“Tôi phải bán ngôi nhà của gia đình để trả những khoản nợ cờ bạc của mẹ tôi”

Nghiện cờ bạc có thể là một vấn nạn vô hình – nhưng nó đã phá hủy không ít cuộc sống người dân đặc biệt trong cộng đồng di dân.

Gambling

Source: Unsplash Keenan Constance

Bà Đài Lê, từng là một người tỵ nạn, nhớ lại một câu tục ngữ quen thuộc bà biết khi còn nhỏ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Lần đầu nghe câu tục ngữ này - câu tục ngữ nói về tầm quan trọng của môi trường sống xung quanh - là vào thời gian bà đang ở trong trại tỵ nạn sau khi rời khỏi Việt Nam sau chiến tranh.

Giờ đây, khi đã là một nghị viên Hội đồng thành phố Fairfield, bà phải dùng câu tục ngữ này để dạy lại cho người mẹ của mình.

Hình ảnh về người mẹ của bà Đài Lê là một người chuyên cá độ, bà thường xuyên có mặt tại những tụ điểm cờ bạc sau vườn nhà ở Cabramatta hồi những năm 1980s. Nhưng bà không ngờ cho đến năm 2015 mọi chuyện đã vượt khỏi kiểm soát.

“Tôi nói với mẹ … làm sao mẹ lại trở nên nông nỗi này?”
Dai Le (far left) with her mother and siblings after arriving in Australia in 1975.
Ms. Dai Le with her mom and siblings Source: Supplied
Bà Lê lúc đó đã buộc phải bán căn nhà của mẹ bà ở miền Tây Sydney trị giá $700,000 để trả các khoản nợ nần.

Câu chuyện này vẫn gây cho bà cảm giác khó khăn khi nhắc về nó.

“Tôi nghĩ … không chỉ gia đình tôi, mà nhiều gia đình di dân khác… Những người không nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, họ không nói về điều này như là một tệ nạn,” bà nói.

Một vấn nạn vô hình

Khi nói đến vấn nạn cờ bạc trong cộng đồng người Úc gốc di dân, không chỉ xảy ra ở những gia đình bị bỏ quên trong bóng tối, mà cả những người đang bước ra và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Rào cản ngôn ngữ cộng thêm định kiến và sự xấu hổ quanh vấn đề này trong những cộng đồng di dân nhỏ bé cũng khiến vấn đề trở nên khó khăn để nghiên cứu – và thậm chí rất khó để giải quyết – một nhà nghiên cứu nói với SBS News.

Tiến sỹ Charles Livingstone đến từ Đại học Monash, một người luôn lên tiếng mạnh mẽ chống lại kỹ nghệ cờ bạc, ông nói, những điểm cá cược là môi trường hấp dẫn những người không nói tiếng Anh và bị tách biệt khỏi xã hội, điều đó đẩy họ vào con đường nghiện ngập cờ bạc.

“Những người có nguồn gốc di dân giống như phải gánh chịu hai gánh nặng,” Tiến sỹ Livingstone nói.

Phát ngôn nhân của Dịch vụ Những vấn đề Cờ bạc cộng đồng đa sắc tộc NSW do chính phủ tài trợ, cho SBS News biết, có sự thiếu nhận thức và thiếu hiểu biết đối với các dịch vụ hiện có trong cộng đồng di dân, “và việc giấu nhẹm những rắc rối ấy thường được xem là cách tốt nhất để giữ thể diện.”

Văn hóa về 'sự may mắn’ trong các cộng đồng di dân

Trong một phúc trình của Trung tâm nghiên cứu nạn cờ bạc của Úc được xuất bản năm 2016 có viết, những nhóm dân không thuộc nguồn gốc nói tiếng Anh thường ít chơi cờ bạc hơn dân Úc nói chung, nhưng lại rơi vào rắc rối nhiều hơn.

Nhưng niềm tin sai lầm về sự may mắn, chẳng hạn một ngày cụ thể hoặc một màu cụ thể nào đó sẽ đem lại may mắn lại rất hấp dẫn con người, và đặc biệt đối với văn hóa người Việt và người Hoa, “sự may mắn có mối liên kết chặt chẽ với tính cách của một người”.

Dân biểu Victoria Hong Lim, mang hai dòng máu Hoa và Campuchia, đã lên tiếng về vấn nạn cờ bạc gây ra cho nhiều người trong khu vực đa sắc tộc của ông.

Ông Lim nói những ngày này, nhiều tụ điểm cờ bạc nơi còn sắp xếp xe đưa rước những người ở khu vực của ông ở đông nam Melbourne, trước đây, họ còn công khai nhắm vào những niềm tin về văn hóa và tinh thần.

Sòng bạc Crown ở Melbourne được rất đông khách đến trong dịp Tết Nguyên đán, ông Lim cho biết, trước đây họ thường bỏ miếng token chơi bài trong phong bì đỏ, điều mà ông đã chỉ trích tại Quốc hội năm 1996.

“Người Hoa có tập quán đưa phong bì đỏ cho những người trẻ và chưa lập gia đình như một lời chúc,” ông nói với SBS News.

“Điều này rất không tôn trọng, casino bỏ token vào trong phong bì đỏ, có nghĩa là họ đối xử với mọi người trong cộng đồng như những đứa trẻ.”
Victorian MP Hong Lim
Victorian MP Hong Lim Source: SBS
Phát ngôn nhân của casino nói bất cứ nhận xét nào nói rằng Crown đang cố tình khuyến khích vấn nạn cờ bạc hoặc nhắm vào các nhóm di dân để biến họ thành con nghiện cờ bạc là “sai làm và là sự phỉ báng”.

“Các nhân viên của Crown được huấn luyện chuyên nghiệp và làm việc không mệt mỏi để nhận diện và hỗ trợ những người đang gặp vấn đề với việc cờ bạc,” bà nói.

Các câu lạc bộ ở NSW cũng nói tương tự rằng sẽ là hoàn toàn đúng đắn khi những nơi này tổ chức mừng các dịp Tết Nguyên đán, Oktoberfest và St Patrick’s Day.

“Các câu lạc bộ phải đem lại điều gì đó thích hợp cho cộng đồng địa phương và tạo ra một môi trường khiến các di dân cảm thấy thoải mái,” người phát ngôn nhân nói.

Văn hóa "giấu nhẹm" để giữ thể diện

Thúy Bùi, một chuyên gia tư vấn tâm lý cho những người đang gặp vấn đề về cờ bạc ở Hiệp hội Phụ nữ Việt Úc, nói, cờ bạc là một trong số ít những tệ nạn xã hội được chấp nhận trong cộng đồng người Việt.

“Chúng tôi chơi bài hầu như mỗi dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu.”

Và nó đặc biệt được chấp nhận đối với phụ nữ người Việt, bà cho biết. “Cờ bạc là một phần của văn hóa, do đó họ không tìm đến sự trợ giúp trừ khi họ rơi vào tình huống khủng hoảng.”

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy khủng hoảng có thể lên tới mức độ nào. Trong số 35 phụ nữ Việt mà các chuyên gia nghiên cứu phỏng vấn trong nhà tù tiểu bang Victoria, hơn một nửa số đó nói rằng họ đã chuyển thành tội phạm ma túy để cố gắng trả nợ cờ bạc.
Ms. Thuy Bui là một trong số ba chuyên gia tư vấn về nạn cờ bạc cho cộng đồng người Việt ở Melbourne
Ms. Thuy Bui is one of only three Vietnamese gambling counsellors in Melbourne Source: SBS
Bà Thúy cho hay, điều này cũng phản ánh đúng thực tế của những thân chủ của bà, nhiều người trong số họ đang thọ án vì tội danh liên quan đến ma túy và đang ở trong tình trạng nợ ngập đầu những chủ nợ cho vay nặng lãi (loan sharks) do kết quả của việc cờ bạc.

“Tôi có thể nói 99% thân chủ của tôi đang ở trong tù là những phụ nữ tốt,” bà Thúy cho hay. “Họ vướng vào rắc rối vì ban đầu họ không nhận thức được cờ bạc có thể dẫn họ đến mức nghiện ngập như vậy.”

Bà Thúy Bùi, là một trong ba chuyên viên tư vấn duy nhất ở Melbourne, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục để nâng cao nhận thức và xóa bỏ định kiến để tìm kiếm sự giúp đỡ.

“Bên cạnh công việc tư vấn, chúng tôi còn làm rất nhiều công việc giáo dục cộng đồng, nhưng vẫn không đủ vì thiếu nguồn lực và vốn,” bà nói.

Những nỗ lực của Chính phủ vẫn còn rất hạn chế

Trên toàn quốc, số tiền những người Úc bỏ ra đánh bạc gần $24 tỷ trong tài khóa 2015 – 16, tương đương $1,300 mỗi người – theo số liệu thống kê mới nhất. Con số này đã tăng 3.9% so với năm trước đó.

Trong khi đó, số tiền chi ra để giải quyết những hậu quả của việc đánh bạc, đặc biệt trong cộng đồng sắc tộc thiểu số - lại chẳng thấm tháp gì, chẳng hạn như số tiền chi thông qua Qũy Cờ bạc có trách nhiệm (RGF) của chính phủ NSW.

Chỉ $18 triệu được cấp trong tài khóa năm nay dành cho việc “quảng bá cờ bạc có trách nhiệm và ngăn chặn và hạn chế rủi ro của cờ bạc”, chỉ có $1.7 triệu được dành cho những dịch vụ đa văn hóa và đa ngôn ngữ.

Nhóm khán giả đa ngôn ngữ đã hoàn toàn bỏ qua chiến dịch You’re Stronger Than You Think của chính phủ, kéo dài 3 năm và tốn $3.9 triệu. Chiến dịch này được chiếu trên truyền hình, online, radio và những nơi quảng cáo tại chỗ và hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Phát ngôn nhân của một cơ quan chính phủ quản lý nguồn chi này, Liquor and Gaming NSW, nói với SBS News: “Chiến dịch quảng cáo không được dịch, quỹ RGF sẽ xem xét lợi ích của việc dịch chiến dịch You’re Stronger Than You Think và những chiến dịch sau này như là một phần đánh giá các hoạt động thông tin”.

Đáp trả lại là Tiến sỹ Llivingstone, người đã gọi số tiền $18 triệu là “nhỏ đến mức không thể tính được” đối với khoản tiền mất đi trong lĩnh vực cờ bạc.

“Họ thậm chí không thể chi một xu cho thông điệp nào không phải bằng tiếng Anh,” ông nói.

Tổ chức Cờ bạc có trách nhiệm ở Victoria (Victoria Responsible Gambling) đã chi $20.6 triệu cho các dịch vụ hỗ trợ và ngăn ngừa cờ bạc trong tài khóa trước, trong đó chỉ có $1 triệu được chi cho các chương trình dành cho người đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Ngoài ra còn thêm $200,000 để ngăn ngừa cờ bạc đã được phân bổ trong năm nay đến các nhóm cộng đồng sắc tộc.

Giám đốc của tổ chức bà Louise Glanville cho biết phần quan trọng của phương thức này là kết hợp với cộng đồng để “họ có thể nói với chúng tôi cách nào sử dụng tiền tốt nhất”.

Nhưng ông Lim nói văn hóa giấu diếm rắc rối là do danh dự và giữ thể diện sẽ khiến các nhóm cộng đồng di dân như người Úc gốc Hoa đang bỏ lỡ cơ hội được giúp đỡ.

“Trong quốc gia này, nếu anh không đập bàn và hét lên giống như những cộng đồng lâu đời ở đây thì anh chẳng được gì hết.”

Kết nối cộng đồng

Chứng kiến cảnh nợ nần cờ bạc của mẹ đã khiến bà Đài Lê có một nhận thức về những nguyên nhân phức tạp sâu xa đằng sau đó, đó là việc cố trốn thoát khỏi sự tách biệt về mặt xã hội và những ám ảnh về cuộc chiến. Nhưng nó cũng cho bà cơ hội để biết đến sự thiếu thốn các dịch vụ tư vấn đối với những người trong cộng đồng đa văn hóa.
Ms. Dai Le with her mom and siblings
Source: Supplied
“Quan niệm phương tây về việc giúp đỡ những người bị tổn thương vì nghiện cờ bạc là cung cấp cho họ dịch vụ tư vấn trực tiếp hoặc qua mạng, nhưng tôi cho rằng đây là quan niệm xa lạ đối với cộng đồng người Việt – đến gặp tư vấn viên và kể chuyện của mình với họ,” bà Lê nói.

“Bạn không chia sẻ với người lạ, bạn thậm chí còn không nói với gia đình thì làm sao có thể nói với chuyên gia tư vấn.”

Nhưng bà Lê cho rằng một số giải pháp có thể sử dụng để giúp những người di dân có thêm nơi để kết nối với cộng đồng chính mạch, thay vì để công việc đó cho những nơi tổ chức cờ bạc.

Việc thiếu sự đa dạng trong hàng ngũ những người ra quyết định chính phủ, những nhà làm luật và ban điều hành câu lạc bộ cũng là một vấn đề, bà nói, họ hầu như không có nhận thức về vấn đề của những người da màu.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 9 April 2018 12:09pm
Updated 12 August 2022 3:49pm
By Leesha McKenny, Jarni Blakkarly, Hương Lan


Share this with family and friends