Hạt giống yêu thương: Vũ Hán, những câu chuyện mùa dịch

A man cycles past after an elderly man collapsed and died in a Wuhan street.

A man cycles past after an elderly man collapsed and died in a Wuhan street. Source: AFP via Getty

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Dịch cúm Vũ Hán xé toanh tấm màn hào nhoáng của sự phồn thịnh mà Trung Quốc gây dựng như là một quốc gia có kinh tế đứng hàng thứ 2 thế giới. Dịch bênh đã khiến người dân Trung Hoa đại lục nhìn lại mình. Đã có rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra, để mỗi người cùng nhìn lại chính mình.


Vào cái ngày bác sĩ Lý Văn Lượng, người đầu tiên trong nhóm 8 bác sĩ báo động về nạn dịch cúm Vũ Hán, qua đời vì dịch cúm corona vào sáng sớm ngày 7/2, không chỉ cư dân mạng Weibo Trung Quốc, mạng Facebook mà các công ty truyền thông chính thống quốc tế khác cùng đồng loạt lên tiếng vì sự ra đi của vị Bác sĩ Li Wenlian – Lý Văn Lượng,.

Trên trang Twitter, người ta thấy người dân Vũ Hán chia sẻ Hashtag “Đêm nay tôi thổi còi vì Vũ Hán” và họ hẹn nhau tắt điện vào lúc 9 giờ đêm ngày 7/2, cùng quét ánh sáng đèn flash điện thoại ra ngoài cửa sổ và thổi còi để tưởng niệm ông, một việc làm mà chính quyền Trung Cộng không muốn thấy.

Cùng với việc tưởng niệm Bác sĩ Lý, câu trích trong Nhiệt Phong của Lỗ Tấn cũng được dân mạng Trung Quốc chia sẻ.
“Cứ làm việc có thể làm, cứ cất tiếng có thể cất lên. Chỉ cần có một chút ấm nóng, có một chút ánh sáng, thì đã có thể tỏa sáng trong bóng tối như đom đóm mà không cần chờ đuốc cháy. Như vậy, nếu sau này không có đuốc cháy thì ta chính là ánh sáng duy nhất”.
Dịch cúm corona lần đầu tiên được nhóm bác sĩ ở Vũ Hán trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng loan báo vào hồi trung trung tháng 12 năm ngoái trong một nhóm chat và với người thân về một loại virus lạ.

Ngay sau đó thì nhóm bác sĩ này đã bị chính quyền mời lên làm việc vì cho là loan tin đồn nhảm làm hoang mang dư luận và họ bị bắt làm bản kiểm điểm.

Bác sĩ Lý Văn Lượng là bác sĩ mắt. Ông bị lây nhiễm virus corona từ một bệnh nhân của mình vì lúc đó người ta không biết phải phòng ngừa dịch bệnh này như thế nào, khả năng lây lan của nó, khi mọi thông tin về nó đều không được nói đến.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng được người dân Trung Quốc ví như cái chết của con chim Hoàng yến.

Hoàng yến là loại chim nhạy với không khí độc mà thời xưa thường được các thợ mỏ nuôi để đem theo vào hầm khai thác.

Con chim đươc treo trong lồng để gần nơi các thợ mỏ làm việc với thức ăn và nước uống đầy đủ. Nếu như họ thấy chim chết có nghĩa là không khí trong hầm đang bị độc hại và các thợ mỏ phải ra ngoài ngay lập tức.

Và khi Bs Lý Văn Lượng, người lên tiếng, người thổi còi 'whistle blower' hay con tiếng kêu báo hiệu hiểm nguy của con chim hoàng yến bị bóp nghẹt thì chuyện gì đến đã đến.
Tưởng niệm bs Lý Văn Lượng
Tưởng niệm bs Lý Văn Lượng Source: Getty Images
Các video clip về thành phố Vũ Hán mùa đại dịch cho thấy một thành phố hoang vu vắng vẻ, thành phố chỉ có cảnh vệ và cảnh sát đi tuần chặn bât cứ ai không đeo khẩu trang trên đường.

Không phải ai cũng có đủ khẩu trang để mà đeo.

Một người đàn ông đang ngồi sưởi nắng trước cửa nhà cũng bị nhân viên công lực tới lôi đi quăng vào xe.

Một người phụ nữ vừa ra khỏi khu chung cư mà không đeo khẩu trang liền bị chặn lại. Tiếng khóc tiếng đánh đập vang động một góc phố.

Bà ta cũng bị lôi đi.

Và người ta tự hỏi liệu những người bị lôi đi quăng vào chiếc xe chở người cách ly đó có thoát khỏi cảnh không bị lây dịch bệnh?

Trong thành phố vắng vẻ, người chết được đặt trước cửa nhà cho xe tới thu gom. Không có đám tang. Chỉ có tiếng khóc của người vợ nhìn theo chiếc xe chở người thân của mình đi hỏa táng.

Mười ngày sau khi bác sỹ Lý Văn Lượng qua đời thì toàn bộ tỉnh Hồ Bắc với 60 triệu dân đã bị phong tỏa.

Không chỉ nội bất xuât ngoại bất nhập với người trong và ngoài tỉnh, mà ngay trong tỉnh mọi hoạt động di chuyển của người dân trên địa bàn tỉnh cũng bị hạn chế đến mức tối đa trong nỗ lực kìm chế bệnh dịch lây lan.

Chính quyền Hồ Bắc ra quyết định cấm mọi hoạt động mua bán “không cần thiết".

Hầu hết tât cả các cửa hàng đều bị đóng cửa. Một cửa hàng bán táo vừa mở cửa đã bị ngay nhóm nhân viên công lực tới sập cửa lại.

Với dân số 58 triệu người, toàn tỉnh Hồ Bắc cấm không ai được rời khỏi nơi ở, và không được tụ tập đông người.

Một video clip trên trang South China Morning Post cho thấy thậm chí các bàn đánh bạc chượt cũng bị đập bỏ.

Một gia đình ở thành phố Hiếu Cảm tỉnh Hồ Bắc đánh mạt chược trong nhà, vài nhân viên phòng chống dịch xông thẳng vào trong, cầm mạt chược ném đi. Người con trai tức giận, dùng quân mạt chược bị loại “phản kích” lại. Kết quả có nhiều người hơn nữa xông vào, khống chế người con trai, liên tiếp đánh 3 cái bạt tai vào anh ta. Cuối cùng ngay cả bàn mạt chược cũng bị đập nát. Người con trai hỏi họ: “Lẽ nào ngay cả gia đình cũng không được cùng nhau ăn cơm sao?”

Một clip khác chia sẻ trên Twitter cho thấy ngày 14/2, một gia đình 4 người ở trấn Phục Thủy thành phố An Lục tỉnh Hồ Bắc, đánh mạt chược ở trong nhà, bị cảnh sát lôi ra đường giãi đi bêu tội, cuối đi bêu tội thì cả nhà 4 người bị đưa đến trước tòa nhà của chính quyền địa phương, xếp thẳng hàng; một người đàn ông tay cầm thư “hối tội”, bắt nhịp từng chữ từng câu cho 3 người còn lại tuyên đọc:

“Gia đình 4 người chúng tôi, chiều nay đánh bài ở trong nhà, vi phạm mệnh lệnh không tập trung, không đánh bài trong thời kỳ đặc biệt, chúng tôi sai rồi! Chúng tôi sai rồi!”

Sau đó, họ bị phạt đứng hồi lâu mới được cho về nhà.

Tại tỉnh Hồ Bắc, xe cộ bị cấm xuất hiện trên đường, trừ xe cảnh sát, xe cứu thương, xe vận chuyển các nhu yếu phẩm và các loại xe công vụ khác.

Đồng thời, tất cả các hiệu thuốc đều phải ghi nhận từng đơn hàng mua thuốc cảm cúm, sốt hoặc ho, bao gồm tên thật của khách, số điện thoại, căn cước và địa chỉ.

Các nhà máy và công ty cần phải nhận được giấy phép đặc biệt muốn mở cửa hoạt động.

Những biện pháp cứng rắn phong tỏa hoàn toàn 60 triệu cư dân Hồ Bắc được áp dụng 4 ngày sau khi Bí thư tỉnh Hồ Bắc là Tưởng Siêu Long bị cách chức vì cho là "xử lý kém việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona".

Vào trung tuần tháng 1, tại Baibuting- một khu dân cư sầm uất nhất Vũ Hán đã diễn ra cái gọi "Bữa tiệc của vạn nhà" đón mừng năm mới. Đây là một hoạt động thường niên quy tụ cả ngàn thực khách là cư dân của khu vực cùng tham dự.

Vài ngày trước khi bữa tiệc diễn ra, một số người trong Ban Tổ Chức vì lo ngại dịch bệnh đã đề nghị huỷ bỏ bữa tiệc nhưng chính quyền quận không đồng ý. Bữa tiệc diễn ra vào ngày 18/1. Thông tin trên NTD cho biết có hơn 40,000 người đã tham gia bữa tiệc vào lúc mà dịch bệnh đã bắt đầu lây lan từ mấy tuần trước đó.

Baibuting trở thành khu vực bị lây nhiễm virus corona nặng nề nhất Vũ Hán. 

Ông Lý, một cư dân Baibuting không muốn nêu tên thật cho NTD biết, 33 trong số 55 toà nhà ở đây đã bị lây nhiễm gần như hoàn toàn.

Và ông cay đắng nói, chính quyền đã đặt sinh mệnh chính trị của họ lên trên tính mạng của công dân.
Hồ Bắc là tỉnh đầu tiên bị cách ly hoàn toàn. Ngoài Hồ Bắc một số thành phố ở Chiết Giang cách Hồ Bắc gần cả 1000km cũng bị cách ly vì dịch bệnh.

Tỉnh Chiết Giang là địa phương có số ca nhiễm virus corona cao thứ hai sau Hồ Bắc. Ôn Châu và Hàng Châu thuộc Chiết Giang cách Vũ Hán hơn 800km đường bộ cũng bị cách ly.

Chị Bùi Kim Anh một công dân Việt làm việc cho một công ty Ấn Độ tại Hàng Châu.

Chị đã ở Hàng Châu từ 5 năm nay và đang bị kẹt lại khi thành phố trong mùa dịch bệnh.

Chị cho BBC biết chính quyền có những biện pháp ngăn chặn cứng rắn để bảo đảm dịch bệnh không lây lan.

Ngày 14/2, nhà văn người Vũ Hán Phương Phương, chia sẻ một nhật ký những ngày dịch bệnh sống trong thành phố bị đóng cửa được dịch giả Lương Hiền chuyển ngữ cho biết:

"Hôm qua, cô bạn học ngồi cùng bàn hồi cấp ba của tôi cũng ra đi. Cô ít hơn tôi một tuổi, dịu dàng, nhu mì, rất xinh đẹp và khỏe mạnh. Năm xưa chúng tôi cùng trong đội văn nghệ của trường. Tôi chơi piano, cô gảy tì bà. Chúng tôi chơi thân suốt thời cấp ba. Trung tuần tháng giêng năm nay, cô đi chợ mua thức ăn vài lần, không may nhiễm bệnh. Vất vả lắm mới nhập được viện, và nghe bảo cô hồi phục rất tốt. Vậy mà gia đình đột ngột thông báo, cô đã mất. Hôm nay, nhóm bạn cùng khóa ai nấy đều khóc thương cô. Nhóm bạn từng một thời hát vang ngợi ca “đất nước đẹp giầu”, nay đã phải bật lên tiếng uất: “Không xử bắn đám giòi bọ hại người, làm sao yên được lòng dân!”
Cơn đại dịch đã cho người Trung Quốc nhìn thấy thực tế thân phận người của mình đang rạn vỡ trong vỏ bọc của quốc gia phát triển nhanh.

Cuộc đại nạn corona là một tiếng chuông lớn đánh thức những lương tri mê ngủ. Trong bóng đêm ve vuốt ru ngủ của kim tiền, của những tiện nghi và dồi dào thực phẩm, cuối cùng thì người Trung Quốc cũng nhận ra rằng con chim hoàng yến cũng chỉ là con vật thử và chết trước dẫu có ở lồng son và cung phụng thức ăn ngon.

Đại dịch Vũ Hán xé toạch bức màn hào nhoáng phù phiếm mà chính quyền Cộng Sản mua chuộc dân bằng sự phát triển kinh tế.

Đại dịch rọi ánh sáng vào một thực trạng phủ phàng buộc người dân Trung Hoa đại lục phải đối diện trong thân phận là cư dân một chế độ cộng sản. Nó rọi vào góc sâu thẳm lương tri của người Trung Quốc, rọi cho thế giới thấy phần người trong họ.

Đại dịch cũng đã cho người dân Trung Quốc thấy rằng đằng sau những tiện nghi vật chất, có một cái khác quan trọng hơn để định danh một cá thể đó là con người và được tôn trọng, chứ không hẳn chỉ là những con số hay một lực lượng trong tay nhà cầm quyền.

Một thanh niên trẻ ở Vũ Hán sau khi đã vượt qua được sợ hãi đã tự ghi hình mình và cất lên tiếng nói, “Bây giờ ai cứu Vũ Hán chúng tôi? Tất cả dân tộc Trung Hoa của chúng tôi, ai đến cứu? Tin rằng Tập Cận Bình đến cứu sao? Tin vào giấc mơ Trung Quốc sao?”

Giá như tiếng nói của những lương tri như Bác sĩ Lý Văn Lượng được nhà cầm quyền lắng nghe thì thảm cảnh đã có thể được giảm nhẹ cho dân rất nhiều.

Có người gọi Bác sĩ Lý Văn Lượng là Bác sĩ mắt vĩ đại nhất của mọi thời đại vì chỉ trong một thời gian ngắn ông đã làm sáng mắt cho rât nhiều người dân mình.

Bác sĩ Lý trước khi chết cũng đã bày tỏ, “Nếu làm lại, tôi vẫn sẽ lên tiếng.”

Sự lên tiếng của ông – trong phạm vi đồng nghiệp và người thân, về dịch cúm corona chỉ là một phần. Cái chết của ông mới chính là điều đánh động tâm can người dân Trung Quốc, rọi ánh sáng vào màn đêm cộng sản đang phủ bóng tối xuống đất nước Trung Hoa đại lục, rọi vào góc sâu thẳm lương tri của người Trung Quốc.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng cũng rọi cho nhiều người khác nhìn lại chính mình. Cuối cùng rồi dù bên ngoài thế nào khi đau người ta cũng khóc, máu chảy ra cũng chỉ có một màu đỏ.

Bị cô lập bị cách ly không thể ra ngoài, người Vũ Hán lên mạng kêu gọi nhau cùng bước ra khỏi cái bóng tối sợ hãi của mình để tự mình thắp lên ngọn lửa lương tri. Hashtag “Đêm nay tôi thổi còi vì Vũ Hán” đã chính quyền Bắc Kinh bị kiểm duyệt, những tấm hình được chia sẻ cho thấy trong bóng đêm bao phủ nhập nhoạng trên những ngôi nhà cao tầng, nhưng ánh sáng ánh đèn flash vẫn được thắp lên từ những chung cư bị cô lập ở Vũ Hán.

Người dân đã làm theo điều mà Lỗ Tấn dặn dò: hãy tự mình thắp sáng, dù là ánh sáng nhỏ nhoi của đom đóm nó vẫn được nhìn thấy từ xa hơn là làm côn trùng của bóng tối.
'Đêm nay tôi thổi còi vì Vũ Hán'
'Đêm nay tôi thổi còi vì Vũ Hán' trong tưởng niệm Bs Lý Văn Lượng ngày 7/2/2020 Source: NTD
Thầy Tuệ Sỹ khi giảng về Kinh Kim Cang có nói rằng, con người sinh ra được trao tặng những phẩm chất đặc biệt chỉ con người mới có so với các giống loài khác của chúng sinh. Đó là lương tri, đạo đức, tư tưởng, và tiếng nói, để khẳng định họ là con người với những phẩm chất người. Những phẩm chất đó gọi chung là Nhân Phẩm.

Khi đánh mất hay bị tước đoạt những phẩm giá đặc biệt này, con người có còn là Người?

Mỗi người chọn cho mình cách riêng để sống. Khi phải đi qua nhơ nhớp dối trá thấp hèn, có người chọn im lặng, có người chọn tiếng, có người không chỉ lên tiếng mà còn hành động.

Cơn đại dịch corona rồi sẽ đi qua. Ai còn, ai mất? Liệu có đủ thời gian cho mỗi người lắng nghe lương tri mình lên tiếng?

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share