Công bố gói cứu trợ trị giá $250 triệu cho ngành nghệ thuật

JopMaker package

Sydney's Capitol Theatre is just one of the many venues closed due to Coronavirus Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chính phủ liên bang đã công bố gói trợ cấp trị giá $250 triệu cho lĩnh vực nghệ thuật đang phải chống chọi trong đại dịch COVID-19. Nhiều người đã vui mừng trước thông báo này, nhưng bên cạnh đó vẫn có chỉ trích gói trợ cấp này quá ít và quá trễ.


Đối với hàng triệu nghệ sĩ và nhân viên làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, những tháng ngày vừa qua thật sự là giai đoạn đầy gian nan thử thách.

Như diễn viên Heather Mitchel, một diễn viên điện ảnh và sân khấu, những quy định hạn chế tiếp xúc do coronavirus đã buộc cô phải rời sàn diễn, có nghĩa là kể từ tháng Ba đến nay cô chỉ được trả lương đúng 1 tuần.

Nhưng theo lời diễn viên Mitchell, thì ngoài khó khăn  về tài chính, hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật còn bị ảnh hưởng cả về mặt cảm xúc và tâm lý.

“Tôi nghĩ là bên cạnh khó khăn tài chính, thì những khó khăn về cảm xúc và tâm lý của những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật mới là điều tôi quan ngại nhất. Đặc biệt là những người trẻ chỉ vừa mới bắt đầu sự nghiệp, nhưng tình hình hiện tại không có gì chắc chắn đối với họ, thậm chí là khi có sự hỗ trợ của chính phủ đi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn không biết khi nào thì công việc mới quay trở lại, và thậm chí liệu có công việc nào cho chúng tôi hay không.”

Vào hôm thứ Năm ngày 25 tháng Sáu, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố một kế hoạch mới nhằm hỗ trợ giúp vực dậy nền nghệ thuật trong giai đoạn xảy ra COVID-19.

Chương trình hỗ trợ này có tên gọi là JobMaker, trị giá $250 triệu nhằm vực dậy lĩnh vực nghệ thuật.

Theo lời ông Morrison, nhiều người trong ngành giải trí đã đủ điều kiện nhận trợ cấp theo chương trình JobKeeper và JobSeeker, và chương trình hỗ trợ mới này chỉ tập trung vào việc phục hồi lĩnh vực nghệ thuật

“Chúng tôi đã thực hiện những hỗ trợ ban đầu đễ giúp mọi người vượt qua hoặc giảm bớt khó khăn, nghệ thuật là món ăn tinh thần của người dân và chúng tôi đã có hỗ trợ để giữ ngành kỹ nghệ này tồn tại, và giờ là lúc đưa ngành này trở lại, đưa các nghệ sỹ trở lại công việc.”

Gói hỗ trợ đã bao gồm $75 triệu dành cho những sự kiện mới bao gồm các lễ hội, hòa nhạc và lưu diễn.

Gói hỗ trợ cũng bao gồm $90 triệu dành cho các khoản vay ưu đãi, $50 triệu cho ngành sản xuất phim và truyền hình, và thêm $35 triệu hỗ trợ trực tiếp cho những tổ chức như nhà hát và các nhóm vũ công.

Bộ trưởng Nghệ thuật Paul Fletcher cho biết gói trợ cấp đã được cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh chính phủ cũng đã có hỗ trợ khác cho lĩnh vực này.

“Gói hỗ trợ lần này là khoản bổ sung thêm vào gói hỗ trợ hàng năm trị giá khoảng $75 triệu dành cho lĩnh vực nghệ thuật. Và trong vài tháng qua, số tiền trợ cấp cho lĩnh vực này mỗi tháng cũng đã gần $100 triệu, bao gồm chương trình JobKeeper, JobSeeker và cả  hỗ trợ tiền mặt. Giờ những gì chúng ta phải tập trung là làm sao đưa các hoạt động nghệ thuật trở lại. Chúng ta muốn thấy các buổi trình diễn vì điều đó có nghĩa là nghệ sĩ có công việc, tất nhiên phải tuân theo các yêu cầu của y tế cộng đồng.”

Michael Gudinski là một nhân vật nổi tiếng trong ngành công nghiệp âm nhạc Úc.

Ông Gudinski sinh năm 1952 trong một gia đình di dân người Nga đến Úc vào năm 1948.

Ông là người hiểu rất rõ sự thăng trầm của ngành kỹ nghệ nhiều thay đổi này.

Vào năm 1972, ông thành lập công ty giải trí Mushroom Records, xây dựng nhiều thương hiệu cho lĩnh vực ghi âm.

Ông Gudinski nói gói hỗ trợ phục hồi lĩnh vực nghệ thuật sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện nhưng trước mắt ông có thể thấy một vài điểm yếu.

“Nhìn qua thì rất hay nhưng quan trọng là quản lý thế nào. Tôi có thể thấy một số lỗ hổng, nhưng dù sao tôi cũng trân trọng sự thấu hiểu của chính phủ đối với nghệ thuật và âm nhạc. Nhiều ngành kỹ nghệ đã phải gặp khó khăn, nhưng riêng đối với âm nhạc đương đại và nghệ thuật thì đã phải ngưng hoạt động hoàn toàn. Vực dậy ngành âm nhạc chỉ là vấn đề thời gian và tôi rất vui mừng khi chính phủ có hỗ trợ, không phải chỉ dành cho tôi mà cho tất cả các nghệ sỹ, nhà sản xuất và những người sau hậu trường. Nhưng quản lý số tiền đó thế nào mới là điều quan trọng.”

Nhưng vẫn có những lời chỉ trích cho rằng sự hỗ trợ này đã đến quá trễ và quá ít.

Đảng Lao động và đảng Xanh đã lên tiếng chỉ trích gói hỗ trợ.

Phát ngôn nhân về Nghệ thuật phe đối lập, Tony Burke, nói rằng những người làm trong ngành kỹ nghệ này đã phải đợi hơn 100 ngày để nhận được hỗ trợ và câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến chính phủ mất thời gian lâu như vậy để có quyết định.

Thượng nghị sĩ đảng Xanh là bà Sarah Hanson-Young thì nói ngành công nghiệp nghệ thuật và giải trí đã đem về $112 tỷ mỗi năm cho nền kinh tế, nên gói hỗ trợ này như một cái tát vào những người làm nghệ thuật.

Nhưng dù sao đi nữa có thể thấy rằng mục tiêu chính của chính phủ là tập trung vào việc phục hồi ngành kỹ nghệ này trước khi dừng chương trình JobKeeper vào tháng Chín.

Đối với diễn viên Mitchell thì gói hỗ trợ này không quá ít và cũng không quá trễ, và cô nhấn mạnh đây là bước quan trọng để các buổi biểu diễn được quay trở lại.

“Nếu nói gói trợ cấp này là quá ít quá trễ thì cũng đúng, bởi lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được điều gì đó tiêu cực chỉ trích. Nhưng tôi cho rằng hãy nhìn chuyện này theo hướng tích cực. Nếu không có gói hỗ trợ này có lẽ tình hình sẽ trở nên khốn đốn hơn rất nhiều, các công ty thậm chí không thể tồn tại nổi hoặc không thể tiếp tục hoạt động được. Do đó chúng ta chỉ nên tập trung vào khía cạnh tích cực mà thôi. Tôi nghĩ trong cuộc sống luôn có những người vẫn luôn miệng đòi hỏi, nhưng đối với tôi không có gì là quá trễ cả, tôi mong là không quá trễ. Tôi nghĩ sự hỗ trợ cần phải được rà soát trong vài tháng, tùy vào tình hình sức khỏe người dân, tình hình coronavirus và biểu đồ lây nhiễm.”

Tất cả những người trong ngành nghệ thuật đều hi vọng họ sẽ sớm được trở lại sàn diễn và làm công việc yêu thích


Share