Cùng giữ tiếng Việt: Dạy tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài có gì khác biệt?

Trẻ gốc Việt ở nước ngoài học tiếng Việt qua đọc sách truyện

Trẻ gốc Việt ở nước ngoài học tiếng Việt qua đọc sách truyện Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Dạy trẻ học tiếng Việt ở nước ngoài có điều gì khác so với dạy trẻ ở Việt nam? Học sinh gốc Việt ở nước ngoài khác các em học sinh ở Việt Nam ở điểm gì?


Mời quý vị cùng Hồng Vân trò chuyện với thầy Dương, Tiến sĩ ngôn ngữ, cô Thủy, Thạc sĩ ngôn ngữ, hai thầy cô đến từ trường và cô Trang, Thạc sĩ, chuyên gia giáo dục mầm non đến từ trường Không chỉ là tiếng Việt, để tìm hiểu thêm về chủ đề Dạy tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài.

Trong việc học tiếng Việt, trẻ em sinh ra là lớn lên ở nước ngoài có gì khác so với trẻ em ở Việt Nam? 

Cô Trang: Rất khác biệt, với các con sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, môi trường tiếng Việt chủ yếu là trong gia đình. Vậy thì việc con yêu tiếng Việt đến mức độ nào, trình độ tiếng Việt của các con ở mức độ nào, phụ thuộc rất nhiều vào sự thiết tha giữ tiếng Việt và độ quyết tâm của gia đình. Cái đặc thù thứ hai là các bạn sinh ra và lớn lên, tiếp cận với nền giáo dục khác với nền giáo dục ở Việt nam, khác với nền giáo dục của bố mẹ các bạn, nền giáo dục phương Tây cởi mở hơn, có nhiều phần tiên tiến, hình thức tiếp cận kiến thức của các bạn cũng phong phú hơn,  cho nên nếu chúng ta đem đúng mô hình mà trước đây bố mẹ được học ở Việt Nam ra dạy cho các con thì có thể đó là một sự khập khiễng với các bạn. Thế nên phải làm sao chuyển tải tiếng Việt đến cho các bạn bằng cùng một phương thức như các bạn được tiếp cận ở trường.              

Cô Thủy: Vâng chắc chắn là có khác. Thực ra thì các bạn ấy vẫn có một phần giống trẻ ở Việt nam là vì các bạn ấy là người Việt, vẫn có điểm chung là cùng nguồn gốc. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý như ý kiến của chị Trang, đó là cái môi trường kiến thức của các bạn không thể như Việt Nam được, cho nên khác biệt đầu tiên là môi trường tiếng Việt và khả năng sử dụng tiếng Việt của các bạn ấy. Tuy nhiên, sự chênh lệch đấy, tôi nghĩ nó không phải là một cái rào cản quá lớn khi các bạn đến với thầy cô, được học tiếng Việt. Nhưng sự khác biệt mà thầy cô cần phải chú ý khi dạy các bạn là ý thứ hai chị Trang nói là sinh ra và lớn lên ở môi trường nước ngoài, cái suy nghĩ khác, cái tư duy khác, cách tiếp cận vấn đề khác, dù là cùng một vấn đề. Những cái mà các bạn quan tâm nó cũng khác nữa. Như thế thì thầy cô sẽ phải chú ý đến cái tâm lý đó và để có nội dung giảng dạy cũng như phương pháp giảng dạy phù hợp. 

Trong chương trình hỗ trợ gia đình giúp con duy trì tiếng Việt và phát triển song ngữ của , các bố mẹ có cho biết là không biết là bắt đầu từ đâu và không biết dùng giáo trình nào vì trên thị trường có rất nhiều giáo trình, giáo trình của Việt nam, giáo trình ở nước ngoài. Theo một số bố mẹ rất thành công trong việc dạy con học tiếng Việt thì giáo trình nào cũng được, miễn là có bộ giáo trình làm xương, còn đâu thì mình sẽ phải biến tấu và tự điều chỉnh để dạy cho con. Trên thực tế, không phải bố mẹ nào cũng có khả năng sư phạm và kiến thức về ngôn ngữ để có thể biến tấu được như thế nên rất cần một bộ giáo trình rất tốt để cho bố mẹ, những người chưa có kiến thức về giáo dục và ngôn ngữ có thể dựa vào đấy từng bước từng bước dạy cho con. Là tác giả bộ sách Tiếng Việt của em, bộ sách mới được giải thưởng cao nhất cuộc thi “Biên soạn sách và tài liệu giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài” do Bộ GD-ĐT Việt nam tổ chức, anh Dương có chia sẻ gì về vấn đề này?
Chương trình văn nghệ trực tuyến "Nhớ Tết" do Yêu Tiếng Việt tổ chức đầu năm 2021.
Chương trình văn nghệ trực tuyến "Nhớ Tết" do Yêu Tiếng Việt tổ chức đầu năm 2021. Source: Supplied
Thầy Dương: Giáo trình là rất quan trọng, có nhiều phụ huynh hỏi chúng tôi là liệu giáo trình trong nước có phù hợp hay không, thì câu trả lời là Khó vì như chị Trang nói là đặc điểm của các bạn này khi học tiếng Việt, nó phụ thuộc vào môi trường các bạn đang sinh sống, cũng như đặc điểm xã hội và năng lực tiếng Việt của các bạn. Cho nên các bộ sách dạy tiếng Việt trong nước có cách tiếp cận là dạy tiếng Việt như tiếng bản ngữ. Khi tiếp cận như ngôn ngữ thứ nhất thì họ giả định là trẻ con có vốn tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ rồi và việc dạy là chỉ để nâng cao, tăng cường vốn tiếng Việt, dạy ghép chữ, ghép vần, nhưng với các bạn ở nước ngoài thì không phải như thế. Cái đầu tiên là chúng ta cần cách tiếp cận là dạy ngoại ngữ.

Với những thành công trong việc dạy tiếng Việt dựa trên phương châm Không chỉ là tiếng Việt, chị Trang nghĩ thế nào về vấn đề này?

Cô Trang: Cái khó khăn lớn nhất đối với việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài là nguồn tài liệu giảng dạy. Chưa có một bộ sách chính thống nào cho đến khi bộ sách của anh Dương ra đời. Thế nhưng qua quá trình làm việc với các bạn nhỏ thì tôi thấy là nếu chúng ta coi các bạn hoàn toàn là một người nước ngoài thì cũng không ổn. 

Với đối tượng là các bạn nhỏ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, khi tôi dạy, tôi coi các bạn là một nửa là nước ngoài, một nửa là Việt. Và chính vì vậy mà tài liệu dạy cũng phải là dạy tiếng Việt vừa mang văn hóa Việt nam, vừa mang văn hóa của nước sở tại. Hình thức học cũng phải khác, không thể là thuần học là chúng ta ngồi vào bàn đi, bây giờ chúng ta học tiếng Việt. Chúng ta phải linh hoạt hơn, thế nên tôi gọi là hoạt động học, chứ không phải là học, thông qua hoạt động học để học.  

Ngoài giáo trình và phương pháp tiếp cận, đối với trẻ ở nước ngoài học tiếng Việt, theo các anh chị, yếu tố nào là quan trọng? 

Cô Trang: Trong việc truyền lại tiếng Việt và văn hóa Việt cho các bạn nhỏ ở nước ngoài thì vai trò của giáo viên chỉ chiếm 50% thôi, sự đồng thuận của bố mẹ chiếm 50%, có khi là 70, 80%. Khi tiếp xúc với các  bạn nhỏ thì tôi nhận ra là sự đồng thuận của bố mẹ càng lớn thì tiếng Việt của các em càng tốt. Đồng thuận ở đây nghĩa là gì? 

Không phải là các em học 2 tiếng ở lớp rồi về nhà bố mẹ không sử dụng tiếng Việt, không xem là tuần vừa rồi chúng mình đã học cái gì, thì 2 tiếng đó, phần ý nghĩa của nó khéo chỉ được vài chục phần trăm thôi. Cho nên mọi lớp học của các thầy cô nó chỉ dừng ở một mức độ nào đó thôi,  gia đình vẫn là yếu tố tiên quyết trong việc giữ tiếng Việt cho con.
Buổi học tiếng Việt online của cô Trang
Buổi học tiếng Việt online của cô Trang Source: Supplied
Cô Thủy: Dù thầy cô có nỗ lực bao nhiêu trong những việc như  soạn giáo trình hay phương pháp nhưng ở nhà con không xem lại bài, bố mẹ không thực hành giao tiếp với con thì tiếng Việt của con cũng không tốt lên được. Cho nên nếu ở lớp tiếng Việt, các bạn học về các món ăn, khi vào bữa ăn bố mẹ có thể nói chuyện về các món ăn, khi học về các con vật, bố mẹ có thể nói chuyện với các bạn về các con vật khi đi chơi, trên xe oto, hay khi đang làm gì đó chứ không phải là cứ phải ngồi vào bàn mới là học tiếng Việt.

Các anh chị có dự định gì trong tương lai?

Cô Trang: Tôi nhận ra nhu cầu của phụ huynh mong mỏi giữ tiếng Việt cho con là rất lớn. Phụ huynh cần phải làm gì, đi như thế nào, nhiều phụ huynh họ loay hoay ở trong đó dù rất thiết tha, rất mong mỏi. Vậy thì làm thế nào giải quyết được nhu cầu của phụ huynh, nếu chỉ có 1 cô Thủy,  1 thầy Dương, 1 cô Trang hay 1 vài thầy cô nữa thì có giải quyết được nhu cầu đó không? Chắc là sẽ khó. Vậy thì làm sao để mỗi hạt giống đó nhân lên thành nhiều hạt giống khác nữa? Cách duy nhất là phải có lớp học dành cho các bố mẹ.  Bố mẹ sau một khóa như thế thì sẽ biết được với trường hợp con mình như thế này thì mình nên đi như thế nào, mình cần bước ra sao. Đấy là điều mà tôi ấp ủ, những khóa học dành cho bố mẹ và giáo viên, để tạo nên một cộng đồng giữ tiếng Việt cả về phía gia đình, cả về phía các thầy cô, thì việc giữ tiếng Việt cho các bạn nhỏ sẽ hiệu quả và đi nhanh hơn rất nhiều. 

Cô Thủy: Tôi rất đồng ý với ý kiến của chị Trang đây cũng là điều mà tiếng Việt rất là ấp ủ bởi vì khi chúng tôi dạy tiếng Việt thì chúng tôi mới nhận ra là cái nhu cầu giữ tiếng Việt của các con của bố mẹ sống ở nước ngoài rất là lớn mà hiện nay thì danh sách học sinh trường chờ của Yêu tiếng Việt rất dài mà đúng  là nếu chỉ có chúng ta thôi thì sẽ không thể nào đáp ứng nhu cầu đó. Cho nên là chúng tôi cũng đang có kế hoạch về một lớp học dành cho phụ huynh. Bởi vì tôi biết là ở một số trung tâm dạy tiếng Việt thì giáo viên là giáo viên tiểu học ở Việt nam. Khi các bạn nhỏ học, các bạn ấy có một độ chênh nhất định. Như chúng ta vừa trao đổi với nhau, cách tiếp cận, cách giáo viên truyền đạt cho học sinh ở nước ngoài có cái độ chênh nhất định với giáo viên ở Việt Nam. Ví dụ như cũng là các giáo viên tiểu học đó,  cũng là giảng về những món ăn Việt Nam đó nhưng họ được đào tạo thêm một chút và để biết cách dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài thì rõ ràng hiệu quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Việc thế giới chuyển sang làm việc online có ảnh hưởng đến phương thức dạy học của các anh chị không? 

Thầy Dương: Dạy online là nhu cầu tất yếu và dễ dàng. Nó có những đặc điểm, lợi thế rất rõ ràng. Thứ nhất là nó tiết kiệm được thời gian và rút ngắn được không gian. Thứ hai là gia đình có thể giám sát được các hoạt động của thầy cô, chất lượng lớp học, bố mẹ có thể ngồi bên cạnh, không vào khuôn hình, để biết thầy cô dạy gì cho con mình. 

Có một số người cho là dạy online thì tính tương tác kém. Tôi không nghĩ như vậy, vì quy mô lớp học online nhỏ, thời gian thầy cô hỗ trợ học sinh nhiều hơn. Thầy cô cũng phải suy nghĩ để tìm ra các cách dựa trên các nền tảng và công nghệ để các bé thực ra lại có hoạt động tương tác nhiều hơn. 

Cảm ơn thầy Dương, cô Thủy của Yêu tiếng Việt và cô Trang của Không chỉ là tiếng Việt đã dành thời gian chia sẻ với SBS Vietnamese những suy nghĩ và kinh nghiệm đúc kết từ công việc dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài. Trẻ em học tiếng Việt ở nước ngoài có những đặc thù khác so với trẻ em học tiếng Việt ở Việt Nam và do vậy để giúp các bạn nói tiếng Việt, học tiếng Việt hiệu quả thì các thầy cô cũng như bố mẹ cần có những thay đổi linh hoạt về giáo trình, phương pháp cũng như là cách thức tổ chức hoạt động học.

Một thông điệp nữa mà chắc chúng ta đều nhận ra là bố mẹ có vai trò vô cùng quan trọng cho hành trình giúp con “học ăn học nói”. Với việc học tiếng Việt của các con ở nước ngoài thì vai trò của bố mẹ có tính chất tiên quyết hơn vì bố mẹ cũng chính là thầy cô tiếng Việt của các con khi nói chuyện với các con trong sinh hoạt hàng ngày, nói tiếng Việt khi chơi với con, đọc sách tiếng Việt cho con vào mỗi tối. Mong là con em của chúng ta không chỉ được học tiếng Việt với các thầy cô giỏi và tâm huyết như cô Trang, cô Thủy, thầy Dương mà còn học được tiếng Việt từ “thầy u” của mình nữa.

Như thường lệ mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình tuần này: Trong tiếng Việt, từ đơn nào dài nhất (có nhiều chữ cái nhất)? Quý vị có câu trả lời đúng và sớm nhất sẽ được tặng bộ sách Tiếng Việt của em của Yêu tiếng Việt.

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang 

Share