Không chỉ cầu nguyện mà dịch bệnh coronavirus không bùng phát mạnh tại Việt Nam

Truyền thông trong nước loan tin Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 chắc sẽ làm cho nhiều người mừng, nhưng cũng không ít người rùng mình khi nhìn thấy tình hình lây lan trong khu vực cũng như trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác sẵn sàng cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 231

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ trái) kiểm tra khu cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 231 Source: TTXVN

Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam hôm 25/2 tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp đã được chữa khỏi.

“Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch,” ông Đam được trích thuật đã khẳng định.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến nay toàn cầu có 80.429 ca nhiễm, 2.712 ca tử vong, 28.049 ca bình phục.

  • Trung Quốc nơi xuất phát dịch đã có 77.666 ca nhiễm, 2.664 ca tử vong.
  • Nam Hàn có 1.146 ca nhiễm, 11 ca tử vong.
  • Nhật có 161 ca nhiễm, 1 ca tử vong.
  • Singapore có 91 ca nhiễm, chưa có ai tử vong.
  • Hồng Kông có 85 ca nhiễm, 2 ca tử vong.
  • Đài Loan có 31 ca nhiễm, 1 ca tử vong.
  • Thái Lan có 37 ca nhiễm, chưa có ai tử vong.  
Đã có 12 quốc gia châu Âu ghi nhận ca nhiễm COVID-19, bao gồm: Ý (322-11 tử vong), Đức (18), Anh (13), Pháp (14-1 tử vong), Nga (2), Tây Ban Nha (3), Áo (2), Bỉ (1), Phần Lan (1), Croatia (1), Thuỵ Điển (1), và Thuỵ Sỹ (1).

Iran trở thành mối quan tâm toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng với 95 ca nhiễm và 16 ca tử vong, con số tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc.

Thứ trưởng Y tế Iran, Iraj Harirchi xác nhận ông bị nhiễm coronavirus. Nhiều khả năng các ca nhiễm tại Iran xuất phát từ một thương gia và virus đã có mặt khắp cả nước.

Tại Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm và tất cả đều đã lành bệnh

Thời gian qua giới hữu trách Việt Nam đã có nhiều biện pháp kiểm soát bao gồm cho học sinh nghỉ học, tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch.

Người nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung  trong 14 ngày.  

Nhưng nguy cơ tiềm tàng chỉ riêng ở Sài Gòn cũng làm người ta lo lắng.

Theo Sở Lao động Thương binh Xã hội hiện thành phố này có 28.680 lao động người nước ngoài làm việc tại 9.688 doanh nghiệp, trong đó có 4.628 người Hàn Quốc, 2.399 người Trung Quốc, 1.794 người Đài Loan, 3.672 người Nhật Bản. 

Đó là chưa kể lượng du khách Trung Quốc và Hàn Quốc qua Việt Nam hàng năm rất đông mà trong hai tháng qua Việt Nam không hề hạn chế việc đón khách đến từ 2 ổ dịch này.

Có người nghĩ rằng có khả năng thống kê các ca nhiễm trên toàn quốc không chính xác vì bệnh nhân không được làm xét nghiệm.

Bệnh viện ở Việt Nam thực hiện theo phương pháp khám loại trừ: những người có dấu hiệu sốt, ho, nhưng không có yếu tố dịch tễ, không có tiếp xúc với người đi từ Trung Quốc về sẽ không được xét nghiệm. 

"Chỉ những ca hiển thị dấu hiệu quá rõ ràng mới được xét nghiệm. Nhưng đến lúc bệnh viện đồng ý xét nghiệm thì không thể kiểm soát được mức độ lây lan do người đó đã tiếp xúc với nhiều người,” một nhân viên y tế ẩn danh ở Sài Gòn cho đài RFA biết.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong giải thích thời gian điều trị trung bình cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 là 20 ngày. Mỗi ngày cần 12 bác sĩ và điều dưỡng cho 1 người bệnh. 

“1.000 người bệnh - đó là giới hạn đỏ của thành phố này. Vượt qua giới hạn này là vỡ trận," ông Phong được báo chí trong nước trích dẫn đã cảnh báo.

Theo cách giải thích của ông Phong thì người ta rùng mình cũng phải bởi vì giới hạn đỏ 1.000 bệnh nhân chỉ mới là 0,0001% của gần 9 triệu dân thành phố HCM.


Share
Published 26 February 2020 12:33pm
Updated 26 February 2020 12:57pm
By Quốc Vinh

Share this with family and friends