nguyên Hải Phòng, Xác sống ở Hà Nội về người dân Triều Khúc mất đất mất nhà, Lời kêu cứu muộn màng về những cái chết oan khuất, cũng như những phóng sự trước đó khi anh còn làm trong hệ thống báo chí chính thống về nạn xăng tặc và cát tặc đã đưa tên tuổi anh với công chúng và cũng đẩy anh vào nguy hiểm rình rập mọi lúc mọi nơi.

Đỗ Cao Cường cho biết nguy hiểm đến với anh hàng ngày, từ chính lực công quyền và cả các công ty sai phạm, ai cũng muốn anh im tiếng.

Tuy nhiên như anh viết trên Facebook cá nhân của mình “Giết tôi, rồi hãy bắt tôi im lặng!” 

Sinh ra và lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, hơn ai hết Đỗ cao Cường hiểu về vùng đât và con người của Đất Cảng.

Đất Cảng dữ dội lắm mà cũng khẳng khái lắm.

Và đó là tính cách của Cường.

Cường cho biết ngay từ hồi cấp ba chứng kiến thầy cô giáo của mình phải chạy tiền mấy chục triệu để có một chổ dạy, các ông chú của mình phải chạy tiền cũng từ chục triệu trở lên để có chân trong quân đội, Cường bắt đầu đặt câu hỏi về đâu là nhân phẩm thật và giá trị thật của con người và xã hội?

Trong một xã hội mà như nhiều người nói Công an trị với lực lượng công an là thanh kiếm và lá chắn xã hội, việc công an thẳng tay đánh người trở nên quen thuộc đến nỗi nó khiến người ta phải quen đi thì với Đỗ Cao Cường anh không thể quen với việc một người bị đánh,

Xuất thân từ sinh viên ngành Dân Chủ Học ở Đại học Quốc Gia Hà Nội, rồi học Luật và làm báo, có hai điều Cường luôn tin chắc và đeo đuổi để bảo vệ đó là một người có quyền chọn tôn sùng hay không tôn sùng một ai đó và đó là quyền cá nhân của họ không ai có thể can thiệp hay bắt ép được, điều thứ hai Cường tin rằng phẩm giá của một con người phải được tôn trọng qua việc họ không phải chịu bât kỳ một sự đánh đập nào.

Vì vậy khi chứng kiến công an đánh dân và chứng kiến những hiện thực xảy ra trong cuộc sống với những điều được rao giảng, Đỗ Cao Cường từ chối tham gia vào việc rao giảng những lý thuyết mị dân và anh còn đi xa hơn chọn lên tiếng vì như anh nói im lặng trước cái ác là đồng lõa.

Không hiếm lúc Cường cảm thấy cô đơn dù xung quanh anh không thiếu người yêu quý và nể trọng anh qua những việc anh làm.

Trong câu chuyện khi được hỏi đối diện với nguy hiểm rình rập như vậy Cường có sợ không thì anh nói ai cũng sợ, tuy nhiên thay vì lùi bước thì anh học cách tự bảo vệ mình bằng cách thận trọng hơn, ngụy trang mỗi khi đi làm phóng sự, di chuyển nhiều và thay đổi xe máy nhiều lần để tránh bị lần ra tung tích.

Và những lúc một mình nhất thì chính âm nhạc và thơ ca là những thứ để anh vỗ về mình.

Khi cuộc nói chuyện chuyển từ phỏng vấn sang những tâm tình, Cường hát lại những bài hát mà anh hát những lúc một mình, những lúc buồn.

Chọn sống làm người Tử Tế, là điều không dễ, trong khi cuộc sống luôn có vô vàn cám dỗ, huống chi trong một xã hội mà người tử tế trở nên là một vật cản, một cái gai trong mắt trong mắt người khác.

Đỗ Cao Cường, đứa con ngoan cường khẳng khái của Đất Cảng vùng đất Kiếp Bạc, nơi gắn liển với tên tuổi của các bậc hào kiệt Nguyễn Trãi Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đất Cảng sinh ra Cường thì đất Cảng cũng sẽ che chở Cường.

Người đất Cảng không thiếu những người tử tế để có thể cảm nhận được hạt mầm tử tế mà nhà báo Đỗ Cao Cường - đứa con Đất Cảng đang gieo trong đời.

Và hãy để tiếng hát của người của người tử tế còn vang mãi dù rằng có lúc tiếng nói của họ lẻ loi nhưng chắc chắn sẽ không bị dập tắt.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share