Hỗ trợ các ông bố thời gian sau sinh có quan trọng không?

Hành trình làm cha chắc cũng không khác gì hành trình làm mẹ, đôi khi lúng túng, căng thẳng, thậm chí trầm cảm sau sinh và cảm giác đơn độc, và hơn ai hết, các ông bố cũng rất cần đến những sự hỗ trợ để biết cách gắn kết với con cái.

Two sisters and fathers sitting chatting in park

Các ông bố cũng cần có những hoạt động kết nối xã hội và kết nối con cái. Source: Getty Images

Các bà mẹ luôn được ưu ái nhất là khoảng thời gian sinh nở, nhưng nghiên cứu cũng đã chứng minh các ông bố ở thời đại ngày nay cũng rất cần đến các dịch vụ hỗ trợ.

Các dịch vụ hỗ trợ thường chỉ tập trung cho các bà mẹ ...

Tác giả Nicola Health đã kể lại quãng thời gian mới bắt đầu làm mẹ, những khác biệt trước và sau sinh đã khiến bà đôi lúc rất mệt mỏi. Nhưng rất may là còn có những hội nhóm xã hội đã giúp bà cân bằng cuộc sống.

“Khi tôi mới có con gái đầu lòng vài tháng đầu tiên, cảm giác thời gian đối với tôi như dài vô tận và tôi chỉ nhìn thấy một tương lai xám xịt.

“Trước khi có con, tôi thường bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng với một lịch trình gần như chính xác mỗi ngày, thức dậy sau giấc ngủ ngon, một ly café làm tỉnh táo và sẵn sàng cho một ngày mới.

“Giờ đây, tôi lôi thôi với bộ đồ ngủ mãi cho đến giữa trưa, với đôi mắt đờ đẫn, người ngợm lúc nào cũng dính sữa tuôn ra từ bầu ngực.

“Và cũng giống như nhiều bà mẹ khác, tôi đã tham gia một nhóm dành cho các bà mẹ thông qua Trung tâm Sức khỏe Trẻ em (Early Childhood Health Centre). Chúng tôi gặp nhau ở quán café, công viên, và tôi luôn trông đợi để được nhóm họp những lần sau. Tôi có thể hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn, và học từ những kinh nghiệm của các bà mẹ khác, cùng cảm thông và cùng cười, cùng khóc với nhau.

“Chúng tôi gặp nhau thường xuyên suốt 12 tháng, cho đến khi gần như mọi người chấm dứt thời kỳ nghỉ sanh và quay lại làm việc.

“Tôi cũng là một thành viên của một nhóm khác cũng dành cho các bà mẹ trên Facebook. Trong suốt quá trình làm mẹ, tôi được nhận rất nhiều sự hỗ trợ, từ hộ lý, bác sĩ gia đình, y tá, chuyên viên tư vấn về sữa mẹ, các hội nhóm Facebook, trang mạng, và tất nhiên không thể thiếu gia đình, bạn bè, và chồng tôi.”

... trong khi các ông bố ngày càng được kỳ vọng nhiều hơn

Nhưng tình hình đối với các ông bố thì hoàn toàn ngược lại. Trong xã hội hiện đại ngày nay, các ông bố cũng đóng vai trò rất quan trọng và được kỳ vọng phải tham gia vào quá trình làm cha mẹ nhiều hơn, phụ giúp vợ nhiều hơn kể từ ngày đứa trẻ chào đời.

Nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ cha con gắn kết đóng vai trò hết sức quan trọng. Việc thiếu vắng người cha trong những năm đầu đời được chứng minh có liên quan đến bệnh trầm cảm ở những học sinh nữ. Một nghiên cứu khác cũng chứng minh những bé trai có cha làm việc quá nhiều giờ - trên 55 giờ mỗi tuần – thường có những vấn đề về hành vi như hay giận dữ hoặc phạm những tội lặt vặt.

Tuy vậy, các dịch vụ hỗ trợ sinh sản và làm cha mẹ vẫn thường chỉ dành độc quyền cho các bà mẹ.

Các ông bố thường chỉ có 2 tuần nghỉ phép để sắp xếp làm quen với cuộc sống mới khi có con nhỏ trước khi trở lại làm việc.

Quá trình làm cha thường đơn độc, đặc biệt đối với những người bấy lâu nay vốn quen với sự chăm sóc của vợ, giờ bỗng dưng toàn bộ sự chăm sóc ấy đổ dồn sang đứa trẻ. Các bà vợ giờ chỉ còn tâm trí để cho con bú, vắt sữa, chăm con, thậm chí 20% phụ nữ đã bị các triệu chứng trầm cảm sau sinh.

Tuy vậy, đàn ông cũng có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh chẳng khác gì nữ giới. Nghiên cứu cho thấy cứ 10 ông bố lại có 1 người bị trầm cảm trước và sau sinh. Điều này có thể khiến cho người bạn đời cũng bị trầm cảm theo và ảnh hưởng không tốt đến đứa trẻ. Những đứa trẻ này có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi cao gấp 3 lần so với những đứa trẻ khác và nguy cơ bị các triệu chứng tâm lý cao gấp đôi ở tuổi lên 7.

Vậy giải pháp là gì?

Cũng giống như các bà mẹ, các ông bố cũng cần các hội nhóm hỗ trợ.

Anh David Spark sống ở Melbourne cùng với vợ và 2 con, Aaron 5 tuổi và Zac 2 tuổi. Anh đang điều hành một trung tâm tư vấn và đào tạo ngay tại nhà.

Là người chăm sóc chính cho hai cậu con trai, Spark đồng ý với ý kiến quá trình làm cha có thể trở nên rất đơn độc.

Người tự nhận mình là ‘ông bố nội trợ’ này đã tham gia tổ chức , một nhóm dành cho các ông bố do tổ chức YMCA Victoria điều hành. Nhóm này gặp nhau mỗi tháng ở Canterbury, dành cho các ông bố ở mọi giai đoạn làm cha.

“Đây là một môi trường rất riêng biệt, là một cơ hội tuyệt vời cho những ông bố kết nối và thảo luận các vấn đề trong cuộc sống,” Spark nói.

Anh Spark cho rằng DadsLink đã tạo cho các con anh một cơ hội và trải nghiệm mà chúng sẽ không thể có được nếu không có tổ chức này.

“Điều này rất quan trọng,” anh nói, “những đứa trẻ thấy cha của chúng gặp gỡ nhau, làm những việc kết giao bạn bè cũng giống như mẹ chúng làm.”

DadsLink tổ chức dã ngoại mỗi năm 2 lần để các ông bố và những đứa trẻ dành những ngày cuối tuần cùng nhau để chơi lướt sóng, đi bộ trong rừng, hay chơi những trò chơi ngoài trời.

Tuy nhiên Spark cũng nói vẫn chưa có nhiều hội nhóm dành cho các ông bố.

“Các bà mẹ thường biết cách tổ chức và giao tiếp xã hội cũng tốt hơn. Trong khi không có nhiều những ông bố ‘nội trợ’, và họ cũng không chủ động tham gia vào các mối quan hệ xã hội. Các ông bố đôi khi cũng cần bị thúc đẩy một chút.”

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 11 September 2017 7:57pm
By Nicola Heath

Share this with family and friends