Footscray Primary School hủy bỏ Chương trình Song ngữ Tiếng Việt thay bằng Tiếng Ý

Học sinh Footscray Primary School: "Xin cứu Chương trình Song ngữ Tiếng Việt

Học sinh Trường Tiểu học Footscray: "Xin cứu Chương trình Song ngữ tiếng Việt" Source: Tony Bui - Phụ huynh FPS

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trường Footscray Primary School nói Chương trình Song ngữ tiếng Việt (ít nhất 5 tiếng/tuần) bị hủy bỏ vì không thể tuyển dụng được giáo viên chuyên môn, nhưng tiếng Việt được duy trì trong chương trình giảng dạy như một ngôn ngữ thứ hai LOTE (2 tiếng/tuần). Phụ huynh người Việt chỉ trích "trường không tham khảo ý kiến họ", "không minh bạch trong quá trình quyết định", "lý do không tuyển được giáo viên là không hợp lý".


NĂM 2016

Năm 2016, Ban Giám hiệu trường Footscray Primary School (FPS) phía tây Melbourne, bất ngờ quyết định từ niên khóa 2017, Chương trình Song ngữ Tiếng Việt -  Vietnamese Billingual Immersion Program (VBIP) sẽ được thay thế bằng chương trình dạy tiếng Việt như một Ngôn ngữ khác tiếng Anh (Language Other Than English - LOTE).

Quyết định này được đưa ra giữa lúc số liệu thống kê suốt thời gian từ năm 2011-2016 cho thấy vùng Footscray thuộc Hội đồng thành phố Maribyrnong là trong số các cộng đồng sắc tộc tại địa phương, cả về tỷ lệ dân số sinh tại Việt Nam lẫn tỷ lệ số người Việt mới đến Úc.

Đây là thời điểm Chương trình Song ngữ Tiếng Việt tại FPS đang phát triển mạnh mẽ. Hơn 80% học sinh thuộc tất cả mọi nguồn gốc sắc tộc chứ không riêng học sinh gốc Việt đã theo học chương trình này trong hơn 30 năm qua.

Chương trình Song ngữ Tiếng Việt duy nhất tại Victoria này cũng đã mang lại nhiều danh tiếng cho FPS về việc dạy song ngữ, được phụ huynh mọi sắc tộc của trường đánh giá cao vì giúp học sinh tại Footcray, nơi được cho là "trái tim của Cộng đồng người Việt", hiểu được văn hóa và ngôn ngữ Việt, đồng thời VBIP cũng được cho là rất hữu ích cho sự phát triển của trẻ.

Chị Vi Bùi, một phụ huynh chia sẻ chị vô cùng tức giận trước thái độ thiếu tôn trọng và câu trả lời không thỏa đáng của thầy hiệu trưởng.
Tôi chọn ngôi trường này vì chương trình giáo dục rất khác, học tiếng Việt cùng với các môn khoa học, làm toán, nghệ thuật. Nếu không thì tôi đã chọn một ngôi trường khác cho con mình rồi. Khi tôi đặt câu hỏi thì thầy hiệu trưởng nói đó là vấn đề giáo dục và cho là các phụ huynh không hiểu gì hết.
Nick Cowall, một phụ huynh gốc Nga có hai đứa con là Sophie và Nicholas đang theo học tại trường tiểu học Footscray tâm sự gia đình anh sống ở Footscray và mong muốn con hiểu về văn hóa cũng như cộng đồng Việt.

"Tôi có hai đứa con hiện đang học tại trường tiểu học Footscray. Việc nhà trường dẹp bỏ chương trình song ngữ là một quyết định sai lầm, không chỉ ảnh hưởng việc học của con tôi mà nhiều em khác nữa.
Tôi là một người có thể nói hai ngôn ngữ. Bên cạnh tiếng Anh, tôi còn nói tiếng Nga. Tôi nói tiếng Nga với con tôi ở nhà. Thật là tuyệt vời khi có một ngôi trường ở gần nhà dạy chương trình song ngữ, tôi chọn trường Footscray cho con là vì chương trình song ngữ. Văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam thật tuyệt vời và đáng để học hỏi.
Nicholas và Sophie, hai đứa con của anh Nick Cowall, hát một bài hát tiếng Việt được dạy ở trường
Bất ngờ trước quyết định này và tức giận vì không được tham khảo ý kiến, nhiều phụ huynh đã cùng viết kháng thư yêu cầu trường xem xét lại quyết định dẹp bỏ VBIP.

Kháng thư đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng với gần 600 chữ ký.

Với sự chống đối quyết liệt và sự vận động mạnh mẽ của phụ huynh cũng như sự can thiệp của nhiều tổ chức cộng đồng, trong đó có Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria, cuối cùng FPS đã hủy bỏ quyết định này.
NĂM 2018 - 2019

Thế nhưng đến cuối năm nay 2018, FPS lại thông báo có khả năng Chương trình Song ngữ tiếng Việt phải chấm dứt vì thiếu giáo viên.

Bà Nguyễn Phượng Vỹ, Chủ tịch Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria lúc bấy giờ, cho biết Cộng đồng đã vận động dân biểu đại diện vùng Footscray Katie Hall và viết thư cho Bộ Trưởng Giáo Dục Victoria James Merlino nhờ can thiệp về vấn đề này.

Thư của Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria năm 2018 Nguyễn Phượng Vỹ gởi MP Katie Hall
Letter of VCA VIC to State Member of Footscray Katie Hall
Letter of VCA VIC to State Member of Footscray Katie Hall Source: Supplied
Theo hai phụ huynh có con em đang tham gia Chương trình, nguyên nhân khiến Chương trình này không còn thành công và hiệu quả như từ năm 2016 trở về trước cũng như tình trạng thiếu giáo viên lúc bấy giờ là "đều do Hiệu trưởng của trường là ông Philip Fox" mà ra.

Hai vị này cho biết nhiều phụ huynh của trường đang rất phẫn nộ vì cho rằng trong cả hai lần thông báo về việc hủy bỏ và dự định huỷ bỏ Chương trình, nhà trường đều làm việc một cách "thiếu minh bạch" và rất "xem thường" phụ huynh.

Được biết ngoài khoản ngân sách thường lệ được cấp cho chương trình song ngữ, FPS đã nhận được $150,000 trong năm 2017 và 2018 để tuyển dụng các giáo viên có bằng cấp chuyên môn cho chương trình này.

Dù vậy, trong khoảng thời gian ông Philip Fox điều hành FPS từ năm 2016–2019, 8 giáo viên đã nghỉ việc, kể cả các giáo viên then chốt.

Ban Việt ngữ SBS đã gởi email cho Hiệu trưởng Philip Fox yêu cầu ông cho biết quan điểm về những cáo buộc nêu trên của phụ huynh, nhưng không được hồi đáp.

Ông Hoàng Nguyễn và hai phụ huynh người Úc - thay mặt những phụ huynh Úc lẫn Việt muốn chương trình này được duy trì - đã viết thư gởi ông Philip Fox ngày 28/11/2018 để chất vấn về lý do khiến nhiều giáo viên của Chương trình song ngữ phải bỏ việc lúc bấy giờ, đồng thời đòi hỏi nhà trường bảo đảm rằng việc tuyển giáo viên mới cho Chương trình phải được tiến hành một cách thích hợp và chuyên nghiệp. 

Sau đó, ngày 16/12/2018 ông Hoàng Nguyễn cũng gởi thư cho ông John Stone, Trưởng Phòng Cải cách Giáo duc thuộc Sở Giáo duc và Huấn nghệ, nhằm chắt vấn một số điểm quan trọng liên quan đến vấn đề giáo viên và những khó khăn thử thách khác mà VBIP và FPS đang đối diện.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Nguyễn cùng 15 vị phụ huynh khác, trong đó hầu hết là người Úc, cũng đã ký tên trong một bức kiến nghị dài bốn trang gởi Bộ trưởng Giáo dục Victoria James Merlino để thỉnh cầu ông tiếp tục ủng hộ chương trình như ông đã từng hết lòng hậu thuẫn trước đây.

Bản kiến nghị 4 trang gởi Bộ trưởng Giáo dục Victoria James Merlino

Letter of FPS Parents to Minister of Education James Merlino, page 1
Letter of FPS Parents to Minister of Education James Merlino, page 1 Source: Supplied
Letter of FPS Parents to Minister of Education James Merlino, page 2
Letter of FPS Parents to Minister of Education James Merlino, page 2 Source: Supplied
Letter of FPS Parents to Minister of Education James Merlino, page 3
Letter of FPS Parents to Minister of Education James Merlino, page 3 Source: Supplied
Thư phụ huynh FPS gởi Bộ trưởng Giáo dục Victoria
Source: Nguyen Hoang
Theo trang Facebook do nhóm phụ huynh có con theo học Chương trình Song ngữ thành lập, vào ngày 23/12/2018, Bộ trưởng Giáo dục Victoria James Merlino đã tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của ông đối với việc tiếp tục duy trì và phát triển Chương trình Song ngữ Anh Việt tại FPS.

NĂM 2020

Cuối năm 2019 ông Phillip Fox phải rời trường, bà Jen Briggs thay thế từ đầu năm 2020.

Tháng 4 năm 2020, Hội đồng trường FPS ra quyết định chuyển Chương trình giảng dạy Song ngữ Tiếng Việt sang Chương trình dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ ̣(LOTE).

Quyết định này được cho là "dựa trên một loạt các vấn đề về hoạt động của chương trình, chẳng hạn như việc có được số lượng giáo viên phù hợp cho chương trình là một thách thức mà trường phải đối diện trong nhiều năm."

Thông báo bằng tiếng Việt về Quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ tiếng Việt của FPS .

Đến tháng 6 năm 2020, FPS đã đưa ra 5 ngôn ngữ để phụ huynh chọn lựa cho Chương trình Song ngữ mới, đó là Quan Thoại, Pháp, Ý, Nhật và Indonesia, không có tiếng Việt.

Lý do được đưa ra là 5 ngôn ngữ này được chọn "dựa trên các cuộc nghiên cứu và bằng chứng về các yếu tố cần thiết mà ngôn ngữ đó có thể để cung cấp cho chương trình song ngữ."

Cuộc khảo sát về 5 ngôn ngữ để chọn cho Chương trình Song ngữ mới
Cuộc thăm dò để chọn ngôn ngữ mới cho Chương trình Song ngữ của FPS
Cuộc thăm dò để chọn ngôn ngữ mới cho Chương trình Song ngữ của FPS. Source: Footscray Primary School
"Ngày 29/7/2020, Hội đồng Nhà trường tổ chức một cuộc họp vào ban đêm. 

"Ngay hôm sau, 30 tháng 7, Hiệu trưởng Jen Briggs và Chủ tịch Hội đồng Nhà trường Raylene Varone thông báo bằng tiếng Anh trên Newsletter của nhà trường về quyết định chính thức thành lập Chương trình Song ngữ Tiếng Ý từ năm 2021.

Thông báo thành lập Chương trình Song ngữ Tiếng Ý từ năm 2021 

Thông báo thay Chương trình Song ngữ Tiếng Việt bằng Tiế́ng Ý
Source: Footscray Primary School/Tony Bui


Thông báo thay Chương trình Song ngữ Tiếng Việt bằng Tiế́ng Ý
Source: Footscray Primary School/Tony Bui


 

Phản ứng của phụ huynh 

Trong phần phỏng vấn đầu trang, ông Tony Bùi  cho biết về những phản ứng mạnh mẽ của phụ huynh đối với cả hai quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ Tiếng Việt và thành lập Chương trình Song ngữ Tiếng Ý, mà họ cho rằng rất "bất công". Ông nói:
"Một lần nữa quyết định thành lập Chương trình Song ngữ tiếng Ý lại khiến phụ huynh phẫn nộ và cảm thấy bị xúc phạm vì họ không được tham vấn. Nhiều người thậm chí không hề hay biết cho đến khi được phụ huynh khác thông báo vì họ không rành tiếng Anh và không thông hiểu về nội dung bức thư."
"Đó là chưa kể quyết định được đưa ra ngay đầu mùa dịch Covid khi toàn cộng đồng nhà trường đang cố gắng thích nghi với đại dịch và phụ huynh không thể thu thập đầy đủ thông tin để thông hiểu về quyết định quan trọng và bất ngờ này." 

Ông Tony Bùi là đại diện của một nhóm gồm 30 phụ huynh có con đang học trường Footcray Primary School hoặc có con nhỏ ở Footscray có thể ghi danh học tại trường này trong những năm tới. 

Phản hồi của Bộ Giáo dục và Huấn nghệ Victoria - Department of Education and Training (DET)

Sau khi công bố nhận định của nhóm phụ huynh qua người đại diện là ông Tony Bùi, Ban Việt ngữ SBS đã gởi email cho bà Hiệu trưởng FPS Jen Briggs yêu cầu bà cho ý kiến về những nhận định này qua một cuộc phỏng vấn. 

Tuy nhiên bức thư ngày 17/9/2020 của SBS gởi bà Hiệu trưởng Jen Briggs không được bà trực tiếp trả lời, mà người hồi đáp là bà Christine McGinn, Cố vấn cao cấp về mặt truyền thông của DET.

Bà McGinn cho biết sẽ thay mặt DET trả lời qua hình thức "written response", nhưng không hỏi SBS cụ thể những cáo buộc ấ́y là gì. Lá thư sau đó được bà gởi đến SBS cùng ngày qua email.

Phần quan điểm của DET được dịch nguyên văn như sau: 

"Quyết định thay đổi chương trình song ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Ý vào năm 2021 là kết quả của quá trình tham vấn cộng đồng sau khi việc tuyển dụng các giáo viên song ngữ tiếng Việt liên tục gặp những vấn đề đáng ngại.

"Nhiều nỗ lực đã được thực hiện bao gồm việc liên lạc với các trường đại học để tìm những giáo viên mới tốt nghiệp và tuyển dụng dụng giáo viên nói tiếng Việt bằng cả hai cách  quảng cáo lẫn truyền miệng.
Thật không may, trường không thể tuyển dụng giáo viên song ngữ Việt Nam với các kỹ năng và trình độ thông thạo ngôn ngữ cần thiết cho việc sử dụng ngôn ngữ thứ hai trong các chương trình giảng dạy chuyên biệt và chia sẻ hiệu quả những kiến thức ấy với các học sinh mà trình độ về ngôn ngữ đó bị hạn chế hơn nhiều.
"Chúng tôi vẫn cam kết cung cấp một chương trình song ngữ tại trường.

"Chúng tôi hiểu rằng có sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng đề học sinh tiếp tục được học tiếng Việt và điều quan trọng là tiếng Việt sẽ tiếp tục là một phần trong chương trình giảng dạy.
Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục mang đến cho học sinh những cơ hội tốt nhất để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của người Việt Nam.
Bài phân tích của nhóm phụ huynh

Mới đây, nhóm 30 phụ huynh này đã gởi đến SBS một bản phân tích do nhóm thực hiện mang tựa đề: 'The Lost of the only Vietnamese Bilingual Program' (tạm dịch "Chương trình Song ngữ tiếng Việt duy nhất đã bị hủy bỏ").

Nhóm phụ huynh cho biết sau khi thu thập những bằng chứng sâu rộng từ DET, các chuyên gia Hoa Kỳ, và thảo luận với các nhà ngôn ngữ học, cựu giáo viên và phụ huynh của trường, nhóm đưa ra kết luận về 11 "cách quản lý kém cỏi" của FPS và DET với những sự phân tích và dữ liệu cụ thể.

Tài liệu này nêu rõ những luận điểm chống đối của nhóm về các quyết định của FPS.

- Về quyết đinh hủy bỏ Chương trình Song ngữ tiếng Việt

Bản phân tích cho rằng quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ tiếng Việt dựa theo một vài tài liệu do Bộ Giáo dục và Huấn nghệ - Department of Education and Training (DET) ủy nhiệm thực hiện, nhưng tất cả đều không được công bố cho phụ huynh, trong đó có cả Bản Đánh giá độc lập về Hoạt động của Trường - Independent School Operations Review năm 2019.

Bản phân tích nêu rõ đặc điểm của cuộc đánh giá độc lập này: 

"Các vấn đề quan trọng tại trường kể từ năm 2016 đã dẫn đến Independent School Operations Review năm 2019 (do DET ủy quyền thực hiện). Tuy nhiên, DET đã không tiết lộ cho nhà trường (hoặc cho cộng đồng) những đề nghị của bản đánh giá này. Vì vậy, nhà trường không thể hiểu thấu nguyên nhân của những khó khăn mà FPS phải trải qua dưới thời Ban Giám hiệu cũ."

Cũng theo bản phân tích của nhóm phụ huynh FPS:
"Quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ Tiếng Việt được đưa ra sau một cuộc họp kín, khi Ban Giám Hiệu mới chỉ điều hành chưa đầy một term, lại được đưa ra ngay đầu mùa dịch Covid khi toàn cộng đồng nhà trường đang cố gắng thích nghi với đại dịch và phụ huynh không thể thu thập đầy đủ thông tin để thông hiểu về quyết định quan trọng và bất ngờ này."
- Những câu hỏi được nêu về quyết định hủy bỏ Chương trình Song ngữ Việt:
Tại sao các tài liệu được dựa vào để ra quyết định huỷ bỏ VBIP lại không được công khai? Làm thế nào phụ huynh có thể thẩm định được giá trị của quyết định đó nếu không hiểu nội dung của các văn bản này? Tại sao DET đã cung cấp thêm kinh phí cho trường ($150,000 để tuyển dụng giáo viên) nhưng lại không giám sát việc quản lý và sử dụng ngân khoản đó? Có những yếu tố nào khác chưa được tiết lộ đã dẫn đến quyết định này không? Ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định hủy bỏ Chương trình? Những sự thiếu minh bạch này của DET có chứng minh được việc hủy bỏ di sản trân quý của một cộng đồng là đúng không?
Cũng theo bản phân tích, quyết định gây tranh cãi này còn làm tổn thương các gia đình người Việt trong Cộng đồng trường FPS, nơi có số cha mẹ sinh tại Việt Nam cao thứ nhì (15%) chỉ sau số cha mẹ sinh tại Úc (50%), hai nhóm kế tiếp là số cha mẹ sinh tạ̣i Anh và Ấn, mối nhóm chỉ 4%.  

Cần biết hiện nay Cộng đồng FPS nói khoảng 21 ngôn ngữ không phải tiếng Anh tại nhà, gồm Spanish, Arabic, Turkish, Kannada, Tamil, Bengali, Gujarati, Hindi, Nepali, Urdu, Burmese, Indonesian, Cantonese, Mandarin, Japanese, Tibetan, Oromo, Somali, Amharic, Filipino, và tiếng Việt, không có tiếng Ý.

- Về tình trạng thiếu giáo viên 

Bản phân tích này cho rằng trong khoảng thời gian từ năm 2016–2020, dưới thời Hiệu trưởng Philip Fox, 8 giáo viên đã nghỉ việc, kể cả các giáo viên then chốt, chỉ còn lại 4 vị.  Vì vậy thời gian dạy tiếng Việt của chương trình này đã sụt giảm đáng kể. 

Nguyên nhân của việc các giáo viên rời trường, theo bản phân tích này, là vì họ thường bị "đe dọa" và bị "đối xử tệ hại".
Những giáo viên trước đây, muốn giấu tên vì sợ bị trả thù, đã cho biết những trường hợp bị sỉ nhục, thiếu tôn trọng và lừa dối... Các giáo viên bị làm cho họ cảm thấy là họ 'không được cần đến' và là 'đồ bỏ'.
Nhóm phụ huynh cho rằng điều này làm "xói mòn môi trường giáo viên chuyên nghiệp cần thiết cho Chương trình Song ngữ của trường" và Hiệu trưởng mới đã không nắm bắt được những yếu tố sâu xa từ thời của Hiệu trưởng cũ làm ảnh hưởng nặng nề như thế nào đến việc giảng dạy và điều hành chương trình này. 

Về việc FPS không tuyền được giáo viên

Bản phân tích kết luận:

"Mặc dù gặp khó khăn trong việc cung cấp Chương trình Song ngữ từ năm 2016, trường đã thất bại trong việc tham khảo ý kiến của cộng đồng Việt Nam để giải quyết những khó khăn của trường. Không có cuộc tham vấn nào được tiến hành Cộng đồng Người Việt Victoria hoặc Hội Giáo chức Việt Nam Victoria (VVTA).

"Trường cũng không tham gia đối thoại với cộng đồng người Việt trên toàn cầu (chẳng hạn như tại Hoa Kỳ) để hỗ trợ về nguồn lực và việc tuyển dụng. Các trường song ngữ khác của Victoria đều hình thành quan hệ đối tác với các cộng đồng toàn cầu để được hỗ trợ trong việc tuyển dụng và cung ứng nguồn lực. Ví dụ, các trường sau đây đã thực hiện những nỗ lực này: Brunswick South Primary (với lãnh sự quán Ý) và Camberwell Primary (với Alliance Francaise, Mạng lưới Canada-Pháp).
Theo nghiên cứu của nhóm phụ huynh, Tiến sĩ Natalie Trần, giám đốc của Trung tâm Tài nguyên dành cho các Ngôn ngữ Á châu (National Resource Center for Asian Languages thuộc California State University, là Trung tâm hỗ trợ cho các Chương trình Song ngữ tiếng Việt tại California, Hoa kỳ), đã rất hào phóng khi đề nghị hợp tác với bất kỳ trường Song ngữ tiếng Việt Nam nào ở Victoria và mọi sự hổ trợ đều miễn phí, trong đó có việc đào tạo giáo viên song ngữ, cung cấp các khóa tu nghiệp, tài liệu giáo dục, và giúp nối kết với các cộng đồng của những Trường Song ngữ tiếng Việt khác để chia sẻ những cách giảng dạy hiệu quả nhất.
- Về việc chọn tiếng Ý để thay tiếng Việt

Bản phân tích viết:

"Số trường học tại tiểu bang Victoria cung cấp chương trình tiếng Việt như là một ngoại ngữ LOTE (chưa nói đến chương trình song ngữ), tỉ lệ nghịch với mức dân số nói tiếng Việt tại tiểu bang này. Và trường hợp tiếng Ý thì ngược lại.

Theo Kiểm tra dân số Victoria năm 2016 do DET thực hiện  

  • Dân số Victoria nói tiếng Ý tại nhà: 112.272 người - Số trường dạy tiếng Ý tại Victoria: 252
  • Dân số Victoria nói tiếng Việt tại nhà năm 2016: 103.430 người - Số trường dạy tiếng Việt: 10
Cũng theo tài liệu này:    

"Cộng đồng nói tiếng Việt ở Hội đồng Thành phố Maribyrnong cao gấp ba lần cộng đồng người Ý.

Dù vậy, nếu Chương trình Song ngữ tiếng Ý được thành lập theo quyết định của FPS, đây sẽ là trường Song ngữ tiếng Ý thứ hai tại Victoria, sau Brunswick South Primary School, tại Brunswick East, trong khi Chương trình đã bị hủy bỏ tại FPS là Chương trình Song ngữ tiếng Việt duy nhất tại Victoria.

Ngoài ra:

"Trong việc giúp bật đèn xanh cho Chương trình Song ngữ tiếng Ý tại Trường Tiểu học Brunswick South Primary School, Bộ trưởng Giáo dục Victoria James Merlino nói trên ilglobo.com, 'Tôi luôn có mối liên hệ đáng tự hào với di sản Ý của mình và thật tuyệt vời khi được gắn kết với cộng đồng người Ý.' 

"Chủ tịch Hội đồng Trường, bà Gabrielle Marchetti cũng nhận định: “Tất cả chúng tôi đều nói tiếng Ý với con cái của mình ở nhà và chúng tôi thực sự muốn gửi chúng đến một trường song ngữ để tiếng Ý của chúng tiếp tục phát triển.

"Chúng tôi (tức nhóm phụ huynh) hoàn toàn đồng ý với cả hai ý kiến trên và Viên Lãnh sự Ý cũng vậy, khi ông thay mặt Cộng hòa Ý trao tặng Bộ trưởng Merlino Huân chương Order of the Star of Italy."

Qua đó, nhóm phụ huynh cũng đặt vấn đề với Bộ trưởng Merlino:
Liệu ông James Merlino có trao cơ hội tương tự cho các bậc cha mẹ đang sử dụng tiếng Việt với con cái họ tại nhà và đại diện cho tiếng nói của họ như ông đã có được với di sản của chính mình?
Bản kiến nghị 

Bản phân tích cũng nhắc đến việc quyết định thay Chương trình Song ngữ tiếng Việt bằng tiếng Ý cũng dẫn đến việc  lập kiến nghị trực tuyến nhằm kêu gọi nhà trường duy trì Chương trình Song Ngữ tiếng Việt.

Tính đến ngày 15/9, kiến nghị này đã thu hút 15.118 chữ ký với sự ủng hộ của cộng đồng địa phương, tiểu bang và liên bang (Victoria 8007 chữ ký; Australia: 12.256 chữ ký). Tuy nhiên nhóm phụ huynh cáo buộc "FPS đã từ chối lắng nghe những sự quan tâm của phụ huynh".

Xem kiến nghị . 

Ý kiến của những người ủng hộ kiến nghị . 

Hai trang fan page của chiến dịch này: trang 1 ,  trang 2 .

Kết luận của Bản Phân tích: 
Nếu một Trường Song ngữ tiếng Ý thứ nhì sắp được thành lập tại Victoria, tại sao lại được thực hiện bằng cái giá của Chương trình Song ngữ tiếng Việt duy nhất của tiểu bang, tại một ngôi trường nằm ngay trung tâm của Cộng đồng người Việt ở Victoria?
Nhóm phụ huynh cũng kêu gọi những vị ủng hộ việc duy trì Chương trình Song ngữ Tiếng Việt gởi thư cho ông Bộ trưởng Giáo dục James Merlino.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share