Centrelink không gửi thư đòi nợ mà chỉ yêu cầu thêm thông tin?

Centrelink

Centrelink Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chính phủ nhận hơn 300 khiếu nại trong số 170 ngàn thư thông báo gửi đi trong năm tài chính vừa qua nhưng Tổng trưởng Dịch vụ Xã hội, Christian Porter nói hệ thống hoạt động tốt và Centrelink chỉ gửi thư yêu cầu bổ xung thông tin chứ không phải thư đòi nợ.


Đã vài tuần kể từ khi cơ quan chính phủ liên bang Centrelink gửi đi các thông báo nợ tự động đến các thân chủ hiện tại và trước đây nhận các khoản trợ cấp của chính phủ.

Giờ đây, một chiến dịch trên mạng internet được khởi xướng, chia sẻ các tài khoản của những người khiếu nại khi họ bất ngờ nhận được thông báo về số tiền bị cho là nợ chính phủ.
“Theo tôi thì câu trả lời là phải đình chỉ ngay cái hệ thống này cho đến khi giải quyết được hết các vấn đề vừa qua,” phát ngôn nhân của Legal Aid tại Victoria, Dan Nicholson
Trong chiến dịch này, Lyndsey Jackson là người hỗ trợ việc khởi tạo trang mạng 'Not My Debt' và các trang mạng xã hội liên quan.

Cô cho biết, một số người vốn khó khăn về tài chính và thiệt thòi trong xã hội đã nhận được các lá thư sai đối tượng của Centrelink, yêu cầu bồi hoàn trợ cấp xã hội.

“Đây không phải những người đã gian dối hệ thống trợ cấp mà họ là những người hoàn toàn đủ tiêu chuẩn hợp pháp do Centrelink quy định.”

“Họ đã làm đúng mọi quy trình và giờ thì sau 3, 4, 5 năm họ phải gánh chịu các khoản nợ này. Đây là một tiền lệ nguy hiểm,” cô Jackson nói.

Hệ thống tự động này được giới thiệu hồi tháng 7 vừa qua, như một phần của nỗ lực từ chính phủ trong việc lấy lại khoảng 4 tỷ Đô la tiền trợ cấp phúc lợi thanh toán lố cho người thụ hưởng chính sách xã hội.

Hệ thống này có thể đối chiếu dữ liệu giữa Sở Thuế Liên bang và Centrelink để phát hiện những sai lệnh trong thông tin do người thụ hưởng chính sách xã hội cung cấp.

Cô Lyndsey Jackson cho rằng trong một số trường hợp, thậm chí số tiền lương kiếm được sau khi người đó đã ngừng nhận trợ cấp từ Centrelink vẫn bị sử dụng để truy xác điều kiện nhận trợ cấp.

Cô Jackson nói chính điều này dẫn đến việc tính toán sai lầm và đang gây khó khăn cho người dân.

“Rất nhiều người dính vào nợ nần khi bị tính nợ ngược trở lại một số năm, đó là khoản tiền mà họ bị yêu cầu phải cam kết trả nợ, ví dụ như số tiền trong giấy lương và quá trình này họ buộc phải thực hiện.”

“Những thủ tục này khá là nặng nề. Nhiều người khác thì chỉ biết trả nợ mà thôi. Vì vậy, đây là điều thật sự đáng lo ngại,” cô Jackson nói.

Và cũng chính điều này đang khiến dịch vụ được chính phủ tiểu bang tài trợ là Legal Aid ở Victoria tỏ ra quan ngại.

Phát ngôn nhân của dịch vụ này là Dan Nicholson khẳng định, trong khi mọi người có thể khiếu nại các thông báo nợ từ Centrelink, nhưng một số người lại có thể gặp rất nhiều khó khăn để làm điều đó.

“Những người bị tâm thần hay những người không dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ đều có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Centrelink, cũng như là khó tiếp cận được hệ thống của Centrelink,” ông Nicholson nói.

Ông cũng kêu gọi chính phủ liên bang hãy tạm dừng việc thu hồi nợ trợ cấp xã hội theo hệ thống tự động này cho đến khi tất cả các vấn đề đều được giải quyết.

“Chúng ta đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai của những người dân thường để mà đi sửa cái sai của Centrelink và cái hệ thống đối chiếu dữ liệu không chính xác của họ.”

“Với tôi, câu hỏi thật sự cần phải đặt ra là chính phủ và Centrelink nên làm cái gì?”

“Theo tôi thì câu trả lời là phải đình chỉ ngay cái hệ thống này cho đến khi giải quyết được hết các vấn đề vừa qua,” ông Nicholson nói.

Tổng trưởng Dịch vụ Xã hội, ông Christian Porter vẫn khăng khăng bảo vệ chương trình này, ông nói cho đến lúc này mới chỉ có 276 khiếu nại về hệ thống báo nợ tự động của Centrelink.

Trong phỏng vấn với ABC, ông Porter nói, chỉ trong trong năm tài chính 2016-2017, chương trình này đã lấy lại được cho ngân sách khoảng 300 triệu Đô la.

“Từ đầu năm tài chính này chúng tôi đã gửi đi 169 ngàn thư thẩm định trợ cấp, chứ không phải là thư đòi nợ.”

“Đây là những bức thư có thông tin được cung cấp từ công nghệ tự động đối chiếu dữ liệu chéo giữa ATO và Centrelink.”

“Và qua đối chiếu đó cho thấy sự khác biệt giữa 2 nguồn thông tin này. Đó đều là những bức thư có nội dung lịch sự mà ban đầu được gửi đến những thân chủ nhận trợ cấp để báo rằng có vấn đề phát sinh, có thể là sự khác biệt giữa thông tin của Centrelink và ATO nên chúng tôi yêu cầu được cung cấp thêm thông tin.”

“Và từ đó mà mọi người có thể lên mạng internet để cung cấp thông tin cho đầy đủ dễ dàng,” ông Porter nói.

Tuy nhiên, nữ phát ngôn nhân đối lập đặc trách các vấn đề dịch vụ nhân sinh, Linda Burney cho hay, chính bà cũng đã nhận được một vài khiếu nại cáo buộc sai sót của hệ thống báo nợ tự động của Centrelink.

Bà Burney nói Đảng Lao động ủng hộ việc thu hồi các khoản nợ trợ cấp xã hội nhưng cũng nhận thấy vấn đề trong phương pháp mà hệ thống này áp dụng.

“Vấn đề ở đây là thuật toán hoặc là phương pháp đang được áp dụng để đối chiếu dữ liệu trong trường hợp này bị sai hoàn toàn.”

“Ý tôi là hệ thống còn nhiều lỗ hổng. Sở thuế ATO tính ra mức lương trung bình của mọi người trong 12 tháng và con số đó được sử dụng trong phương pháp tiếp cận của Centrelink.”

“Vậy mà ông Tổng trưởng Bộ Dịch vụ Nhân sinh Alan Tudge đang khẳng định là HOẠT ĐỘNG TỐT!”

“Nếu các ông gửi đi được 169 ngàn bức thư rồi thì chắc là chỉ còn thiếu nước giám sát người dân nữa thôi,” bà Burney nói.


Share