Mỹ nói vụ Nga không kích nhà thương Ukraine thật sự kinh hoàng

An injured pregnant woman is carried from a maternity hospital that was damaged by shelling in Mariupol, Ukraine

An injured pregnant woman is carried from a maternity hospital that was damaged by shelling in Mariupol, Ukraine Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nga tấn công một bệnh viện phụ sản và trẻ em tại Ukraine, khiến ít nhất 17 người bị thương. Tin cho hay vẫn còn trẻ em bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát. Toàn thế giới lên án mạnh mẽ hành động này trong khi đó các đồng minh của Ukraine đang nỗ lực trợ giúp nhằm tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine.


Đó là âm thanh trận không kích của Nga vào một bệnh viện phụ sản và trẻ em ở thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây của Ukraine.

Hàng loạt quả bom đã dội xuống một khu phức hợp hôm thứ Tư, thổi bay các cửa sổ và xé toạc phần lớn mặt trước của một tòa nhà.

Mặt đất rung chuyển lan xa hơn một cây số rưỡi.

Cảnh sát và quân lính khẩn trương đi đến hiện trường, họ đang khiêng một người phụ nữ mang thai nặng nề và cô bị chảy nhiều máu trên chiếc cáng.

Trong sân toà nhà, một hố bom lớn sâu ít nhất hai tầng lầu, cùng với đó là những chiếc xe hơi bị cháy trụi.

Giới chức Ukraine cho hay có ít nhất 17 người bị thương.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy gọi vụ tấn công là một 'hành động tàn bạo'.

Một quan chức cảnh sát địa phương, Volodymir Nikulin, nói vụ tấn công này là tội ác chiến tranh.

Hôm nay, những kẻ xâm lược Nga đã phạm một tội ác trầm trọng. Chúng thực hiện một cuộc không kích vào trung tâm thành phố Mariupol. Chúng đã phá hủy thành phố bằng việc ném bom vào bệnh viện phụ sản. Phụ nữ và trẻ em đã bị thương. Đó là một tội ác chiến tranh mà không có bất kỳ sự biện minh nào.

Hoa Kỳ lên án vụ đánh bom.

Phát ngôn nhân Toà Bạch Ốc Jen Psaki nói đó là một điều kinh khủng.

Là một người mẹ, và tôi biết nhiều người trong số các bạn đã làm mẹ, hẳn các bạn sẽ cảm thấy thật kinh khủng khi chứng kiến cảnh sử dụng vũ lực man rợ của quân đội chính quy nhằm truy lùng các thường dân vô tội, tại một quốc gia có chủ quyền.

Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận đã có 18 vụ tấn công vào các cơ sở y tế, xe cứu cấp và nhân viên y tế kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hồ sơ của tổ chức ông ghi nhận 10 nạn nhân tử vong và 16 người khác bị thương.

Những cuộc tấn công này đã tước đi toàn bộ năng lực chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Hơn 2 triệu người đã rời Ukraine. WHO đang hỗ trợ các nước láng giềng chăm sóc sức khỏe cho những người tị nạn, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Một vài thách thức y tế chủ yếu mà chúng tôi nhìn thấy là điều kiện bị hạ thân nhiệt và bị tê cóng, ngoài ra là các bệnh về hô hấp, thiếu phương pháp điều trị các bệnh tim mạch và ung thư, cũng như các vấn đề sức khỏe tinh thần.

Tổng thống Ukraine nói giao tranh với các lực lượng Nga chỉ có thể kết thúc nếu cả thế giới đoàn kết.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây hãy áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine, ông cáo buộc phương Tây hành động quá chậm chạp.

Nếu bạn đoàn kết chống lại hình thức Đức quốc xã và khủng bố này, thì bạn phải đóng cửa đường bay. Đừng chờ đợi tôi phải yêu cầu các bạn vài lần nữa, hay một triệu lần nữa xin hãy đóng cửa vùng trời này lại.

Hoa Kỳ đã không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, và tuyên bố rằng chuyện này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh Liz Truss kêu gọi Nga tôn trọng các hành lang nhân đạo được thiết lập.

Tại một cuộc họp báo chung ở thủ đô Washington, ông Blinken chỉ trích Nga vì không cho phép thường dân có một hành lang đi lại an toàn trong các thành phố đang bị pháo kích dữ dội.

Đề nghị của Điện Kremlin về việc tạo ra các hành lang nhân đạo nối thẳng đến Nga và Belarus thật sự vô lý. Thật xúc phạm khi Nga đề nghị người dân Ukraine nên tìm kiếm nơi nương tựa từ chính cái chính phủ đã coi thường tính mạng của họ như vậy.

Tuần này, Nga đề nghị chỉ cho phép các hành lang nhân đạo và lối thoát cho người dân Ukraine dẫn tới Nga và nước đồng minh thân cận của Nga là Belarus – đây là một đề nghị mà phát ngôn nhân của Tổng thống Ukraine cho rằng "hoàn toàn vô đạo đức".

Khi được hỏi liệu vùng cấm bay có thể được thiết lập ngay trên hành lang nhân đạo hay không, ngoại trưởng Anh Liz Truss nói thay vào đó, Anh đang tìm cách giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga.

Chúng tôi tin rằng cách tốt nhất nhằm đối phó với mối đe dọa này là giúp người Ukraine sử dụng hệ thống phòng không Starstreak mà chúng tôi sẽ cung cấp. Còn về vấn đề vùng cấm bay, thực tế là việc thiết lập vùng cấm bay sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Và đó không phải là những gì chúng tôi đang xem xét. Những gì mà chúng tôi đang xem xét lúc này là bảo đảm người Ukraine có thể bảo vệ đất nước của họ với sự lựa chọn tốt nhất có thể, với các vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không.

Bộ Ngoại giao Nga nói các lực lượng vũ trang của họ đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Zaporizhzhia, do họ nhìn thấy có nguy cơ bị "khiêu khích hạt nhân" bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine.

Phát ngôn nhân Nga Maria Zakharova nói quân đội Nga đang kiểm soát sự vận hành các địa điểm này.

Tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Zaporozhzhia đang được kiểm soát bởi các chuyên gia Ukraine và quân đội Nga. Bức xạ nền đang được kiểm soát tại cả hai nhà máy, các cơ sở thuộc nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia đang hoạt động ở chế độ bình thường. Không có rủi ro cho dân thường sống ở các vùng lân cận nhà máy này.

Trong khi đó giới chức Ukraine cho hay nhà máy hạt nhân Chernobyl ngừng hoạt động đã bị đánh sập lưới điện và các máy phát điện khẩn cấp nay đang cung cấp nguồn điện dự phòng cho nhà máy này.

Cùng với việc bị cắt điện, có những lo ngại cho rằng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có thể trở nên quá nóng.

Tuy nhiên, Giáo sư Vật lý Vật liệu và cựu cố vấn khoa học của Bộ Quốc phòng Anh về khoa học và công nghệ hạt nhân, Sir Robert William Grimes, nói sẽ không có nguy cơ nào xảy ra.

Những lò phản ứng này đã tắt từ lâu nên chúng đã nguội đi lượng bức xạ còn sót lại, nhiệt lượng còn sót lại sinh ra đã bị phân hủy. Và do đó, các lò phản ứng không còn nguy cơ tan chảy nữa.


Share