Từ thuốc trị bệnh phong tình đến thuốc giảm đau: Úc đang gặp vấn đề thiếu thuốc

Cơ quan y tế hàng đầu cho biết tình trạng thiếu các loại thuốc chính đang ảnh hưởng đến một số bệnh nhân cần thuốc nhất ở Úc, bao gồm cả trẻ em bị rối loạn phát triển thần kinh và những người đang được chăm sóc giảm nhẹ.

A man at a chemist prescription counter

Cơ quan Quản lý Dược phẩm (TGA) hiện liệt kê 420 loại thuốc đang bị "thiếu hụt" Source: AAP / Lukas Coch

Những điểm chính
  • Trường đào tạo Bác sĩ đa khoa Hoàng gia Úc đã nhấn mạnh một vấn đề ngày càng gia tăng liên quan đến việc cung cấp thuốc ở Úc.
  • Các chuyên gia đang kêu gọi chính phủ liên bang quản lý tốt hơn tình trạng thiếu thuốc.
  • Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc liệt kê 420 loại thuốc bị "thiếu nguồn cung", bao gồm cả thuốc kháng sinh và thuốc phiện.
Các chuyên gia Úc đang cảnh báo về tình trạng thiếu thuốc trên toàn quốc, kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung ngày càng tăng.

Giáo sư Jennifer Martin, chủ tịch Trường đào tạo Bác sĩ đa khoa Hoàng gia Úc (RACP), cho biết tình trạng thiếu các loại thuốc chính đang ảnh hưởng đến một số bệnh nhân dễ bị bệnh nhất, bao gồm trẻ em bị rối loạn phát triển thần kinh, bệnh nhân đang được chăm sóc giảm nhẹ và bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bà Martin cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm, lưu ý rằng Úc là một quốc gia nhập khẩu khoảng 90% thuốc, nên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

"Tình trạng thiếu thuốc đang ngày càng trở thành một vấn đề ở Úc, và chúng ta cần thấy một chiến lược toàn diện từ chính phủ để ngăn chặn sự thiếu hụt cũng như có cách quản lý chúng tốt hơn khi bị thiếu thuốc."

"Chính phủ cần có một chiến lược tốt hơn để chuyển hướng nguồn cung cấp thuốc quan trọng hiện có trong nước cho các nhóm ưu tiên và các bệnh nhân. Những phương pháp tiếp cận hiện tại thường gây khó khăn cho cả bệnh nhân và bác sĩ ,và cần được khắc phục khẩn cấp."
Bà Martin mô tả việc phân phối thuốc không đồng đều và không đầy đủ là "mối lo ngại lớn về sự công bằng y tế quốc gia". Bà cũng nói rằng tình trạng thiếu và ngừng thuốc không chỉ khiến bệnh nhân có nguy cơ sức khỏe kém hơn mà còn gây lo lắng cho người thân của họ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bà nói: “Tình trạng thiếu thuốc hiện nay đang ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Mỗi ngày trôi qua mà không có chiến lược ngăn chặn và quản lý tình trạng thiếu thuốc, chúng ta đang khiến bệnh nhân bị mắc kẹt.”

Các loại thuốc đang bị thiếu hụt

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) hiện liệt kê 420 loại thuốc đang bị "thiếu nguồn cung", 40 loại trong số đó đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và ngừng cung cấp trên toàn quốc.

Hôm thứ Năm, bà Martin đã đưa ra bản đệ trình tháng 3 của RACP gửi TGA, trong đó nhấn mạnh một loạt các loại thuốc đang gặp phải tình trạng thiếu hụt đặc biệt đáng lo ngại – nhiều loại trong số đó thường được kê đơn cho một số nhóm bệnh nhân dễ bị bệnh nặng nhất ở Úc.

Các loại thuốc được liệt kê bao gồm Ritalin tác dụng kéo dài, benzathine penicillin – một loại kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên như bệnh bạch hầu và giang mai – và một số loại thuốc phiện dùng để giảm đau.

Một trong những loại thuốc phiện đó, Ordine - một loại morphin lỏng dạng uống, dùng để kiểm soát cơn đau dữ dội và khó thở ở các cơ sở điều trị ung thư và chăm sóc giảm nhẹ - đã không có sẵn kể từ tháng 2 và dự kiến sẽ không có nguồn cung trở lại cho đến cuối tháng 8.

TGA cho biết nguyên nhân là do một công ty dược phẩm ngừng cung cấp và khuyên bệnh nhân nên tìm phương pháp điều trị thay thế trong thời gian tạm thời.

Vấn đề đang tiếp diễn

Tình trạng thiếu thuốc từ lâu đã gây khó khăn cho nước Úc, tiến sĩ Danielle McMullen, phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc và cũng là bác sĩ đa khoa tại Brisbane, nói với SBS News rằng: “Vài năm qua chắc chắn có nhiều thách thức hơn”.

Bà nói: “Hiện tại, việc thiếu thuốc thực sự ảnh hưởng đến khả năng điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường của tôi nói riêng."

"Tôi không thể dùng Ozempic để điều trị bệnh tiểu đường của họ, cũng không thể dùng một số loại thuốc tương tự khác để giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ."

Bà McMullen giải thích rằng bà luôn kiểm tra nguồn cung cấp thuốc bằng TGA trước khi kê đơn cho bệnh nhân, để họ không phải chạy đi khắp nơi tìm mua thuốc.

Bà cũng lưu ý rằng TGA đã thực hiện các thay đổi để thử nghiệm và giúp việc kiểm tra những loại thuốc đang thiếu hụt trở nên dễ dàng hơn.

“Nhưng đây vẫn là một thách thức trên thực tế,” bà nói.
Trong khi một số yếu tố gây ra tình trạng thiếu thuốc - chẳng hạn như quyết định kinh doanh của nhà sản xuất - nằm ngoài tầm kiểm soát của các bên liên quan ở Úc, các chuyên gia đang kêu gọi chính quyền và các cơ quan chính phủ phải hành động nhiều hơn nữa.

Trường đào tạo Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Úc cho rằng một phần của vấn đề là Úc đang "phụ thuộc một cách nguy hiểm" vào thuốc nhập khẩu.

Do giá thuốc sản xuất trong nước phải cạnh tranh với thuốc sản xuất ở nước ngoài, Úc nhập khẩu khoảng 90% thuốc từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự phụ thuộc quá mức này đã từng dẫn đến nhiều vấn đề. Hồi năm 2023, Úc phải đối mặt với tình trạng thiếu các loại thuốc kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất – amoxicillin, cefalexin và metronidazole – do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh thiếu hụt đó, các chuyên gia và lãnh đạo ngành kêu gọi chính phủ liên bang đầu tư phát triển ngành sản xuất thuốc trong nước như một giải pháp lâu dài.

Mặc dù tuyên bố rằng AMA ủng hộ các động thái nhằm tăng cường sản xuất thuốc trong nước, bà McMullen giải thích rằng chỉ như vậy thôi thì khó có thể giải quyết triệt để vấn đề.

Bà nói: “Có lẽ việc sản xuất mọi loại thuốc ở trong nước là không khả thi”.

"Vì vậy, chúng tôi cần thêm một số giải pháp trong nước, nhưng cũng xem xét cải tiến các quy trình khác của TGA xung quanh tình trạng thiếu hụt, và làm sao để chúng tôi nhanh chóng có sẵn các giải pháp thay thế hoặc cung cấp thông tin cho người kê đơn và nhà thuốc để họ có thể tiếp cận các giải pháp thay thế, để chúng tôi không làm gián đoạn nguồn cung một cách không cần thiết."
Chúng ta đang khiến bệnh nhân bị mắc kẹt nếu mỗi ngày trôi qua mà không có chiến lược ngăn chặn và quản lý tình trạng thiếu thuốc.
Giáo sư Jennifer Martin
RACP đang kêu gọi những thay đổi tương tự.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm, RACP kêu gọi “phát triển một danh sách các loại thuốc quan trọng giúp duy trì sự sống ở Úc, và giữ mức tồn kho tối thiểu để ứng phó nguy cơ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc”, đồng thời “khuyến khích sản xuất thuốc tại địa phương”.

RACP cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải khuyến khích "các nhà cung cấp thuốc quốc tế quan trọng đối với sức khỏe của người Úc hãy duy trì thị trường Úc thông qua các chính sách do TGA thực hiện", đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất thuốc báo trước cho TGA về tình trạng thiếu hoặc ngừng sản xuất thuốc.

Bà Martin nói: “Đây là một lỗ hổng lớn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi và nó phải được giải quyết khẩn cấp”.

SBS News đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế và Chăm sóc Người cao niên Úc đưa ra bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi trước khi đăng bài này.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 



Share
Published 24 May 2024 12:54pm
By Gavin Butler
Presented by Thanh Ngôn
Source: SBS


Share this with family and friends