Di trú: Di dân được cấp visa vùng tỉnh không được chuyển về thành phố ngay cả khi có PR

Úc có một số loại visa được thiết kế để đem những lao động có tay nghề đến làm việc ở vùng nông thôn, thế nhưng rất nhiều người đã bỏ về thành phố sau khi đã lấy được visa thường trú.

Passport/Visa

Source: SBS News

Theo kế hoạch mới của chính phủ Turnbull, những di dân đến Úc với visa tay nghề bảo lãnh ở vùng tỉnh có thể sẽ phải ở lại tại nơi đó lâu hơn thậm chí sau khi đã có thường trú.

Bộ trưởng Đa văn hóa Alan Tudge trả lời Daily Telegraph rằng ‘nhiều di dân’ không ‘ở lại vùng nông thôn lâu một khi họ lấy được visa thường trú’.

Vấn đề này đã góp phần vào việc thiếu hụt nhân lực tại các vùng nông thôn, Bộ trưởng cho biết.

Nước Úc có một số loại visa dành cho những người muốn đến làm việc ở vùng tỉnh, trong đó có visa 887 (visa tay nghề vùng tỉnh) và 187 (visa chủ nhân bảo lãnh vùng tỉnh).

Năm ngoái, có hơn 184,000 di dân Úc được cấp thường trú, trong đó có gần 12,000 visa vùng tỉnh được cấp.
Những người giữ visa này được yêu cầu phải làm việc ở Úc trong một số năm theo quy định, hoặc được một chủ nhân tại vùng nông thôn bảo lãnh làm việc, và cả hai loại visa này đều có con đường dẫn đến thường trú. Đây cũng là một chính sách khuyến khích những lao động tay nghề đến đây làm việc.

Nhưng một khi có thường trú, những di dân này không còn nghĩa vụ phải ở lại vùng nông thôn.

“Nhiều di dân được bảo lãnh thường trú nhân trên cơ sở họ phải có dự định làm việc và sống tại vùng nông thôn Úc, nhưng không cần phải ở quá lâu một khi có thường trú,” ông Tudge cho biết.

Kế hoạch mới được biết do chính Bộ Nội vụ soạn thảo.

Giám đốc Nha Quan thuế và Biên phòng, Michael Pezzullo, nói với Ủy ban Thượng viện rằng có thể có những thách thức ‘về mặt pháp lý’ liên quan đến việc hạn chế sự tự do đi lại.

Dân biểu đảng Quốc gia kiêm trợ lý Bộ trưởng gia đình David Gillespie nói rằng, các doanh nghiệp ‘rất nản lòng’ khi bảo lãnh những di dân đến làm việc rồi sau đó họ ‘ngay lập tức biến về’ thành phố lớn.

Những chủ nhân ở vùng nông thôn thường cảm thấy ‘bị lừa’ khi mà họ phải trả tiền vé máy bay cho di dân, chỉ để những người này sau đó cũng rời bỏ đi nơi khác.

“Chúng ta có tự do liên hiệp, tự do ngôn luận và tự do đi lại. Nhưng nó cũng khiến người bảo lãnh rất chua chát khi phải bảo lãnh ai đó với hi vọng họ sẽ ở lại cống hiến cho vùng nông thôn, thế rồi họ đi mất ngay khi có cơ hội đầu tiên.”

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 15 May 2018 4:15pm
Updated 15 May 2018 4:59pm
By Hương Lan


Share this with family and friends