Cùng giữ Tiếng Việt: Bố mẹ có đơn thương độc mã khi giữ tiếng Việt cho con?

Học sinh trường Việt ngữ Inner West, Marrickville

Học sinh trường Việt ngữ Inner West, Marrickville Source: Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Giáo sư Jo Lo Bianco của Đại học Melbourne, cha đẻ của Chính sách Ngôn ngữ Úc, gợi ý mọi người suy nghĩ về mối quan hệ giữa điểm số PISA cao của học sinh Phần Lan trong khối các nước OECD và khả năng nói được nhiều ngôn ngữ của học sinh ở đây.


Giữ tiếng Việt cho con khi sống ở nước ngoài giống như đứng trước biển và cố gắng ngăn những con sóng lớn. Cha mẹ có đơn thương độc mã không? Hội thảo quốc tể về giảng dạy ngôn ngữ cộng đồng vừa diễn ra trong ba ngày 10-12 tháng 11 do Viện Giáo dục Ngôn ngữ Cộng đồng trường Đại học Sydney (Sydney Institute of Community Language Education – SICLE) tổ chức.

Đã có những ý kiến tham luận của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ: Giáo sư Jo Lo Bianco (đại học Melbourne), Giáo sư Ingrid Piller (đại học Macquarie), Giáo sư Ken Cruikshank (đại học Sydney), Giáo sư Pasi Sahlberg (đại học UNSW), ông Stefan Romaniv, Giám đốc điều hành tổ chức Ngôn ngữ Cộng đồng Úc, cô Phương Tâm, giáo viên phụ trách trường Việt ngữ Inner West, Sydney, và nghiên cứu sinh Đỗ Xuân Hoa (đại học La Trobe, Melbourne).

Ông Stefan Romaniv: Ở Úc có hơn 100,000 em học sinh đang theo học 90 ngôn ngữ cộng đồng trên khắp nước Úc. Khó khăn của các trường ngôn ngữ cộng đồng là luôn bị coi là thứ yếu, là không quan trọng, so với các trường phổ thông. Trong khi các trường ngôn ngữ cộng đồng lại có vai trò rất quan trọng trong việc giúp duy trì văn hóa đa sắc tộc và xây dựng sự hòa hợp xã hội. Chúng ta phải cố gắng để chứng minh chúng ta là một phần của hệ thống, chứ không phải là phần phụ, phần thêm vào như người ta vẫn nói.

Chị Xuân Hoa hiện đang làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH La Trobe về đề tài Hành vi và thái độ ngôn ngữ của cộng đồng người Việt nam ở Úc. Chị có thể chia sẻ một số kết quả với thính giả SBS được không?    

Chị Xuân Hoa: Về các trường Việt ngữ thì ý kiến của cha mẹ chia làm hai cực, nó tùy thuộc rất nhiều vào trường cha mẹ gửi con đi. Một thái cực là cha mẹ rất hài lòng về trường Việt ngữ, đánh giá cao là con tôi được tiếp cận với văn hóa và tiếng Việt, rất cảm kích với các thầy cô là thiện nguyện viên đi dạy. Họ rất ấn tượng và xúc động khi thấy cô giáo hàng tuần mặc áo dài lên lớp dạy cho con cái họ, họ ghi nhận và đánh giá cao sự tận tâm của các thầy cô thiện nguyện viên. Và họ có những lý do rất thực tế là con đi học với học phí rẻ quá, chỉ có từ 80-110 đồng cho một cháu cho một năm học. Ngoài ra con đi học thì không xem ipad, máy tính và bố mẹ có thời  gian đi chợ vào cuối tuần. 

Bài trình bày của chị tại hội thảo cho biết có 36% phụ huynh được hỏi không muốn gửi con đến trường Việt ngữ. Theo nghiên cứu của chị thì vì sao các phụ huynh này lại không muốn cho con đi học trường Việt ngữ?

Chị Xuân Hoa: Có ba lý do chính, thứ nhất là cha mẹ hơi băn khoăn về phương pháp giảng dạy khá là truyền thống, ví dụ như cô viết từ mới lên bảng và con lớp 7 hay lớp 9 rồi mà còn chép từ vựng trong vở. Thứ hai là một số cha mẹ nói là một số từ vựng họ nhìn thấy trong tài liệu cũng như trong ngôn ngữ sử dụng của thầy cô hơi cũ so với những gì họ dùng.
Và một điểm hơi nhậy cảm là có một số nội dung, không nhiều, chỉ một số thôi, nó hơi bị thiên kiến, không phải từ một cái nhìn trung lập, và cha mẹ nghĩ là con mình còn bé nên chưa muốn con tiếp cận với những kiến thức đó.
Làm giáo viên là một nghề rất khó. Nó đòi hỏi rất nhiều yếu tố như kiến thức, phương pháp truyền đạt và lòng yêu nghề. Ngay cả ở các trường chính mạch chúng ta cũng có thầy cô dạy rất tốt và những thầy cô dạy chưa tốt. Với các thầy cô giáo dạy Việt ngữ, rất nhiều người không phải được đào tạo làm giáo viên nhưng họ tình nguyện đến với các con vì muốn đóng góp vào việc gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ Việt cho trẻ em ở nước ngoài. Chị có thể cho biết thêm một số chi tiết về giáo viên dạy Việt ngữ theo kết quả nghiên cứu của chị được không?

Chị Xuân Hoa: Giáo viên họ cũng nhận thấy là chất lượng giáo viên của họ không đồng đều. Có ba nhóm giáo viên chính, thứ nhất là nhóm giáo viên thế hệ trước, họ có tiếng Việt rất giỏi, tiếng Anh ở mức functional, giao tiếp. Nhưng phương pháp giảng dạy thì cũng khác nhau, phương pháp nhiều lúc không giống như cách các con được học ở bên này, như là các con đến trường được tôn trọng, được tạo cơ hội để tham gia vào hoạt động học tập. Nhóm thứ hai là nhóm các bạn trẻ sinh ra ở Úc là người Việt, các bạn được đào tạo bài bản để dạy những môn khác, như toán, nghệ thuật ở trường chính mạch, tiếng Anh của họ là bản xứ nhưng tiếng Việt thì hạn chế, họ rất nhiệt tình và phương pháp giảng dạy rất tốt. Nhóm thứ ba là nhóm du học sinh, họ đi dạy thiện nguyện ở các trường Việt ngữ, họ tốt cả tiếng Anh và tiếng Việt, được đánh giá cao, nhưng được một thời gian ngắn họ lại về Việt nam.

Cô Phương Tâm là giáo viên lâu năm dạy tiếng Việt ở Úc, trường Việt ngữ Inner West ở Marrickville lúc mới thành lập chỉ có 25 học sinh và sau bốn năm hiện trường đã có số học sinh ghi danh  là hơn 100 em. Các cô đã có nhiều nỗ lực đưa văn hóa Việt vào dạy học tiếng Việt cho các em như các hoạt động kỷ niệm các lễ hội văn hóa như Tết, Trung thu, biểu diễn văn nghệ, thành lập và duy trì ban nhạc dân tộc. Đằng sau những thành công đó thì chắc hẳn các cô giáo cũng có những khó khăn muốn chia sẻ với những ai quan tâm đến hoạt động của trường Việt ngữ. 

Cô Phương Tâm: Vấn đề chính ở đây là tài chính, tuy trường được hỗ trợ tài chính từ chương trình của Bộ giáo dục nhưng mình phải hoạt động và xây dựng bằng nhiều cách khác nhau, như chất lượng giảng dạy, trợ giảng, tình nguyện viên. Và hệ thống thu học phí do các trường đưa ra để phục vụ các chi phí, có trường thu giá cao, có trường thu giá thấp, tùy theo sinh hoạt của trường.

Cô nghĩ gì về ý kiến trong hội thảo cho là các trường cần hợp tác với nhau hơn để chia sẻ tài liệu, phương pháp giảng dạy?

Cô Phương Tâm: Vì hầu hết học sinh và gia đình của trường là người miền Bắc nên cô cố gắng chọn giáo viên và dạy các em tiếng miền Bắc để các em hiểu rõ hơn.  Như cô nói tiếng miền Nam nên cô cũng hạn chế dạy, sợ các em đến trường học một thứ tiếng, về nhà cha mẹ nói một thứ tiếng khác thì các em thấy confused.
Mỗi trường phải tùy theo địa phương của mình đang dạy để điều chỉnh, trẻ em phải thấy dễ thích nghi với giọng nói đó thì nó mới thấy thích thú đến trường học. Còn cách dạy, cách đánh vần, viết chữ trong tiếng Việt dạy như thế nào thì mình làm y như thế.
Cô Phương Tâm (thứ 3 từ trái qua) và các cô giáo và học sinh trường Việt ngữ Inner West
Cô Phương Tâm (thứ 3 từ trái qua) và các cô giáo và học sinh trường Việt ngữ Inner West Source: Supplied
Có ý kiến cho là chất lượng giáo viên ở các trường Việt ngữ chưa đồng đều, theo cô thì việc này có thể được khắc phục không?

Cô Phương Tâm: Đúng như em nói là giáo viên có trình độ khác nhau, nhưng tất cả các trường đều có hướng dẫn của Bộ giáo dục, có một chương trình, curriculum, Vietnamese, họ bảo mình căn cứ trên chương trình đó mà dạy. Đối với cấp trung học thì đòi hỏi giáo viên phải có bằng chuyên môn nhưng ở cấp tiểu học, người ta không quan tâm giáo viên có chuyên môn hay không, nhưng phải theo chương trình của Bộ giáo dục đưa xuống, một lesson plan của giáo viên phải đảm bảo dạy cho học sinh bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Một vấn đề được nhắc đến trong các bài phát biểu chính trong hội thảo là ở cả Úc và Mỹ, giáo dục ngôn ngữ cộng đồng đều dựa vào đội ngũ giáo viên tình nguyện. Mặc dù việc sử dụng giáo viên tình nguyện là tận dụng được nguồn nhân lực nói ngôn ngữ cộng đồng sẵn có và tiết kiệm chi phí, có một số vấn đề như giáo sư Maria Carriera, trường đại học California nhắc đến là “Vấn đề của giáo viên tình nguyện là vấn về trình độ chuyên môn và cam kết với việc dạy học.” Để khắc phục điều đó thì chính Phủ Úc đã làm gì? Các giáo viên ngôn ngữ cộng đồng cùa Úc được đào tạo như thế nào?

GS Cruikshank: Tất cả các giáo viên tình nguyện các trường ngôn ngữ cộng đồng đều phải tham gia các khóa học cấp chứng chỉ về phương pháp dạy học do trường đại học Sydney tổ chức. Hàng năm chúng tôi tổ chức rất nhiều khóa học huấn luyện bồi dưỡng trình độ và phương pháp giảng dạy cho giáo viên. Như trong thời gian nạn dịch Covid-19, chúng tôi thực hiện 130 workshops trên Zoom cho giáo viên, có hơn 850 giáo viên từ tất cả các bang của Úc và cả ở nước ngoài tham gia khóa học sử dụng Zoom và các chương trình hỗ trợ học từ xa khác.
GS Ingrid Piller GS Ken Cruikshank tại Hội thảo Quốc tế về Giáo dục ngôn ngữ cộng đồng 2021
GS Ingrid Piller GS Ken Cruikshank tại Hội thảo Quốc tế về Giáo dục ngôn ngữ cộng đồng 2021 Source: Supplied
Giáo dục ngôn ngữ cộng đồng nói chung và tiếng Việt nói riêng là một chủ đề hiện có nhiều vấn đề và cần sự quan tâm và đầu tư từ nhiều phía. Ở Úc, hơn 20% người người dân Úc nói một tiếng khác tiếng Anh ở nhà. Không kể tiếng Anh, số người nói tiếng Việt đứng thứ tư ở Úc, sau tiếng Quan thoại, tiếng Quảng đông và tiếng Ả rập. Như vậy, Úc là một trong những quốc gia đa văn hóa, đa ngôn ngữ nhất trên thế giới. Thế nhưng đáng tiếc là chúng ta lại có chỉ số về giáo dục ngôn ngữ thấp nhất trong khối các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế OECD.

GS Bianco: Vài năm trước, khi Phần Lan là đất nước bao nhiêu người mơ ước vì thành tích giáo dục thể hiện qua điểm PISA của học sinh của họ, lý do được giải thích trên các phương tiện truyền thông là giáo viên của họ được trả cao hơn giáo viên của chúng ta. Nhưng tôi thấy đáng tiếc là không ai nhắc đến một lý do nữa. Khi tôi đi Phần lan tôi có gặp con trai giáo sư đồng nghiệp của tôi. Ở Phần lan, mọi người đều là song ngữ, nói được tiếng Thụy điển và tiếng Phần lan, như anh Pasi. Cậu bé còn nói tiếng Anh và học tiếng Tây Ban Nha, một hiện tượng đa ngữ rất bình thường ở Phần Lan. Tôi nghĩ là việc này có mối quan hệ với thành tích cao trong học tập.

GS Pasi Sahlberg: Tôi nghĩ là anh đúng vì đã có những bằng chứng khoa học về mối quan hệ này. Nếu chúng ta nhìn vào các nước học sinh đạt thành tích cao trong khối OECD, hầu hết họ đều là các nước đa ngữ.
Vì thế từ khía cạnh hoạch định chính sách, nếu chúng ta thực sự muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở Úc, chúng ta có thể làm được đều này qua việc thúc đẩy giáo dục ngôn ngữ. Như vậy thì giống như dùng một mũi tên bắn trúng hai đích, vừa khuyến khích học sinh nói được nhiều ngôn ngữ và vừa học tốt các môn học khác.
PGS Angela Scarino, GS Ingrid Piller, GS Pasi Sahlberg, GS Jo Lo Bianco (từ trái qua phải,  trên xuống dưới) tại Hội thảo Quốc tế về Giáo dục ngôn ngữ cộng đồng 2021
PGS Angela Scarino, GS Ingrid Piller, GS Pasi Sahlberg, GS Jo Lo Bianco (trái qua phải, trên xuống dưới) ở Hội thảo Quốc tế về Giáo dục ngôn ngữ cộng đồng Source: Supplied
Làm thế nào để thúc đẩy việc dạy và học ngôn ngữ cộng đồng?

GS Piller: Tôi nghĩ là vấn đề ở đây là chúng ta cần sáp nhập hệ thống giáo dục ngôn ngữ cộng đồng vào hệ thống giáo dục chung. Ngôn ngữ cộng đồng phải là một phần của hệ thống, đây là nhiệm vụ của Bộ giáo dục. Cần phải thay đổi cách tư duy đơn ngữ (monolingual mindset) đã tồn tại quá lâu ở một đất nước đa ngôn ngữ. Chúng ta cũng cần để ý đến giáo dục ngôn ngữ và đào tạo giáo viên. Tất cả các giáo viên cần được biết về giáo dục ngôn ngữ để hỗ trợ và ủng hộ học sinh học thêm ngoại ngữ hoặc duy trì tiếng mẹ đẻ.

GS Bianco: Có những ví dụ về thành công trong việc làm sống lại, hay phục hồi một ngôn ngữ ở nhiều nơi trên thế giới, như tiếng Anu ở đảo Hokkaido. Theo báo cáo tôi đọc cách đây bảy năm họ chỉ còn hai người bản xứ nói tiếng này, giờ họ đã khôi phục lại được ngôn ngữ đó. Một nỗ lực đáng khâm phục trong việc phục hồi văn hóa, phục hồi ngôn ngữ.
Tôi nghĩ các trường ngôn ngữ cộng đồng nên xem công việc của họ không chỉ là dạy một ngôn ngữ mà phải là đang làm sống lại hoặc bảo tồn một ngôn ngữ, như thế các bạn sẽ có những hoạt động khác, những hoạt động mà khiến cho trẻ em trở thành những nhà vô địch, những chủ thể trong việc học ngôn ngữ. Chúng ta phải tạo ra nhiều người sử dụng ngôn ngữ, nếu một ngôn ngữ chỉ hạn chế ở nhà hay ở trường ngôn ngữ cộng đồng thì nó sẽ dễ có nguy cơ bị mất đi
Cô Phương Tâm: Phụ huynh có thể tham gia vào hoạt động của nhà trường bằng cách dạy tiếng Việt, có nhiều phụ huynh rất giỏi. Hoặc trình bày về một đề tài nào đó mà phụ huynh biết rõ, tùy theo trình độ các em, lớp 5 một kiểu đề tài, lớp 1 một kiểu đề tài khác. Ngoài ra phụ huynh hãy đôn đốc các em nói tiếng Việt, học tiếng Việt ở nhà vì giờ học các em một tuần chỉ có mấy tiếng đến trường Việt ngữ  trừ giờ giải lao, sinh hoạt văn hóa thì không còn bao nhiêu, trong khi đó các em đi học ở trường tiếng Anh cả tuần. Có như thế chúng ta mới giữ được tiếng Việt cho các em.

Chúng ta cần một cách tiếp cận toàn diện, cần sự tham gia tích cực và hỗ trợ của tất cả các thành phần trong xã hội để cha mẹ không phải là người duy nhất đứng trước biển cản sóng thần. Làm thế nào để chúng ta có nhiều Subi, nhiều Mira, Lily To, Ngọc Kha, Sheila Pham, điều đó đòi hỏi nỗ lực không chỉ là của bố mẹ, mà còn cần sự hợp tác từ các phía, trường học, trường ngôn ngữ cộng đồng, chính phủ, và mỗi cá nhân trong xã hội, để mỗi ngôn ngữ cộng đồng đều được duy trì và lớn mạnh, góp phần làm nên tiếng nói cộng đồng và sức mạnh cộng đồng ở một đất nước đa văn hóa và ngôn ngữ như nước Úc.

Mời quý vị tham gia giải câu đố của chương trình: trong tiếng Việt, có bao nhiêu từ chỉ các bộ phận trên mặt bắt đầu bằng chữ m. Theo quý vị tại sao có nhiều từ như vậy?

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin trên .

 


Share