Năm Dần, bàn luận về phong cách ‘mẹ Cọp’ nuôi con

Tết ở quê nhà là mùa Xuân, mùa của lộc non và hy vọng. Tết sẽ không là Tết trọn vẹn nếu thiếu vắng sự hiện diện của con trẻ. Tết Nhâm Dần, những người mẹ nhìn ngắm con mình, nhìn lại chính mình, liệu có phần nào trong mình là “mẹ Cọp”…

tiger mum and cube

Source: Waldemar Brandt on Unsplash

Năm 2011, Amy Chua – một giáo sư người Mỹ gốc Hoa đã cho ra đời cuốn Hồi ký mang tên “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” () kể về con đường nuôi dưỡng hai con thành tài của bà bằng cách kiểm soát và áp đặt con trên những chuẩn mực của mẹ. Từ hành trình dạy con hà khắc, Amy Chua đã “đào tạo” cô con gái lớn trở thành một thần đồng dương cầm, còn cô em gái thành một nghệ sĩ vĩ cầm tài năng. Sophia con gái đầu của Amy Chua đã đậu một lúc hai trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ là Havard và Yale.

Theo phương pháp của một “mẹ Cọp”, trẻ phải tuân theo những kỷ luật thép, không được xem tivi, chơi điện tử, tham gia các hoạt động vui chơi tại trường, tụ tập với bạn bè… để đứng đầu trong tất cả các môn học tại trường (trừ môn thể dục và kịch). Nếu không tuân theo, trẻ sẽ phải gánh chịu những hình phạt nặng nề, bị la mắng với ngôn ngữ khiếm nhã, đòn roi và bị cấm ăn uống.

Hình ảnh mẹ Cọp đó... nghe quen, nhưng quen thuộc và phổ biến đến mức nào trong cộng đồng những người mẹ Á châu, và Việt Nam? 

Sau khi sách xuất bản, một làn sóng tranh luận dữ dội trong các bậc phụ huynh dấy lên. Tại Trung Quốc, cuộc tranh luận tập trung vào tính hiệu quả và sự tàn ác của phương pháp này.
Amy Chua, Battle Hymn of the Tiger Mother
Battle Hymn of the Tiger Mother's book cover (L) and the author Amy Chua (R) at the 2012 Time 100 gala. Source: David Shankbone on Flickr
Trong một cuộc khảo sát trên mạng do Trung tâm nghiên cứu Thanh niên Trung Quốc thực hiện sau đó thu hút gần 1800 người tham gia thì có đến 95% cho biết họ có biết những bà mẹ dạy con nghiêm khắc như vậy. Nhiều khảo sát trên các trang mạng cũng cho thấy có nhiều người đồng tình với Chua hơn là chỉ trích, theo quan sát của CNN.

Không có câu trả lời chính xác nếu chỉ nói riêng trong cộng đồng người Việt.

Càng nghèo khó càng dễ xuất hiện mẹ Cọp

Khi nghĩ đến hình ảnh cha mẹ người Việt ở Úc 20 hay 30 năm trước, nhiều người nghĩ ngay đến một kiểu cách rất gần với 'mẹ Cọp', cha mẹ chỉ có một khuôn mẫu, đặt việc học của con lên hàng đầu, dùng quyền lực và áp đặt con phải học theo định hướng của cha mẹ. Theo đó, cha mẹ thành công khi đào tạo con cái thành đạt, nghĩa là phải làm bác sĩ hay luật sư, và đó là con đường duy nhất cha mẹ lựa chọn cho con. Nhưng tại sao hầu hết người châu Á lại quá coi trọng việc học và có tư duy nuôi dạy con hà khắc như vậy? 

Không gì khác hơn là những trải nghiệm nghèo khó và đói ăn kéo dài trong lịch sử đã tạo ra một hay nhiều thế hệ cha mẹ Việt Nam quá đặt nặng việc học lên con trẻ, chị Mai Hoa, tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm tiểu học và mầm non từ Đại học Macquarie, tin như vậy.

"Ngày trước trong sách vở cho thấy đó, trẻ em Việt Nam được tự do đi chơi rong trong những kỳ nghỉ, tha thẩn ngoài đồng hoặc đâu đó. Có vô số những điều kỳ diệu ghi lại trong tâm hồn các trẻ em đó, sau này chia sẻ lại trong văn chương, trong chuyện kể. Ngay cả ở miền Trung cực khổ thì cha mẹ cũng chỉ nói với con là con ráng học đi con để khỏi cực như cha mẹ thì con cái tự nó học, đứa nào không học được thì nghỉ," chị Hoa phân tích. 

"Sau này thì mới có vụ đi học thêm, thì rõ ràng là nhiều trẻ em Việt Nam đã bị tước mất tuổi thơ. Lý do thì tôi nghĩ rằng là cuộc sống bấp bênh quá, học vấn là con đường duy nhất để bảo đảm tương lai – tương lai đây là có cái ăn, không bị đói, và không bị khinh rẻ nên cha mẹ ra sức ép con học."

Theo Tiến sĩ Hồng Vân, đang giảng dạy bộ môn biên phiên dịch tại Western Sydney University, hiện phụ trách tiết mục 'Cùng giữ tiếng Việt' trên đài SBS Việt ngữ, thì chính môi trường văn hóa mà trong đó các bậc làm cha mẹ đã được nuôi dưỡng và lớn lên là lý do khiến "mẹ Cọp" dễ trở thành mẫu số chung, nhưng khi hỏi đến thì... ai cũng không nhận mình là mẹ Cọp.

"Ban đầu thì mình khẳng định, không, mình không phải mẹ Cọp đâu. Nhưng cần phải thành thật, mình nghiêng nhiều hơn về phía "mẹ Cọp" chứ không phải phía ngược lại. Điều này rất dễ hiểu," chị Vân nhìn nhận.

"Văn hóa Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng hay Nho giáo, nên cứ "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Vì mình sinh ra lớn lên ở Việt Nam, được nuôi nấng trong một môi trường như thế, mình là sản phẩm của xã hội đó, nó ăn vào trong máu của mình. Mặc dù mình có đi học ở nước ngoài, được biết đến các phương pháp khác, cũng cố gắng theo, nhưng rất khó để gạt bỏ hoàn toàn tư tưởng rằng mình cần nghiêm khắc với con, mình muốn con làm theo ý mình thế này, thế kia."
Dr Van Tran, teaching Translation and Interpreting at Western Sydney University
Dr Van Tran and her family Source: Supplied
Chị Hà Trang, tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Bắc Kinh, có thời gian nhiều năm sống ở Trung Quốc, nơi được coi là "cái nôi" của "mẹ Cọp"cũng đồng tình với cách lý giải trên.

"Lý do thì nhiều nhưng đầu tiên là vì văn hóa, văn hóa bị ảnh hưởng Nho giáo, đạo Khổng, văn hóa thứ bậc trong xã hội khi mà ông bà bố mẹ luôn là đấng tối thượng, con cái phải kính trên nhường dưới. Khi có sự trao đổi giữa bố mẹ con cái, nếu con cái dám đưa ra ý kiến trái chiều với bố mẹ thì bị cho là hỗn. Nên việc đối xử với con một cách khắc nghiệt, yêu cầu con phải ngoan, phải nghe lời một cách tuyệt đối, thiếu sự kiên nhẫn và chỉ trích nếu con không làm đúng ý mình dễ trở thành chuyện hiển nhiên," chị Trang giải thích.

Chị Trang, hiện là giáo viên dạy tiếng Việt tại Úc, cũng cho rằng chính lối suy nghĩ "học là con đường duy nhất để thoát nghèo" đã hình thành "mẹ Cọp" và lấy đi tuổi thơ của trẻ em, nói rằng, "chính cha mẹ cũng chịu áp lực về tương lai con cái mình, phải nuôi làm sao để con thành tài, để con không khổ như mình".

Đối trọng với mẹ Cọp, mẹ… nào?

Khác với mẹ Cọp - rất kiểm soát thì có một phong cách nuôi dạy con kiểu mẹ gà thả rông – "free range chicken mum/parenting", cách "mẹ Tây" thường nuôi con theo kiểu chăn thả tự do, chú trọng sự trải nghiệm, tính độc lập, khả năng tự giải quyết vấn đề và thích nghi với những rủi ro bên ngoài.

Thuật ngữ này được bắt đầu từ Lenore Skenazy, một nhà báo, diễn giả, blogger, và người dẫn chương trình truyền hình thực tế, khi kể lại câu chuyện đã để con trai 9 tuổi tự tìm đường về nhà trên tàu điện ngầm ở thành phố New York.

Theo Lenore Skenazy thì trẻ nhỏ ngày càng bị theo dõi và quản thúc nhiều hơn, bố mẹ tham gia quá nhiều vào các quyết định của con cái và ngày càng bảo bọc con cái quá đáng. Bà thành lập , một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy tính độc lập và sự dẻo dai của tuổi thơ, là người đồng sáng lập phong trào "" (Trẻ em Tự do), cũng là tên cuốn sách và blog của bà.
Lenore Skenazy, Free-Range Kids book
Free-Range Kids's book cover and the author Lenore Skenazy Source: freerangekids.com
Theo chị Hà Trang, đối trọng với phương thức "mẹ Cọp", không phải là “mẹ Gà” mà chính là “mẹ Sói”. Ngay cả khi đó là một xã hội tự do như nước Mỹ thì Lenore Skenazy chẳng phải được "trao tặng" danh hiệu "Người mẹ tồi tệ nhất nước Mỹ" là gì.

“Mẹ Sói phương Tây” chú trọng đến việc để trẻ tự khám phá bản thân thông qua khám phá thiên nhiên và các hoạt động trải nghiệm. “Mẹ Sói” có những tiêu chuẩn rõ ràng cho con, đối xử với con như một người trưởng thành, vẫn sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật khi cần thiết," chị Trang, một phụ huynh mà SBS Việt ngữ rất hay mời chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong chuyên mục nuôi dạy con, giải thích.

"Ở lối dạy con này, cha mẹ sẽ chọn động viên khi con có những điểm chưa tốt, cân nhắc lựa chọn từ ngữ để tránh làm đứa trẻ bị tổn thương. Phụ huynh luôn khuyến khích con khám phá cái mới, dạy cho trẻ cách chào đón thất bại, đưa ra chỉ dẫn theo từng bước nhỏ đến con đi đúng hướng. Là một đặc tính của lối dạy con dân chủ, cha mẹ nhấn mạnh tính công bằng trong giao tiếp, cởi mở thể hiện tình cảm với con cái kể cả khi chúng lớn. Những điều trên sẽ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, an toàn và tin tưởng hơn."

Bạn làm mẹ kiểu... "con" gì? 

Và ba khách mời đều bật cười, "cho xin được làm con người". Một điều thú vị ở đây là cả ba người mẹ khi được hỏi đều nhìn nhận mỗi đứa con là một cá thể riêng biệt. Họ chọn nhìn vào từng đứa con để tìm ra cách nuôi dạy thích hợp. 

Hà Trang cho biết chị chọn “đồng hành cùng con” chứ không nhận mình đang “nuôi dạy con”. Chị tự nhận mình đang làm mẹ một cách "khá cởi mở".

"Tám năm cùng con, bài học lớn nhất mình học là không được tuyệt đối, nếu mình chọn một phương thức và mình khăng khăng đó là đúng từ đầu đến cuối thì sẽ rất sai lầm. Vừa học hỏi vừa tiếp cận các hình thức nuôi dạy con, đồng hành cùng con, lắng nghe con, quan sát con và sửa chính bản thân mình. "Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình" để làm sao quá trình lớn lên cùng con đó được trọn vẹn niềm vui, từ cả phía con cái và cả phía bố mẹ, đó là đích đến của mình."
Ha Trang Doan Pham
Ha Trang Doan Pham and her family Source: Supplied
Với chị Hồng Vân, con trẻ tựa như cây non, và chị chọn trở thành một "người làm vườn", thay vì “người thợ mộc”. Theo chị, có phương pháp áp dụng tốt với đứa trẻ này nhưng thất bại với đứa trẻ khác. Trong khi con trai lớn của chị, hiền lành, dễ bảo, thì con gái út thứ ba lại bướng bỉnh, ít làm theo định hướng của cha mẹ mà có cá tính riêng. 

“Mình thích cách mà một bài báo mình đọc trước đây ví von: nuôi con theo kiểu người thợ mộc hay theo kiểu người làm vườn. Người thợ mộc gọt giũa đứa trẻ theo cách mình muốn để con đẹp như ý mình muốn. Còn người làm vườn cho con thức ăn, nước uống, ánh sáng và con tự lớn lên trong môi trường đó."

"Cái gì cực đoan cũng có cái hại" là nhận xét của chị Mai Hoa, mẹ của một cô bé đang trong độ tuổi "ẩm ương" mới lớn. Và chị nhận ra, không phải dạy con sao cho con thành công sau này, mà là "điều chỉnh mình" khi ở bên con mới là chuyện khó nhất.

"Cứng rắn quá hay thả lỏng quá đều không tốt. Cứng rắn quá thì cha mẹ biến con mình thành một công dân chỉ biết nghe lời, gột bỏ hết những cá tính đặc sắc của con. Thử nhìn xem theo kiểu Á Đông thì không thể nào có một Madonna hay Lady Gaga, những tính cách đó bị gọt sạch từ trứng nước và chỉ cho ra những công dân rất ngoan ngoãn chăm chỉ nghe lời," chị Hoa chia sẻ những quan sát của mình trong xã hội hôm nay.

"Còn nói là chăn thả tự do, chú trọng sự trải nghiệm thì có lẽ không hoàn toàn là cách cha mẹ phương Tây làm. Thử nhìn vào ví dụ là cách cư xử trên bàn ăn, có lẽ các mẹ Tây không kém gì các bà già xưa của Việt Nam.

"Mỗi người có một cuộc đời, tôi không thể sống cuộc đời con mình và tôi cũng không buộc con tôi thực hiện ước mơ của tôi hay làm như tôi là đúng. Tôi nói với con tôi là con làm bất cứ công việc gì miễn con vui là mẹ vui. Công việc đó đem lại cho con cuộc sống con muốn, giúp ích xã hội và quan trọng là có thời gian cho riêng mình để theo đuổi niềm đam mê của con."

Trái ngọt của việc nuôi dạy con cái là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Bạn nghĩ gì nếu con cái thành công, nhưng xa rời bố mẹ, không gắn bó với gia đình, thậm chí uất hận hoặc quay lưng với chính cha mẹ của mình?

Nuôi con là một hành trình, mà phần lớn các bậc cha mẹ ngày nay đều đồng ý rằng, đích đến là mối dây khắng khít giữa cha mẹ và con cái. Gia đình, cha mẹ luôn  là nơi ấm áp nhất, dù ngoài kia bão giông hay vất vả khổ sở thế nào thì chỉ cần con quay đầu lại, gia đình là nơi bình yên để an trú.

Tiến sĩ Hồng Vân, một người mẹ tuổi Dần, chia sẻ với SBS, với chị, niềm vui trong đời sống gia đình là trên hết.

“Đến được một cách đích bố mẹ và con cái đặt với nhau, nhiều người nghĩ rằng mình có thể hy sinh mọi thứ, con cái có thể không vui vẻ nhưng miễn là con đạt được cái đích bố mẹ muốn. Mình không nghĩ mình là một người mẹ như thế. Mình là người mẹ tuổi hổ đây, nhưng không phải mẹ hổ vì... hổ này có nhiều giấy. Con mình vẫn đang lớn lên, nhỏ nhất 7 và lớn nhất 17, con giữa 13 tuổi. Còn quá sớm để nói mình có thành công không hay thành công là như thế nào. Nhưng với mình, niềm vui của gia đình là quan trọng nhất, cao hơn mọi thứ, thành tựu trong học tập không bằng những niềm vui có được trong đời sống gia đình."

Còn Hà Trang cho rằng, thành công hay không phụ thuộc vào câu trả lời của hai con trai của cô là Subi 7 tuổi và Subo 4 tuổi. Cô cho rằng người làm mẹ cần tinh tế lùi lại phía sau để con có thể tự tin sống của đời chính mình.

“Cuộc đời ấy có vui có buồn. Bố mẹ phải chấp nhận điều đó, cũng như con sẽ có lúc thành công, có lúc thất bại. Thành công của người làm mẹ với mình là làm sao con có sự tin tưởng, có cảm giác thuộc về để con trở về khi con đã lớn. Với mình đó là điều quan trọng.”
Mai Pham, Bachelor of Teaching (Early Childhood Education, birth to 12) Macquarie University
Mai Pham and her family Source: Supplied
Nhìn lại câu chuyện của người dẫn lối cho phương pháp mẹ Cọp, bà Amy Chu, chúng ta không khỏi tiếc nuối cho tuổi thơ của người con gái thứ hai của bà, cô đã bỏ hẳn con đường mẹ đã uốn mình, quyết đi con đường riêng của cô.

Chị Mai Hoa, một nhà giáo dục trẻ nhỏ, chỉ thiết tha rằng, các bậc làm cha mẹ hãy cho con sống của cuộc đời của chính mình.

“Đức Phật là một Hoàng tử bỏ hết cung vàng điện ngọc ông đi tu và Ngài truyền cảm hứng cho hàng tỷ người. Trong số các thiền sinh ở Làng Mai có rất nhiều người là tiến sĩ, bác sĩ rất thành công trong đời nhưng họ bỏ lại sau lưng và chọn đi tu. Công nương Diana ở trong cung điện nhưng có lẽ không ai bất hạnh và buồn bằng bà. Nói vậy để thấy rằng thành công, tiền bạc và danh tiếng cộng sắc đẹp không bảo đảm cho một con người hạnh phúc nếu như họ không được là chính họ”. 

Cho con, giúp con hạnh phúc với điều con chọn và một cách hết sức tự nhiên, con luôn về lại với cha mẹ như bến đỗ an toàn nhất cuộc đời này, là ước mong của hầu hết cha mẹ.


Share
Published 28 January 2022 11:10am
Updated 12 August 2022 2:54pm
By Olivia Nguyen, Trinh Nguyen


Share this with family and friends