Nuôi con ở Úc: Ngộ nhận của cha mẹ khi có con học tiểu học

Hà Trang cùng con trai lớn SuBi (6 tuổi) sống tại Sydney.

Hà Trang cùng con trai lớn SuBi (6 tuổi) sống tại Sydney. Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

“Các con đi học có học gì đâu, toàn chơi ý mà; cho con đi học thêm ở trung tâm để tính nhẩm vèo vèo, đi học nhẹ nhàng lắm nên tối về phải ngồi vào bàn học vài tiếng…” Nếu cha mẹ nào đã từng có suy nghĩ như vậy về hệ thống giáo dục tiểu học của Úc, những chia sẻ của một mẹ Việt sống tại Sydney sẽ khiến bạn bất ngờ.


Đoàn Phạm Hà Trang là một giáo viên mầm non và là mẹ của hai con trai Subi (6 tuổi) và Subo (2,5 tuổi) sống tại Sydney. Trong gần hai tháng homeschooling cùng con ở nhà, cô chia sẻ đã nhận ra rất nhiều nhìn nhận chưa chính xác của các bậc cha mẹ về việc học của con ở trường, đặc biệt ở cấp tiểu học.

1. "𝑪𝒉𝒖́𝒏𝒈 𝒏𝒐́ đ𝒊 𝒉𝒐̣𝒄 𝒄𝒐́ 𝒉𝒐̣𝒄 𝒈𝒊̀ đ𝒂̂𝒖, 𝒕𝒐𝒂̀𝒏 𝒄𝒉𝒐̛𝒊 𝒚́ 𝒎𝒂̀".

Có cơ hội được học cùng con ở nhà thời gian này mới thấy, lượng kiến thức một ngày các con tiếp nhận ở trường rất lớn, nói chính xác hơn là quá lớn. Một buổi học từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, liên tiếp kiến thức và kỹ năng nạp vào. Chỉ có điều, thầy cô giáo có cách thức truyền tải kiến thức khiến bọn trẻ cảm thấy nhẹ nhàng. Không ghi chép, không nhiều lý thuyết, nhưng các con lại thu nạp được nhiều và đọng lại lâu.

2. "Đ𝒊 𝒉𝒐̣𝒄 𝒏𝒉𝒆̣ 𝒏𝒉𝒂̀𝒏𝒈 𝒍𝒂̆́𝒎, 𝒏𝒆̂𝒏 𝒗𝒆̂̀ 𝒏𝒉𝒂̀ 𝒑𝒉𝒂̉𝒊 𝒆́𝒑 𝒏𝒈𝒐̂̀𝒊 𝒗𝒂̀𝒐 𝒃𝒂̀𝒏 𝒕𝒉𝒆̂𝒎 𝒄𝒂̉ 𝒕𝒊𝒆̂́𝒏𝒈, 𝒄𝒉𝒖̛́ 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒍𝒂̀𝒎 𝒔𝒂𝒐 𝒉𝒐̣𝒄 đ𝒖̛𝒐̛̣𝒄 𝒈𝒊̀".

Hãy thử ngồi học từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều với con nghiêm túc một hôm, bố mẹ sẽ tự rút ra câu trả lời cho mình. Con học có nhẹ nhàng không (về lượng kiến thức)? Sau 6 tiếng ngồi học cùng con, bố mẹ có muốn tiếp tục ngồi học thêm 1, 2 tiếng nữa không? Với lượng kiến thức phải nạp một ngày như vậy, nếu là bố mẹ, bố mẹ có thể nhét thêm gì vào nữa không?
Subi và Subo trong khoảng thời gian học tại nhà cùng mẹ.
Subi và Subo trong khoảng thời gian học tại nhà cùng mẹ. Source: Supplied

3. "𝑻𝒓𝒆̂𝒏 𝒍𝒐̛́𝒑 𝒄𝒐́ 𝒉𝒐̣𝒄 đ𝒖̛𝒐̛̣𝒄 𝒈𝒊̀ đ𝒂̂𝒖, 𝒑𝒉𝒂̉𝒊 𝒄𝒉𝒐 đ𝒊 𝒉𝒐̣𝒄 𝒕𝒉𝒆̂𝒎 𝒌𝒉𝒐̂𝒏𝒈 𝒕𝒉𝒊̀ 𝒄𝒉𝒆̂́𝒕".

Nếu bố mẹ cảm thấy con mình “không học được gì trên lớp”, thì vấn đề không phải ở thầy cô, mà là vấn đề ở con bạn. Và đã là vấn đề của con bạn thì có cho đi học thêm, con bạn cũng không khá lên được.

Vì sao? Vì rõ ràng, thầy cô dạy rất nhiều trên lớp. Việc nhìn nhận “trên lớp có học được gì đâu” có hai khả năng:

1. Cảm quan của bố mẹ.

2. Thông qua việc dạy con học ở nhà bố mẹ nhận ra con không biết gì. Nếu là cảm quan của bố mẹ, thì bố mẹ đã nhìn nhận không chính xác. Nếu là con không biết gì thì bố mẹ cần cùng con xây dựng khả năng tập trung, kỹ năng tự học để lĩnh hội kiến thức trước tiên, chứ không phải tìm các lớp học thêm và nhét con vào. Việc ấy chỉ xoa dịu tâm lý bố mẹ, chứ không thể làm con học khá hơn.

Cha mẹ nên trang bị cho con những kỹ năng quan trọng trong lớp học như lắng nghe, giơ tay khi cần nói, xếp hàng chờ đến lượt, làm theo hướng dẫn, tập thói quen đọc sách và thử thách bản thân trước các yêu cầu cao hơn của giáo viên.
Trẻ em ở Úc đi học, không biết học thuộc, không ngồi tụng bảng cửu chương. Các con học bản chất của con số và phép tính.
Trẻ em ở Úc đi học, không biết học thuộc, không ngồi tụng bảng cửu chương. Các con học bản chất của con số và phép tính. Source: Supplied

4. "𝑷𝒉𝒂̉𝒊 𝒄𝒉𝒐 đ𝒊 𝒉𝒐̣𝒄 𝒕𝒉𝒆̂𝒎 𝒎𝒐̛́𝒊 𝒉𝒐̣𝒄 𝒈𝒊𝒐̉𝒊 đ𝒖̛𝒐̛̣𝒄".

Hệ thống chương trình đào tạo của bậc tiểu học Úc không chia theo từng năm, mà chia theo mỗi giai đoạn 2 năm một. Chương trình bậc Tiểu học Úc gồm bốn giai đoạn: Giai đoạn tiền tiểu học (vỡ lòng), Giai đoạn 1 (lớp 1, lớp 2), Giai đoạn 2 (lớp 3, lớp 4), Giai đoạn 3 (lớp 5, lớp 6). Đó là lý do vì sao vẫn có các lớp đặc biệt trộn chung học sinh hai khối lớp. Như con của Hà Trang là bé Subi học K-1 (năm ngoái) và 1-2 (năm nay). Chương trình học là của hai năm một. Với những con có trình độ nhỉnh hơn, các con có cơ hội được thu nạp kiến thức của lớp lớn hơn.

Và với những con này, trên lớp các con sẽ hoạt động theo chương trình của cả hai lớp, nghĩa là gần như sẽ hoạt động gấp đôi so với các bạn học lớp nguyên (chỉ lớp vỡ lòng, hoặc chỉ lớp 1).

Đây là cơ hội các con tự tạo ra cho mình, cũng là cơ hội mà giáo viên đem lại cho những bạn có khả năng hơn. Để mỗi con sẽ tìm được hứng thú riêng trong học tập. Bạn học khá hơn, không cảm thấy nhàm. Bạn học bình thường, không bị áp lực đuối.

Vì vậy, chỉ cần con bạn được trang bị kỹ năng học tập tốt (điều này phụ thuộc rất nhiều vào gia đình), thì con sẽ tự tìm được niềm vui và con đường đến “giỏi” của riêng mình mà không phải nhất nhất vác cặp đi học thêm. Và chắc chắn không phải “đi học thêm mới giỏi”.
Hệ thống giáo dục là một phần rất quan trọng ảnh hưởng đến một đứa trẻ đi học, nhưng còn một phần quan trọng hơn mà chúng ta thường lờ đi không để ý tới, đó là nhận định của bố mẹ về giáo dục
Hệ thống giáo dục là một phần rất quan trọng ảnh hưởng đến một đứa trẻ đi học, nhưng còn một phần quan trọng hơn mà chúng ta thường lờ đi không để ý tới... Source: Supplied

5. "𝑪𝒉𝒐 𝒄𝒐𝒏 đ𝒊 𝒉𝒐̣𝒄 𝒕𝒉𝒆̂𝒎 đ𝒊, 𝒉𝒐̣𝒄 𝒐̛̉ 𝒕𝒓𝒖𝒏𝒈 𝒕𝒂̂𝒎 đ𝒂̂́𝒚 𝒙𝒐𝒏𝒈, 𝒄𝒐𝒏 𝒕𝒊́𝒏𝒉 𝒏𝒉𝒂̂̉𝒎 𝒏𝒉𝒂̂𝒏 𝒄𝒉𝒊𝒂 𝒄𝒐̣̂𝒏𝒈 𝒕𝒓𝒖̛̀ 𝒗𝒆̀𝒐 𝒗𝒆̀𝒐"

Cha mẹ nên tìm hiểu lại ý nghĩa của nhân, chia, cộng, trừ.

Mục đích của bất kỳ trường học nào cuối cùng đều là trang bị kiến thức để con tự tin bước vào cuộc sống. Kiến thức ấy từ cuộc sống mà ra, nên kiến thức ấy phải phục vụ cho cuộc sống. Nếu học xong, chỉ để phục vụ “báo danh” với thầy cô trên lớp rằng “con tôi tính nhẩm hơi siêu”, “con tôi đọc bảng cửu chương vèo vèo”, “con tôi mới đi học mà cộng số to hơi đỉnh”, thì kiến thức ấy là kiến thức chết.

Trẻ em ở Úc đi học, không biết học thuộc, không ngồi tụng bảng cửu chương. Các con học bản chất của con số và phép tính. Bọn trẻ trả lời được những câu hỏi như “Bạn biết gì về số 345?” từ những lớp học đầu tiên của bậc tiểu học. Chúng trả lời rằng, 345 có 3 lần 100 và 1 lần 45, 200 + 100 + 45 = 345, 345 có số liền trước là 344 và số liền sau là 346. Chúng không học để thuộc, chúng học để hiểu. Hiểu để áp dụng vào cuộc sống.

Vậy nên, bắt con học trước số thật to, ép thật lực để con làm tính nhẩm thật tài, học thuộc bảng cửu chương từ khi chưa đi học, chả để làm gì đâu. Sức ấy để con chạy nhảy ở công viên, con làm thủ công, con nhảy theo nhạc, con bi bô hát, con đọc sách. Còn bố mẹ thay vì đưa đón con đi học, dành thời gian ấy kể chuyện cho con, tâm sự cùng con, đọc sách với con. Thu hoạch sẽ nhiều hơn gấp bội phần.
Hà Trang chia sẻ rằng khi đề cập đến một số ngộ nhận của cha mẹ có con đi học Tiểu học ở Úc để thấy, hệ thống giáo dục là một phần rất quan trọng ảnh hưởng đến một đứa trẻ đi học, nhưng còn một phần quan trọng hơn mà chúng ta thường lờ đi không để ý tới, đó là nhận định của bố mẹ về giáo dục. Đó mới là phần quan trọng nhất ảnh hưởng đến cách học của một đứa trẻ.

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời Đoàn Phạm Hà Trang trong audio.



Share