Du học ở Úc (226) Những sự lầm tưởng về Cover Letter

Writing Cover letter

Source: element envato

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đôi lúc, giữa hàng trăm hàng ngàn hồ sơ ứng viên gửi về, nhà tuyển dụng hầu như chỉ chọn đọc Cover Letter. Nếu cái nào đủ gây ấn tượng, họ sẽ xem tiếp CV hay Resume, còn nếu không sẽ loại luôn hồ sơ đó cho dù bạn đã chuẩn bị tỉ mỉ và xuất sắc đến đâu.


Cover Letter là thư trình bày lý do lựa chọn doanh nghiệp cũng như tổng quan năng lực, sự phù hợp của ứng viên với vị trí mà doanh nghiệp đang ứng tuyển. Bộ phận tuyển dụng sẽ sử dụng Cover Letter làm cơ sở sàng lọc ứng viên tiềm năng, tìm ra người phù hợp nhất để bước tiếp vào vòng phỏng vấn. CV/ Resume và cover letter là bộ đôi hoàn hảo để gây ấn tượng đầu tiên với đơn vị tuyển dụng.

Nếu CV hay Resume là trái tim, là năng lực của bản thân, Cover Letter là bộ mặt, là mong muốn nguyện vọng của mình tại sao lại muốn vào làm việc tại công ty hay nôm na là “Tại sao nhà tuyển dụng phải chọn bạn."
Resume và CV là công cụ để quảng bá kinh nghiệm, kỹ năng của bạn với nhà tuyển dụng, trong khi CV là đôi dòng giới thiệu tóm tắt về bản thân để nhà tuyển dụng có thể hình dung khái quát về tính cách, những điểm nổi bật của bạn trước khi gặp mặt trực tiếp.
Writing Cover Letter
Source: element envato

Vậy chúng ta cần Cover Letter để làm gì?

CV hay Resume là bản tóm tắt về bản thân bạn từ trình độ học vấn cho đến lịch sử việc làm, những kỹ năng và thành tựu bạn đạt được trong công việc, vv. Đây là một sơ yếu lý lịch được thể hiện ngắn gọn và trang trọng, chuyên nghiệp gửi đến nhà tuyển dụng.

Mặt khác, Cover Letter thường chỉ có độ dài từ ¾ đến tối đa một trang và thể hiện rõ lý do tại sao bạn là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí ứng tuyển cũng như bạn có thể làm gì để giúp công ty/ doanh nghiệp đạt được thành công. Vì là thư ngỏ về bản thân để xin việc, phong cách trong thư vì thế sẽ mang tính riêng tư và đối thoại hơn. 

Nếu CV thể hiện đầy đủ quá trình từ học vấn đến kinh nghiệm làm việc và thành tích cá nhân thì cover letter lại làm nổi bật thế mạnh của ứng viên liên quan đến chuyên môn ngành nghề mà bạn đang ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm sự phù hợp trong hướng đi của bạn và mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp thông qua cover letter. Nhờ Cover Letter, ứng viên có cơ hội thể hiện năng lực bản thân ‘đánh vào đúng tâm lý’ nhu cầu của đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp cũng như tiết kiệm thời gian để xác định bạn có phải người họ đang cần tuyển hay không.

Đôi lúc, giữa hàng trăm hàng ngàn hồ sơ ứng viên gửi về, nhà tuyển dụng hầu như chỉ chọn đọc Cover Letter. Nếu Cover Letter nào đủ gây ấn tượng, họ sẽ xem tiếp CV hay Resume, còn nếu không sẽ loại luôn hồ sơ đó cho dù CV hay Resume của bạn đã chuẩn bị tỉ mỉ và xuất sắc đến đâu.
Đặt mình vào vị trí của người đọc. Bạn có thể nói gì để thuyết phục người đọc rằng bạn sẵn sàng và có thể làm được việc. Nếu trong thông tin đăng tuyển cho tên của người sẽ trực tiếp nhận hồ sơ của bạn, hãy viết tên họ vào phần người nhận trong Cover Letter.
Chúng ta thường chú trọng vào việc tỉ mẩn nội dung ý từ trong CV/Resume và lại khá sơ sài với Cover Letter. Thậm chí, một số bạn còn lên mạng sao chép các Cover Letter nguyên mẫu và gửi nhà tuyển dụng. Điều này không được khuyến khích, thậm chí những người làm công việc tuyển dụng đã đọc qua nhiều hồ sơ sẽ dễ nhận ra hồ sơ mà ứng viên chỉ dùng 1 bản mẫu cho tất cả các vị trí, cho dù họ ko mắc những lỗi cơ bản như "gửi nhầm người" thì cũng không đề cập đến hiểu biết của vị trí & công ty ứng cử mà chỉ nói về mình. Họ sẽ cho rằng bạn không toàn tâm toàn ý với vị trí ứng tuyển và dễ dàng loại hồ sơ của bạn.

Cover Letter tuy ngắn nhưng đôi khi lại là một yếu tố quyết định liệu bạn có khả năng nhận lời mời phỏng vấn hay không. Resume và CV nhìn qua có vẻ phức tạp nhưng thực ra vẫn giúp bạn ‘khoe' nhiều giải thưởng và kinh nghiệm của mình. Ngược lại, bạn chỉ có thể chọn những yếu tố nổi bật nhất để cho vào Cover Letter đồng thời phải bảo đảm Cover Letter của bạn viết có khả năng tạo sự tò mò và thích thú để nhà tuyển dụng phải đọc tiếp CV của bạn.
Most uni graduates in work by three years
Most uni graduates in work by three years Source: Getty Images

Cover Letter đúng tiêu chuẩn cần có những yếu tố gì?

Một Cover Letter được chuẩn bị tỉ mỉ sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được tính cách của bạn. Nếu bạn là người vui vẻ, tỉ mẩn, hoặc giàu óc sáng tạo, đừng ngần ngại thể hiện rõ trong Cover Letter. Nhấn mạnh cho họ thấy những mục tiêu nghề nghiệp cá nhân mà bạn vạch ra phù hợp với định hướng và những giá trị cốt lõi của công ty.

Theo trang việc làm SEEK của Úc, năm yếu tố chủ đạo trong một Cover Letter mà nhà tuyển dụng tìm kiếm là:

-Vào thẳng vấn đề

Đôi khi bạn muốn kể một câu chuyện về kinh nghiệm bản thân thật dài nhưng Cover Letter không phải cho mục đích đó.

Cover Letter súc tích, rõ ràng và được khuyến khích chỉ dài khoảng 150 đến 350 từ là lý tưởng nhất. Dựa vào những gạch đầu dòng về yêu cầu cho vị trí công việc, bạn hãy chọn những điểm mạnh nhất mình có gắn liền với yêu cầu đó.

Đoạn mở đầu cần nêu bật những chứng chỉ/kinh nghiệm gần nhất và mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Ví dụ: “Với kinh nghiệm ký được những hợp đồng kinh doanh lợi nhuận cao tại những công ty hàng đầu tại VIệt Nam và Úc, tôi tự tin mình sẽ hoàn thành xuất sắc cho vị trí Sales Executive ứng tuyển.”

Quảng bá điểm nổi bật riêng của chính mình

Mỗi cá thể là một cá tính riêng. Vì thế, Cover Letter là phương tiện để bạn cho nhà tuyển dụng thấy được cách bạn thực sự tương tác với họ.

Giống như những người bán hàng muốn bán sản phẩm cho người tiêu thụ, họ phải tìm ra điểm nổi bật của sản phẩm đó, có nghĩa điểm đặc biệt nhất sản phẩm đó có mà những sản phẩm đối thủ khác không sánh bằng.

Khi xin việc, bạn cũng đang quảng bá bản thân mình với nhà tuyển dụng theo hình thức tương tự như vậy. Hãy đọc kỹ những mô tả và yêu cầu từ công việc, và tìm điểm đặc biệt nổi trội bản thân bạn có thể đáp ứng yêu cầu đó. Ví dụ, nếu công việc yêu cầu khả năng làm việc nhóm hiệu quả mà bạn lại thích làm việc một mình, bạn cần biến tấu câu chữ hợp lý hoặc tìm điểm nổi trội khác trong kỹ năng của bạn. Điều cần lưu ý rằng từng phần trong cover letter đều phải viết như là câu trả lời cho yêu cầu trong thông tin mô tả việc làm.

Thể hiện bạn là giải pháp cho những vấn đề của công ty

Khi một công ty đăng tuyển vị trí mới, điều đó chứng tỏ họ đang gặp vấn đề ở bộ phận đó và cần tìm một người phù hợp nhất . Đó là lý do vì sao họ mở đăng tuyển, bỏ tiền cho chi phí quảng cáo trên các trang việc làm, dành thời gian đọc hồ sơ và hẹn phỏng vấn ứng viên. Vì thế, điều họ cần chính là bạn cho họ thấy bạn chính là giải pháp của những vấn đề họ đang gặp phải.

Hãy tìm hiểu thông tin về công ty và cố gắng tìm ra những thách thức công ty đang có. Nếu bạn có thể đề xuất giải pháp, hãy cho họ biết những kỹ năng, ý tưởng, kinh nghiệm bạn có sẽ hỗ trợ đuợc gì cho điều này.

-Không lặp lại CV/resume trong cover letter

Nếu nhà tuyển dụng muốn đọc lịch sử học tập và công việc của bạn, họ sẽ đọc CV hay resume. Vì vậy, đừng phí thời gian của chính bản thân và của họ khi lặp lại những thông tin này trong cover letter.

Hãy tự hỏi mình ‘Vì sao họ muốn đọc cover letter của bạn? Vì sao họ nên tiếp tục đọc CV của bạn? Tại sao họ nên mời bạn phỏng vấn cho vị trí này? Lịch sử công việc và kinh nghiệm của bạn có thể là một điều cần, nhưng họ còn muốn hiểu bạn hứng thú với công ty và ngành này như thế nào? Bạn sẽ giúp giải quyết những vấn đề công ty đang gặp phải như thế nào?

Biết mình đang viết cho ai

Đặt mình vào vị trí của người đọc. Bạn có thể nói gì để thuyết phục người đọc rằng bạn sẵn sàng và có thể làm được việc. Nếu trong thông tin đăng tuyển cho tên của người sẽ trực tiếp nhận hồ sơ của bạn, hãy viết tên họ vào phần người nhận trong cover letter.

Trong trường hợp không biết tên người nhận là ai, các bạn có thể viết ‘To whom it may concern' là một cách diễn đạt trang trọng khi viết cho người bạn không biết danh tính. Tuy nhiên, Khánh Uyên vẫn khuyến khích chúng ta chủ động liên lạc hoặc gọi điện thoại trực tiếp lên công ty đó để hỏi. Đừng quá lo lắng vì bạn chỉ muốn hỏi tên để gửi thư cho lịch sự hơn thôi chứ không yêu cầu thông tin gì tuyệt mật cả. Đây chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng cũng sẽ tăng điểm Cover Letter của bạn trong mắt nhà tuyển dụng hơn hẳn.
scam, jobseeker, interview
application Source: Getty Images

Những lầm tưởng về Cover Letter mà nhiều bạn du học sinh thường mắc phải

1. Cover letter chỉ là bản tóm tắt của resume

Đây là suy nghĩ không chính xác. Cover Letter không phải là một bản tóm tắt của resume hay CV mà là sự trả lời cho những thắc mắc mà nhà tuyển dụng có thể đặt ra khi đọc resume của bạn.

Ngoài ra, bạn có thể kể một điều gì thật thú vị mà bạn tin rằng đủ sức thuyết phục nhà tuyển dụng tin rằng bạn là ứng viên mà họ đang tìm kiếm cho vị trí này. Một số điểm cần lưu ý khi viết Cover Letter:

  • Kinh nghiệm trước đây sẽ hỗ trợ gì để bạn đạt được yêu cầu cho vị trí ứng tuyển mới

  • Tại sao bạn muốn làm việc trong ngành và công ty này

  • Những giá trị nào bạn có thể mang lại cho công ty

2. Nhà tuyển dụng sẽ không đọc cover letter của bạn

Sai lầm! Điều này đã được trang SEEK xác nhận. Một số nhà tuyển dụng khi quá bận hoặc thời hạn của vị trí sắp hết, họ  có thể bỏ qua Cover Letter của bạn hoặc chỉ xem lướt qua. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đọc Cover Letter của các bạn hoặc đôi khi còn bỏ qua toàn bộ hồ sơ ứng viên nếu Cover Letter không đạt yêu cầu, mắc các lỗi cơ bản về chính tả. Vì thế, hãy luôn chăm chút cho Cover Letter của mình như cho CV và resume các bạn nhé.

Môt bí quyết nhỏ Khánh Uyên muốn chia sẻ với những bạn lo lắng rằng nhà tuyển dụng có thể bỏ sót Cover Letter trong hồ sơ xin việc của bạn. Các bạn hãy đính kèm Cover Letter ngay vào trang sau của CV/resume. Ngay cả với những vị trí không yêu cầu , bạn vẫn được khuyến khích gửi kèm Cover Letter. Bằng cách này, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao tâm huyết của bạn dành cho vị trí ứng tuyển và ấn tượng tốt với bạn hơn.

3. Không kinh nghiệm, không có cơ sở để viết cover letter

Thường mọi người nghĩ phần "hơn thua" nằm trong kinh nghiệm làm việc của CV. Thật ra, mọi thứ bắt đầu ngay từ Cover Letter. Phải luôn có 1 yếu tố thú vị gì đó khơi gọi sự tò mò, thách thức người đọc tìm hiểu thêm. Như 1 cuốn sách nếu phần mở đề đã nhàm chán, chắc bạn sẽ dễ bỏ ngang mà không xem tiếp những trang sau .

Nếu không có kinh nghiệm công việc trong ngành, bạn hoàn toàn có thể viết một Cover Letter ấn tượng thuyết phục nhà tuyển dụng bằng những kỹ năng và phẩm chất mình đat được trong những phong trào hoạt động , những dự án trong trường, những công việc tình nguyện hay cả những sở thích và dự án cá nhân.

Có thể bạn không liệt kê những điều cá nhân này trong resume/CV nhưng với Cover Letter, bạn sẽ giúp người đọc hình dung được về con người bạn, tính cách thật của bạn và thấy được vì sao họ nên chọn bạn cho vị trí này. Theo tạp chí kinh doanh Havard Business Review,  nhiều nhà tuyển dụng tin rằng kinh nghiệm hay kỹ năng qua thời gian có thể được rèn luyện, nhưng tuyển dụng cần trên hết là phẩm chất và lòng đam mê thực sự cho công việc đó.

Để tham khảo thêm những cách viết cover letter, các bạn có thể tìm đọc trên những trang việc làm như Seek, Indeed.

Chúc các bạn thành công!

Điểm tin tại Úc

Study of Melbourne Ambassador Program
Study of Melbourne Ambassador Program Source: studyofmelbourne
Tổ chức Study Melbourne tiếp tục tổ chức chương trình ứng cử Đại sứ sinh viên Melbourne năm 2019 với mục đích tìm kiếm những sinh viên và cựu sinh viên giúp tạo ra một cộng đồng phong phú và hỗ trợ cho sinh viên quốc tế hiện tại và trong tương lai đến học tập và sinh sống ở tiểu bang Victoria.

Tham gia và được đề cử vào vị trí này, các bạn đại sứ sẽ cùng Study Melbourne tổ chức các sự kiện của sinh viên, tạo nội dung để chia sẻ trên các kênh của Study Melbourne, đại diện cho tổ chức này tại các chương trình chia sẻ kinh nghiệm và kiến ​​thức với cộng đồng sinh viên quốc tế.

Đây là một cơ hội tình nguyện cho sinh viên quốc tế và sinh viên tốt nghiệp sinh viên quốc tế, diễn ra từ tháng 2 đến tháng 12 năm 2019.

Là một chương trình thường niên phi lợi nhuận, Study Melbourne  sẽ hỗ trợ các bạn đại sứ được tham dự các buổi huấn luyện, các hội thảo phát triển chuyên nghiệp và các cơ hội giao tiếp để trau dồi các kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm.

Điều kiện tham dự:

-Là sinh viên bản xứ hoặc quốc tế từ 18 tuổi trở lên

-Ghi danh học tại một trường thuộc tổ chức đại học Victoria năm 2019 hoặc

-Là cựu sinh viên quốc tế đã  tốt nghiệp quốc tế và vẫn đang ở Victoria

- Chương trình sẽ mở ra trong tháng 1 này, các bạn cùng theo dõi trang của  để cập nhật thông tin

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Bay of Fires- Tasmania
Source: Paktrak.com
Hobart từng xuất hiện trên tạp chí Lonely Planet, vinh danh là . Tạp chí này đã nêu tên bảo tàng MONA - là lý do bắt buộc các du khách phải ghé thăm khi đến Hobart, bên cạnh nền ẩm thực tại đây.

Kể từ đó, thành phố với dân số chỉ 220,000 người đã liên tục chiếm cảm tình của du khách.

Một trong những nét đặc biệt của thành phố lâu đời thứ hai của Úc này là bề dày lịch sử. trong đó phải kể đến Port Arthur, một địa danh phải ghé qua nếu muốn tìm hiểu về lịch sử thực dân.

Khi nói đến những bãi biển nổi tiếng tại Tasmania, chúng ta phải kể đến Bay of Fires đặc trưng với những tảng đá phủ rêu màu cam và bãi cát trắng lý tưởng với rất nhiều địa điểm để cắm trại. Bãi biển này nằm ở bờ đông của Tasmania, gần vịnh Binalong, là nơi thu hút những người thích leo núi và đi bộ khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, đối với những ai “ít năng lượng” hơn một tí, vẫn có thể đi đến bãi biển một cách dễ dàng.

Share