Nuôi con ở Úc: Học gì từ chuyện 'mẹ ghẻ' giết hại con chồng?

Hà Trang (trái) và Hà Coddington (phải) nhận định khi bước vào đời sống hôn nhân và chuẩn bị làm cha mẹ là tự chịu trách nhiệm về bản thân mình.

Hà Trang (trái) và Hà Coddington (phải) nhận định khi bước vào đời sống hôn nhân và chuẩn bị làm cha mẹ là tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Source: Ha Trang & Ha Coddington

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Gốc rễ của vấn đề chính là quan điểm dạy con bằng đòn roi của người Việt. Hậu quả của khái niệm đứa trẻ ngoan, không cãi, không phản kháng, im lặng răm rắp nghe lời người lớn đã dẫn đến điều gì...


Câu chuyện bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành và đánh đập đến chết tại Việt Nam sôi sục trên các trang mạng xã hội và báo chí trong nước những ngày qua.

Hai người mẹ Hà Trang và Hà Coddington từ Sydney chia sẻ góc nhìn, những cảm xúc riêng trong vai trò làm cha mẹ và bài học cho chính mình trong hành trình nuôi dạy con từ sự kiện đau lòng này.


SBS: Quan điểm dạy con bằng đòn roi rất phổ biến trong các gia đình Việt Nam. Chính vì điều này mà hàng xóm, những nguoi xung quanh cũng không quan tâm và vô tình bỏ mặc để bé bị đánh đến chết. Trang và Hà có nghĩ bạo lực sẽ giúp "con nên người"? 

Hà Trang: “Thương cho roi cho vọt” lâu nay vẫn được coi là một trong những phương thức giáo dục truyền thống giúp con nên người của gia đình Việt. Vì đó là chuyện xưa nay thường gặp, dần nó được hợp thức hóa (trong suy nghĩ của mọi người) thành một trong những cách dạy con hiệu quả. Vì vậy mọi người coi việc đánh trẻ để dạy trẻ là việc bình thường, vì thương nên đánh và đánh thì con mới nên người.

Cá nhân mình, ở góc độ một người mẹ, đồng thời ở góc độ một người học tập, nghiên cứu và làm việc với trẻ nhỏ, mình thấy đánh đòn sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến một đứa trẻ.

Ở góc độ một người trưởng thành đã làm mẹ, hành động đánh đập con cái đối với mình về bản chất là hành động của một kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Khi chúng ta bất lực trước việc sử dụng ngôn từ trong hòa bình để phân tích cho con hiểu, chúng ta mới dùng đến chân tay. Con cái có thể vì sợ mà làm theo, chứ không vì hiểu, vì phục mà làm để tốt cho bản thân chính các con.

Và đó là phương pháp giải quyết vấn đề tức thời chứ không phải là  phương pháp để đi đường dài cùng con. Khi cái cây bị bệnh mà chỉ lo dùng kéo cắt đi phần lá bị đốm, không đi tìm hiểu nguyên nhân, phương thức để khắc phục tận rễ, giúp cây trị bệnh và bình phục, thì thực tế chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc.
Hành động đánh đập con cái bản chất là hành động của một kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Khi chúng ta bất lực trước việc sử dụng ngôn từ trong hòa bình để phân tích cho con hiểu, chúng ta mới dùng đến chân tay.
Ở góc độ khoa học, rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng đánh đòn và việc hành hạ thể xác là hai việc hoàn toàn giống nhau về bản chất. Trong các nghiên cứu, có một nghiên cứu kéo dài 50 năm, tiến hành 75 lần nghiên cứu nhỏ với các cá thể khác nhau mà cụ thể là 160.000 trẻ, 99% kết quả thống kê cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đánh đòn và các biểu hiện tiêu cực ở trẻ.

Đánh đòn là tiền đề dẫn đến hành vi ứng xử xấu, tiêu cực theo thời gian chúng lớn dần lên, bất kể ban đầu chúng là một đứa trẻ hoạt bát, lanh lợi hay tốt bụng như thế nào. Hành vi ứng xử xấu ở đây có thể là việc ứng xử với người xung quanh hoặc với chính bản thân mình. Đó có thể sẽ là một người luôn dễ nóng nảy với nhân viên, là một người mẹ độc đoán với con mình, hoặc cũng có thể là một người chồng vũ phu hoặc một người vợ cam chịu bạo lực gia đình,…

Hà Coddington: Thú thật là những ngày qua Hà chỉ dám đọc lướt qua các tiêu đề và vài ý chính liên quan đến việc này, chứ không đủ can đảm để tìm hiểu về chi tiết.

Với cương vị là một giáo viên và người mẹ có đam mê về việc giáo dục trẻ, trong buổi phỏng vấn, Hà chỉ tạm bàn về khía cạnh này. Vụ việc này đã khiến Hà suy nghĩ về vấn đề bạo hành trẻ em ở Việt Nam.

Từ bạo hành ở tiếng Việt nghe thì có vẻ nghiêm trọng nên khi chúng ta nhận ra vấn đề thì thường là đã trễ. Ở tiếng Anh thì có từ 'Abuse'. 'Child abuse' ở đây không chỉ gói gọn ở việc sống còn hay thể chất của trẻ, nó còn là khi ta gây ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của trẻ bằng bạo lực hay ngôn từ. Nếu xét ở khía cạnh này thì trẻ em Việt Nam vẫn còn bị bạo hành ở các mức độ khác nhau, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Khi ta đánh hay hù doạ trẻ, chúng sẽ rớt vào trạng thái phòng thủ. Ở trạng thái này, có trẻ sẽ nghe lời để được an toàn, cũng có trẻ sẽ tìm cách làm khéo hơn ở lần sau để không bị phát hiện.
Những nghiên cứu não đã cho thấy khi trẻ sợ hãi, trẻ sẽ không có khả năng suy nghĩ và lý luận. Khi ta đánh hay hù doạ trẻ, chúng sẽ rớt vào trạng thái phòng thủ. Ở trạng thái này, có trẻ sẽ nghe lời để được an toàn, cũng có trẻ sẽ tìm cách làm khéo hơn ở lần sau để không bị phát hiện.

Khi phụ huynh dùng đòn roi, trẻ sẽ có xu hướng giấu cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng ta cũng mất luôn cơ hội hướng dẫn con. Nên mình tin rằng hình thức này không giúp con nên người. Chúng chỉ nghe lời người lớn để tránh bị rắc rối chứ không thực sự hiểu được các giá trị chúng ta muốn truyền tải.

Việc bán roi mây trên mạng thì sau vụ án bé Vân An các trang mạng đã đồng loạt gỡ xuống, đây là một xu hướng tích cực. Tuy nhiên chúng ta cần hành động nhiều hơn thế, đó là loại bỏ việc dạy con bằng quyền lực và bạo lực ra khỏi cả trong tư tưởng và thực hành.
Hà Coddington cho rằng việc trẻ luôn ngoan và tuân lệnh người lớn không phải lúc nào cũng tốt.
Hà Coddington cho rằng việc trẻ luôn ngoan và tuân lệnh người lớn không phải lúc nào cũng tốt. Source: Ha Coddington
SBS: Nhiều người cảm thấy bất ngờ khi một cô bé 8 tuổi hàng ngày đi học, đến trường, có bạn bè, thầy cô, người thân nhưng lại không chia sẻ về nỗi đau trong cuộc sống của mình. Có phải như vậy là ngoan, nghe lời người lớn theo khái niệm dạy con của nhiều người Việt không?

Hà Coddington: Theo mình, việc trẻ luôn ngoan và tuân lệnh người lớn không phải lúc nào cũng tốt. Đây là điều nguy hiểm. Việc chấp nhận người lớn luôn đúng sẽ làm trẻ mất khả năng tư duy và thói quen phản biện. Một đứa trẻ có thói quen ngoan ngoãn sẽ luôn im lặng.

Chúng im lặng cả với những vô lý và bất công. Thói quen thụ động này sẽ đi với chúng đến tuổi trưởng thành. Ví như trong việc của bé An, dù Hà không biết chi tiết nhưng Hà đoán rằng bé đã không biết được các quyền của mình. Đó là quyền trẻ em, quyền được đối xử công bằng và tôn trọng nên đã không chia sẻ với người khác.

Hà Trang: Lâu nay người lớn mình vẫn có lời khen dành cho trẻ là “ngoan quá”. Thật ra thì trong tiếng Anh cũng có những cách biểu đạt tương tự “good boy”, “good girl”. Tuy nhiên, khái niệm ngoan có sự khác nhau. Một đứa trẻ ngoan trong quan niệm truyền thống của người Việt thường là nghe lời, học giỏi. Ở nhà nghe lời bố mẹ, đến lớp nghe lời thầy cô, lớn lên đi làm thì nghe lời sếp.

Tư duy phản biện bị cho là cãi, là hỗn. Vì được nuôi dưỡng trong quan niệm như vậy nên im lặng là giải pháp tốt nhất để làm một đứa con ngoan, một học trò ngoan, một nhân viên tốt. Không phải đến bây giờ chúng ta mới nhìn thấy hậu quả nguy hiểm của tư duy nuôi trẻ “ngoan” truyền thống đó.

Chúng ta từng thấy một đứa trẻ chịu hàng trăm cái tát của các bạn dưới sự chỉ đạo của cô, từng thấy có học trò phải uống nước giặt giẻ lau, phải quỳ ở trường học. Chúng ta cũng thấy những đứa con bị bố đẻ hãm hiếp mà không dám lên tiếng. Có chăng là đến giờ khi sự việc bé gái 8 tuổi xảy ra ở mức độ nghiêm trọng là tử vong thì xã hội mới bắt đầu nhìn ra rõ ràng những mặt trái của một phương thức giáo dục thiếu tròn trịa.

Thế nhưng ở câu chuyện này, ngoài vấn đề “ngoan hư” ra thì còn là câu chuyện một đứa trẻ cảm thấy thiếu an toàn trong một môi trường sống vô cảm, nơi con không đủ cảm giác an toàn để chia sẻ với bất kỳ ai, nơi giáo viên thiếu đi sự tinh tế nhạy cảm của một người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ, nơi những người hàng xóm dẫu nghe thấy tiếng la hét, đánh đập vẫn mặc kệ bao lâu.

SBS: Không ai tự dưng có đủ kiến thức và kỹ năng để làm cha mẹ và đó là cả một quá trình. Chúng ta đã không được học để bước vào hôn nhân, học làm cha mẹ. Tất cả dựa vào bản năng là chính. Trang và Hà nghĩ khi bước vào đời sống hôn nhân và chuẩn bị làm cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm thế nào?

Hà Trang: Đúng là không có một ngôi trường chính thống nào dạy chúng ta làm vợ/chồng hay làm cha mẹ, nhưng nếu nói “dựa vào bản năng là chính” thì có lẽ có phần chưa hợp lý. Bản năng thật ra là lựa chọn của mỗi người. Chọn bản năng hay chọn lọc những bản năng tốt kết hợp với học hỏi để ra một phiên bản tốt nhất của chính mình trong mỗi vai trò khác nhau đó hoàn toàn là sự lựa chọn của mỗi cá nhân.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, sách giấy của các chuyên gia, ebook, báo mạng, chuyên gia hay những cá nhân tích cực đều có thể dễ dàng tìm thấy. Vì vậy, chọn lọc và học hỏi là điều ai cũng có thể làm được. Không ai biết mọi thứ, không ai luôn đúng, quan trọng là chúng ta chịu học hỏi, dám nhìn lại, dám cùng đối thoại và dám sửa sai (nếu có).
Đứa trẻ nào cũng xứng đáng có cha mẹ, nhưng không phải cha mẹ nào cũng xứng đáng có con.
Trách nhiệm đầu tiên cần có của một cá nhân khi bước vào đời sống hôn nhân và chuẩn bị làm cha mẹ là tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Tức là tất cả mọi việc của bản thân mình, mình phải là người đã sẵn sàng qua sự tìm hiểu, hiểu biết để đưa đến quyết định của một người trưởng thành.

Chỉ kết hôn khi mình là người muốn kết hôn dựa trên sự hiểu biết cơ sở về hôn nhân chứ không phải vì cha mẹ giục mà kết hôn. Chỉ sinh con khi mình tự cảm thấy mình sẵn sàng về tâm sinh lý chứ không phải sinh để làm vui lòng cha mẹ. Khi chúng ta đã đủ trưởng thành hiểu rằng mình cần phải chịu trách nhiệm về mọi thứ liên quan đến bản thân mình, kim chi nam ấy sẽ thôi thúc chúng ta biết nên làm gì và cần làm gì ở mỗi vai trò khác nhau. 

Hà Coddington: Với sự phát triển khá nhanh của xã hội ngày nay, trẻ em đang bị đẩy ra thế giới của người lớn khi chúng chưa sẵn sàng. Việc nuôi con theo bản năng hoặc rập khuôn từ thế hệ trước là không còn phù hợp.

Chúng ta cần trang bị kiến thức về sự phát triển và tâm sinh lý của trẻ. Khi hiểu được lý do đằng sau hành động ngỗ nghịch của con chẳng hạn, chúng ta sẽ bước qua được rào cản cảm xúc để có thể bình tĩnh giải quyết vấn đề cùng con. Ta có câu 'monkey see monkey do', nghĩa là con sẽ bắt chước những gì chúng ta làm.
Với sự phát triển khá nhanh của xã hội ngày nay, trẻ em đang bị đẩy ra thế giới của người lớn khi chúng chưa sẵn sàng. Việc nuôi con theo bản năng hoặc rập khuôn từ thế hệ trước là không còn phù hợp.
Nếu muốn con trở thành người ôn hoà nhã nhặn, ta phải tìm được cách khắc phục sự nóng tính của chính mình. Chúng ta không thể cấm con la hét khi chính chúng ta dùng biện pháp la mắng con mỗi khi con có hành động không phù hợp.
Hà Trang nhấn mạnh thương cho roi cho vọt chỉ là phương thức dạy con mang lại kết quả tức thì, chứ không hề hiệu quả.
Hà Trang nhấn mạnh "thương cho roi cho vọt" không hề có tác dụng giáo dục. Source: Ha Trang
SBS: Cứ 3,5 cặp vợ chồng ở Úc thì có một gặp ly hôn hoặc sống riêng. Như vậy nguy cơ để các con phải sống xa cha hoặc mẹ, hay có bố dượng mẹ kế là điều rất phổ biến. Mô hình gia đình trong xã hội hiện đại cũng rất đa dạng, cha mẹ nuôi, cha mẹ đồng giới, cha mẹ đỡ đầu, không phải trẻ em nào cũng sống với cha mẹ ruột. Theo Trang và Hà, những cha mẹ đã có con riêng, ta nên bước vào cuộc hôn nhân mới với tâm thế ra sao? Thông điệp với các phụ huynh khác?

Hà Coddington: Trong hoàn cảnh này, chúng ta càng phải cần tìm hiểu về parenting. Việc nuôi dạy chính con ruột của mình đã rất thử thách, chứ đừng nói gì đến nuôi con của người khác. Chỉ khi có nền tảng kiến thức, ta mới có sự vững chãi trong quan điểm nuôi dạy con.

Chúng ta cũng có trách nhiệm tìm được tiếng nói chung với partner của mình trong việc giáo dục con cái. Chính sự vững chãi nội tại và ở các mối quan hệ sẽ giúp ta nuôi dạy con chỉnh chu hơn. Chưa xét ở khía cạnh ta cần phải yêu thương con riêng con chung thế nào, trước tiên chúng ta phải dạy con đúng trước đã.

Nghĩa vụ của chúng ta là chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cha mẹ cần có sự quan tâm sát sao để phát hiện những vướng mắc và vấn đề con đang gặp phải. Ở đây không có nghĩa là kiểm soát mà là sự quan sát tinh tế, bằng tình yêu và sự thấu cảm.

Nếu có điều kiện thì ta có thể mở rộng phạm vi ra ngoài gia đình. Như là đối với một giáo viên thì ta cần quan sát được sự thay đổi trong thái độ hay hành động của học sinh. Hay đơn giản như việc chúng ta trò chuyện với những đứa trẻ hàng xóm. Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là nghĩa vụ của gia đình mà còn là của toàn xã hội.

Hà Trang: Có một câu mà mình rất tâm đắc khi nói về trách nhiệm của người làm cha mẹ: “Đứa trẻ nào cũng xứng đáng có cha mẹ, nhưng không phải cha mẹ nào cũng xứng đáng có con”. Để nói rằng khi đã lựa chọn mặc lên mình chiếc áo của một người cha, người mẹ là khi đó ta cần phải đủ trưởng thành, đủ hiểu biết, đủ tình yêu, đủ vị tha, đủ trách nhiệm,… tóm gọn lại trong một từ nghe có vẻ nặng nề là đủ “tư cách” để làm một người cha, người mẹ tốt nhất có thể của một sinh linh sắp chào đời.

Sinh con ra thì là cha là mẹ, nhưng không phải cứ có con thì sẽ làm được cha, được mẹ. Là cha mẹ và làm cha mẹ chỉ vênh nhau một chữ “m” nhưng sẽ phải dùng cả cuộc đời để đồng hành cùng con.

Bên cạnh yêu thương, bên cạnh vẽ cho con một môi trường hòa ái, thì đồng thời chúng ta cũng cần xây dựng cho con ý thức để tự bảo vệ mình. Muốn làm được điều đó chúng ta lại quay trở về ý đầu tiên, cha mẹ cần đầu tư tình yêu và thời gian cho con.

Mời quý vị bấm vào audio để nghe bài phỏng vấn với khách mời.


Đôi dòng về khách mời

Thạc sĩ Đoàn Phạm Hà Trang là mẹ của hai bé Subi và Subo, cô có nhiều bài viết chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái, nhận được sự đồng cảm từ độc giả. Hà Trang là giáo viên dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo và cấp một tại Úc. Cô tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị Thế giới tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.

Hà Coddington là mẹ của hai bé gái sinh đôi Lily và Abbie. Cô tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non và đang sống tại Sydney. Hà quan tâm đến việc định hướng và nuôi dưỡng hành vi của trẻ trong những năm đầu đời. Podcast "Khó đi mẹ dắt con đi" của cô trên Spotify chia sẻ những kinh nghiệm làm cha mẹ trong việc đồng hành cùng con một cách tích cực.

Share